|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhTiếc cho một đêm tuyệt diệu 08. 11. 10 - 1:23 pmAZIZ(Soi: Các bạn có thể bấm vào ảnh để xem rõ hơn) Một chuỗi bất ngờ tuyệt diệu chờ đón Soi ở Nhà hát Lớn tối thứ Tư vừa rồi, chỉ ba ngày sau Đẹp Fashion Show. Bất ngờ đầu tiên trong chuỗi bất ngờ đó là: chương trình bắt đầu sớm quá, từ 6h tối, mà thông tin thì gần như không trang web nào đăng tải cả, Soi cứ đinh ninh là như mọi khi các chương trình sẽ bắt đầu lúc 8h, may mà check lại lúc 5h. Chạy trối chết. Xuống xe ở Nhà hát Lớn, trễ 10 phút so với giờ mở màn, đã thấy một loạt các cô gái xinh đẹp mặc váy màu bordeaux đứng dàn hàng tiếp đón từ trước cổng Nhà hát Lớn vào đến tận Đại sảnh. Giá vé chợ đen? Ba trăm nghìn cho vé trên lầu; khi bị chê đắt, các chị phe vé còn “trích dẫn”giá vé ở Đẹp Fashion Show hôm trước để bào chữa (nghe đâu là sáu triệu một cặp!!!). Sau phần phát biểu của hai vị lãnh đạo Hà Nội và vùng Ile-de-France dài khoảng nửa tiếng, với phần dịch thuật xuất sắc kinh hồn của anh thông dịch viên, đèn tắt (lúc nào cái giây phút đèn Nhà hát Lớn mờ đi rồi tắt hẳn với Soi cũng là một giây phút đầy… tiềm năng và hứa hẹn) và show thời trang Việt-Pháp bắt đầu. Làm sao có thể mô-tả-bằng-lời những điều kì diệu xảy ra trong 90 phút tiếp đó? Khi mà người ta hoàn toàn làm cho mình bất ngờ và thật sự là… đo ván hết lần này đến lần khác. Trầm trồ ư? Kinh ngạc ư? Òa lên vỗ tay ư? Không đủ. Chỉ biết ngồi đó, dính vào ghế, mồm hơi há sẵn ra, rồi im lặng mà… nuốt trọn từng phút trên sân khấu. Thời trang liệu đã bao giờ ở đâu được “trình bày” một cách sáng tạo điên rồ đến thế? Một món quà quá sức tuyệt vời của Paris dành cho Hà Nội, vậy mà… Nhà hát Lớn vẫn vắng, khách mời không đến hết, và… có khá nhiều trường hợp bỏ về… đi ăn vì đói. Chỉ còn có thể nói là… vé mời trao thật không đúng chỗ. Ừ thì thời trang, ừ thì quần áo, ừ vẫn là những người mẫu. Nhưng mọi trật tự, mọi hình thức, mọi quy củ “truyền thống” của cái gọi là trình diễn thời trang đều bị đảo lộn hết, để còn sót lại là gì? Là ngỡ ngàng, là vỡ òa, là… gục gặc đầu thán phục. 9 nhà thiết kế, 9 bộ sưu tập, là 9 tác-phẩm-trình diễn hoàn toàn khác biệt, nhưng không hề thấy sự cồng kềnh của những công cụ. Một show diễn muôn màu, nhưng… tối giản. Âm nhạc cho chương trình cũng độc đáo và là “hàng thửa” như thế: được Christophe Chassol sáng tác dành-riêng cho chương trình, là một chuỗi âm thanh nhẹ bỗng, có thể nghe suốt 90 phút ròng mà không biết chán, vừa quen thuộc đến lạ lùng (vì nhạc sĩ đã khéo léo và chu đáo lựa chọn rất nhiều nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như tì bà, đàn tranh, đàn chén – thế nữa cơ đấy!), vừa mới mẻ, thanh thoát. Như một bữa tiệc phong phú khôn cùng nhưng kì lạ thay, không mang lại cho thực khách cảm giác dồn ứ, ớn ngấy, rất “nhẹ”, rất “thanh”, và cũng rất “đủ”. Thứ cảm giác đủ đầy mãnh liệt đến mức làm người khó tính nhất cũng phải bất giác nở một nụ cười mãn nguyện, xuyên suốt. Màn trình diễn đầu tiên, bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Ambrym, đến từ Pháp. Với ý tưởng xuyên suốt dựa trên nghệ thuật rối bóng của Pháp, đạo diễn tài ba Fanny de Chaillé cho toàn bộ người mẫu và diễn viên mặc trang phục đen trùm kín người, để người xem không còn chú ý gì đến khuôn mặt của họ nữa, để họ chỉ thực sự “xuất hiện” cùng với trang phục họ mặc, để tôn vinh trang phục đó. Bộ sưu tập thứ hai, của hãng thời trang trẻ em nổi tiếng Charabia (nhưng được trình diễn bởi những người-mẫu-người-lớn). Tưng bừng, nghịch ngợm, tung tóe sắc màu. Họ bước ra trên những sàn-catwalk-bằng-ánh-sáng đặt ngang sân khấu, trình diễn cho một đám đông tưởng tượng nào đó hai bên cánh gà. Để rồi mãi cuối cùng, họ mới “phát hiện” ra đám khán giả kỳ lạ ngồi dưới, và tuôn luôn xuống khỏi sân khấu để trình diễn cho đám khán giả bị bỏ quên kia, xem như để “tạ lỗi”. Bộ sưu tập trang phục nam duy nhất của đêm diễn, của Dormeuil, với một sàn catwalk tối giản được tạo dựng bởi ánh sáng lấp lóa và một tấm màn che màu đen duy nhất. Màn hé, họ diễn, họ “pose” những tư thế đầy “nam tính”, hơi giống tập thể hình (nghĩ mà thương cho nam giới và áp lực lúc nào cũng phải tỏ ra… nam tính của họ); màn khép, họ rút vào hậu trường. Đỉnh cao của bộ sưu tập là một bộ trang phục được mặc… ngược hoàn toàn từ trước ra sau, và dĩ nhiên, người mẫu cũng phải đi và biểu diễn… giật lùi. Bộ sưu tập diêm dúa nhất của đêm diễn thuộc về Hoàng Hải Elie, với những mẫu trang phục dạ hội đủ khiến mọi cô gái thỏa ước mơ trở thành Cinderella (miễn là mặc vừa). Bồng bềnh, tỏa rạng, cứ thả sức tung mình vào cổ tích. Đã mơ ước thì không cần tiết chế hay… khiêm tốn mà làm gì. Một trong những bộ sưu tập đẹp nhất của đêm, cả về trang phục lẫn ý tưởng trình diễn – là những bộ áo dài của Sỹ Hoàng, chia làm hai phần riêng biệt: áo dài dành cho các cô bé, và áo dài dành cho những cô không còn bé nữa. Các cô bé trong những trang phục như những tấm toan vẽ sặc sỡ nhất mà những nét cọ tuổi thơ mang lại, thỏa thích sử dụng những màu cơ bản (trẻ con có gì vẽ nấy, chúng nó chưa cần biết đến pha màu), ríu rít như bầy chim sâu trên sân khấu. Chúng quây thành một vòng đồng dao và nhảy điệu valse với “bạn nhảy” là những chiếc áo dài khác. Còn đây là những chiếc áo dài của các quý cô, đài các, cao sang đến mức… đứng một mình cũng sang. Một nữ diễn viên trong một chiếc áo dài trắng đơn giản múa bên dưới, như một nghi thức tôn giáo, tôn thờ những chiếc áo uy nghiêm. Chả trách mà người ta nói “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Và các bạn đoán xem giữa Sĩ Hoàng trẻ-con và Sĩ Hoàng người-lớn là show diễn của ai? Chính là “yếu tố bất ngờ” của DFS9 hôm nọ, Đỗ Mạnh Cường, cũng với bộ sưu tập Mây của anh, chỉ có điều không phải Hà Anh, Xuân Lan, Hoàng Yến, Trúc Diễm hay Vũ Thu Phương, mà là những cô rối bóng khoác lên người. Không hề vì thế mà giảm đi một miligam bồng bềnh nào cả, không hề. Nhà thiết kế Việt Nam cuối cùng tham dự chương trình là Kelly Bùi. Không móng ngựa, lần này là… mũ kiếm đạo Nhật Bản đi kèm với những trang phục hiện đại, mạnh mẽ. Và ngược với Ambrym, những “người” khoác lên mình trang phục của Lê Hà đã trở thành chủ-rối mà chẳng cần dây điều khiển – các chú rối đen ngoan ngoãn rập khuôn từng bước đi, điệu bộ của các nàng. Bộ sưu tập khép lại chương trình là của Christophe Josse, một cái kết không thể hoàn hảo hơn. “Sàn” là một dải sáng duy nhất trên sân khấu. Đơn giản, màu sắc trang nhã, mà đẹp đến độ khán giả lần đầu tiên phải ồ lên vỗ tay đơn giản chỉ vì sự xuất hiện của một bộ váy (ngoài ra còn gì khác đâu), vì vẻ trắng thuần khiết, vì chất liệu nhẹ như mơ, và bay lượn hơn cả khói mây. Món tráng miệng không thể nhẹ nhàng hơn. Bao nhiêu tâm, trí, công và sức như vậy, chỉ để biểu diễn một đêm duy nhất vào một giờ… dang dở cho một nhóm người rất nhỏ (hạn chế hơn cả DFS), thế nên, chỉ vì cái lẽ được có mặt bên trong Nhà hát Lớn hôm ấy mà trong suốt và mãi sau buổi diễn, Soi ở lì trong một trạng thái ngẩn ngơ vì thấy mình sao may mắn quá. Rồi, chỉ biết thốt lên là: quà sinh nhật của Paris dành cho Hà Nội, “chất” quá đi thôi Hà Nội ơi! Ý kiến - Thảo luận
7:43
Sunday,14.11.2010
Đăng bởi:
đinh công đạt
7:43
Sunday,14.11.2010
Đăng bởi:
đinh công đạt
khổ thân Soi
ít được xem cái gì tử tế quá! mới có tí tí mà đã rú lên thế ngộ nhỡ được xem siêu show thời trang thì ngất à? chịu khó xem nhiều tí đi, không đi được thì xem băng
14:37
Tuesday,9.11.2010
Đăng bởi:
Pham Quốc Trung
bài viết của bạn rất nhẹ nhàng và... thú vị. Những ai không được xem mà lại đọc bài này hẳn sẽ tiếc rẻ và ghen tị với bạn đấy. Xin chúc mừng và mong bạn có nhiều bài mới để đọc và lại... tiếc hùi hụi.
...xem tiếp
14:37
Tuesday,9.11.2010
Đăng bởi:
Pham Quốc Trung
bài viết của bạn rất nhẹ nhàng và... thú vị. Những ai không được xem mà lại đọc bài này hẳn sẽ tiếc rẻ và ghen tị với bạn đấy. Xin chúc mừng và mong bạn có nhiều bài mới để đọc và lại... tiếc hùi hụi.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
ít được xem cái gì tử tế quá!
mới có tí tí mà đã rú lên thế ngộ nhỡ được xem siêu show thời trang thì ngất à? chịu khó xem nhiều tí đi, không đi được thì xem băng
...xem tiếp