Ở Đâu - Làm Gì

Phải xem: 50 tác phẩm đặc sắc trong bộ sưu tập của Nguyễn Minh 18. 10. 15 - 3:43 pm

Thông tin từ BTC

.

.

Từ ngày 19.10.2015 đến ngày 23.10.2015
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Khai mạc lúc 18h00 Thứ Hai, ngày 19.10.2015

ACCAviet trân trọng giới thiệu triển lãm “Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác”. Đây là triển lãm nghệ thuật giới thiệu hơn 50 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc từ các nghệ sỹ thành danh của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sau đó. Các tác phẩm của triển lãm thuộc sở hữu sưu tập tư nhân của nhà sưu tập Nguyễn Minh.

Bộ sưu tập hội họa Việt Nam hiện đại của Nguyễn Minh với gần 200 tác phẩm, rất đáng xem và trân trọng bởi sự nhạy cảm văn hóa và mức độ đầu tư đáng kể, nhất là nhiều tác phẩm được ông mua về từ các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế. Ít nhất thì thời gian này ông đã làm được cái việc “Châu về Hợp phố”. 

Cơ may của các nhà sưu tập có thể nói là trời cho khi họ cách này hay cách khác đến với nghệ sỹ và các tác phẩm nghệ thuật, mặt khác họ cũng là những nhà kinh doanh giỏi để có thể đầu tư vào nghệ thuật, khi nước ta thị trường nghệ thuật còn hết sức non trẻ.

Lê Thị Lựu, “Người phụ nữ ở Pyrenees”, chưa rõ năm sáng tác. Sơn dầu, 40.5 × 32.5cm

Nguyễn Minh xuất phát từ truyền thống chơi đồ cổ trong gia đình, riêng bộ sưu tập đồ cổ của ông cũng giá trị, và sau này, khi là bạn của những người con ông Đức Minh (Bùi Đình Thản), Nguyễn Minh được coi là người đầu tiên mua được một số tác phẩm từ sưu tập Đức Minh khi bộ sưu tập đó tan vỡ.

Lê Phổ, “Điểm tâm”. Chưa rõ năm sáng tác. Sơn dầu, 81.3 × 99cm

Trong những năm gần đây, khi ý thức được ý nghĩa và giá trị của sưu tập nghệ thuật, Nguyễn Minh chuyển sang một hướng khác là tham gia các phiên đấu giá quốc tế. Từ đó, ông bắt đầu đem về nước nhiều tác phẩm nghệ thuật từ giới thiệu của các hãng Christie’s, Sotheby’s, và các nhà đấu giá khác khác. Số phận của các tác phẩm chắc còn long đong nhiều, bởi khả năng lưu giữ có hạn của tất cả các nhà sưu tập Việt Nam, cho nên, bất kỳ lúc nào, việc giới thiệu được các tác phẩm nghệ thuật quý, cũng là cơ hội tốt cho công chúng yêu nghệ thuật và dịp để đánh giá vai trò của nghệ thuật đối với văn hóa xã hội.

Trần Duy, “Đình nhà Mạc”, 1998, Lụa, 38 × 56.8cm

Bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào trải qua những cuộc chiến tranh quá dài và sự phức tạp về chính trị của các chính thể, thì văn hóa rất ít cơ may, mặc dù nó chính là động lực sống còn của quốc gia dân tộc ấy. Việt Nam chính là đất nước có bối cảnh văn hóa như thế. Từ cuối thế kỷ 19, là thời của chính quyền thực dân Pháp cai trị và sự bất lực của triều đình phong kiến, và những cuộc khởi nghĩa Văn thân yêu nước. Nửa đầu thế kỷ 20, là những cuộc đấu tranh yêu nước của nhiều tổ chức, đảng phái, cuối cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đất nước chia cắt thành hai miền tới hơn 20 năm, từ 1954 – 1975, và một cuộc tái hợp gian nan. Rồi thời Bao cấp, phục hồi hậu chiến, thời Mở cửa và kinh tế thị trường… suốt một trăm năm của thế kỷ 20, nền văn hóa Việt Nam, như hệt bà mẹ trong chiến tranh, dành dụm nuôi con, chăm bẵm và giành phần thiệt thòi về mình. Nhiều đình đền chùa bị phá hủy, nhiều cổ vật bị tiêu tan, buôn bán và chạy ra nước ngoài, nhiều văn nghệ sỹ thất cơ lỡ vận, sau cùng là nhiều tác phẩm của họ phiêu bạt. Việc chúng được lưu giữ trong các sưu tập cho đến ngày hôm nay, thì có thể nói, trước tiên vì chúng có giá trị thức tỉnh con người, và những người thức tỉnh đã bằng cách này hay cách khác gìn giữ chúng, trong những điều kiện gần như không thể.

Phan Thông, “Phong trào hợp tác xã Đại Phong”, 1961. Màu nước và mực Nho trên giấy, 79 × 31.3cm

 Mỗi bộ sưu tập tốt đều có thể là một diện mạo văn hóa nghệ thuật theo cách của nó, và vì vậy bộ sưu tập của Nguyễn Minh cũng có thể nói là Hội họa Việt Nam – Một diện mạo khác. Đây cũng là tên quyển sách nghiên cứu về hơn 200 tác phẩm nghệ thuật đang được lưu giữ trong sưu tập, thực hiện bởi nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và cộng sự trong 2 năm vừa qua. Ấn phẩm đặc biệt này sẽ được ra mắt công chúng vào ngày Khai mạc triển lãm.

Triển lãm này đã nhận được sự giúp đỡ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Nhà tổ chức sự kiện nghệ thuật ACCAviet, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các nghệ sỹ. Chúng tôi chân thành cảm ơn.

Vũ Cao Đàm, “Chuyện trò”, 1977. Sơn dầu, 45.1 × 36.8cm


THÔNG TIN THÊM VỀ NHÀ SƯU TẬP VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC

Nguyễn Minh, nhà sưu tập

Khởi nguồn từ sưu tập cổ vật, thư họa và nghệ thuật, Nguyễn Minh là một trong những nhà sưu tập văn hóa & nghệ thuật hiếm hoi ở Hà Nội hiện nay. Bộ sưu tập nghệ thuật hiện tại của Nguyễn Minh lưu giữ hơn 200 tác phẩm trải dài qua nhiều giai đoạn từ thời kỳ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thời chiến tranh, Bao cấp và giai đoạn Đổi mới, kéo dài từ những năm 1940 – 1990 thế kỷ 20. Nghệ sỹ có tác phẩm trong sưu tập Nguyễn Minh bao gồm nhiều thế hệ thành danh của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Trọng Kiệm, Trần Duy, Nguyễn Dung, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, và nhiều người khác.

Phạm Hậu, “Phong cảnh nông thôn”, 1941. Sơn mài, 29.3 × 19.3cm


ACCAviet

Là một nhóm các Nhà tổ chức và Curator độc lập tại Hà Nội, hoạt động với chức năng tổ chức các triển lãm, sự kiện và hoạt động nghệ thuật cho nghệ sỹ trong nước và quốc tế có mong muốn được thực hiện tại Việt Nam.

ACCAviet tìm kiếm sự hợp tác, trao đổi, đối thoại và kết nối với các nghệ sỹ và Curator độc lập khác, cùng các nhóm, tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước nhằm đem đến nhiều cơ hội cho nghệ sỹ, làm phong phú các hoạt động nghệ thuật trong nước, để từ đó thúc đẩy sự phát triển của hoàn cảnh văn hóa nghệ thuật hiện tại.

Bìa sách về triển lãm

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:         

Nguyễn Minh, nhà sưu tập
Email:                     nguyenminhpdp@yahoo.com
Mobile:                   090 568 8868
Địa chỉ:                   Gallery Minh Kim,
23A Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.

Nguyễn Anh Tuấn, ACCAviet
Email:                      accaviet@gmail.com
Mobile:                   091 215 0841

 

Ý kiến - Thảo luận

19:17 Wednesday,28.10.2015 Đăng bởi:  BOSS
Lê Phổ trong tiếng Pháp (Francaise) thì không có nghĩa gì cả nhưng từ Le pho thì có nghĩa là món Phở/Phử Vietnamien...
...xem tiếp
19:17 Wednesday,28.10.2015 Đăng bởi:  BOSS
Lê Phổ trong tiếng Pháp (Francaise) thì không có nghĩa gì cả nhưng từ Le pho thì có nghĩa là món Phở/Phử Vietnamien... 
17:10 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  Madame
Bài review cho sự kiện này rất khó viết, vì buổi khai mạc chứa đầy những bí ẩn và bí mật. Nhân vật chính thì quan hệ rộng trải dài từ giới cựu sưu tập đồ cổ đến các đại gia trẻ mới chơi tranh hiện tại. Nên ta thấy một đoàn những trung niên béo tốt hóm hỉnh đồng hồ vàng chủ cửa hàng bên cạnh đôi gộc xì gà trầm tư nợ xấu khu đô thị, người đẹp de
...xem tiếp
17:10 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  Madame
Bài review cho sự kiện này rất khó viết, vì buổi khai mạc chứa đầy những bí ẩn và bí mật. Nhân vật chính thì quan hệ rộng trải dài từ giới cựu sưu tập đồ cổ đến các đại gia trẻ mới chơi tranh hiện tại. Nên ta thấy một đoàn những trung niên béo tốt hóm hỉnh đồng hồ vàng chủ cửa hàng bên cạnh đôi gộc xì gà trầm tư nợ xấu khu đô thị, người đẹp dealer chân dài lảng vảng bên cạnh đầu nậu già móp mép, cò đất kiêm cò tranh ria dài như Dali lượn lờ quanh chủ hãng bia cỏ đang mua điên mua hăng...thật ghê răng ! Điềm tĩnh và duyên dáng có con gái danh hoạ Mai văn Hiến đứng nói chuyện với cô chủ salon tranh mô đéc. Băm bổ và hùng hổ có anh C phát biểu trước đái bào, gầm gào và đố kỵ mấy sưu tập già bĩu mỏ dèm pha nhau, diều hâu cú vọ đôi ba chàng nhân viên ngân hàng mới tập toẹ đầu tư tranh xăm xoi giá cả, nhăn nhó đau khổ một chị răng vổ trót mua nhầm đồ fake- đến xem mới tự thám tử luận được ra... Thật là một hội chợ phù hoa hiếm có !
Bộ tranh này mang đến một diện mạo mới của sưu tập tranh mét: sang, Pháp , và đậm chất đầu tư. Do số lượng bộ tam Phổ Thứ Đàm chiếm đa phần và áp đảo. Còn về hai bộ tứ trụ kia thì thua xa một số danh thủ nữa. Anh Nguyễn Minh vẫn quá oách, so với hình dung của không ít người trong nghề . Chúc mừng anh, với tất cả lòng khâm phục và thấu hiểu của một đàn em. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả