Gẫm & Bình

Chuyện cũ (bài 2): Cần coi nhân dân như cha mẹ 23. 10. 15 - 7:34 am

Trịnh Lữ chép lại

(Tiếp theo bài 1)

Trịnh Hữu Ngọc, “Vịnh Hạ Long” 1953

Khi dạy học, bố Ngọc thường làm cho mỗi học sinh một folder riêng. Bài vở và ý kiến qua lại giữa thày với trò đều viết ra giấy và để vào hồ sơ ấy, chứ không phải thư gửi riêng cho nhau qua bưu điện. Cũng có cái thư của trò sau khi ra trường gửi thầy thì nhận được qua bưu điện, nhận rồi bố lại cất vào hồ sơ.

Đây là một ví dụ trao đổi thư từ giữa thày và trò.

Thư thầy gửi trò:

Em P.,

Em tiếp thu tốt, ghi chép có hệ thống, viết có mạch lạc, ý thức phê phán phân tách khá sắc bén. Em chịu khó tập luyện theo phương pháp khoa học mới thế nào cũng đạt.

Thày có mấy nhận xét sau đây, nhắc em để em nhớ mà giữ một thái độ sống, một thái độ lao động ngoan lành hơn.

1. Em mắc cái bệnh chung của rất nhiều người hiện nay, là thích nghĩ đến “giáo dục nhân dân”, chê nhân dân kém văn minh, thiếu mỹ cảm, sống bừa bãi, vân vân… tuy tuổi em thì còn nhỏ, tài em chưa có gì, hiểu biêt về cuộc sống còn ít ỏi nghèo nàn, và sự ăn học của em hiện nay là do nhân dân đài thọ.

2. Em chưa được hướng dẫn giảng giải về trình độ thẩm mỹ rất cao của nhân dân ta qua các công trình lao động nghệ thuật. Em chỉ mới nghe một số người chê bai trên cơ sở một số vốn vay mượn thật sơ sài về nghệ thuật. Rồi em cứ thế nhắc lại một cách không có phê phán. Thày rất tiếc cho sự thông minh của em chưa được khai thác đúng đắn. Em nên thận trọng, và nhớ là phải có thái độ hiếu hạnh ngoan lành đối với nhân dân, coi nhân dân như cha mẹ, học hỏi nhân dân trên mọi mặt, thông cảm với nhân dân cả trên điều kiện ăn ở bừa bãi luộm thuộm hiện nay.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dùng xe đạp mini đi vẽ trong Hà Nội.

3. Em chỉ có một mục đích, là tập luyện cho vững nghề, để biết làm ra những đồ dùng đẹp, tốt, rẻ, mai đây khi tất cả con em công nông đều có trình độ văn hóa cao, sự đòi hỏi hồ dùng tốt đẹp tự nhiên sẽ đến. Nếu em có đủ tài đáp ứng kịp thời, là em tự nhiên sẽ góp phần đắc lực vào cuộc cách mạng văn hóa mà em từng ao ước với ý thức “mệnh lệnh” ngày nay.

4. Ý ao ước những đồ kết hợp của em cũng thế. Em mới chỉ xem mẫu hàng ngoại quốc. Nghe nói đến sự áp dụng tiện lợi vào cuộc sống chật hẹp và nghe nhiều người xung quanh em ca tụng tác dụng tốt của những hàng ấy. Em chưa rõ thực tế cuộc sống hiện nay ở ta có thật sự cần đến, và có khả năng tiêu thụ những hàng sản xuất với nhiều công như thế không? Cho nên không có gì đáng sợ bằng sự hiểu biết mơ hồ. Vậy từ nay em nên thận trọng cân nhắc họi hỏi mọi vấn đề một cách thông minh hơn.

5. Em cần tập vẽ tốt hơn, làm việc với ý thức cầu tiến hơn.

Tháng 6. 1963

Ảnh chụp năm 1920 ở trường tiểu học Bắc Giang. Trịnh Hữu Ngọc ngồi hàng đầu bên phải. Khi xem ảnh, chẳng ai đoán được là ai, trừ cháu nội ông là Trịnh Minh Tuệ, lúc ấy mới 10 tuổi. Cháu bảo “Con đoán chỉ có người ấy là ông, vì vẻ mặt và dáng điệu chẳng giống ai. Bố cứ nhìn mà xem, chỉ có ông là bắt chân chữ ngũ như đang mải nghĩ chuyện gì chứ không để ý đến chụp ảnh. Mũ thì lại là mũ phớt chả giống như các bạn, mà lại để dưới đất…” Xin cảm ơn anh Nam chị Thơm đã lưu giữ và tặng lại cho gia đình bức ảnh hiếm có này.

*

Còn đây là thư của người trò gửi thày:

Kính thưa thày.

Em đã về nhận công tác ở đây được một tháng. Công việc cũng tạm ổn. Em đang thiết kế mẫu cho phòng khách của tỉnh ủy. Xa các thấy, cũng có phần nào bí, nhưng dù sao em cũng không chịu bằng lòng những mẫu mà người ta thích. Gặp nhiều khó khăn nhưng em đã chịu đựng được và dần dần sống dễ chịu hơn. Mai kia có lẽ em sẽ về nông thôn một thời gian khá dài để nghiên cứu.

Em đã lĩnh tháng lương đầu, lòng không khỏi bồi hồi xúc động; tuy số tiền kiếm được chẳng là bao nhiêu nhưng em sung sướng là đã có việc làm và đã thật sự tự lập. Em biết ơn rất nhiều ở các thày, cả những thầy mà không ưa em, em cũng rất nhớ. Em chỉ biết gắng làm thật tốt những công việc, tìm tòi và yêu nghề.

Em gửi biếu thày một ít bánh đậu xanh của Hải Dương. Món quà mà nhắc đến Hải Dương ai cũng nghĩ tới. Thầy nhận ở em món quà nhỏ và tấm lòng thành thực biết ơn của em đối với thày, và thày cũng dự vui với em tháng lương đầu trong cuộc đời của một đứa học trò thày.

Em kính chúc thày và gia đình mạnh khỏe.

Học trò thày,

P.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

7:44 Friday,23.10.2015 Đăng bởi:  Candid
Loạt bài rất hay, cám ơn Soi đã giới thiệu.
...xem tiếp
7:44 Friday,23.10.2015 Đăng bởi:  Candid
Loạt bài rất hay, cám ơn Soi đã giới thiệu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả