Văn & Chữ

Hỏi đáp về “Bạch lộ” và “Buổi sáng”: 1996 hay 2003? 21. 10. 15 - 8:32 pm

Luật Bất Vi

 

Minh hoạ từ trang này

Nước ta quả là một cường quốc thơ. Cả tuần nay toàn hừng hực bàn về thơ, nhân có tranh cãi giữa “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư với “Buổi sáng” của P.N. Thường Đoan.

Chuyện nào rồi cũng sẽ qua. Cứt trâu để lâu sợ hóa bùn, vậy xin lưu lại câu chuyện này cho cứt trâu được mãi là cứt trâu.

Tóm tắt (bạn nào đã thuộc thì có thể bỏ qua phần này):

–    Vào đầu tháng 10. 2015, Phan Huyền Thư vừa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho tập thơ “Sẹo độc lập”, xuất bản năm 2014

–    Ngay lập tức, nhà thơ Hà Quang Minh phát hiện ra bài “Bạch lộ” trong tập có nội dung gần như giống hệt bài “Buổi sáng” của P.N Thường Đoan in trong tập “Đếm cát” từ cách đây 12 năm (tức 2003) và đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.

–    Phan Huyền Thư, trong cuộc điện đàm với chị Thường Đoan, đã yêu cầu Thường Đoan im lặng giúp một thời gian rồi sẽ gặp để giải quyết.

–    Tuy nhiên ở một diễn đàn khác, Huyền Thư cho biết bài thơ này cô chỉ đăng sau chứ không phải viết sau.

–    Bực mình, P.N Thường Đoan cho công bố phát hiện của Hà Quang Minh với các báo. Đồng thời nhà thơ Thường Đoan yêu cầu Huyền Thư phải xin lỗi độc giả

–    Nhân dân ồn ào sao thì ta đã biết.

–    Huyền Thư đáp trả, cho biết bài thơ này cô làm từ 1996, từng gửi báo hải ngoại nhưng không rõ có đăng không, bản thảo chép tay cô đang nhờ người tìm lại. Cô kể lại cả một lai lịch khai sinh ra bài thơ này. Có nghĩa là cô không đạo.

–    Ngày 20. 10. 2015, Hội Nhà văn Hà Nội họp để nghe Huyền Thư giải trình, nhưng cô vắng mặt, chỉ gửi đến một cái thư, trong đó cô xin lỗi mọi người, xin lỗi chị Thường Đoan, xin rút giải thưởng, nhưng vẫn khẳng định bài thơ “Bạch lộ” là có từ 1996, chỉ là trùng hợp với bài của chị Thường Đoan, và cô đang trên đường nhờ tìm lại bằng chứng.

–    Hội Nhà văn Hà Nội quyết định thu hồi giải thưởng thơ của Huyền Thư.

–    Nhà văn Nguyễn Quang Thiều hôm 21. 10, trên VNN có nói, rút giải thưởng thơ của Huyền Thư như thế là chưa hợp lý, vì chưa chứng minh được ai đạo thơ ai, cần có phân xử mang tính pháp lý, thí dụ tòa án, giám định bằng chứng một khi cô Huyền Thư cung cấp.

–    Nhà thơ P.N Thường Đoan cho biết, chị không chấp nhận lời xin lỗi của Phan Huyền Thư, một khi Huyền Thư vẫn không thừa nhận đã đạo thơ của chị. Đặc biệt là khi có bài báo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chị thấy cần phải đi tới cùng.

Hí họa của Leunig

*

Sau đây là những câu hỏi xin được đặt ra và lời dự đoán:

1.    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rút giải thưởng của Huyền Thư lúc này là “không hợp tình hợp lý” thì có đúng không?

Đúng. Vì theo báo Nhân Dân, cơ quan phát ngôn chính thống, “dựa trên xác minh của BCH Hội và những chứng cứ mà các báo, dư luận và những người liên quan đưa ra, BCH Hội Nhà văn Hà Nội vẫn quyết định thu hồi giải thưởng văn học năm 2015 tặng cho tập thơ ‘Sẹo độc lập’.”

Như thế, BCH Hội cần cho biết chứng cứ mà báo, dư luận, và những người liên quan là chứng cứ gì? Chứng cứ ấy có tính pháp lý không? Nếu đó là chứng cứ liên quan đến việc đạo thơ thì chứng cứ đó đã được chính tòa án hoặc đương sự bị tố đạo thơ thừa nhận chưa?

Chừng nào chưa có những loại chứng cứ và thừa nhận như thế, việc xác định đạo thơ vẫn chưa thể là một khẳng định để có thể rút giải thưởng thơ của Phan Huyền Thư.

2.    Trong trường hợp này, chị P.N Thường Đoan đã có bài thơ in từ 2003 trong một tập thơ, còn bài thơ của Phan Huyền Thư (giống hệt) lại in sau 11 năm. Như vậy đã đủ là chứng cứ rồi còn gì?

Chị P.N Thường Đoan chưa đăng ký sở hữu trí tuệ bài thơ này. Việc tranh chấp quyền tác giả bài thơ này do đó sẽ phải dựa vào các chứng cứ “đọc được bằng mắt” từ cả hai phía.

Các tài liệu này được coi là chứng cứ nếu hoặc là bản chính, hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Như vậy bản gốc của bản thảo cũng là một chứng cứ. Thí dụ anh viết một bài thơ, anh để trong ngăn kéo. Người yêu anh đến chơi nhà nhân lúc anh đi toilet thì chép tay và 5 năm sau bỏ nhau, cô ấy đăng và nói là thơ của cô ấy. Anh còn giữ bản thảo chép tay này, anh có thể coi là chứng cứ để chứng minh đây là thơ anh.

Minh họa từ trang này

3.    Trong trường hợp này cô Phan Huyền Thư nói cô viết bài thơ từ 1996 và có người ở nước ngoài giữ bản thảo gốc. Đó có phải là một chứng cứ không?

Đó chính là một loại chứng cứ, nhưng cần phải giám định.

Và vì chứng cứ này theo cô Huyền Thư là giao cho một người ở nước ngoài giữ bản gốc, nên theo luật, “khi việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án sẽ làm thủ tục ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo điều ước quốc tế mà nước đó và Việt Nam là thành viên…” Nếu thua kiện, người thua kiện sẽ phải trả toàn bộ chi phí ủy thác này.

Ngoài ra, vì bản thảo này được cô Huyền Thư giao cho người ở nước ngoài giữ, nên người này có thể sẽ được Tòa án triệu tập để lấy lời khai về sự việc ngày trước (nếu có).

4.    Với loại chứng cứ là bản thảo viết tay này, làm sao loại trừ được khả năng đương sự sẽ làm một bản viết tay giả?

Loại chứng cứ này sẽ cần phải có giám định chứng cứ để xác định độ chân thật. Bạn yên tâm là việc giám định này rất dễ dàng và chính xác. Chỉ cần xác định tuổi mực, đo độ thấm mực, độ lão hóa của mực trên giấy, bằng các phương pháp của khoa học hình sự như sắc ký khí-khối phổ (GC/MS), sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao (HPTLC), quang phổ hấp thụ hồng ngoại khai triển chuỗi Fourier (FTIR), quang phổ Raman là biết được ngay văn bản đó được viết tay vào lúc nào.

5.    Nếu không tin tưởng kết quả giám định chứng cứ thì sao?

Thì người đề nghị có thể đề nghị giám định ở một cơ quan độc lập khác, ở nước ngoài chẳng hạn. Nếu thua kiện, người bị kiện sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc này.

6.    Cô Huyền Thư nói đang nhờ người bên nước ngoài tìm lại bản thảo. Trường hợp bản thảo đó thất lạc hoặc người kia không nhớ ra, hoặc không hề có bản thảo đó thì sao?

Theo luật Việt Nam, nếu đương sự mà “không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ ấy”. Có nghĩa là, nếu ra tòa mà trong tình trạng như bạn giả thiết, cô Huyền Thư sẽ phải chấp nhận thua kiện vì “không có” bằng chứng cho những điều mình nói.

Minh họa từ trang này

7.    Ai có thể khởi kiện vụ kiện này? Bản chất của vụ kiện này là gì?

Nhà thơ P.N Thường Đoan là người có thể khởi kiện vụ kiện này. Bản chất là vụ kiện vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền nhân thân (về nhân phẩm và uy tín).

8.    Nhưng nếu vì không có bằng chứng nên thua kiện, cô Huyền Thư vẫn luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng cô vẫn là người làm bài thơ này từ năm 1996, trước cả P.N Thường Đoan làm. Như vậy vô ích quá, có nên kiện nữa không?

Rất nên.

Thứ nhất là như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói, là để có cơ sở pháp lý cho việc rút một giải thưởng của một tổ chức hội đoàn chính thống.

Thứ hai, bản án và kết luận bản án sẽ đi vào hồ sơ, không ai có thể đảo ngược được sau này, một khi những người cùng thời đã chết, đã lú lẫn.

Thứ ba, kết luận của bản án sẽ phục hồi được danh dự hoàn toàn cho một bên, giải thoát khỏi từ “nghi án” sẽ đeo đuổi cả đời.

9.    Còn nếu cô Phan Huyền Thư có được bằng chứng, và thắng kiện?

Thì chúng ta xin lỗi cô ấy.

10. Vậy bây giờ, khi tòa chưa phân xử mà các báo dùng chữ  ‘đạo thơ” cho Phan Huyền Thư thì có sai không?

Không. Vì các báo vẫn chỉ dùng chữ “nghi án”. Tuy nhiên thái độ của truyền thông ngả về lên án Huyền Thư vì những bằng chứng gián tiếp sau về logic:

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói, đây là một bài thơ chứ không phải là hai bài do mức độ giống nhau quá cao, và không thể có chuyện trùng lắp vô tình như Phan Huyền Thư nói. Nếu còn bám vào lý thuyết vô tình giống nhau thì đã chẳng có luật bản quyền ở đây, và đã không có các vụ kiện về quyền tác giả, bởi cái gì cũng có thể lấp liếm là “vô tình giống nhau”. Cho nên ở đây chỉ có khả năng người này đạo của người kia.

Nhưng:

– Phan Huyền Thư là một người có nhiều mối quan hệ, lại làm việc trong cả ngành âm nhạc, nếu một bài thơ của cô bị người khác lấy rồi được phổ nhạc thì gần như chắc chắn sau hơn 10 năm cô phải biết. Đặc biệt là cô có chơi với người nhạc sĩ phổ nhạc bài hát ấy.

– Nếu Phan Huyền Thư biết bài thơ của mình đã có người đạo, chắc chắn cô đã làm ầm lên. Vì cá tính của cô là với chuyện bản quyền của một người khác không liên quan đến cô mà cô còn làm ầm lên, nữa là thơ của cô bị đạo

– Phan Huyền Thư nếu biết thơ của mình bị đạo thì đã không phải gọi điện cho P.N Thường Đoan, nhờ chị im lặng hộ một thời gian, và còn định bay vào Sài Gòn để giải quyết

– Nếu đây là thơ của Phan Huyền Thư, cô ấy đã không phải khóa FB, đã không phải xin lỗi ai cả

– Và đặc biệt, nếu đây là thơ của Phan Huyền Thư, cô ấy đã không tự rút khỏi giải thưởng.

– Cuối cùng, Phan Huyền Thư có tiền căn “đạo” mà báo chí đã từng nói.

*

Sắp tới chúng tôi sẽ có bài hỏi đáp về việc đăng ký tác quyền: “Có phải đăng ký rồi thì đạo cũng thành không đạo?

Ý kiến - Thảo luận

10:33 Sunday,25.10.2015 Đăng bởi:  Hai Cai Lậy
Qua sự việc này ngu tôi phát hiện ra: nhà thơ khác người thường ở chỗ nhà thơ thì gọi là "đạo" còn người thường thì gọi cử chỉ ấy là "ăn cắp". Nghe ra khác nhau đấy chứ !
...xem tiếp
10:33 Sunday,25.10.2015 Đăng bởi:  Hai Cai Lậy
Qua sự việc này ngu tôi phát hiện ra: nhà thơ khác người thường ở chỗ nhà thơ thì gọi là "đạo" còn người thường thì gọi cử chỉ ấy là "ăn cắp". Nghe ra khác nhau đấy chứ ! 
18:31 Friday,23.10.2015 Đăng bởi:  admin
@ Kiều Quý: phần cmt không add được hình bạn ơi. Bạn có thể gửi hình đó về cho Soi ở hộp thư soihouse@yahoo.com.vn và Soi sẽ tìm cách khác đưa lên cho bạn.
...xem tiếp
18:31 Friday,23.10.2015 Đăng bởi:  admin
@ Kiều Quý: phần cmt không add được hình bạn ơi. Bạn có thể gửi hình đó về cho Soi ở hộp thư soihouse@yahoo.com.vn và Soi sẽ tìm cách khác đưa lên cho bạn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả