Nhiếp ảnh

Asher Svidensky chụp Ưng Bộ ngư phủ trên sông Ly 06. 02. 16 - 7:58 am

Hoàng Lan st và dịch

Nhiều năm trước, vào thế kỷ 16, nhà họ Hoàng đã đem nghệ thuật đánh cá “Yin-Bou” (Ưng Bộ) độc nhất vô nhị đến vùng sông Ly, thuộc làng Hưng Bình ở miền Nam Trung Quốc. Tại đây, ngư phủ dùng chim cốc (dịch từ tên tiếng Hán là ‘lô tư’) để bắt cá từ dưới sông.

Khung cảnh sông Ly

Có bốn kĩ thuật đánh bắt cá bằng chim cốc:

Wang Bou – Dùng lưới lớn để vây quanh khu vực săn mồi chim và chặn không cho cá thoát.

Tam Bou – Nhại giọng hót để gọi chim đi săn và kêu chim về, kĩ thuật này là khó nhất và hiếm ai luyện thành công.

Tuan Bou – Huấn luyện chim đuổi cá bơi vòng quanh đến khi cá đuối sức, sau đó ngư phủ chỉ việc vớt cá lên.

Yu Khuo – Dùng đèn để điều khiển chim, thường tiến hành sau khi mặt trời lặn hoặc trước bình minh.

Người ngư phủ đang dùng kĩ thuật Yu Khuo để điều khiển chim cốc bằng đèn

Tôi chụp ảnh ông cụ 75 tuổi Hoàng Nguyệt Minh – người đã đánh cá trên sông Ly lúc mới 15 tuổi kiêm bậc thầy của kĩ thuật “Yu-Khuo”. Ông dùng một chiếc đèn dầu cũ để điều khiển lũ chim và thu thập số cá chúng bắt được.

Cụ Nguyệt Minh cầm chiếc đèn dầu cũ

 

Cụ Hoàng Nguyệt Minh

Theo truyền thống, những ngư dân này sẽ sống trong nhà nổi ngay trên con sông Ly, họ hiếm khi đặt chân lên đất liền, chủ yếu du cư dọc con sông cùng đàn cá – lênh đênh theo nguồn sống của mình. Họ sẽ dành một phần cá bắt được mỗi ngày để đổi lấy nhu yếu phẩm từ những dân làng khác. Như lời họ nói: chẳng cần dùng đến tiền bạc khi sống trên sông.

Vào thời xưa, hầu hết các ngư phủ đều có hơn 10 chú chim trên thuyền đánh cá của mình, tất cả đều do chính tay họ nuôi lớn từ trong trứng nước cho đến khi  chúng trở thành những chú chim săn cá điêu luyện. Một số dòng dõi chim cốc đã chung sống với cả hệ gia đình đến tận hàng trăm năm.

Chim cốc

Cụ Nguyệt Minh (ngư dân 75 tuổi) cho biết:

“Tôi đã bắt cá bằng chim cốc trong rất nhiều năm; thời còn nhỏ lũ chim là bạn tôi. Mỗi sáng tôi đều hỏi xem chúng ngủ có ngon không và mỗi tối tôi đều cầu cho chúng có những giấc mơ đẹp…”

Sau Cách mạng Văn hóa hồi những năm 1980 tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều ngư dân đến sông Ly để đánh bắt thủy sản. Họ dùng những chiếc thuyền đánh cá công nghiệp lớn, có thể để gom gần hết cá chỉ trong một ngày, khiến hầu hết ngư dân Ưng Bộ phải bỏ nghề.

Cá do chim cốc bắt được

“… Dòng nước chuyển đen và cá không lớn nổi. Mất kế sinh nhai, chúng tôi phải tìm cách khác để kiếm sống và nuôi gia đình. Cứ như thế, một hôm tôi chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc bán những chú chim của mình… Tôi vẫn còn nhớ mãi sáng hôm đó, khi tôi phải bán những người bạn của mình, anh có tưởng tượng nổi việc phải bán bạn bè mình không?”

Ngày nay, hầu hết các hộ ngư dân đều đã rời vùng sông Ly và chuyển đến những thành phố lớn để có một cuộc sống hiện đại khác. Những ngư dân lão làng của thuật bắt cá bằng chim – như ông Nguyệt Minh – là những người cuối cùng còn theo nghề. Họ kiếm sống bằng cách phô diễn kĩ thuật xưa cho khách du lịch xem, thuyền của họ như một bảo tàng nổi nhỏ nhoi. Và khi con cháu đến thăm, họ sẽ giải khuây với những mẩu chuyện đánh cá từ thời trước và dẫn mấy đứa cháu đi chơi thuyền trên sông.

Ông Nguyệt Minh dẫn cháu đi chơi thuyền trên sông

Khi tôi mới đến làng Hưng Bình, tôi muốn ghi lại cuộc sống của các ngư dân Ưng Bộ trong thời hiện đại. Một trong những ý định của tôi là tiếp tục công việc mình đã bắt đầu trong lúc thực hiện dự án Thợ săn bằng đại bàng tại Mông Cổ; lúc ấy tôi đã quyết định chụp “thế hệ tương lai” của cái nghề truyền thống cổ xưa này. Tôi cũng muốn chụp bộ ảnh như thế về các ngư dân Ưng Bô của ngôi làng Hưng Bình ngày nay.

Cháu ông Nguyệt Minh

Song thật đáng buồn, khi đến vùng bờ sông Ly và trò chuyện với ngư phủ, tôi mới biết rằng sẽ không có ai kế nghiệp nghệ thuật bắt cá Ưng Bộ nữa. Các ngư dân và gia đình họ đều mong muốn con cháu mình theo đuổi lối sống mới tại đất nước Trung Quốc hiện đại đang phát triển như vũ bão. Hiện nay nghề này gần như chỉ còn dùng để phục vụ khách du lịch.

Và cứ thế, nhiều du khách đến và đi, dòng sông ngày càng đen, cá thì ngày càng khó kiếm và cái nhìn hiếm hoi vào một thế giới cổ xưa giản đơn – nơi con người và thiên nhiên cùng cộng tác với nhau một cách hài hòa – đã gần như biến mất hoàn toàn. Phai mờ dần thành những chiếc bóng giữa đời sống hiện đại.

.

 

.

 

.

Ý kiến - Thảo luận

11:38 Saturday,6.2.2016 Đăng bởi:  zsdrkguh
Trước mình cũng xem video bắt cá trên youtube, đúng là không thể tin nổi. Bạn nào chưa xem thì có link:
https://www.youtube.com/watch?v=JNEplaYZtpI
...xem tiếp
11:38 Saturday,6.2.2016 Đăng bởi:  zsdrkguh
Trước mình cũng xem video bắt cá trên youtube, đúng là không thể tin nổi. Bạn nào chưa xem thì có link:
https://www.youtube.com/watch?v=JNEplaYZtpI 
11:23 Saturday,6.2.2016 Đăng bởi:  LC
Nhớ tới con Phượng hoàng máy chứ
...xem tiếp
11:23 Saturday,6.2.2016 Đăng bởi:  LC
Nhớ tới con Phượng hoàng máy chứ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả