Điện ảnh

Uống “một ly vodka martini không lắc” có tên gọi Spectre 07. 11. 15 - 4:45 pm

Không Không Tám

Một bộ phim gần với Ian Fleming nhất…

Là một tín đồ của điệp viên 007 James Bond, nghe nói các rạp bắt đầu trình chiếu Spectre, tập mới nhất của series phim về điệp viên này, tôi vội ra rạp mua ngay vé xem trong ngày trình chiếu đầu tiên ở Việt Nam, 6-11. Vào rạp thấy đều đã kín chỗ. Hú vía, nếu ra quầy vé sát giờ suất chiếu thì có lẽ đã không thể mua được, ít nhất phải đợi đến suất sau, hay sau nữa.

.

Trong khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ (khá dài với thời lượng trung bình của một bộ phim James Bond), Spectre, bộ phim thứ 24 trong loạt phim về James Bond đủ khả năng ấn người xem dính chặt vào ghế với những phân đoạn hành động nghẹt thở, thỉnh thoảng lại giúp giảm nhiệt bằng những lời thoại hài hước được chau chuốt kỹ và – điều này không thể thiếu trong phim James Bond – những cảnh nóng giữa 007 với các Bond Girl. Tuy nhiên, không rõ bản chiếu ở Việt Nam có bị cắt những cảnh nóng rẫy hay không, nhưng xem những màn cụp lạc trong Spectre, tôi thấy cái dấu đỏ Phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi mà cô bán bán vé cẩn thận đóng lên cái vé của tôi có vẻ không cần thiết lắm!

Kịch bản của Spectre khá cổ điển: xoay quanh cuộc đấu giữa James Bond (Daniel Craig) với tên cầm đầu (Franz Oberhauser, do diễn viên từng đoạt hai Oscar Christoph Waltz thủ vai) của một tổ chức hắc ám có tên là Spectre, chính là tên phim. Những ai từng xem tập 007 trước phim này là Tử địa Skyfall sẽ thấy có một mối liên hệ lỏng lẻo giữa hai phim, khi cuối tập trước, bà M. (Judi Dench), người đứng đầu Cơ quan tình báo hải ngoại Anh MI6, sau 7 bộ phim 007, đã bị kẻ thù giết chết; trước khi chết, bà M. để lại cho James một manh mối để James lần theo và thế là đủ cho các đường dây để Spectre có thể triển khai trong hai tiếng rưỡi đồng hồ!

Franz Oberhauser – người trong bóng tối

Khác với nhiều tập phim khác về 007 trong thời gian gần đây với James Bond mang nhiều dáng dấp của người hùng cơ bắp Mỹ dùng máy móc để đánh nhau hơi bị nhiều, Spectre là bộ phim gần với chất Ian Fleming hơn cả. Trong bộ trang phục lịch lãm, Daniel Craig mắt xanh quyến rũ không phải đánh đâu thắng đấy, trái lại bị kẻ thù tẩn cho lên bờ xuống ruộng, nhiều lúc bị ném vào vách như như con búp bê bằng vải!

Kẻ thủ ác Franz Oberhauser có gương mặt rất “Nga”, là người tự giới thiệu mình với Bond là: “tác giả của mọi nỗi đau nhà mày”. Hình từ trang này

Được tình báo Anh cấp “giấy phép giết người” chu du khắp thế giới, “đồ chơi” quen thuộc của James do điệp viên kỹ thuật Q. (tài tử đồng tính Ben Whisaw thủ vai) cung cấp vẫn là chiếc xe hơi dòng Aston Martin quen thuộc phiên bản mới, với những tính năng không có gì mới: chống đạn, xả khí độc, nhắm bắn xe kẻ thù đuổi phía sau, ghế phi công giúp James có thể bung dù để thoát hiểm…

Daniel Craig bước ra khỏi một chiếc Aston Martin DB10 trong lúc quay phim ‘Spectre’ ở Rome. Hình từ trang này

Trong phim, James cũng không xài khẩu súng nào có tính năng đặc biệt mà đơn giản chỉ là một khẩu SIG P226 nòng 9 ly đạn thường có thể giúp James bắn hạ cả trực thăng! Là khách hàng quảng cáo quen thuộc cho các hãng đồng hồ, phim 007 Spectre cũng không thể thiếu một chiếc đồng hồ: Q. cấp cho James Bond một chiếc “có tiếng chuông to khác thường”, tức là vừa để xem giờ vừa có tính năng của một quả bom. Cái đồng hồ này đã giúp James và cô bạn gái có thể thoát hiểm trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc và như thế, một cái đồng hồ đã cứu cả thế giới!

… nhưng mang hơi hướng của Edward Snowden

Có lẽ những người sản xuất Spectre chắc chắn không muốn bộ phim thứ 24 về điệp viên James Bond chỉ giới hạn ở motif quen thuộc “người tốt chống kẻ xấu” hay những màn đánh đấm ác liệt, phô diễn kỹ thuật tối tân, bởi nếu thế thì khó mà hút khán giả, vốn đã bội thực với các phim hành động Hollywood khác. Spectre đề cập một vấn đề cũ như trái đất nhưng mới hơn hẳn kể từ khi điệp viên Edward Snowden xuất hiện kín các trang báo trên thế giới: vấn đề nghe lén mang cấp độ toàn cầu.

Trong phim, James Bond cùng sếp mới M. và anh chàng Q. vấp phải một băn khoăn mang tính lưỡng lự nhị nguyên: làm thế nào để có thể dung hòa giữa chuyện bảo đảm an ninh quốc gia thông qua mạng lưới nghe lén rộng rãi, với những tiêu chí căn bản của hai chữ “dân chủ” mà ở đây là quyền riêng tư bất khả xâm phạm của người dân?

Q. – đeo kính – người cung cấp toàn đồ chơi độc cho James Bond. Hình từ trang này

Có vẻ như các tác giả của phim nghiêng về yếu tố bảo đảm quyền riêng tư khi mà nhân vật C., người ủng hộ việc sử dụng các thiết bị công nghệ do thám hiện đại thay cho chương trình gián điệp sử dụng con người cổ lỗ 00 (mã số của những điệp viên hiện trường như James Bond), bị coi là nhân vật phản diện.

Sự cập nhật mang tính thời sự của Spectre có lẽ sẽ khiến cho những khán giả quan tâm đến thế sự cảm thấy câu chuyện gắn với những vấn đề của ngày hôm nay mà quên đi những tình tiết vô lý đầy rẫy trong phim, giống như trong bất cứ một bộ phim James Bond nào từ trước đến nay. Thậm chí, Spectre cũng còn “đi sau” so với những gì diễn ra trong đời thực: chương trình liên kết nghe lén do thám Cửu Nhãn (tức Chín Mắt) trong phim thật ra đã có một mô hình thực tế mà cộng đồng tình báo thế giới không lạ gì, là chương trình chia sẻ thông tin do thám điện tử lâu nay của năm cơ quan tình báo hàng đầu trên thế giới Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand mang mật danh Five Eyes!

.

Vẻ đẹp Anh!

Tài tử mặt lạnh 47 tuổi Daniel Craig, người từng tuyên bố thà cắt cổ tay còn hơn đóng tiếp vai điệp viên 007 sau phim này, vẫn có một màn trình diễn hấp dẫn, cho dù những bước chạy và đòn thế của James không còn được mạnh mẽ như xưa nữa sau 9 năm chinh chiến với vai James Bond. Ít nhất thì Daniel cũng đã để lại một vai diễn gần với hình mẫu James Bond của Ian Fleming nhất, không chỉ ở vẻ lịch sử trang nhã và “một ly vodka martini không lắc”, mà còn ở tính hành động nhất quan mang tính cổ điển: lần theo đầu mối, truy sát kẻ thù và lên giường cùng các người đẹp.

Spectre có hai Bond Girl. Một là Lucia Sciarra, vợ của một sát thủ bị James Bond thanh toán, do Monica Bellucci thủ vai. Đây là Bond Girl già nhất trong số các Bond Girl – 50 tuổi – nhưng vẫn đủ hấp dẫn James Bond.

Monica Bellucci và Craig trong một cảnh quay ở Rome, Ý. Hình từ trang này 

Bond Girl thứ hai, Madeleine Swann, do minh tinh người Pháp Lea Seydoux hóa thân, là con gái của một kẻ thù khác của James Bond. Cô này có vẻ ngoài giống nữ diễn viên Hollywood Scarrlett Johansson như con cùng cha khác mẹ nhưng độ sexy không bằng; bù lại, Lea Seydoux có lối diễn chừng mực, không quá đàng điếm như nhiều Bond Girl khác.

Lea Seydoux. Hình từ trang này

Cả hai Bond Girl đều có ít đất diễn trong phim này ngoài việc hỗ trợ trong một vài tình tiết hành động của James Bond. Nhiệm vụ chính của họ có lẽ là để minh họa cho một khuynh hướng mới trong đời sống tình dục của James Bond: thay vì ngủ với kẻ thù như trong nhiều phim trước đây, bây giờ James Bond chỉ ngủ với người thân của kẻ thù!

Monica Bellucci và Lea Seydoux. Hình từ trang này

Spectre là bộ phim 007 thứ hai do Sam Mendes đạo diễn. Vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar với phim hài chính kịch Vẻ đẹp Mỹ đã không bị hụt hơi so với phim trước Tử địa Skyfall, cho dù nếu xem hai phim, có người sẽ nhận xét Tử địa Skyfall nhiều tính hành động hơn.

Riêng tôi thì thích Spectre hơn bởi tính cổ điển gần gũi với những phim cổ điển về điệp viên 007 cùng những vấn đề thời sự mà nó đặt ra. Với phim này, Sam Mendes, người Anh, đã tạo ra một vẻ đẹp Anh cho phim hành động James Bond mà không quá Mỹ như nhiều phim trước đây. Spectre là một ly vodka martini không lắc, chứ không phải là những ly cocktail điệu đàng cầu kỳ nhiều màu sắc. Dường như cả Daniel Craig lẫn Sam Mendes đều xác định làm Spectre như thể đây là bộ phim cuối cùng của họ về điệp viên 007 và vì thế, nên đã rút ruột để cho ra những cú máy và trường đoạn có thể sẽ đi vào kho tàng kinh điển của đại cảnh phim hành động. Màn rượt đuổi và đánh tay bo giữa James với kẻ thù của mình trong lễ hội Vong linh ở Mexico City ngay đầu phim là một minh chứng…

Đánh nhau dưới đất với Franz Oberhauser không đủ, phải đánh nhau cả trên trời. Hình từ trang này

Lần nào xem James Bond ra, bên tai cũng nghe trái ngược kẻ chê dở, người khen hay. Nhưng lần nào trong tôi cũng có một cảm giác thỏa mãn rất “đàn ông”, bởi James Bond hình như đã thực hiện giúp nhiều đàn ông trên hành tinh này những đầu mục sau: có võ, có tiền, có tình, có tự do, có người khác công nhận, và kết cục là không chết.

Mà thật ra, hay hay không, như lời của James Bond nói trong phim, “đó chỉ là chuyện quan điểm mà thôi”.

Ý kiến - Thảo luận

17:04 Monday,9.11.2015 Đăng bởi:  Quỳnh Vy
Thân gởi bạn @Sương và bạn @Không Không Tám

Chít dzồi.
Hông lẽ bỏ tiền mua vé đi coi lại lần nữa để ngồi từ đầu tới cuối phim rồi đếm kỹ lại. hihi

Thôi vậy phí lắm.
Để dành tiền lần sau đi coi phim "Em là bà nội của anh"
Phim này làm lại từ phim Ms. Granny của Hàn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh của VN mình đó.
...xem tiếp
17:04 Monday,9.11.2015 Đăng bởi:  Quỳnh Vy
Thân gởi bạn @Sương và bạn @Không Không Tám

Chít dzồi.
Hông lẽ bỏ tiền mua vé đi coi lại lần nữa để ngồi từ đầu tới cuối phim rồi đếm kỹ lại. hihi

Thôi vậy phí lắm.
Để dành tiền lần sau đi coi phim "Em là bà nội của anh"
Phim này làm lại từ phim Ms. Granny của Hàn. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh của VN mình đó. 
16:54 Monday,9.11.2015 Đăng bởi:  Không Không Tám
Chắc tôi ngủ quên qua đoạn đó rồi. Tiếc quá trời!
...xem tiếp
16:54 Monday,9.11.2015 Đăng bởi:  Không Không Tám
Chắc tôi ngủ quên qua đoạn đó rồi. Tiếc quá trời! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả