Nhiếp ảnh

Lawrence D’Attilio dùng kỹ thuật truyền thống và mực khó phai màu để chụp “Tâm hồn Việt Nam” 21. 11. 15 - 3:18 pm

Thông tin từ BTC

“TÂM HỒN VIỆT NAM”
Triển lãm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ Lawrence D’Attilio
Từ ngày 22. 11. 2015 đến ngày 13. 12. 2015

Khai mạc: 15h ngày 22. 11. 2015 (Chủ nhật)
Tại Không gian Work Room 4, tòa nhà Packexim, tháp 1, tầng 24, số 49, ngõ 15, đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội.

.

Đây là lần thứ năm, triển lãm thuộc dự án nhiếp ảnh Tâm hồn Việt Nam của nghệ sĩ người Mỹ đa tài, Lawrence D’Attilio, được giới thiệu tới công chúng Việt Nam và Mỹ. Hai triển lãm đầu tiên lần lượt diễn ra trong năm 2008 tại Studio Thọ và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hai triển lãm tiếp theo được tổ chức bởi Tamarack Gallery (Madison, bang Wisconsin, Mỹ, giám tuyển John Riggs, năm 2012) và Bảo tàng Vịnh Gulf (The Museum of the Gulf Coast, bang Texas, Mỹ, năm 2014).

Triển lãm giới thiệu 35 sáng tác chọn lọc từ hàng ngàn bức hình ông thực hiện trong thời gian 2007 – 2015, trong đó, ông có mỗi năm từ 3 đến 6 tháng sinh sống ở Việt Nam. Ba chủ đề chính trong triển lãm lần này là phong cảnh, nhân vật và khoảnh khắc khác biệt, bày tỏ cảm xúc và cách nhìn của nghệ sĩ về một đất nước đang đổi thay nhanh chóng, một đất nước của nguồn năng lượng vô biên với những hình ảnh đại diện là người phụ nữ có vẻ ngoài bình thường song ẩn chứa một sức sống vô cùng mãnh liệt và khác biệt.

“Nụ cười nhờ cá”, 2009

Các bức ảnh được biên tập lại trên máy tính song không bị can thiệp nhiều, được in với số lượng giới hạn ngay tại studio của ông ở Mỹ, có ghi số thứ tự, trên chất liệu giấy chuyên biệt, đem lại hiệu ứng thẩm mỹ tốt nhất cho từng tác phẩm.

Nghệ sĩ Lawrence D’Attilio và nhóm Work Room Four trân trọng giới thiệu đến quý vị triển lãm Tâm hồn Việt Nam, với 35 bức ảnh hoàn toàn theo kỹ thuật cổ điển. Đây là điều bất ngờ thú vị bởi nó được diễn ra ngay sau triển lãm Những phụ nữ toàn cầu mới (từ 1 – 14/11/2015, Heritage Space, Hà Nội), trưng bày các tác phẩm thử nghiệm nhiếp ảnh và đồ họa vi tính, với ý niệm khai phá những căng thẳng của người phụ nữ Việt Nam trước áp lực sống mới.

“Mọc lên từ đất”, 2012

Khi sử dụng phương pháp của nhiếp ảnh truyền thống, thách thức lớn nhất đối với Lawrence D’Attilio là làm sao thoát khỏi những khung hình của một tay máy du lịch hoặc bưu thiếp lưu niệm. Những khuôn hình đẹp, nuột nà song hoàn toàn có thể tương tự như vô vàn hình ảnh của người chụp khác. Nhờ vào sự háo hức của một kẻ tò mò, sự chân thành và tinh tế của một trái tim giàu trải nghiệm, Lawrence D’Attilio có vẻ đã vượt qua thử thách này một cách nhẹ nhàng. Ông rút ngắn được con đường kết giao với người và cảnh trí Việt Nam thông qua thái độ đồng cảm sâu sắc dành cho miền đất này. Nhân một dự án hỗ trợ vay vốn nhỏ để phát triển đời sống ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, mà ông trực tiếp điều hành, ông đã học được những câu chuyện về cuộc sống và thái độ sống của người Việt Nam, nhất là người phụ nữ. Sự mạnh mẽ, can đảm đối diện khó khăn và đạo đức của họ trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Họ ít nhiều làm thay đổi con người ông và truyền cảm hứng cho các thành viên khác trong gia đình ông, cùng đến và gắn bó với Việt Nam.

“Sông bên cầu Long Biên”, 2015

Những chi tiết, mảng màu đối lập, những khoảnh khắc khó có thể ngờ được đọng lại trong ống kính nhiếp ảnh đã giúp người nghệ sĩ bày tỏ được nhiều điều bên trong tâm hồn ông cũng như bên ngoài từng khuôn hình. Như ông viết: “... Trở lại với ý tưởng về tâm hồn của một đất nước, có thể đó là nơi để tôi bộc lộ chính tâm hồn mình trong khi nỗ lực để hiểu ngọn nguồn của những gì tôi đã trải nghiệm thông qua nhiếp ảnh. Tôi không dám bình luận gì thêm về điều này bởi chính tôi cũng đang nghi ngờ liệu mình có thể hiểu được bên trong con người mình nữa hay không… Dù vậy, tôi có thể nói rằng, 9 năm qua, đất nước các bạn đã làm sâu sắc, phong phú hơn tâm hồn tôi. Cuộc sống Việt Nam đã định nghĩa lại tôi theo cách mà tôi không thể ngờ trước khi tôi đến đây lần đầu tiên, năm 2006.”

“Sau giờ học (Hạ Long)”, 2015

*

Tự bạch của nghệ sĩ về triển lãm “Tâm hồn Việt Nam

“Có thể định nghĩa tâm hồn của một đất nước theo cách nào? Đó có lẽ là việc bất khả?

“Niềm vui là đây”, 2015

“Những miền đất rộng lớn, một thiên lịch sử, một dân tộc với những con người rất đỗi đặc biệt, thật khó để có thể miêu tả họ chỉ trong một vài tính từ thông thường. Song, chúng ta cũng có thể đưa ra một vài gợi ý với cách hiểu của riêng mỗi người về tâm hồn của đất nước này. Tôi muốn thể hiện cách hiểu của riêng tôi về Tâm hồn Việt Nam thông qua chính cái tên của triển lãm, chỉ là của riêng tôi mà thôi, một người phương Tây với nhiều hạn chế.

“Đi mua sắm”, 2014

“Những hình ảnh trong triển lãm có thể khiến người Việt Nam quan tâm bởi họ thấy được cách mà một người nước ngoài trải đời như tôi chọn và nhìn về các cạnh khía khác nhau của đất nước họ. Hi vọng là họ có thể phản hồi lại cho tôi về những bức hình hoàn toàn khác biệt với nhau trong triển lãm này. Và điều này có lẽ cũng là hi vọng của tôi với công chúng người nước ngoài. Thế là tốt cho họ.

“Sắp đặt”, 2007

“Sau cùng, tôi không tin là cách nhìn của tôi có tí chút khách quan nào, như cách mà một phóng viên ảnh thích làm ra vẻ là mình có được. Những gì tôi quan tâm là hoàn cảnh và khoảnh khắc đánh thức nhận thức của tôi về sức mạnh của đất nước này trong khi tôi ý thức được rõ ràng các thử thách mà Việt Nam đang phải đối diện. Điều này giúp tôi trở thành một nhà nhiếp ảnh bình luận xã hội hơn là chỉ như một phóng viên.

“Kim Hạnh hút thuốc”, 2009

“Để chụp các bức ảnh này, tôi chọn kỹ thuật truyền thống cùng một sự chỉnh sửa hoàn toàn đơn giản, cổ điển, không khác gì cả thế kỷ rưỡi trước đây khi nhiếp ảnh mới ra đời. Song, ở góc độ của một nghệ sĩ, tôi thích tiềm năng của một hình ảnh nhiếp ảnh với khía cạnh là nó có thể làm sai lệch đi điều mà con người thường nghĩ họ đã thấy được trong chính bức ảnh đó. Chiếc máy ảnh, với ống kính hai chiều, với phổ màu giới hạn, và sự tương phản được cô nén lại, sẽ chẳng thể nhìn thấy được những gì mà con người cho là đúng. Ống kính nhiếp ảnh bóp méo cái sự thật hình ảnh mà mắt người thấy được. Một cái máy ảnh thường chỉ nắm bắt được một phần giây cái hình ảnh trước mắt trong khi bộ não chúng ta cùng lúc đó đã có thể nắm bắt được rất nhiều điểm và hợp lại thành một bức ảnh hoàn chỉnh. Từ hướng nghĩ này, tôi cảm thấy mình không có nghĩa vụ phải tạo ra những hình ảnh mà có khả năng trùng hợp với dự đoán của người xem.

“Khoảng sân”, 2007

 

“Cố gắng đầu tiên”, 2012

“Thay vào đó, tôi muốn nói là những hình ảnh này thể hiện cảm xúc bên trong tôi cũng như nhận thức của tôi từ những gì tôi thấy, tôi cảm nhận được và có ý muốn thể hiện.

“Lòng trắc ẩn của con trẻ”, 2012

“Nhiều trong số những bức hình ở đây được in chỉ trong khoảng hai tháng trước, tại studio của tôi ở Mỹ, với chiếc máy in Canon cỡ lớn và đời mới nhất, model IPF 8400. Chiếc máy này dùng 12 màu mực có pha phẩm nhuộm. Loại mực như vậy sẽ rất khó phai màu, cho dù qua hàng trăm năm và có thể giúp tạo nên một phổ màu bão hòa phong phú hơn, không giống như các dòng máy đời trước của Canon, Epson, Hewlett Packard. Tôi còn sử dụng 5 chất liệu in khác bao gồm ba loại giấy mỹ thuật được làm từ 100% cotton, vải lanh bán trong suốt và phim hoàn toàn trong suốt.

“(Màu) Cam”, 2009

“Hiện ở Việt Nam, các cửa hàng nhiếp ảnh cho hay là việc in phóng ảnh ngày càng giảm sút, có lẽ chỉ trừ việc in ảnh cưới, nguyên do là bởi sự xuất hiện của máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và facebook. Nhưng với tôi, việc ngắm ảnh qua các phương tiện đó sẽ không thể giúp ta cảm nhận được đủ đầy sự sáng tạo của một nhà nhiếp ảnh. Một tác phẩm nghệ thuật sẽ không trọn vẹn nếu chỉ được nhìn ngắm qua mấy cái màn hình. Nó cần được cảm nhận qua sự hiện hữu vật chất của chính nó, thứ mà không một cái màn hình dù cỡ lớn đến mấy, có thể chuyên chở được. Ta cần in ảnh là vì thế. Có đáng ngạc nhiên không khi cho dù ta có ngàn vạn lần ngắm nàng Mona Lisa qua màn hình tivi, máy tính, ta vẫn muốn một lần được nhìn thấy nàng ngoài đời, ở Paris? 

“Ngày của họ / Their Day”, 2015

“Quay trở lại với ý tưởng về tâm hồn của một đất nước, có thể đó là nơi để tôi bộc lộ chính tâm hồn mình trong khi nỗ lực để hiểu ngọn nguồn của những gì tôi đã trải nghiệm thông qua nhiếp ảnh. Tôi không dám bình luận gì thêm về điều này bởi chính tôi cũng đang nghi ngờ liệu mình có thể hiểu được chính bên trong con người mình nữa hay không… Dù vậy, tôi có thể nói rằng, 9 năm qua, đất nước các bạn đã làm sâu sắc, phong phú hơn tâm hồn tôi. Cuộc sống Việt Nam đã định nghĩa lại tôi theo cách mà tôi không thể ngờ trước khi tôi đến đây lần đầu tiên, năm 2006. Vì vậy, mỗi lần triển lãm là một lần, bản ngã của tôi được diễn dịch lại, thể hiện khác đi và đó chính là điểm khác biệt. Và cuối cùng, tôi muốn nói cảm ơn đến rất nhiều người Việt Nam đã dành cho tôi sự chào đón thịnh tình không giới hạn.”

“Thông điệp lịch sử”, 2015

Nghệ sĩ Lawrence D’Attilio và nhóm Work Room Four mong chờ được chào đón nhiều công chúng Việt Nam đến với triển lãm này, cùng chia sẻ và kiếm tìm một định nghĩa cho riêng mình về Tâm hồn Việt Nam.

“Bờ biển là cuộc sống”, 2015

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Chị Lê Hồng Kỳ
Quản lý của D’Attilio Studio tại Việt Nam
T: 01684329379/ E: hongkyle2607@gmail.com
Chị Hải Anh, Work Room Four
T: 04. 32121478/E: workroomfour@gmail.com 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả