Gẫm & Bình

Xem tranh Hương Giang:
Giá như mặc kệ… 19. 11. 10 - 12:53 pm

Người xem Hà Nội

 

Sinh năm 1974, họa sỹ Nguyễn Hương Giang đã có một cuộc trưng bày được cho là khá gây ấn tượng với 17 bức tranh khắc gỗ và một tác phẩm sắp đặt bàng sắt uốn tại Vietart Center hôm vừa rồi.

Thông tin lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân tại Việt Nam được các báo chí nhắc lại sau một loạt liệt kê những triển lãm của Hương Giang đã làm ở Úc… hình như muốn chứng minh thêm chỗ đứng đã được khẳng định của một họa sỹ trẻ. Được cho là bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp vào những năm 2000, quả thực, với khoảng 10 năm, Hương Giang đã có một bảng liệt kê những triển lãm, những dự án nghệ thuật mà cô đã tham dự khá dài. Và với triển lãm cá nhân lần này, theo lời cô: được ra đời sau 4 tháng làm việc thì quả thực rất gây ấn tượng.

Những mảnh ghép (tên của triển lãm) mà nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã họa thêm thành “Đời có mảnh dài mảnh ngắn” trong bài giới thiệu đăng trên báo Thể Thao Văn Hóa, đã hấp dẫn ngay người xem khi bước vào phòng trưng bày. Được dùng từ những mảnh ván dài ngắn, cố tình như vô tình sắp xếp lại với nhau một cách mộc mạc. Với sự chủ đạo của của ba màu Đỏ – Đen – và ánh màu sáng của gỗ tự nhiên được bật ra từ những nhát khắc đã tạo ra một không khí ưa nhìn: đủ sự “buông tuồng” và cũng không kém phần sang trọng.

Ở một nơi bình yên

Đẹp không nhỉ: Đẹp. Thế nhưng cái từ “đẹp” bản thân nó cũng khá phức tạp. Đẹp chứ, bởi vì họa sỹ là người biết cách làm ra cái đẹp và triển lãm này là một minh chứng. Người xem đi xem một vòng, một vòng nữa. Đứng trước tác phẩm sắp đặt 3592 ngày (có người đã nhẩm chia được gần 10 năm, ngày mà chị mất đứa con “giả tưởng” nào đấy) rồi lại những bức tranh khắc. Một cảm giác mơ hồ xuất hiện: đó là một cảm giác của một bữa tiệc khá thịnh soạn, sắp xếp và trưng bày có “gu” nhưng hình như các món đều thiếu muối, hơi thừa gia vị và cùng một loại thực phẩm đã được đóng hộp.

Cái cảm giác băn khoăn này khiến cho người xem cuối cùng cũng phải đứng trước lời tự sự của họa sỹ và chăm chú đọc hết lời giới thiệu của nhà bình Phan Cẩm Thượng – điều mà người xem chả bao giờ muốn làm trước khi xem tranh, và nếu tranh thấy thật thích thì cũng chả cần phải đọc nữa. (Viết đến đây, sực nhớ là thật vất vả khi xem bản in lời giới thiệu của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng treo trên tường. Cả một bài dài được viết không có dấu nên vừa căng mắt đọc, vừa luận. Ngẩn ngơ nghĩ tại sao tiếng Việt lại cố tình bỏ dấu, có ý gì nhỉ? Hay có dấu thì khối chữ trình bày sẽ không đẹp nữa, hay không có dấu cho nó giống những bản in tiếng Anh… ? Lại tủm tỉm cười một mình khi nhớ đến vô số chuyện khôi hài khi đọc những tin nhắn không dấu).

Rồi đọc đến lời tự giới thiệu của họa sỹ: người xem chợt nhận thấy cái cảm giác của sự quá tay gia vị vừa nói trên là khá đúng. Những lời bộc bạch tâm sự thầm kín được bày ra, và những bức tranh đã làm khá tốt việc minh họa cho điều đó. Nhưng đồng thời cảm giác thiếu muối lại đến từ chính sự minh họa ấy – sự minh họa cho một ý định, một đề tài đã chuẩn bị trước. Chính vì vậy, từng bức tranh thiếu đi sự ngẫu hứng cần có. Sự “vứt bỏ”, hay “cào xước” cũng mang vẻ toan tính trước một cách có nghề. Thiếu vắng chút cảm xúc nào đó mà trên mặt tranh, mọi thứ đều bị dàn trải. Những khoảng đen, khoảng đỏ, khoảng trắng hình như sinh ra để lấp đi chỗ trống chứ chưa phải sinh ra để sản sinh nhịp điệu, để tạo nên một cân bằng thẩm mỹ động và tĩnh. Những khoảng màu ấy sinh ra để thỏa mãn nhu cầu trang trí nhiều hơn là để đối thoại với nhau. Và cái tính trang trí này càng bộc lộ khi đi kèm với sự dễ dãi của các đường công- tua đơn điệu một cách vô cảm trong những hình khỏa thân, những khuôn mặt, cho đến sự dễ dãi trong cách tạo hình những tàu lá sen. Những khuôn mặt được quấn băng đen được đặt vào nhằm gấy ấn tượng (âm hưởng của các cuộc nghệ thuật trình diễn đang thịnh hành bây giờ) như gồng cao hơn cái thực tế, cái điều mà bản thân nó cần chứa. Quả thực là đáng tiếc( theo quan điểm của người viết) cho Hương Giang. Thực sự, nếu Hương Giang không cố gồng mình lên để đặt quá nhiều những bộc bạch cho mọi người thấy những “đau khổ cá nhân, những mất mát cũng cá nhân, những rào chắn tự mình dụng lên” và cố gồng mình lên để có những bộc bạch về triết học hay thân phận thì biết đâu sự tự nhiên đó, với sự nhạy cảm thẩm mỹ Trời cho đó, ta còn được xem một triển lãm thành công hơn nhiều.

Chìm trôi

Câu chuyện cũ

Thực ra nghệ thuật nhiều khi cũng đơn giản thôi, cái đẹp nhiều khi cũng là nơi giải tỏa những ấm ức khi sinh ra làm kiếp người, mà đã làm kiếp người thì ai chả có ấm ức. Dùng cái đẹp để thổi phồng những ấm ức thì lắm khi cái đẹp (vốn rất nhạy cảm và nhút nhát) cũng đành tủi thân mà lùi lại thôi.

Thế nhưng, thực cũng khó cho Hương Giang, cũng khó cho các họa sỹ thời nay: sống trong một thế giới truyền thông ăn gỏi, thích dùng doping cho mọi vấn đề, các họa sỹ, các nghệ sỹ nhiều khi cứ phải gồng mình lên, kêu thật to cho có thân phận.

Tiếc thật, có tài thế thì cần gì phải sợ là mình tụt hậu, việc gì phải sợ là không đương đại, dành thời gian sống cho tác phẩm của mình lâu hơn và tự nhiên hơn, kín đáo hơn… Mặc kệ những bảng kê thành tích. Mặc kệ.

Sắp đặt "3592 ngày"

*

Bài liên quan:

– “Những mảnh ghép” cuộc đời, có mảnh dài mảnh ngắn!”
Triển lãm của Hương Giang: Đẹp và vui 
– Xem tranh Hương Giang: Giá như mặc kệ…

Ý kiến - Thảo luận

1:29 Monday,22.11.2010 Đăng bởi:  hoang hoa
Gửi bạn Rau Muống Nổi Giận; ok tôi sẽ chia sẻ với bạn thêm 1 chút về tác phẩm của GIANG. Đa phần các khuôn mặt và cơ thể trong tác phẩm tạo hình rất thật thà và dể dãi, nhất là bức CÂU CHUYỆN CŨ... Toàn bộ những nhân vật chị không khắc để phẳng mịn đã ăn nhập tổng thể hay chưa với những họa tiết trang trí khắc tương đối khỏa... Còn hình thức thể hiệ
...xem tiếp
1:29 Monday,22.11.2010 Đăng bởi:  hoang hoa
Gửi bạn Rau Muống Nổi Giận; ok tôi sẽ chia sẻ với bạn thêm 1 chút về tác phẩm của GIANG. Đa phần các khuôn mặt và cơ thể trong tác phẩm tạo hình rất thật thà và dể dãi, nhất là bức CÂU CHUYỆN CŨ... Toàn bộ những nhân vật chị không khắc để phẳng mịn đã ăn nhập tổng thể hay chưa với những họa tiết trang trí khắc tương đối khỏa... Còn hình thức thể hiện của LÝ TRẦN QUỲNH GIANG, chỉ thay đổi đi 1 chút xíu.
Còn tôi nói tranh cũng là 1 hình thức minh họa, đó là cảm nhận của tôi, chả có thánh phán ở đây gì cả. Nếu bạn cảm nhận nó khác ở chỗ nào thì bạn chia sẻ với tôi nha. Ở đây không phải có quyền hay không có quyền nhận xét tranh là non nớt hay không, mà đây là cảm nhận và chia sẻ của tôi về tác phẩm... còn nếu không thì sinh ra nghệ thuật để làm gì nhỉ, hay chỉ vẽ và ở trong phòng tự sướng - tranh mình oách thật? 
17:19 Sunday,21.11.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Gửi bạn hoanghoa: Khi bạn cho rằng mình có quyền nhận xét tác phẩm của một họa sĩ là non nớt, thì có lẽ bạn nên phân tích kỹ thêm vài dòng, để mọi người có thể thấy rằng họa sĩ đó "non nớt" như thế nào. Nếu không, thì cái sự "non nớt" đó lại thuộc về bạn trước đấy. Ngay cái nhận xét như "Thánh phán" là "Tranh thực chất cũng là một hình thức minh họa" đ
...xem tiếp
17:19 Sunday,21.11.2010 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Gửi bạn hoanghoa: Khi bạn cho rằng mình có quyền nhận xét tác phẩm của một họa sĩ là non nớt, thì có lẽ bạn nên phân tích kỹ thêm vài dòng, để mọi người có thể thấy rằng họa sĩ đó "non nớt" như thế nào. Nếu không, thì cái sự "non nớt" đó lại thuộc về bạn trước đấy. Ngay cái nhận xét như "Thánh phán" là "Tranh thực chất cũng là một hình thức minh họa" đã chứng tỏ rõ ràng rồi! :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ai là cụ tổ của hội họa trừu tượng? (Cập nhật 2 và kết thúc?)

Nguyễn Đình Đăng - câu hỏi của Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả