Chiêm tinh

Chỉ dành riêng cho bạn nào quan tâm: về Tiên thiên, Hậu thiên, Hà Đồ, Lạc Thư 19. 11. 15 - 8:58 am

Phó Đức Tùng - Candid - Rieng&Chung

SOI: Đây là cmt của các bạn trong bài “Trả lời bạn Hiệp: phong thủy có nhảm nhí không?”. Soi thấy rất công phu nên đưa lên để những người quan tâm có thể cùng vào thảo luận, mặc dù bản thân Soi đã đọc đi đọc lại mà vẫn không sao hiểu được. Có lẽ còn phải học rất nhiều.

PHÓ ĐỨC TÙNG

Có người cho rằng: Hà đồ dẫn đến Tiên thiên Bát quái, vì nó vận hành theo chiều thuận, tức là thuận tự nhiên.

Hà đồ (hình lấy từ Internet)

 

Tiên thiên bát quái

Lạc thư dẫn tới Hậu thiên Bát quái, vận hành theo chiều nghịch, ý nói như dạng nhân chi sơ tính bản ác.

Lạc thư

 

Hậu thiên

Mình xem mãi chẳng hiểu lý luận này ở đâu ra. Thứ nhất là chuyện Hà Lạc vận hành thuận nghịch chẳng hiểu nhìn thế nào mà ra. Thứ hai là người xưa vốn coi thiên địa vạn vật nhất thể, con người với vũ trụ là một, có lý đâu cái vận hành của loài người lại ngược hẳn lẽ tự nhiên?

Mình quan sát thì chỉ thấy Hà đồ Lạc thư đều là triển khai từ âm dương mà ra. Trong đó Hà Đồ là âm dương thành tứ tượng, mỗi tượng đều có âm dương. Bố cục đối lập, chuyển động theo kiểu con lắc chứ không phải xoay vòng. Đến Lạc thư thì triển khai thành bát quái, bốn âm ở bốn góc, bốn dương nằm ở bốn cạnh. Nhưng chuyển động vẫn là con lắc, đều phải về tâm rồi mới đi tiếp. Đây đều là nguyên lý của tiên thiên bát quái, lấy sự đối lập âm dương – âm dương tương phản làm cơ sở nguồn gốc vũ trụ.

Hậu thiên Bát quái bàn về vấn đề nhân sự, là mô hình gia đình, bắt đầu từ bố mẹ rồi sinh trưởng nam tạo thành thế chân vạc, rồi tiếp tới phá thế chân vạc khi có trưởng nữ, rồi tái thiết thế chân vạc khi sinh trung nam v.v. Như vậy chuyển động chính vẫn là con lắc, xét rộng hơn thì vẫn xuôi chiều kim đồng hồ. Đây là ý âm dương tương giao. Nếu cảm nhận, có thể thấy Tiên thiên Bát quái rất đăng đối, do đó cái yếu tố thời gian, dịch sẽ không rõ nét bằng Hậu thiên. Tiên thiên do đó nói về những quy luật mang tính bất biến của vũ trụ. trong khi đó Hậu thiên bàn về cân bằng động, những trạng thái tạm thời mất cân bằng và lập lại cân bằng trong xã hội loài người.

.

CANDID

Em đọc được theo cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần thì ở Hà đồ, ngũ hành tương sinh và vận chuyển theo chiều thuận, chiều kim đồng hồ với Đông (mộc), Nam (hỏa), Trung (thổ), Tây (kim), Bắc (thủy). Ở Lạc thư thì ngũ hành tương khắc và vận chuyển âm (nghịch kim đồng hồ). Đông (mộc), Trung (thổ), Bắc (thủy), Tây (hỏa), Nam (kim).

Cụ Thu Giang cũng nêu lên khái niệm Đồ-Thư hợp nhất lúc này, Đồ hình vuông tượng của đất và Thư hình tròn tượng của trời. Tổng số Đồ với Thư hợp lại là 100 (bỏ số 10 của Thư) là tượng trưng cho vạn hữu, trong ngoài, âm dương, thiên địa…

Thầy em có dạy rằng sắp xếp của Tiên thiên bao gồm 2 phần, phần dương tăng dần từ Đông Bắc đến Nam, sẽ tương ứng là Chấn, Ly, Đoài, Càn. Phần Âm tăng dần từ Tây Nam đến Bắc tương ứng là Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Như thế phần dương và âm sắp xếp thành thái cực.

 

RIENG&CHUNG

Quan điểm Hậu thiên xuất phát từ Lạc Thư thật ra còn phải bàn.

Nhưng trước hết em xin bàn từ chuyện Hà đồ Lạc thư:

Giữa thời Bắc Tống với Nam Tống có sự hoán đổi về tên gọi giữa Hà đồ với Lạc thư. So với ta hiện nay, thì thời Bắc Tống gọi Hà đồ là Lạc thư, gọi Lạc thư là Hà đồ. Chuyện này xem ra hơi kì lạ, nhưng ở Trung Quốc còn giữ được tài liệu gốc. Vì vậy ở Trung Quốc hay gọi thêm thành “Hà đồ 10 số” (tức Hà đồ ngày nay), “Hà đồ 9 số” (tức Lạc thư ngày nay), hoặc “Lạc thư 10 số”, và “Lạc thư 9 số”, cho tiện phân biệt.

Hà đồ 10 số tức Hà đồ ngày nay của Lý Cẩu thời Bắc Tống. (Hình ảnh từ đây do Riêng&Chung cung cấp)

Và dĩ nhiên, trong tài liệu thời kì Bắc Tống và Nam Tống cũng như về sau còn để lại đến nay, xuất hiện đầy đủ việc phối Tiên thiên, Hậu thiên với các loại Hà đồ Lạc thư. (Dĩ nhiên là em xem tài liệu gián tiếp thôi). Hay nói cách khác là có đủ 4 kiểu phối giữa Hà-Lạc với Tiên-Hậu.

Nói thêm là, tài liệu Trung Quốc cũng có cho biết, kể từ sau Chu Hy (thời Nam Tống) về cơ bản đã định hình tên gọi Hà đồ Lạc thư như ngày nay. Và không biết có phải vì danh tiếng Chu Hy quá lớn, hay vì xã hội kinh tế bắt đầu lên men (theo nghĩa nào đó) mà việc nghiên cứu Dịch học sôi nổi hơn, số lượng hình vẽ về phối Lạc thư với Hậu thiên bát quái nhiều hơn hẳn. (Nhưng vẫn có người chắc là do không phục Chu Hy, cứ gọi Hà đồ 10 số là Lạc thư như thời Bắc Tống và tự ra sách của mình như Chu Nguyên Thăng 朱元升)

Lạc thư 10 số phối Hậu thiên của Chu Nguyên Thăng

 

Lạc thư phối với Tiên thiên của Hồ Phương Bình

 

Hà đồ phối với Hậu thiên của Lý Giản

Tiếp theo là chuyện Lạc thư với Hậu thiên. Em giới thiệu một nghi án “khống văn” chứ không phải “đạo văn” về Lạc Thư (9 số) hình thành Hậu thiên bát quái như thế nào.

Chuyện là có một ông thời nhà Thanh gọi là Liên Đẩu Sơn, viết sách Dịch, trong đó dẫn sách “Kinh dịch khởi mông” của Chu Hy, (ông Sơn đời Thanh muộn hơn ông Hy đời Tống nhiều triều đại phong kiến: Tống-Nguyên- Minh-Thanh), để giải thích Hậu thiên Bát quái như sau:

– Hỏa trên Thủy dưới, vì thế Ly ứng với 9, Khảm ứng với 1 của Lạc thư (xem dưới)

4 9 (Ly) 2
3 5 7
8 1 (Khảm) 6

– Hỏa sinh Thổ (là Thổ khô nóng), tức Ly sinh Cấn và Cấn ứng số 8 (8 là bậc thứ của 9); Thổ sinh Kim, tức Kim ứng số 7 là Đoài; 6 là bậc thứ của 8 (khó hiểu) nên 6 là Càn.

– Thủy sinh Thổ (là Thổ ướt), ứng với 2 là bậc thứ của 1, do đó 2 là Thổ ướt tức là Khôn; Thổ ướt sinh Mộc, hay 3 là bậc thứ của 2, nên Mộc ở số 3, tức Chấn ở số 3. Cuối cùng, 4 cũng là bậc thứ của 2 nên 4 là Mộc, là Tốn.

Như vậy là ta có Hậu thiên bát quái đầy đủ từ Lạc thư!!!

Lạc thư phối với Tiên thiên của Liên Đẩu Sơn đời Thanh

Tuy nhiên đây là một nghi án, bởi vì được biết, sách Chu Dịch Khởi Mông của Chu Hy bản ngày nay không thấy đoạn này ở đâu cả! Chả hiểu ông Liên Đẩu Sơn có trích thật từ Chu Hy hay “vu khống” nữa.

Từ câu chuyện này, ta thấy:

1. Ngũ hành được vận dụng vào bát quái một cách hơi khác lạ so với cách hiểu ngũ hành đơn giản của ta (có đất khô đất ướt, và đất ướt sinh Mộc chứ không phải Thủy sinh Mộc).

2. Ít nhất có một tài liệu cho thấy Hậu thiên Bát quái không sinh ra từ (hoặc tuân theo) nguyên tắc ngũ hành tương khắc.

Do đó việc cho rằng Hậu thiên nghịch vận theo ngũ hành tương khắc không phải là quan điểm duy nhất.

Nội dung thứ 3 em muốn đề cập là chuyện nghịch vận với ngũ hành tương khắc.

Trong Bát quái, hiện tượng “nghịch”-“thuận” rất phổ biến, và thường là tồn tại cùng lúc cả hai. Ví dụ trong Thiên thiên Bát quái ta có chiều dương giảm từ Càn đến Chấn và chiều âm giảm từ Khôn đến Tốn. Hay trong câu chuyện về Lạc thư phối Hậu thiên kể trên, cũng thấy trình tự 9-8-7-6 và 1-2-3-4 ngược nhau. Hoặc có những câu kiểu “đoán việc đã qua thì thuận vận”, đoán việc sắp tới thì nghịch vận”; hay “người đoán việc trời thì phải đảo chiều trục thiên địa” v.v… Vì thế chuyện “nghịch vận” phải xem trường hợp và quy tắc cụ thể, có thể nó liên quan ngũ hành thật, nhưng chỉ khư khư hoặc khắc hoặc sinh (cũng như hoặc thuận hoặc nghịch) thì em sợ là không ổn.

Còn chuyện ngũ hành tương khắc ứng với nhân chi sơ tính bản ác chắc là hơi khiên cưỡng. Em nghĩ rằng Ngũ hành áp vào Bát quái có thể là việc của đời sau chứ không phải từ đầu đã có (anh Tùng cũng có nói vậy rồi). Nhưng áp dụng ngũ hành vào Tiên thiên và Hậu thiên sẽ phải khác nhau. Với Tiên thiên thì ngũ hành phải là đại cục, là trạng thái (sinh trưởng hay thu tàng v.v…), không nên hiểu nó đơn giản và cụ thể như cái cây, ngọn lửa. Đến Hậu thiên, ngũ hành trong các quẻ theo em lại không còn “đơn chất” nữa, mà phức tạp hơn, mặt khác việc sinh khắc không đơn giản là đẻ ra và giết đi (tức sống hoặc chết), mà là một quá trình thuận lợi hay bất lợi, dẫn đến cái bị khắc hoặc được sinh sẽ có phản ứng cần thiết, mà kết quả không phải lúc nào cũng theo một hướng kiểu bị khắc thì chết hẳn, được sinh thì sống khỏe.

Tương khắc nhiều lúc được hiểu là ai làm chủ được tình hình, ai phải tuân theo.

Ý kiến - Thảo luận

12:24 Friday,8.9.2023 Đăng bởi:  gin Phạm
chiều thuận là từ 0 đến có
chiều nghịch từ có về không
Quẻ khôn (000 nhị phân =0 thập phân)
Quẻ Càn (111 nhị phân =7 thập phân)
tương tự các quẻ khác
khi sắp sếp và vẻ chiều mũi tên, ta có 2 chiều từ 0-7 và từ 7 về 0, ứng với chiều sinh (thuận) và nghịch (chiều hồi quy)
...xem tiếp
12:24 Friday,8.9.2023 Đăng bởi:  gin Phạm
chiều thuận là từ 0 đến có
chiều nghịch từ có về không
Quẻ khôn (000 nhị phân =0 thập phân)
Quẻ Càn (111 nhị phân =7 thập phân)
tương tự các quẻ khác
khi sắp sếp và vẻ chiều mũi tên, ta có 2 chiều từ 0-7 và từ 7 về 0, ứng với chiều sinh (thuận) và nghịch (chiều hồi quy) 
14:39 Tuesday,11.8.2020 Đăng bởi:  Hồng
Theo tôi cách giải thích để xếp ra Hậu tiên thiên rất khiên cưỡng và khó hiểu. Mong cao nhân giải thích vì sao lại 9 lại thế chỗ của 7 và ngược lại. Từ đó luận rộng ra các phương khác, bản chất là gì vậy?
...xem tiếp
14:39 Tuesday,11.8.2020 Đăng bởi:  Hồng
Theo tôi cách giải thích để xếp ra Hậu tiên thiên rất khiên cưỡng và khó hiểu. Mong cao nhân giải thích vì sao lại 9 lại thế chỗ của 7 và ngược lại. Từ đó luận rộng ra các phương khác, bản chất là gì vậy? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả