Gẫm & Bình

Giao hưởng ra phố 19. 11. 15 - 7:49 pm

Trần Thị Trường

Được tin LUALA Concert quay trở lại mùa diễn sau 1 năm vắng bóng, chúng tôi đã rất háo hức chờ. Lịch diễn được mở đầu lúc 15 giờ ngày 15. 11. 2015, tại hè phố phía trước hãng thời trang nổi tiếng Luala Minalo, 61 Lý Thái Tổ, khu trung tâm Hà Nội, gần Nhà hát lớn. Chương trình hay, miễn phí chỗ ngồi, nên muốn có chỗ tốt chúng tôi bảo nhau đến sớm. Ai ngờ, còn 1 giờ nữa mới diễn mà đã kín hàng ghế đầu, cả những dãy ghế sau, nơi người nghe có thể vừa thưởng thức chén cà phê thơm phức hoặc ly rượu vang, trong một không gian kiến trúc Pháp, trong những chuyển động của một ngày cùng hàng cây xanh biếc, bàn nào cũng đã có người đặt chỗ rồi.

Đến sớm, dù phải đứng ở vỉa hè này cũng vẫn có cái thú vị riêng mà không gian trang trọng Nhà hát không thể có được. Ấy là, khán giả được nhìn các nhạc công, nhạc trưởng trong ánh sáng ban ngày, với gương mặt thân thiện, hối hả tự tay sắp xếp chỗ đặt nhạc cụ, cười nói pha trò những câu chuyện vui nhộn. Rồi sau khi thay trang phục trình diễn, cầm cây vĩ lên là họ khác hẳn, tựa như những thiên thần đang thăng hoa trên những tầng trăng…

Trước giờ diễn, dàn nhạc tập luyện trước Luala. Ảnh: Đoàn Lê

Những âm thanh thánh thiện vang lên, tỏa ra, vang động các vòm cây, dội vào phố phường, khiến cho bác xích lô ngừng đạp, du khách ngoái nhìn, rồi lặng lẽ xuống xe, bỏ dở cuộc đi, nhập vào hàng người đứng nghe-xem; có người còn nguyên bộ đồ thể thao, quần soóc, lần đầu nghe giao hưởng không ngại thấy bên cạnh mình là không ít người mẫu, người trẻ diện đồ hàng hiệu, người sành sỏi âm nhạc hàn lâm, người tên tuổi “loảng xoảng” ở đủ các lĩnh vực…

Từ Press Club nhìn xuống. Ảnh: Đoàn Lê

Tóm lại, đúng chất đường phố, từ người thưởng thức đến âm nhạc. Giao hưởng cổ điển với các tổng phổ được trình tấu nghiêm chuẩn nhưng hòa trộn với tiếng còi xe bỗng nhiên đi ngang, với tiếng gió thổi, lá rung, với tiếng chân người thoảng qua bước vội…, làm nên một tổng phổ mới. Thú vị. Thật thú vị, nếu người nghe, dù là tín đồ của âm nhạc kinh viện mà sẵn lòng đón nhận nó. Nghe, và nhìn, rồi tự nhủ rằng, nhà tổ chức đã có lý khi họ muốn đưa âm nhạc bác học đến với phổ thông, và đưa công chúng phổ thông đến với âm nhạc bác học, dù chỉ là một note…

Trước khi dàn nhạc bắt đầu, nhìn sang phía đối diện, thấy khách sạn Metropole và Câu lạc bộ báo chí Lý Đạo Thành có cảnh sát sắc phục nghiêm trang, đoàn xe cơ động, chuẩn bị tiếp đón phái đoàn ngoại giao nào đó… Bỗng lo lắng, chương trình có thể đông đúc, ồn ào, mất trật tự, có khi bị dẹp.

Nhưng không. Đúng giờ diễn, việc đón đã xong, vẫn sắc phục ấy, các anh cảnh sát cũng đứng nghe… Mọi người háo hức. Thiếu nhi được ưu tiên, dù có đến muộn. Nhiều em mang màu, bút, giấy vẽ, đến vẽ dàn nhạc biểu diễn. (Lúc nghỉ giải lao, tôi nhìn vào, bật cười. Không thấy hình nghệ sĩ, cây đàn, mà thấy tranh của các em toàn những xanh đỏ tím vàng, màu của hân hoan, của xúc cảm, rất tuyệt). Trong lúc diễn, khán giả vô cùng trật tự. Dàn âm thanh đúng tiêu chuẩn, xứng đáng với tên tuổi của chương trình, với giá trị của hòa âm.

Ảnh: Đoàn Lê

Thấy Nguyễn Khắc Thành (con trai nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch ở Huế) vốn là một người chơ violon trong dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, cây đũa trong tay ở vị trí chỉ huy Dàn nhạc Thính phòng Hà Nội diễn trong chương trình này, tôi có ý săm soi. Không ngờ, Thành khá xuất sắc. Chợt nhớ, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch nói Thành có học chỉ huy ở Nhạc viện Hà Nội và dưới sự kèm cặp của bậc thầy Tetsuiji Honna từ lâu.

Chỉ huy Khắc Thành. Ảnh: Luala Milano

Mở đầu là khúc quen thuộc Die Fledermaus của J. Strauss II. Rồi đến Concerto cho piano với dàn nhạc của Beethoven, người solo piano là Boomi Jang, ngón đàn thật điêu luyện. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt, vang động cả mấy con phố gần đó. Đáp lại sự nồng nhiệt đó, nàng Boomi của xứ sở Kim Chi đã ngẫu hứng tặng thêm một khúc romance gửi tặng cha mẹ cô, cũng có mặt ở đây và khán giả của LUALA Concert. Nhiều người đã nói, không thể diễn tả được hạnh phúc đang diễn ra ở giây phút này.

Boomi Jang. Ảnh: Luala Milano

Sau gần một giờ phần I, phần hai đến với các tác phẩm của các nhà soạn nhạc kinh điển: 2 bài đầu phần này vẫn của J. Strauss, sau đến của A. Mozart và 1 của J. Haydn. Người nghe rất hứng khởi với những bản nhạc ngắn, dễ cảm thu và khá quen thuộc, thậm chí với người Hà Nội có tuổi, nó còn gợi ra một ký ức nào đó của một thời. Ngay sau đó, như thể tiếp thêm niềm vui cho người trẻ thích cảm thụ bằng thanh nhạc, Trương Hoàng An với giọng nữ cao đã vút lên đầy quyến rũ với “O mio babbino caro” cùng với dàn nhạc, tác phẩm của Puccini. Kết thúc, bằng cách trở lại với tác phẩm Kaiser-Walzer của ông vua các vũ điệu valse – J.Strauss II, dàn nhạc chơi bản hòa tấu vui tươi đầy phấn khích.

Trương Hoàng An. Ảnh: Luala Milano

Thời gian nhờ thế qua đi một cách nhanh chóng. Chiều tối, mọi người vẫn không muốn ra về. Nấn ná, lưu luyến, luận bàn. Bàn rằng, thành phố đẹp hơn, có vẻ thanh bình hơn, văn minh bởi 2 giờ vừa qua. Người già cảm thấy nỗi buồn là nhất thời, đời vẫn đẹp về phía trước. Người trẻ có dịp hiểu rằng, ngoài nhạc trẻ rất gần với hưng phấn của thân xác thì nhạc giao hưởng cổ điển đánh thức những cảm xúc tích cực, gọi ra những giá trị tinh thần…

Như vậy, đã 6 mùa, kể từ Thu Đông 2011 đến nay, LUALA Concert được coi là một sự kiện văn hóa-nghệ thuật quen thuộc và được mong đợi đối với đông đảo công chúng Thủ đô. Chương trình lần này là sự xuất hiện của các nghệ sỹ dàn dây và dàn kèn, đã có lịch diễn, trong 05 tuần (từ 15. 11. 2015 đến 13. 12. 2015) vào chiều Chủ nhật mỗi tuần, từ 3 đến 5 giờ chiều. Các tác phẩm lần này cũng được chọn lựa kỹ càng, có một số tác phẩm được trình diễn lần đầu. Đặc biệt, chương trình dành riêng buổi diễn ngày 6. 12 cho các tác phẩm viết cho trẻ em, trong đó có tác phẩm “Peter và Chó sói” của nhà soạn nhạc Sergey Prokofiev. Chương trình sau sẽ có sự xuất hiện của nghệ sỹ đàn harp Aya Matsumoto, hy vọng sẽ mang lại sự ngạc nhiên và thích thú cho khán giả Việt Nam, những người vốn rất hiếm có cơ hội được thưởng thức những màn trình diễn độc tấu đàn harp.

Ảnh: Luala Milano

Chương trình sở dĩ cuốn hút là bởi một danh sách nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ khách mời đến từ các quốc gia, đa quốc tịch, như:

– Nghệ sĩ Boomi Jang, người Hàn Quốc, từng biểu diễn tại nhiều quốc gia châu Âu và châu Á và giữ vai trò soloist tại dàn nhạc Neue bland Philharmonic (Đức). Hiện nay, Boomi Jang vẫn tiếp tục biểu diễn và giảng dạy piano tại Đại học Nghệ thuật Seoul và Đại học Gwangju (Hàn Quốc).

– Nghệ sỹ Oboe Nguyễn Hoàng Tùng, người giữ vị trí bè trưởng oboe của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Anh tốt nghiệp cao học tại Học viện Âm nhạc C.V.Weber (CHLB Đức) và hiện làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Đài Loan;

– Nghệ sĩ Ngô Phương Vi, người nhận nhiều gải thưởng quốc tế trong các cuộc thi piano, được chọn biểu diễn tác phẩm Mozart Piano Concerto No.9 K271 cùng Dàn nhạc Giao hưởng Bratislava;

– Nghệ sỹ Opera Võ Hồng Quân, người tốt nghiệp loại Xuất sắc sau 6 năm học tập tại Nhạc viện Quốc gia Saint-Maur (Cộng Hòa Pháp), khi về nước cô tiếp tục cống hiến và theo đuổi ước mơ nghệ thuật của mình. Năm 2013, cô đạt giải Quán quân dòng nhạc thính phòng trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Sao Mai;

– Nghệ sỹ đàn Harp Aya Matsumoto, người Nhật Bản, người đã tham gia nhiều buổi diễn danh giá tại Detroit, Chicago, San Francisco (Mỹ) và Detmold (Đức), từng xuất hiện trên các chương trình truyền thanh tại Hoa Kỳ, đồng thời tham gia giảng dạy và tiếp tục công việc biểu diễn độc tấu hoặc tham gia cùng các dàn nhạc ở Nhật.

Rồi những gương mặt quen như nghệ sĩ cello Việt nổi tiếng Trần Thị Mơ, Kim Xuân Hiếu kèn cor (horn); có sự cố vấn nghệ thuật của nghệ sỹ violon Nguyễn Xuân Huy, và những gương mặt tài năng trẻ Việt Nam trong Dàn nhạc thính phòng do Nguyễn Khắc Thành làm nhạc trưởng.

LUALA 2 Concert mùa thứ 6 còn tiếp tục đến 13. 12. 2015. Hy vọng ngày nào cũng trời cũng đẹp như hôm nay.

*

Bài đã đăng trên tạp chí Sóng Nhạc

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả