Gẫm & Bình

“Hoàng hôn ở Ivry” của Guilaumin: Những gì vất vả thường bị lãng quên 27. 12. 15 - 6:23 am

Karin H. Grimme - Thúy Anh dịch

.

“Hoàng hôn ở Ivry”, Armand Guillaumin, 1873

Đó là buổi hoàng hôn chói rực tại Ivry (một quận nhỏ phía Đông Nam ngoại ô Paris) trong bức “Hoàng hôn ở Ivry” của Armand Guillaumin. Bầu trời rực màu cam đỏ phai hòa trong màu xanh lá và xanh dương. Trên mặt nước màu sắc cũng phản chiếu nổi bật, tương phản với hàng cây đậm màu chạy dài phía đường chân trời mép phải tranh.

Daubigny và các họa sỹ phái Barbizon khác cũng vẽ hoàng hôn ngoài trời rực rỡ, nhưng trong khi Daubigny vẽ thiên nhiên thì Guillaumin lại chọn khắc họa sự phát triển của thành phố hiện đại bằng hình ảnh các dãy ống khói trải dài nơi chân trời.

“Hoàng hôn gần Villerville”, Charles François Daubigny, 1874

 

Chi tiết ống khói trong bức “Hoàng hôn ở Ivry”

Sự thay đổi nhanh chóng nơi ngoại ô Paris – thể hiện qua sự xuất hiện các khu liên hợp công nghiệp, nhà xưởng công nhân… – được miêu tả thường xuyên trong tranh của Guillaumin. Guillaumin và các bạn của ông thời 1870s, như Paul Cezanne – người mà ông đã quen cùng với Pissarro tại Học viện Suisse, không ai hứng thú mô tả cuộc sống tao nhã đẹp đẽ nơi các “đại lộ đẳng cấp”.

Guillaumin cùng với bức “Hoàng hôn ở Ivry” và hai tác phẩm phong cảnh khác được giới thiệu tại triển lãm Ấn tượng lần đầu năm 1874. Tính đến năm 1889, ông đã nhiều lần dự triển lãm Ấn tượng. Năm 1873, trong khi các bạn đồng môn Pissarro, Monet và Sisley chọn vẽ quá trình công nghiệp hóa diễn ra tại các đô thị dọc sông Seine, Guillaumin chọn vẽ quang cảnh xấu xí trần tụi của các khu công nghiệp ngoại ô nghèo nàn.

“Sông Seine ở Ivry”, Armand Guillaumin, 1869

Bức “Sông Seine ở Ivry”, ghi ngày sáng tác 1869, vẽ cảnh sông của thành phố, xa xa là các ống khói nhà máy đang nhả khói. Bức sơn dầu trên gỗ khổ nhỏ này hóa ra là thử nghiệm cho tác phẩm to hơn là “Hoàng hôn ở Ivry”. Kiểu vẽ phác thảo phủ không hết để lộ nền bảng gỗ chỗ mấy đám mây màu nâu xám và trắng lem bẩn làm cho bầu trời như được tô các đốm màu nâu vàng hoàng thổ.

Chi tiết bầu trời mây xám trắng với những mảng nâu

Kỹ thuật tương tự cũng được Sisley dùng trong bức “Hồ nước ở Marly-de-Roi”. Trong những tác phẩm về sau, các nhà máy được Guillaumin đưa về phía xa chân trời, trở thành một phần nhỏ trong toàn cảnh rộng của dòng sông.

“Hồ nước ở Marly-de-Roi”, Alfred Sisley, 1875

Bức “Sông Seine ở Ivry” đã tìm được đường vào bộ sưu tập của bác sỹ Paul Gachet – bạn của Guilaumin và của các họa sỹ Ấn tượng khác. Ông đã chữa trị cho mẹ của Pissarro vào những năm 1860, ông rất thích hội họa nên giữ liên lạc với con trai bà. Ông sở hữu căn nhà miền quê ở Auvers, Daubigny cũng từng sống và mời Guillaumin, Cezanne và Pissarro ghé ở lại.

Tác phẩm “Tuyết ở Ivry” được vẽ cùng năm mô tả những khu nhà đen xám bên dải sông Seine, lớp tuyết bẩn tạo hình ảnh ảm đạm, nhờ mảng sáng lờ mờ sắc đỏ trên bầu trời u ám mới biết là có mặt trời. Không có tuyết trắng tỏa ánh xanh như bức “Chim ác là” của Monet hay “Sương muối”, “Buổi sáng (Tuyết ở Eragny)” của Pissarro, không thấy con chim ác là bảnh bao đậu trên hàng rào, chỉ thấy người đàn ông ủ rũ trong lớp quần áo che kín, đội nón, cô đơn lê bước trong giá rét.

“Tuyết ở Ivry”, Armand Guillaumin, 1873

 

“Chim ác là”, Claude Monet, 1868-1869

 

“Sương muối”, Camille Jacob Pissarro, 1873

 

“Buổi sáng (Tuyết ở Eragny)”, Camille Pissarro, 1895

Như các họa sỹ Ấn tượng khác, Guilaumin cố gắng lột tả hiệu ứng thời tiết và sự thay đổi của ánh sáng như bóng đổ trên nền tuyết hay các mảng màu phai dần của cảnh hoàng hôn. Ông không chọn những địa điểm thong thả vui thú nơi miền quê xanh mướt mà chọn những vùng công nghiệp mang dấu ấn lao động vất vả của con người. Thời đó những đề tài này không còn phổ biến, khác với bây giờ, vì vậy đa số các tác phẩm bị lãng quên.

Ý kiến - Thảo luận

20:02 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  Kim tran

Mình không bình luận gì, chỉ biết ơn tác giả, nhờ những bài này mà mình cảm nhận nhiều hơn về hội họa, mình không phải là dân chuyên học về mỹ thuật, không có kiến thức nền tảng nhiều,
Thầy mình từng noi, biết thế nào là thẩm mỹ là tốt, nhưng còn phải biết thế nào la thẩm xú,
Mình chỉ mong có dịp, mọi người giú
...xem tiếp

20:02 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  Kim tran

Mình không bình luận gì, chỉ biết ơn tác giả, nhờ những bài này mà mình cảm nhận nhiều hơn về hội họa, mình không phải là dân chuyên học về mỹ thuật, không có kiến thức nền tảng nhiều,
Thầy mình từng noi, biết thế nào là thẩm mỹ là tốt, nhưng còn phải biết thế nào la thẩm xú,
Mình chỉ mong có dịp, mọi người giúp mình lấp những chổ trống về hội họa

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả