Nghệ sĩ Việt Nam

Triển lãm đầu tiên của một người tài 19. 11. 10 - 5:13 pm

Người xem Sài Gòn

Hạ Long, sơn mài, 120 x 140, 2009

HỘI HỌA HOÀNG TRẦM

Triển lãm tranh của họa sĩ Hoàng Trầm
Khai mạc: 10 giờ 30 ngày 20.11. 2010
Triển lãm từ 20 – 29. 11. 2010
Applied Arts Center
5 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh, TP.HCM, thuộc khuôn viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM

 

Với 194 tác phẩm, gồm 31 sơn dầu và sơn mài, 5 khắc gỗ, còn lại là tranh phác thảo, tranh bột màu, ký họa màu nước, chì than, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Hoàng Trầm – một họa sĩ tài năng, sinh năm 1928 – “Một cuộc phơi bày vốn liếng” nghệ thuật, nên rất đáng xem.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã đánh giá về ông như sau:

“… Nghệ thuật là sáng tạo cá nhân, mỗi nghệ sĩ có số phận của mình và số phận ấy là một hạt hồng cầu của số phận dân tộc trong một thời cảnh. Hoàng Trầm tiêu biểu cho mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ – cán bộ và tranh ông tiêu biểu cho giai đoạn nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

“Vẽ tả thực chân thành, lấy cái mộc mạc, cái chân tình làm sức sống, lấy lòng yêu nước làm động lực, lấy chiến thắng vì cái thiện của lý tưởng làm mục tiêu. Sống với những con người bình dị, những tập thể công nông binh nhẫn nại, kiên cường. Các ký họa của ông là nhân chứng cảm động, chân thực của một thời gian khó ấy.

Ngày trở về - in trên giấy dó từ bản khắc gỗ, 1969

Lính kể chuyện, sơn dầu, 100 x 130cm, 1990

“Ngay ở các trực họa kỹ càng, điêu luyện, tài hoa ông đã làm hiện hình sinh động những bà má miền Nam, những o du kích Nam Ngạn, tự vệ Ngư Thủy, những cô gái Mường, những anh chị công nhân và nhất là những anh bộ đội chống Mỹ…, có thể nói là ‘các nhân vật điển hình, trong hoàn cảnh điển hình’. Sau các bức trực họa ấy là các phác thảo được cân nhắc, đắn đo kỹ lưỡng để xây dựng các bố cục có tính “khái quát”, “tiêu biểu” và cuối cùng là các tác phẩm được thể hiện công phu trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ mà ông học và dạy rất thuần thục”.

Mẹ Chi - mẹ liệt sĩ. Màu nước, 1978

Ông Lê Trơm, màu nước, 1969

Triển lãm này diễn ra đúng vào 20. 11 – ngày nhà giáo Việt Nam. Họa sĩ Hoàng Trầm cũng là một giảng viên mỹ thuật.

“… là một nhân cách lớn, một họa sĩ tài năng, một nhà giáo tận tụy, hết lòng với học trò. Các tác phẩm của Hoàng Trầm làm người xem xúc động vì nghệ thuật của ông giản dị, chân thành mà tinh tế, sâu sắc; ngôn ngữ hội họa độc đáo, có tính nghệ thuật và tính nhân văn cao”, nhà lý luận – phê bình mỹ thuật Hà Văn Ngọc Sương nhận xét.

Mong các họa sĩ trẻ sẽ đến xem và chung vui với họa sĩ Hoàng Trầm.

Du kích Đồng Tháp Mười, khắc gỗ, 1970

Hạ Long, sơn mài, 60 x 80, 1995

*

Bài liên quan:

– Triển lãm đầu tiên của một người tài
– “Hội họa Hoàng Trầm”: Không khí của sự khâm phục

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả