Chiếu phim

Xem Varan đi, bạn sẽ muốn cầm máy 20. 11. 10 - 8:53 am

SOI

Varan là một “atelier” – một xưởng (khiêm tốn vậy) chuyên làm phim tài liệu thực tế của Pháp.

Vào những ngày sơ khai, khi chưa biết đặt tên gì, trong một lần vừa bàn vừa nhìn lên màn hình (quán bia?), một thành viên thấy chiếu đoạn phim về giống kỳ nhông, kỳ đà – varan. “Lấy luôn Varan làm tên,” là quyết định của nhóm khai sinh.

Người kể lại câu chuyện này là một thành viên chính của Varan – đạo diễn người Pháp gốc Bỉ André Van In mà các thành viên Varan Việt Nam (nay con số có lẽ đã gần 100) yêu mến gọi là thầy Dédé.

Thầy André và Phương Thảo với giải thưởng Cinéma Réel cho phim “Giấc mơ làm công nhân” của Phương Thảo

Từ 2004, với sự giúp đỡ rất lớn từ quỹ Ford, Varan đến Việt Nam, mang theo máy móc, mượn vài căn phòng của hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, dạy miệt mài mỗi năm khoảng 3 tháng, “nhồi” vào những cái đầu hoặc cũ kỹ, hoặc non nớt một cách làm phim khác hẳn – phim tài liệu trực tiếp.

Như một nhà làm phim tài liệu Campuchia từng nói (người viết cũng biết lỏm thôi), đại loại: “Khi quay, tôi đứng đủ gần để người ta có thể đập tôi“, Varan quan niệm người quay phim tài liệu phải đứng giữa đám nhân vật và bối cảnh, thật gần, chứ không phải đứng từ xa mà làm phim về họ.

Càng thu ngắn khoảng cách giữa người làm phim với đề tài, với nhân vật càng tốt, nên người làm kịch bản, người đạo diễn, và người quay phải là một. Thêm một người cầm thiết bị thu thanh, và một người ngồi dựng những băng phim đem về. Tổ tam tam này làm việc chặt chẽ liền tù tì một thời gian, với sự giám sát của thầy cô.

Varan đã mở nhiều atelier ở nhiều nước: Campuchia, Nam Phi, Columbia…, những nước còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Nhờ Varan, người ta có được những bộ phim quý giá về những mảng sống ít người muốn làm vì nghĩ nó “thường quá”, không có câu chuyện gì giật gân cả, nhưng những mảng sống ấy khi ghép lại thành bức tranh của cả một thời. Các thầy ở Varan khuyến khích học viên Việt Nam đừng sa vào những phim mô tả một thân phận đơn lẻ (kiểu người tàn tật, gương phấn đấu), mà cố gắng làm về một cộng đồng, một vấn đề hiện tại của xã hội. Nhìn bức tranh một cách toàn cảnh rồi đi theo hướng gần gũi, trực tiếp là cách làm của Varan.

Nhóm Varan Việt Nam đi làm phim “Má lên thành phố”

Lời dẫn trong phim tài liệu cũng có những cái rất hay của nó, nhưng theo cách làm phim của Varan, không lời dẫn (của đạo diễn) là một điều bắt buộc. Chỉ có lời thoại tự nhiên của bối cảnh, hoặc lời kể của nhân vật (khi họ thực sự muốn kể). Không được ép cho sự kiện chảy theo hướng mình muốn, nên có những tình huống tưởng “chết đến nơi” mà vẫn thành hay, khi kịch bản đã lên, dự đoán nó sẽ theo hướng này, hướng này, đùng một cái nhân vật chính bỏ nghề, về quê, hoặc một chuyến lưu diễn đột ngột phải hủy… Thường lúc đó thầy Dédé sẽ bảo, cứ đi theo tiếp, xem những nhân vật họ làm gì tiếp. Tin tưởng đi, bộ não của cuộc sống lúc nào cũng nhiều nếp nhăn hơn bộ não phẳng phiu của người đạo diễn chỉ muốn mọi việc xảy ra theo đúng kịch bản.

Trong số học viên của Varan, bên cạnh những người rất thành công như Trần Phương Thảo (giải Cinema Réel) Nguyễn Thị Kim Hải (giải phim tài liệu xuất sắc trong Liên hoan phim Quốc tế tại Việt Nam vừa qua) thì bền bỉ nhất và thành công nhất có lẽ vẫn là Đoàn Hồng Lê. Chị là một đạo diễn phim truyền hình mạnh mẽ và gan góc của đài Truyền hình Đà Nẵng. Phim của Hồng Lê (Đất đai thuộc về ai) là một niềm tự hào của các thầy cô Varan, khi nhà làm phim đã thực sự coi camera là một vũ khí, chiến đấu không phải vì mình, mà vì những người dưng khác.

Đoàn Hồng Lê

Công của Hồng Lê rất lớn trong việc giúp Varan 2010 tổ chức năm nay tại Đà Nẵng. Tối 20 và 21. 11. 2010, vào lúc 19h30, tại Viện Goethe Hà Nội, Varan 2010 sẽ trình chiếu các bộ phim thực hiện trong năm nay, tại Việt Nam. Đó là:

NGƯỜI ĐƯA LINH37’- Đạo diễn & quay phim Trương Vũ Quỳnh
Câu chuyện về người hát đám ma.

NHÀ VÀ TỔ ẤM33’ – Đạo diễn & quay phim Ngô Thị Hạnh Đoan
Về những phụ nữ khát khao về một tổ ấm.

BỌN TRẺ NGÀY NAY25’- Đạo diễn & quay phim Hoàng Tùng
Về những người trẻ đam mê môn thể thao patin, sống tự do theo ý mình, không quan tâm đến mong muốn của cha mẹ, trong khi cha mẹ lại quan tâm đến con cái theo cách riêng của họ.

MÁ LÊN THÀNH PHỐ25’- Đạo diễn & quay phim Trần Cúc Phương
Cuộc sống của một phụ nữ nông dân lên thành phố mưu sinh bằng nghề đi thu mua phế liệu.

QUA SÔNG34’- Đạo diễn & quay phim Nguyễn Minh Sơn
Về một bến đò ở một ngôi làng hẻo lánh.
 
HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN32’- Đạo diễn & quay phim Nguyễn Minh Kỳ
Về những ngư dân nghèo từ làng quê ra Đà Nẵng mưu sinh dưới chân cầu sông Hàn, chấp nhận vất vả nhọc nhằn để kiếm tiền gửi về quê nuôi con ăn học, mong một sự đổi đời.

*
Các bạn nhớ nhé, đừng bỏ lỡ, tại Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học
19h30, tối 20 và 21. 11. 2010

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả