Soi học

Xem và đoán: thêm một số bích họa Mật Tông tại đền Lukhang 04. 12. 15 - 6:33 am

Thúy Vy dịch - Ảnh của Thomas Laird

Hôm trước Soi đã có dịch một bài về các bức bích họa tại đền Lukhang. Hôm nay mời các bạn xem thêm, và bạn nào có biết nhiều hay ít về dòng Phật giáo này xin cùng chia sẽ kiến thức khi xem tranh nhé. Cảm ơn các bạn.

Đại thành tựu giả Kumaripa nhận “mật chú tiên tửu” từ một dakini (Không Hành Nữ). Người ta tin rằng dakini có nhiệm vụ dẫn lối cho các thành tựu giả đạt đến giác ngộ. Vị Siddha (Tất-đạt) này hứng cam lồ bằng một chiếc tách sọ, tượng trưng cho sự vị tha và bất tử của tâm giác ngộ. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Tâm giác ngộ như một thứ thần dược màu nhiệm… mọi đức hạnh đều từ tâm đó mà ra… Ta nên dốc mọi nỗ lực để phát huy, bảo vệ và triển dưỡng nó”.  (Ảnh trong toàn bài của Thomas Laird)

 

Theo giáo lý Dzogchen (Đại Viên Mãn), tâm giác ngộ ấy nhìn thẳng vào bản chất căn cốt của nó, nhận thức được rằng nó chẳng khác gì so với tâm của Đức Phật. Như Lạt Ma Shabkar từng viết: “Tâm bình thường này, hoàn toàn tự nhiên và không do làm ra mà có, chẳng gì khác hơn chính là Phật Tâm vô biên. Những nỗ lực phân tích và luyện tập sẽ chẳng bao giờ khám phá được bản chất thiên bẩm, cốt lõi của tâm này”.

 

Người ta tin rằng các Naga, hay Lu – những vị thần mang thân rắn, sống dưới nước – là thần canh giữ những kho báu trần gian lẫn những kiến thức tâm linh. Vị Naga nữ này tay cầm một viên norbu, hay ngọc ước, đang bùng cháy, là biểu tượng cho năng lượng chưa được khai thác của trí tuệ con người.

 

Trong Mật Tông có hình ảnh chiếc khung cửi để mô tả giáo lý. Những đường ngang và dọc chỉ sự đan xen giữa Niết bàn và Luân hồi, giữa linh thiêng và trần tục, trong khi thế giới như một tấm thảm thêu của những giấc mơ. Hình trên thể hiện cảnh đạo sư, cũng là người thợ dệt Tantipa với vô số Tất-đạt và tôn giả vây quanh. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai từng viết: “Vạn vật tồn tại đều phụ thuộc lẫn nhau. Về bản chất, cơ sở của sự tồn tại chính là Hư Không. Hãy tu dưỡng nhân sinh quan này; và ý thức rằng thế giới là hão huyền, như tạo vật của một nhà ảo thuật”.

 

Bích họa này minh họa một loạt những thực hành huyền bí và các viễn tượng tương ứng. Chuỗi hình ảnh trên là một ẩn dụ thị giác về các giáo huấn Mật Tông, cho rằng thông qua việc giải phóng những thói quen của nhận thức, ta có thể biến đổi chính thế giới này. Các bích họa ở đến Lukhang đã mang đến cho các thế hệ các Đạt Lai Lạt Ma một chỉ dẫn bằng minh họa trên con đường họ đạt đến giác ngộ.

 

Một hành giả yogi đang thực hành Tummo, hay thuật yoga nội hỏa. Như Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy từng viết: “Năng lượng sống sinh ra từ trong thân hay ngoại thân đều được thu về kinh mạch trung ương, khiến ngọn lửa huyền bí bên trong bùng cháy… Những chữ cái AH và HAM rực sáng, rơi xuống và rung động, đưa ta đến cuối con đường nguyên thủy của Minh Sát và Cực Lạc. Ánh sáng từ ngọn lửa huyền bí này tỏa chiếu trăm hướng, triệu khẩn Phật phước vô biên”.

 

Hình trên là từ đoạn giữa của vách tường phía Bắc đền Lukhang, minh họa một số kĩ thuật yoga được sử dụng để phát triển hệ thống nadis, hay các kinh mạch bên trong cơ thể người. Một khi năng lượng sống chảy thông suốt trong cấu trúc giải phẫu tinh vi này, tâm sẽ được giải phóng khỏi ràng buộc với các tế bào. Trong lành và sáng rõ, tâm sẽ trải nghiệm những hình ảnh đột ngột xuất hiện, thí dụ như những mạng lưới chói lọi đa sắc như cầu vồng, được mô tả ở góc dưới hình.

 

Nhiều ghi chép Mật Tông có nhắc đến những phương pháp để đạt đến huyễn thân, hay “Thân cầu vồng”… Bức họa này cho thấy bằng cách nào, về căn cơ, mọi hình tướng đều chỉ là màn đùa bỡn, hay trò chơi của Cực quang Tâm thức. Ở những mức độ thực hành cao nhất của Mật Tông, những hành giả yogi thực sự có thể đạt được huyễn thân và dùng nó để đem lợi lạc cho vô số chúng sinh. Chữ khắc trên vách ghi rằng: “Dưới bầu trời quang đãng, hãy nằm ngửa, dùng một tấm vải che mặt và dõi theo chuyển động của mặt trời… Khi ánh mặt trời chiếu vào gian phòng tối, hãy để nó rọi lên một bình bằng đồng chứa đầy nước… Ánh sáng, tia nắng và cầu vồng [phản chiếu từ một khối pha lê] nên được nhìn nhận [như sự hợp nhất giữa hư không và hình tướng].”

Padmasambhava (Liên Hoa Sanh), một hiền nhân Ấn Độ, đã giới thiệu Phật giáo Mật Tông đến với Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Đa phần công việc của ngài là điều phục những chướng ngại trong tâm người Tạng lẫn trên lãnh thổ Tây Tạng, mở đường cho việc lan rộng một giáo lý dựa trên khả năng hoàn thiện của tâm linh con người. Hình này cho thấy Padmasambhava đang thuần phục một yêu quái bản địa, là một hình ảnh nhân cách hóa cho những lạc lối về tâm linh.

 

Trong hình là một hệ thống 23 động tác yoga để liên kết cơ thể với tâm và hơi thở. Những trulkhor, hay bài tập yoga này, nhằm khai thông kinh mạch. Như Đức Đat Lai Lạt Ma từng nhận xét: “Những động tác yoga này giúp cải thiện dòng chảy năng lượng qua các kinh mạch khác nhau. Một khi những kinh mạch này vận hành thông suốt, việc thiền định cũng sâu hơn…ta có thể tiến đến thực hành Mật Tông ở mức độ cao hơn.”

 

Rishis, các nhà tiên tri Ấn Độ cổ, là thủy tổ của giáo lý Mật Tông rất phát triển tại Tây Tạng sau thế lỷ thứ 7. Các thành tựu giả của giáo lý Mật Tông này để râu tóc dài và vận da thú hay quấn vải choàng rộng. Họ đại diện cho trạng thái giải phóng khỏi những quy tắc xã hội thông thường và không vướng bận với sở hữu vật chất. Trong hình, có vị mang đai thiền chéo qua vai. 

*

Nguồn từ trang này

Ý kiến - Thảo luận

12:57 Monday,11.12.2017 Đăng bởi:  Thomas Laird
All of these photographs are Copyright, Thomas Laird. Please at least give credit if you are going to use them? Thanks...
 
...xem tiếp
12:57 Monday,11.12.2017 Đăng bởi:  Thomas Laird
All of these photographs are Copyright, Thomas Laird. Please at least give credit if you are going to use them? Thanks...
  
1:41 Saturday,26.3.2016 Đăng bởi:  remie
bức ảnh cuối là một phép tu yoga cao cấp, được ghi trong các tantra (kinh điển mật thừa) đặc biệt, gọi là Phép tu nhìn mặt trăng hoặc mặt trời, hành giả tu phải thiền định và quan sát mặt trời hoặc mặt trăng để có thể chứng đắc và đạt được những kĩ thuật thần thông nhất định, cũng để đạt được huyễn thân. Hầu như phép tu này rất hạn chế về sau. B
...xem tiếp
1:41 Saturday,26.3.2016 Đăng bởi:  remie
bức ảnh cuối là một phép tu yoga cao cấp, được ghi trong các tantra (kinh điển mật thừa) đặc biệt, gọi là Phép tu nhìn mặt trăng hoặc mặt trời, hành giả tu phải thiền định và quan sát mặt trời hoặc mặt trăng để có thể chứng đắc và đạt được những kĩ thuật thần thông nhất định, cũng để đạt được huyễn thân. Hầu như phép tu này rất hạn chế về sau. Bên đạo Giáo (Lão Giáo) của Trung Hoa cũng có một phép tu tương tự như vậy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả