|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnh“Yêu”: Tôi không còn tin vào những câu chuyện cổ tích… 07. 12. 15 - 8:14 amTrịnh Lê Minh
Đúng thật là tôi không thể tin những câu chuyện cổ tích sau khi xem phim Yêu. Dẫu biết rằng để ngồi xem, rồi chê một bộ phim thì dễ, nhưng tôi không thể không nói lên thật những suy nghĩ của mình, dù ai đó đã lấy lý do kinh phí thấp, phim tuổi teen để thông cảm. Một bộ phim, dù cho bất kỳ đối tượng nào, nếu sa vào những lối mòn, sự sáo rỗng thì sẽ tự đi ra khỏi lòng khán giả. Rất tiếc, Yêu rơi vào trường hợp như vậy. Phim mở đầu bằng một cảnh long shot rất dài, mà sự sắp xếp vụng về của nó lộ ra ngay từ cú đảo máy theo chiếc xe rác đã tự chờ sẵn để vào hình. Sự vấp váp đó là khởi đầu của một loạt các chuỗi tình tiết và dàn dựng hoặc gượng ép, hoặc cẩu thả, hoặc hời hợt và sơ sài. Mở đầu đoạn hồi tưởng về quá khứ là một cảnh buổi sáng thức dậy. Người bạn ngồi xem cùng huých tôi một cái và bảo: “Cảnh buổi sáng thức dậy”. Tôi giật mình, ừ, thì đó là cách mở đầu phim dễ nhất. Dễ, nhưng vẫn có thể mới. Vậy mà nó giống với hằng trăm cảnh thức dậy đi học khác, khi Tú nói, “Nhi ơi đi học thôi” thì cảnh tiếp sau đó là Nhi vẫy tay chào mẹ. Ngoại trừ đoạn cục mỡ khá dễ thương và đóng góp đáng kể cho sự phát triển mối quan hệ giữa các nhân vật, phần lớn sự phát triển mối quan hệ giữa hai nhân vật sang một mức độ khác được dựa vào những trường đoạn montage, kèm theo một bài hát thịnh hành. Lần thứ nhất là khi hai cô bé trở nên thân nhau hơn, và lần thứ hai, khi đoạn nhạc bài Trót yêu vang lên để thúc đẩy cuộc tái ngộ sang một mối quan hệ khác, tôi không khỏi ngao ngán bởi bài hát này đã được sử dụng trong một trường đoạn montage về mối quan hệ ở một phim khác. Có những chi tiết bị bỏ qua một cách đáng tiếc, như lần đầu tiên Nhi ôm Tú hôm nhà Tú có chuyện. Đó phải là một đêm kinh hoàng với Tú, và Nhi muốn an ủi Tú, một cách chia sẻ và cảm nhận tình cảm. Vậy mà nó được làm hời hợt, lấy lệ và qua loa. Một số dàn cảnh bị làm sơ lược như cách ước lệ trong sân khấu hay MV. Bối cảnh bệnh viện trở nên trống hoác. Đỉnh điểm của sự ước lệ là khi bác sĩ khám bệnh và cấp cứu là cùng một người. Nhân vật gục ngã khi báo tin buồn, máy dolly out ra xa và lên cao, không ai qua lại. Với một người ra vào bệnh viên như cơm bữa như tôi, tôi thấy mình bị đánh bật ra khỏi phim… Nhiều chi tiết khác cũng sơ sài như cái băng rôn, căn phòng đám đông của cuộc thi âm nhạc. Đâu đó những chi tiết này nằm giữa ranh giới của việc cắt giảm chi phí sản xuất hay sự cẩu thả không đáng có. Hình thức phim là một telenova với mọi mâu thuẫn được giải quyết bằng thoại, như mâu thuẫn giữa vợ và chồng, như chồng khuyên vợ chấp nhận tình yêu của con, như mâu thuẫn giữa hai cô gái trong việc yêu hay gác lại tình yêu, giữa chàng trai và cô gái. Cách biểu đạt cho hình thức ấy là những video clip được gắn lại. Máy được dolly qua lại, boom lên xuống vô mục đích. Cách dựng lời nói cũng chủ yếu là dựng qua lại như bóng bàn khi nhân vật có thoại mà không hề có cảnh phản ứng. Tôi thấy thèm một ánh mắt nhìn tiếc nuối khi bạn mình rời xa, hơn là một cú dolly để thấy cô bé đứng núp khóc tức tưởi. Tôi thèm được có một vài giây phút im lặng sững mình khi nghe tin dữ hơn là một cú boom ra xa, nhân vật gục ngã trên nền nhạc rền rã để mua cảm xúc. Tôi thèm những điều chân thật, không bị ước lệ như một MV ca nhạc. Thèm sự phát triển kịch tính có thật, chứ không phải kiểu dàn dựng phản ứng nói bịt tai, lườm mắt trong đoạn cả trường xem đoạn clip. Nó gợi cho tôi phim truyền hình đầu thập niên 1990s mà người ta vẫn xử lý khi một cô sinh viên nào đó có bầu vào lớp. Một phim cũ, rất cũ về nhiều mặt. Cũ về nhân vật chính, về những nhân vật phản diện (đối lập) về dàn dựng và cả về tinh thần. Từ cái cũ bị ước lệ, nhân vật và những mối quan hệ trong phim trở nên giả tạo và không đọng lại chút cảm xúc gì. Tôi ngồi xem trong một rạp đầy teen tan trường sau lễ 20/11. Các em rú lên chờ đợi nụ hôn đồng tính, rồi la ó một vài tình huống vô lý. Bọn trẻ bốc đồng, thích những thứ giật gân nhưng cũng tinh quái lắm. Tôi không nghĩ vẻ ngoài sạch sẽ nhưng giả và qua loa có thể qua mắt chúng. * Nguồn: FB của Trịnh Lê Minh. Anh là đạo diễn có phim ngắn tranh giải quốc tế và đang chuẩn bị cho một dự án phim dài. Hiện giảng dạy bộ môn sản xuất phim tại Đại học Hoa Sen. Ý kiến - Thảo luận
13:18
Tuesday,15.12.2015
Đăng bởi:
IQ ABC
13:18
Tuesday,15.12.2015
Đăng bởi:
IQ ABC
Kinh nghiệm xem phim đơn giản nhất của mình là...xem poster phim. Phim mà có poster in hình mấy diễn viên trẻ đẹp thì phần lớn là xàm, phim mà in hình có vẻ ghê gớm, dật gân, đồ họa tứng lựng này nọ thì hầu hết là nhảm. Như thế đã đỡ tốn một mớ tiền cho mấy bộ phim dở hơi.
Tốt nhất là cứ vào các trang đánh giá phim xem điểm rồi hẵng đi rạp là tốt nhất. Nếu là dân ghiền phim như Pha Lê thì chắc chẳng cần mấy thủ thuật đó, cứ nghe tên đạo diễn, diễn viên nào thì đã đoán được phim hay dở rồi. (Thực tình mà nói, phim Việt mình làm 100 phim thì họa hoằn lắm mới có 1 - 2 phim hay, theo ý kiến mình) Vì vậy, đỡ phải mất tiền vì vé, đỡ tốn thời gian xem, tiết kiệm được cả đống thời gian và cảm xúc để...viết review :)
8:32
Monday,7.12.2015
Đăng bởi:
Sota
dạ xem phim thấy cũ cũ là phải rồi, lúc em xem cứ thắc mắc bối cảnh phim là những năm bao nhiêu mà lộ clip les lại bị bạn bè kỳ thị ghê thế, em thật bây giờ sinh viên mà nói mình les khéo bạn bè kéo ra chúc mừng! Xem xong em mới được bạn cho biết là kịch bản lấy lại từ phim Love of Siam của Thái từ 2007, và đạo diễn VN chắc là lười hoặc thiếu kinh phí, không thè
...xem tiếp
8:32
Monday,7.12.2015
Đăng bởi:
Sota
dạ xem phim thấy cũ cũ là phải rồi, lúc em xem cứ thắc mắc bối cảnh phim là những năm bao nhiêu mà lộ clip les lại bị bạn bè kỳ thị ghê thế, em thật bây giờ sinh viên mà nói mình les khéo bạn bè kéo ra chúc mừng! Xem xong em mới được bạn cho biết là kịch bản lấy lại từ phim Love of Siam của Thái từ 2007, và đạo diễn VN chắc là lười hoặc thiếu kinh phí, không thèm cập nhật lại tình hình xã hội, chỉ cập nhật những chiếc smartphone.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Tốt nhất là cứ vào các trang đánh giá phim xem điểm rồi hẵng đi rạp là tốt nhất.
...xem tiếp