Gẫm & Bình

Xem hội họa của những người “thất bại” 29. 12. 15 - 6:59 am

Vũ Lâm

Trong mùa đông này, có hai triển lãm của những người thế hệ 7x, đều đi đến trở về với hội họa không sớm lắm. Một là nữ họa sĩ Bùi Thanh Thủy với triển lãm “Miên Du” (vừa xong tại 29 Hàng Bài, Hà Nội). Hai là “Chạm vào tĩnh lặng” của Trịnh Vũ Hiếu (vừa xong tại Blue Gallery 28 Tràng Tiền). Đó là món quà của những người yêu tạo hình tuổi 7x cho người thưởng lãm. Tuy triển lãm của họ đã qua (“Miên Du” sẽ còn bày tiếp tại TP HCM từ 27. 12 – 10. 1. 16), nhưng hai triển lãm tưởng như chẳng có gì liên quan đến nhau này (hai tác giả có khi cũng không hề quen biết) lại có một điểm chung. Bởi đó là hội họa của những người “thất bại”, và có nhiều điều để nói về tác phẩm của họ…

Tranh của Bùi Thanh Thủy

 Nếu các tác giả nghe được tôi bảo họ là những người thất bại, e rằng họ sẽ phản đối lập tức, nhất là nam họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu có khi còn nhảy lên gây gổ với tôi cũng nên. Thất bại là thế nào nào, ý ông muốn gì? Nếu so về cuộc sống vật chất và tinh thần cũng như quan hệ phong phú, sức khỏe, tài năng, vẻ đẹp, tuổi thơ không dữ dội… thì họ sung sướng hơn rất nhiều trường hợp khác. Một người là người đàn bà đẹp, giỏi giang, sinh trưởng gia đình gốc đạo (Tin lành) và đều làm văn nghệ, công dung ngôn hạnh không thiếu. Một người là đàn ông trai tráng, ngông nghênh, đa nghệ, tự tin thú vị. Ai cũng có con cái đề huề, thậm chí là giầu có hơn ối người vẽ còn đang long đong chật vật. Vậy, tại sao lại nói họ thất bại được?

Tranh của Trịnh Vũ Hiếu

Câu trả lời là: “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Giời bố trí “vốn” cho mỗi sinh thể mỗi người mỗi khác. Người nhiều người ít, nhưng cái đích hướng tới thì là như nhau. Là hạnh phúc, là ấm êm, là khỏe mạnh, là oai danh là rong chơi bốn bể. Nhưng tình trường và tình đời thì đa đoan, muốn thế nọ thì nó thành thế kia. Biết làm thế nào bây giờ. Mong muốn thì là vô hạn, đến khi thành hiện thực thì lại chán, thấy là không phải thế ạ. Chỉ có khi đối diện ta với ta, con người mới “Tự âm thầm biết/ Tự âm thầm hay/ Tự âm thầm đắng/ Tự âm thầm cay…” mà thôi.

Và hội họa vô tình, hay cố tình ngoắc họ lại, để “làm nơi nương tựa” (chữ dùng của nhà báo-họa sĩ Trịnh Tú)

Bùi Thanh Thủy

.

Họa sĩ tự bạch: “Sau nhiều năm hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực thời trang, tôi mới nhận rằng hội họa mới là sự giác ngộ quan trọng nhất về cái đẹp, cuộc sống, tình yêu”.

Họa sĩ mới vẽ lại ba năm nay, dùng chất liệu phổ thông mà đa năng là sơn dầu, cùng một ít sơn mài, tất cả là 36 bức. Tranh của Thủy có sự êm đềm cao lớn của tranh Nga cùng chất của hội họa Ấn tượng, nhuộm mầu xa vắng của ký ức và bố cục lạ từ sự quan sát, những kinh nghiệm hay “phép phù thủy” của kỹ thuật thời trang và cách dùng ánh sáng của sân khấu-điện ảnh (là nhánh của nghệ thuật tạo hình cô đeo đuổi tới 20 năm). Bề mặt tranh sơn nhiều nét bút ngang song song nhỏ nhẹ, lớp lớp lăn tăn như làn sóng trên mặt hồ vào một ngày giữa thu. Vẽ bé gái (mình hay con mình?) và các “chân dung nhà thờ” phủ một màn sương kỷ niệm tĩnh lặng và dịu dàng. Xem tranh của họa sĩ thấy vô cùng dễ chịu và hy vọng cuộc sống còn có nhiều điều để mà tin tưởng.

.

 

.

Trịnh Vũ Hiếu

Họa sĩ từng thử sức với nhiếp ảnh nghệ thuật, với gốm, với tranh biểu hình và một số công việc khác. Loạt tranh “Chạm vào tĩnh lặng” 11 bức này, họa sĩ thực hiện trong hai năm nay.

Ban đầu, theo lời giới thiệu thì họa sĩ vẽ về trạng thái lên đồng, sau đó anh cố tình dập xóa đi bằng những vệt nét mầu sáng (vàng, đỏ, trắng) như sao xẹt tung hoành. Và như nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông nhận xét thì: “thời gian dành cho sự dập xóa chính là thời gian tâm trí anh luôn chờ đợi để có thể tiếp cận tới sự yên tịnh. Đây là nét khá lạ so với nhiều họa sĩ khác, cảm thấy hài lòng khi đạt tới mục đích mà họ theo đuổi, còn với Trịnh Vũ Hiếu, sự hài lòng và bình an anh đã tiệm cận được ngay trong quá trình theo đuổi những ảo ảnh của mình. Và bất chợt, ảo ảnh đó hiện ra để thể hiện thành tác phẩm hội họa”. Có điểm gì giống hành động hội họa này của Hiếu với action painting của Pollock, nhưng cũng không hẳn vậy. Có khoái cảm của trẻ con đá bóng gôn gạch hơn. Pê-lê sút quả bóng thứ 1000 vào gôn, chắc gì đã hồn nhiên sướng hơn mấy nhóc con sút đổ mấy cục gạch. Xem tranh Hiếu, cảm thấy được sự cuồng tráng khỏe khoắn tiếp sức cho ta để mà có sức để mà xem tranh của… Bùi Thanh Thủy.

.

Tìm mình, tìm bình an hay tìm gì…

 Có thể nói, hội họa của Bùi Thanh Thủy và Trịnh Vũ Hiếu bước qua trường phái hay nói cho đúng là chẳng có trường phái nào đo được họ cả. Họ đi ngoài lề, và vô tình làm nên hội họa của họ từ sự thất bại trước cuộc sống. Vẽ là sự níu kéo cuối cùng của tâm hồn họ đối với điều gì khả dĩ là cái mỏ neo cuối cùng, và ta được chiêm ngưỡng chúng, thế thôi. Bài học chân thành này dành cho những người trẻ, đang làm nghề vẽ hay nghề gì đó liên quan đến nghệ thuật để sống. Là khi vẽ để phục vụ thứ quyền lực hay vật chất mà chính ta cũng không xơi được ấy, thì đừng nói to. Chỉ khi ta vẽ để phục vụ chính ta thôi, bằng kỹ năng hay niềm yêu thích bất kỳ gì đó làm nơi nương tựa (và không có hy vọng gì bán được ấy) thì khi đó, ta mới chạm được vào nghệ thuật (nhỡ có khi lại bán chạy cũng nên).

Tôi nhớ một câu trong kịch của văn hào Lev Tolstoi, của một người cha khuyên người con, đại ý rằng: “Con ơi, chỉ khi con dám từ bỏ chính mình thì mới có cơ hội để Chúa rủ lòng thương xót con, con ạ”. Hoặc một câu khác trong phim Hellboy, cũng đại ý, là: Không phải xuất thân dòng giống hay những tiền đề sẵn có quyết định ta như thế nào, mà là quyết định cuối cùng của chính ta ra sao cơ…

Tranh của Bùi Thanh Thủy

Họ, những người 7x, chúc mừng họ đã tìm được tĩnh lặng và bình an khi nương tựa vào hội họa. Còn tôi, cũng ở trong thế hệ 7x này, chẳng tin và không tin gì cả, cũng không có nhu cầu tìm gì cả nên cũng chỉ mới mon men dựa dẫm vào chính mình. Không bận tâm điều gì ngoài việc cứ nhức nhối bởi chứng mất đường cong sinh lý cột sống cổ có nguy cơ gây thoái hóa đốt xương và thiểu năng tuần hoàn não làm đau mỏi vai gáy suốt. Ừm, nhưng mà xem tranh của họ, tôi đỡ đau nhức được một lúc, có lẽ do trái tim tôi đập mạnh lúc đó, nên cái máy bơm này nó tăng áp lên được một chút, đẩy máu phi ào ào ngược lên đầu chăng?

Tranh của Trịnh Vũ Hiếu

 

Ý kiến - Thảo luận

8:10 Friday,26.8.2016 Đăng bởi:  coi

Nếu họa sỹ viết thì không nên viết như vậy,mà hội họa của bạn hay như thế nào nhỉ? mỗi người có một cách riêng, một cảm nhận riêng đừng lấy cái nhận xét của mình , (chưa chắc đúng - bạn là ai mà dám nhận xét này nọ)
Nếu là người không trong nghề chả biết gì thì tốt nhất thấy tranh đẹp có mua thì người ta bán, còn nếu không thích thì thôi
Kh
...xem tiếp

8:10 Friday,26.8.2016 Đăng bởi:  coi

Nếu họa sỹ viết thì không nên viết như vậy,mà hội họa của bạn hay như thế nào nhỉ? mỗi người có một cách riêng, một cảm nhận riêng đừng lấy cái nhận xét của mình , (chưa chắc đúng - bạn là ai mà dám nhận xét này nọ)
Nếu là người không trong nghề chả biết gì thì tốt nhất thấy tranh đẹp có mua thì người ta bán, còn nếu không thích thì thôi
Không một ai có thể đánh giá nó là đẹp hay xấu, thành công hay thất bại, tùy theo cách nhìn của mỗi người

 
22:59 Wednesday,30.12.2015 Đăng bởi:  LC
Thôi tôi can ông chớ tắm sông Hồng, bọn Tung của hắn thả rất nhiều hoá chất từ thượng nguồn, cộng với mực in mấy nhà xuất bản ngày ngày tuôn ra, ai ngấm phải cũng nộ khí tăng lên, sức bền giảm xuống, nhưng sẽ viết hay tuyệt, xuất hiện giai phẩm cái thế. Ông viết luôn cuốn tiểu thuyết đi, cho đỡ ngứa bút, hà ....
Thôi tôi cũng đi ngâm sông Hồng đây, hẹn
...xem tiếp
22:59 Wednesday,30.12.2015 Đăng bởi:  LC
Thôi tôi can ông chớ tắm sông Hồng, bọn Tung của hắn thả rất nhiều hoá chất từ thượng nguồn, cộng với mực in mấy nhà xuất bản ngày ngày tuôn ra, ai ngấm phải cũng nộ khí tăng lên, sức bền giảm xuống, nhưng sẽ viết hay tuyệt, xuất hiện giai phẩm cái thế. Ông viết luôn cuốn tiểu thuyết đi, cho đỡ ngứa bút, hà ....
Thôi tôi cũng đi ngâm sông Hồng đây, hẹn gặp ông và hội văn thơ ở bãi giữa, mố cầu Z, giờ G. Nếu thấy Soi cũng mò ra, thì đợi tôi bẻ ít ngô nướng ăn chơi...
À. Nhớ đóng khố kẻo độ này cá to, nó đớp...đấy. Tôi thi thoảng vẫn nhảy bừa lên lưng một con bơi sang Gia Lâm 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Như Huy trả lời D.Q

Như Huy từ Ga 0

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả