Gẫm & Bình

Nhân xem tranh giấy Dó 1995 của Nguyễn Xuân Tiệp (bài 1): Từ chất liệu “tủy sống” của tinh thần độc đáo Việt 22. 12. 15 - 7:23 am

Vũ Lâm


Tranh giấy Dó trong triển lãm Độc Thoại của Nguyễn Xuân Tiệp

Ngày 2 đến 7 tháng 12 năm nay, trong mùa triển lãm cuối năm rôm rả của mỹ thuật nước nhà, có triển lãm quan trọng mang tên “Độc thoại” của một trong những họa sĩ thành danh ở ngưỡng cửa Đổi Mới là họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Loạt tranh giấy Dó 26 bức này được ông vẽ trọn trong năm 1995, và đây là lần đầu tiên loạt tranh được đưa ra triển lãm. Xem loạt tranh đó, để hiểu thêm lý do tại sao tranh giấy Dó qua nhiều thời kỳ, được các họa sĩ tài năng chuyên chú nối sợi tủy sống thành một tinh thần độc đáo Việt.

Về tác giả

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp sinh ra cuối năm 1956, trong một gia đình nòi âm nhạc. Thuở bé ông có học nhạc và được gia đình khuyến khích theo ngạch nghệ thuật này, nhưng ông đã chọn nghiệp vẽ. Tốt nghiệp chuyên khoa Sơn mài của Đại học Mỹ thuật khóa 1975-1980 cùng lứa với các họa sĩ có theo đuổi sáng tác như: Lương Xuân Đoàn, Đỗ Phấn, Chu Hùng Sơn, Mai Văn Kế, Đinh Gia Thắng… (người nhận được thầu làm tượng đài Mẹ Việt Nam rất đình đám ở Quảng Nam), nhưng (một lần nữa), ông lại làm trái lời khuyên hoặc sự sắp đặt, mà chọn chất liệu sáng tác đắc thủ là giấy Dó và sơn dầu (cả đời họa sĩ tới nay ông nói chỉ làm có hai bức sơn mài, một bức là tác phẩm tốt nghiệp).

Một bức tranh giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp

Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên khi tiếp xúc với chân dung của các nghệ sĩ trong giới tạo hình. Đó là một tập hợp kỳ lạ. Dường như tập hợp này khái quát được đầy đủ chân dung của đủ loại giới người trong xã hội. Chân dung của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp khi định dáng ở tuổi trung niên cũng là một chân dung lạ. Tóc dài xõa vai ốp vóc mặt trái xoan thanh thoát, mắt nghiêng-nheo-dim (nghiêng nghiêng nghiêng, nheo nheo, lim dim) với giọng nói trong ngọt, thủ thỉ và trịnh trọng. Họa sĩ gây cảm tưởng cho người đối thoại rằng con người ấy như thể là giáo sĩ của một giáo phái bí mật nào đó (chính hay tà chẳng biết). Nếu theo nghiệp tu hành, ông sẽ là một giáo sĩ làm nhiệm vụ giữ kinh sách. Còn nếu trong một chính đảng thời trước, chắc ông sẽ làm nhiệm vụ “bí thư” (không phải chức “bí thư chi bộ” như ta thường hiểu, mà là giữ “bí thư” theo đúng nghĩa đen của từ này). 

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp

Một điểm quan trọng nữa trong sự nghiệp của họa sĩ: ông là một nghệ sĩ bảo tàng điển hình như một số nghệ sĩ có tên tuổi khác trưởng thành từ bảo tàng mỹ thuật quốc gia. Cả đời làm công tác của một cán bộ bảo tàng, ông thâu nhận được vô khối kiến thức thị giác từ chuyên môn bảo tàng học qua các công việc điền dã, lưu kho, bảo trì, phục chế các tác phẩm tạo hình chọn lọc; chấm điểm, mua tác phẩm qua các kỳ triển lãm toàn quốc; giới thiệu, tổ chức đưa và đón các bộ sưu tập mỹ thuật đi trưng bày trong và ngoài nước… Nguyễn Xuân Tiệp hiểu và yêu bảo tàng (đơn vị sự nghiệp văn hóa làm nên một phần giá trị của ông) một cách sâu sắc và quyết liệt bảo vệ truyền thống của nó trước các nguy cơ bị xâm hại, méo mó. Nhưng kết quả của việc này có vẻ chẳng đi đến đâu, và ông từ giã bảo tàng trong sự thất bại dằn vặt, để cánh cơ hội bon chen nhích lên. Và đến tận giờ, sự ám ảnh dằn vặt của một công dân nghệ sĩ – con ruột của “ngôi đền nghệ thuật quốc gia” có vẻ như vẫn còn chưa dứt cho đến khi ông về hưu, cũng nên…!

Trong ảnh: chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, họa sĩ Nguyễn Quân, và tác giả Vũ Lâm. Ảnh do họa sĩ Bùi Hoài Mai chụp trong triển lãm “Di cư trong thành phố”

Về Dó nói chung…

Có lần làm cỗ phải gói bánh na nem (nem cuốn) bằng bánh đa tráng công nghiệp, khuôn vuông, mép xén thẳng rất khó chịu. Tôi liên tưởng tờ bánh na-nem tráng tay hình tròn, phơi trên phên nứa, mép bánh lem rem với… tờ giấy Dó. Giấy Dó làm thủ công cũng có mép tờ lem rem theo khuôn chữ nhật của “liềm seo” (khay tráng giấy). Mà nếu xén phẳng vuông góc đi thì trông cực kỳ khó chịu. Công nghệ thủ công làm giấy Dó của người Việt thời trung-cận đại đã đi đến mức tinh kỳ với hàng chục loại giấy khác nhau. Giấy Dó ta so với giấy xuyến chỉ y như đồ gốm Việt với đồ sứ tầu vậy. Thời cổ, những loại giấy sang trọng thì để viết, vẽ, in đồ họa mộc bản (sách), in tranh, rập bia. Loại giấy kém chất lượng hơn thì để bồi làm vàng mã, đồ chơi thủ công. Cho tới giờ, nghề truyền thống làm ra được những loại giấy tinh vi như giấy sắc, giấy lệnh, giấy phương, giấy trúc… có lẽ đã mất hẳn. Các họa sĩ ta giờ chỉ còn được vẽ trên những loại giấy thường thường bậc trung.

Giấy Dó thủ công chẳng sợ gì, có độ bền vài trăm năm, nhưng sợ nhất là bị ẩm. Bởi nó sinh ra từ nước, sợi tuy dai hạng nhất so với các loại vỏ cây có thể làm giấy khác, nhưng sợ ẩm. Tôi từng thấy có người vẽ Dó trong ký túc xá trường mỹ thuật, bôi qua quết lại quá tay, lúc sau thành một cục giấy ướt đẫm mầu.

Tranh giấy Dó của Lý Trực Sơn

Tờ giấy Dó làm thủ công có gì đó giống như tờ bánh na nem tráng thủ công. Tự thân nó cũng đã có thẩm mỹ tự nhiên, để không thấy cũng đã “ngon” rồi. Vẫn tờ bánh na nem ấy, gói gì trong đó là chuyện khác. Nơi cung đình để gói nem công chả phượng, để các nhân vật mặt lớn tai to nhấm nháp với hảo tửu, mặt hỉ hả, bụng âm mưu với nhau và cùng nhau bàn dương mưu điều trị nhân quần. Nơi góc chợ vỉa hè, thì nhân quần chén loại nem gói toàn rau linh tinh với ít thịt bạc nhạc, rượu bia kém chất lượng, nói cười phớ lớ bàn những chuyện nghe hơi nồi chõ từ chốn… đình cung!!!

Người ta đã viết vẽ hàng vài thế kỷ nay lên tờ giấy Dó, tâm hồn người Việt từ cổ chí kim được gói ghém ở trong ấy. Vậy, các họa sĩ trung niên làm nên thời Đổi Mới ở độ tuổi sáng tác chín muồi nhất (năm 1995, xấp xỉ tứ thập) như họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, đã “gói” gì trong tờ Dó ấy, hai mươi năm trước?

Triển lãm 16 nghệ sĩ năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật đặt một nền mốc cực kỳ quan trọng cho Hội họa Đổi Mới, trong ảnh này gần đủ số tác giả đó, toàn những nghệ sĩ sau này đều thành danh lớn cả. Chơi trò “đố bạn là ai”, hãy tìm giúp họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp ở đâu trong ảnh?

Từ Dó của Phan Cẩm Thượng và Lý Trực Sơn

Để xem xét giá trị của tác phẩm hội họa, có nhiều chiều đo vắn dài, trong phạm vi bài viết này, về tranh giấy Dó mầu nước, tôi chỉ tạm đưa ra một vài so sánh dễ dàng nhất tranh giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp để tạm hiểu (dù so sánh kiểu gì thì vẫn cập kê), theo chiều đương thời với tranh giấy của hai họa sĩ Lý Trực Sơn và Phan Cẩm Thượng.

Họ đều là các họa sĩ chuyên chú điêu luyện trong địa hạt tranh giấy và phú cho tranh giấy Dó những giá trị khác nhau. Bên ngoài nhìn thấy họ tề danh về mặt này, và còn “tề” hưởng cái phông gốc văn hóa Hà thành, tuy sinh trưởng thân phận tuổi tác có khác biệt (họa sĩ Lý Trực Sơn lớn hơn các ông Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Xuân Tiệp 7 tuổi). Còn bên trong thì mỗi người tự nhìn nhận mình giá trị mỗi khác. Hơn nhau là ở chỗ ai có “trường kỳ kháng chiến” hay không mà thôi.

Tranh rồng rắn trên giấy Dó của Phan Cẩm Thượng. Hình từ trang này

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng tìm ra phong cách của tranh giấy Dó thời kỳ đầu của ông với mầu khoáng chất tự nhiên (ngả tông nóng nhiều hơn) và tay nghề thư pháp chữ Hán lâu năm. Ông dùng bút lông nét nhỏ đi hình trước rồi lấy bút lông bản rộng đi mảng mầu sau, vẽ rất hoạt và ít khi hỏng giấy. Nhiều bức vẽ không kín bề mặt giấy mà tận dụng những khoảng trống của nền. Tranh ông vẽ ra vừa mới ráo mực mà ngay ngày hôm sau trông đã cứ như cổ lắm. Tác phẩm giai đoạn đó hàm chứa những tâm trạng hoài niệm cái thẩm mỹ phương Đông “vang bóng một thời”, có câu chuyện. Sau này, ông còn dịch chuyển thử nghiệm sang địa hạt trừu tượng với những bố cục miếng hình cơ bản, nhiều đường thẳng trên giấy Dó và sơn mài. Đó là những giá trị khác ta sẽ bàn sau…

Tranh gà trên giấy Dó của Phan Cẩm Thượng. Hình từ trang này

Họa sĩ Lý Trực Sơn nổi tiếng với bộ tranh giấy Dó “Vân dại” ông vẽ cuối những năm 1980s. Khác với họa sĩ Phan Cẩm Thượng, ông tiếp xúc với Dó bằng cách thấm nhuộm từ từ, và tận dụng độ loang mầu, là kỹ thuật ông duy trì mãi về sau cho tới gần đây trong triển lãm “Giả thiết” (2011).

Tranh giấy Dó của Lý Trực Sơn

Lý Trực Sơn tự tìm tòi và thử nghiệm chế mầu từ đất đá cây cỏ tự nhiên, là cách họa sĩ đẩy sâu sự riêng biệt cho giấy Dó Lý Trực Sơn, cùng với sự dấn thân hẳn vào địa hạt trừu tượng ký hiệu. Đó là cách đặc biệt để nghệ sĩ có thể du hành mãi cùng giấy Dó mà không cần có điểm dừng…

*

(Bài tiếp theo: Giấy Dó của Nguyễn Xuân Tiệp: “Tên của khí giời”)

Ý kiến - Thảo luận

0:04 Sunday,27.12.2015 Đăng bởi:  lc
Bạn ơi, tranh và nói về tranh không chỉ là một đại lượng tinh thần để nghĩ và để ngắm riêng, mà còn là từng miếng vật chất nặng áo cơm. May là Soi không trả nhuận bút và tớ với bạn không cùng viết cho một báo nào đấy, chứ văn mình vợ người, càng càng toàn đứa ngang cả, khéo ghét nhau mất. Trong khi trận chiến thực sự về học thuật và phê bình, thì chưa
...xem tiếp
0:04 Sunday,27.12.2015 Đăng bởi:  lc
Bạn ơi, tranh và nói về tranh không chỉ là một đại lượng tinh thần để nghĩ và để ngắm riêng, mà còn là từng miếng vật chất nặng áo cơm. May là Soi không trả nhuận bút và tớ với bạn không cùng viết cho một báo nào đấy, chứ văn mình vợ người, càng càng toàn đứa ngang cả, khéo ghét nhau mất. Trong khi trận chiến thực sự về học thuật và phê bình, thì chưa đến lúc nổ ra đâu. Vì cao thủ vẫn thích mài dao đâu đó xa xôi, mà tớ chỉ là mõ làng kiếm ăn quanh chỗ...thớt ! 
21:54 Saturday,26.12.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Mình nghĩ rằng đứng trước gì đó không khỏi việc lấy cái tự thân ra đối diện. Đó là vừa là thói thường, vừa là nguyên tắc, như một định lý vậy. LC: Bạn có thể nói 5 câu mà không có từ: bán, mua, tiền, hay chăng?
Vấn đề có lẽ ở chỗ là "lập trường" và "giới tính". Những thứ quy định con người chán chết nhưng mà lại hay đúng. Buồn thế chứ! Phân tích d
...xem tiếp
21:54 Saturday,26.12.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Mình nghĩ rằng đứng trước gì đó không khỏi việc lấy cái tự thân ra đối diện. Đó là vừa là thói thường, vừa là nguyên tắc, như một định lý vậy. LC: Bạn có thể nói 5 câu mà không có từ: bán, mua, tiền, hay chăng?
Vấn đề có lẽ ở chỗ là "lập trường" và "giới tính". Những thứ quy định con người chán chết nhưng mà lại hay đúng. Buồn thế chứ! Phân tích dài sau, chỉ tạm nói, nếu coi một bức tranh là một giá trị văn hóa, thay đổi con người, thì khác. Còn coi là một vật có thể hoán đổi lại ít hay nhiều tiền, thì khác. Ở giữa, có rất nhiều giá trị phụ, đại khái vậy 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả