|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhGia đình nhà Yamada: hài nhất Ghibli 03. 02. 16 - 5:02 amPha LêGần Tết rồi, không muốn náo nức cũng phải náo nức, nhưng mà cũng bận bỏ xừ; vậy phải xem phim gì đây? Hãy xem Gia đình nhà Yamada. Như một số phim của Ghibli khác, thoạt đầu Gia đình Yamada trông như một tác phẩm chẳng kề về chuyện gì to lớn. Cả phim xoay quanh một gia đình rất đỗi bình thường với cái họ cũng khá phổ biến ở Nhật. Nhà Yamada có ông bố Takashi, mẹ Matsuko, cậu con trai Noboru, cô con gái Nonoko, bà ngoại Shige, và chó cún Pochi. Gia đình Yamada không có câu chuyện lớn xuyên suốt, mà thành hình bằng cách ghép nhiều mẩu chuyện nhỏ lại vào nhau, y kiểu truyện tranh Doraemon thời xưa. Một số mẩu chuyện rất đáng nhớ, ví dụ đoạn bé Nonoko đi lạc, cả nhà cuống lên tìm. Một số mẩu chuyện thì kể lại chi tiết vụn vặt hàng ngày, như lúc bà mẹ cằn nhằn sao con không chịu chăm học, hoặc lúc bố mẹ giành nhau cái rờ-mốt ti-vi. Chắc cũng tại phim kể theo từng “chương” nhỏ giống truyện tranh đăng báo hồi xưa mà đạo diễn Isao Takahata chọn dùng màu nước để vẽ nên tác phẩm. Kết quả là một bộ phim rất “mềm”, ấm áp từ đầu tới cuối. (Isao thích sự nhẹ nhàng của màu nước đến độ ông tiếp tục sử dụng nó trong phim tiếp theo – Nàng công chúa trong ống tre). Một vài bạn có thể nghi ngờ độ hấp dẫn của Gia đình Yamada, do nó tập hợp các câu chuyện nhỏ lẻ của một gia đình bình thường, chẳng có hoàng tử hay quái vật tàn phá thế giới. Nhưng chính vì vậy mà phim rất hợp để xem trong mùa này. Đầu tiên, Gia đình Yamada hài từ đầu chí cuối, mà gia đình thì gần như đất nước nào cũng có điểm chung, đặc biệt Nhật cũng là nước châu Á giống ta. Thế nên cái sự trớ trêu hài hước diễn ra trong nhà Yamada nhìn chung rất đỗi quen thuộc, hầu như ai cũng hiểu để mà cười được. Nếu có cả họ hàng cùng xem, không chừng mỗi thành viên sẽ tâm đắc từng “chương” riêng biệt, để rồi sau đó ông bà cha mẹ tha hồ lôi cảnh mình thích ra bàn cho rôm rả. Như tôi khoái đoạn ông con Noboru toan vào hiệu sách tìm tạp chí có người mẫu bận áo tắm, xun rủi thế nào gặp phải cô bạn cùng lớp, cu cậu sợ quê nên đành nhanh tay chộp cuốn khác. Đứa em họ thích cảnh bà mẹ Matsuko vò đầu nghĩ xem tối nay ăn gì, để rồi nấu lại cái món hôm qua vừa nấu xong. Xem phim, trò chuyện với đứa em mới nhận thấy rằng nhà mỗi người mỗi sở thích, mỗi tính hâm đơ khác nhau. Nhưng chính vậy mà khi sống chung một chỗ chuyện vừa bi vừa hài nó lòi ra. Vậy mới biết, tình cảm gia đình có lúc nằm ở khả năng biến những cái thối, những tính quái đản của nhau thành cái hài. Gia đình Yamada rất buồn cười, và quen thuộc tới mức người xem nhận ra rằng nhà mình cũng buồn cười y thế. Hình thức “từng câu chuyện nhỏ” này cũng rất tiện để chúng ta xem, nhất là trong hoàn cảnh bận rộn trước Tết. Bao lần tôi đang xem phim hành động tâm lý, mạch phim đang liên tục, đang hấp dẫn mà dùng cái có người gọi điện, hoặc phải bỏ đi làm chuyện gì khác là muốn phát điên. Lúc quay lại với phim thì hết xừ hồi hộp. Gia đình Yamada không thế, người xem có thể dừng giữa chừng để đi tiếp khách hoặc đi nấu cơm nấu tiệc, xong rồi quay lại xem một mẩu chuyện khác. Từng mẩu cũng không quá dài, người bận bịu vẫn có thể bỏ ra khoảng 5 phút xem cùng con cháu, ngày hôm sau xem tiếp, chẳng vấn đề chi. Mẩu nào cũng vui hết. Tất nhiên không đạo diễn nào hoàn hảo với mọi người, Isao Takahata khó nuốt ở chỗ phim của ông thường Nhật quá xá Nhật, ai không hiểu rõ văn hóa Nhật là sẽ chẳng thích mấy. Gia đình Yamada cũng có vài đoạn như vậy, ví dụ như đoạn cô con gái Nonoko tưởng tượng thấy mình sinh ra trong ống tre, nhưng chúng không nhiều, và các đoạn còn lại rất dễ nắm bắt – đặc biệt nếu so với tác phẩm đậm điển tích điển cố Nhật như Pom Poko, tác phẩm khó xem nhất của Isao và của Ghibli. Đứa bạn thân của tôi rất thích cảnh bà ngoại Shige than thở rằng chẳng biết mình còn sống được bao lâu để ngắm hoa anh đào nở, thế là Matsuko bèn an ủi, “Mẹ mới 70, còn trẻ mà”. Bà ngoại thở dài bảo, “Ừ, chắc ngắm hoa được 30 lần nữa là cùng”, khiến Matsuko phờ mặt ra. Đoạn này buồn cười và dễ hiểu vì chuyện người Nhật nổi tiếng sống lâu là điều ai cũng biết. Nếu đọc được Doraemon là sẽ xem được Gia đình Yamada, do “chất địa phương” của phim không ảnh hưởng gì đến niềm vui thưởng thức của khán giả hết. Không chừng người xem còn thấy thích nữa, phim Nhật lại trình bày không nổi văn hóa Nhật chẳng phải quá chán sao. Ghibi có nhiều phim phù hợp với trẻ em, nhưng hài từ đầu chí cuối chắc có mỗi Gia đình Yamada. Nội dung không những nhẹ nhàng mà cách trình bày cũng tiện đủ đôi đường, giúp một gia đình bận rộn dễ chia phim thành nhiều “kỳ”và xem cùng nhau. Tuyệt thế còn gì. * Ý kiến - Thảo luận
10:45
Sunday,6.3.2016
Đăng bởi:
Pha Lê
10:45
Sunday,6.3.2016
Đăng bởi:
Pha Lê
@Antares: Cảm ơn bạn đã nhắc, mình với bao bạn nghiền anime xem mà cứ tưởng màu nước :)) hóa ra bị lừa. Báo Mỹ cũng khen Takahata vẽ màu nước đẹp nữa, chết chửa!
5:40
Sunday,6.3.2016
Đăng bởi:
Antares
Theo tôi biết thì đây là phim đầu tiên của Studio Ghibli được làm hoàn toàn bằng công nghệ số. Tất cả các cảnh đều được vẽ trên máy tính chứ không dùng màu vẽ.
Sau này, Công chúa Kaguya cũng được sản xuất theo cách tương tự. ...xem tiếp
5:40
Sunday,6.3.2016
Đăng bởi:
Antares
Theo tôi biết thì đây là phim đầu tiên của Studio Ghibli được làm hoàn toàn bằng công nghệ số. Tất cả các cảnh đều được vẽ trên máy tính chứ không dùng màu vẽ.
Sau này, Công chúa Kaguya cũng được sản xuất theo cách tương tự. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp