Bàn luận

Đất mẹ (hay về tranh Đỗ Tuấn Anh) 26. 11. 10 - 3:02 pm

Hà Mạnh Thắng

  

  

Khai mạc: 17:30, thứ hai 22. 11
Triển lãm: 23 – 28. 11. 2010
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
 

Tôi nhớ trong truyện ngắn Chị Yên của nhà văn Hồ Dzếnh, ông có viết rằng: “Hỡi nước Việt Nam! Tôi nghiêng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên dải đất xúc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng của lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một”(1). Đôi lần tôi tự hỏi rằng tình cảm quê hương nó thực sự chỉ xuất hiện trong tâm hồn của người ly hương hay ẩn ở chứa mỗi tâm hồn nằm sau mỗi lũy tre, chúng có điều gì khác ở trong lòng của mỗi người xa quê. Những sáng tác văn chương hay nghệ thuật hình như đều chứa đựng một phần của ký ức như vậy. Ban đầu có lẽ điều vượt thoát khỏi những kí ức thửa niên thiếu của bản thân tìm kiếm những trải nghiệm đầu đời ở một nơi xa lạ, hoặc ở chính nơi mình lớn lên để khẳng định chút gì đó ở tuổi đang trưởng thành với tất cả niềm háo hức. Nhưng dần sau đó trên con đường đi của mỗi bài học đầu đời, những con đường dài mà ta đi cho đến khi một lúc người đàn ông sẽ thực sự trở nên trưởng thành khi họ nhìn thấy ánh mắt bản thân trong đứa con thân yêu của mình. 

Suy tư về hạnh phúc

 Họa sĩ Đỗ Tuấn Anh có một lần tâm sự với tôi như vậy trong lúc chúng tôi nói về những công việc mới của anh ấy: “Trước khi có con, tôi chỉ có cảm giác một mình tôi nhìn được vào bản thân, nhưng sau khi có con, điều đó đã thay đổi. Các yếu tố cá nhân của tôi sẽ được nhường lại một phần cho con trẻ, giống như series tranh Tôi Ước mà tôi đang thực hiện”. Anh suy nghĩ về điều gì khiến ta hạnh phúc và Ánh sáng đô thành là nằm trong số các tên tranh đầu tiên anh đặt tên cho Tôi Ước, nó khiến tôi nhớ nhất. Tôi thấy ở đây là hình ảnh con trẻ trong suy nghĩ của người lớn, nó tươi vui trong bộn bề của cha mẹ, nó sẽ có đôi điều băn khoăn trong việc mọi người gọi tên chính mình và cha mẹ chúng cũng như tham gia vào cuộc phiêu lưu mới của con trẻ trong hành trình tìm kiếm bản thân trong đó. Trẻ con thì vô lo, nó như tấm gương vừa phản chiếu mọi cảm xúc và tinh thần, những bộn bề nơi thành phố với chúng chỉ như một trò chơi hay như mọi đồ chơi lạ mắt đầy màu sắc trước mặt chúng. Đó là một phần khái niệm “Quê hương” đầu tiên của chúng. Cũng giống như lịch sử và văn hóa luôn dịch chuyển, đôi lúc bạn sẽ có cảm giác bạn đang dần xa lạ ngay ở chính nơi mình sống, hoặc sẽ thấy khó khăn về mặt tâm lý phải hòa nhập ở ngay chính nơi mình lớn lên. Cuộc sống là một quá trình dài của quá trình tự hủy hoại và thỏa hiệp. 

Đỗ Tuấn Anh tiếp tục: “Năm 2001, tôi bắt đầu vào nghề”. Tôi nhớ là lúc đó Tuấn Anh vẽ về cuộc sống người lao động ở thành phố chứ không phải là cuộc sống ở nông thôn hay một địa phương nào. Ban đầu anh chỉ quan sát những vất vả nơi thành phố và anh vẽ chúng ra. Và tiếp sau những “băn khoăn nơi thành phố” của anh cho đến series tranh Oh! City được thực hiện năm 2009 mà Thomas, giám đốc của Thọ Studio gallery nơi anh trưng bày có nhận xét rằng: “Họa sĩ nông dân từ trong suy nghĩ, chứa đựng cái nhìn nhiều thật thà…” Đây là một nhận xét có phần chính xác. Có thể đây là điều quý giá nhất ở loạt tranh này mà tôi thấy được. Nhưng sau Oh! City tôi thấy một tín hiệu tốt ở việc anh tiến tới triệt để hơn ở lối “minh họa ý niệm” như Thomas nói, đã rõ rệt hình thức thể hiện và hình ảnh thôn quê cũng dần xuất hiện nhiều hơn trong tranh. Không còn nhiều là câu chuyện của “người nôn dân lên thành phố” nữa, mà anh bắt đầu hướng sang từng bước quan sát về tâm lý, yếu tố cá nhân ít tham gia vào nhiều phần nội dung của từng bức tranh. Việc “minh họa ý niệm” dần bớt đi, các nhân vật trong tranh cùng tham gia kể chuyện hoặc chúng tự có những tầng ý nghĩa riêng để có thể tự độc lập với nội dung bức tranh hoặc nếu có tồn tại, chúng không cần tham gia vào nhiều nội dung của bức tranh. Xuân, Hạ, Thu, Đông đâu còn có nhiều quan trọng, trẻ con xuất hiện trong tranh cũng không còn nhiều quan trọng mà anh chú ý tới tiến trình rà soát lại tâm lý của bản thân, đi ngược trở lại nơi mình đã bắt đầu. 

Tôi ước 3

 Có lẽ sự trưởng thành là một hành trình như vậy. Tình cảm quê hương, hoặc yếu tố quê hương xuất hiện khi bạn ở xa nhìn lại hoặc ở một khoảng cách thật xa, bản ngã ở đây cũng là vậy. Khái niệm vô thức trong quá trình làm việc giống như việc đi xa nhà rồi lại trở về nhà, những lo toan nơi thành phố giống như lớp sương mù bao phủ. Lúc đầu bạn sẽ chú ý tới xe cộ, nhà cửa và rất nhiều thứ khác nữa ở nơi chốn hấp dẫn đô thành, phải rất lâu sau đó mới nhận ra, không ở đâu khác mà chính là cuộc sống thiên nhiên nơi bạn từng sinh ra. Tôi không chắc lắm, nhưng với những người đi xa, hoặc với những người làm công việc vẽ tranh, quá trình tiến ra xa cũng là quá trình trở lại gần. Yếu tố quê hương và dân tộc sẽ xuất hiện trong quá trình như vậy. Nó khiến cho tôi nhớ tới ca khúc Tình ca của Phạm Duy với những câu mở đầu:    

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi.  
Mẹ hiền ru những câu xa vời 
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. 
Khóc cười theo mệnh nước nôi trôi, nước ơi. 
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. 
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”
 

 Tôi nghĩ rằng thật khó để có thể tìm kiếm được ca khúc nào viết về quê hương ở giai đoạn đó hay hơn được Phạm Duy. Nhưng điều này có lẽ không quan trọng, tình cảm quê hương xuất hiện một cách tự nhiên giống như sương sớm sẽ ngấm dần vào da thịt bạn. Rồi một lúc sẽ khiến bạn “trở về”. Nó là cách mà Tuấn Anh chú ý khảo sát tâm lý, để các sự việc tự đối thoại và nói chuyện thay vì cố gắng giải nghĩa chúng hoặc làm công việc “zoom” lại một phần nhỏ các ý chính trong nội dung một bức tranh để chúng mang một nội dung và màu sắc mới với nhiều giản lược hơn nhưng vẫn đầy đủ ý trong việc tác giả muốn diễn đạt đầy đủ nội dung câu chuyện. Nông thôn là nơi anh bước ra, những cũng là nơi anh lựa chọn chúng cho Tôi Ước, là cách để quay trở về. 

Đất quê 2

 Một vài họa sĩ Việt Nam vẽ lối Pop Art với tinh thần “nông dân” như Nguyễn Văn Cường hoặc Nguyễn Minh Thành là những ví dụ. Họ không nhấn mạnh chủ ý của câu chuyện mà họ giới hạn câu chuyện khu biệt ở một địa phương nhỏ với những hình ảnh về người lao động ở nông thôn với lối ước lệ về mặt hình ảnh nhằm tạo nên xung đột cho câu chuyện, nhưng ở Đỗ Tuấn Anh thì tác giả giải quyết chúng với nhiều lớp cắt hình ảnh để tạo ra nội dung đa nghĩa hơn và ít “tính địa phương” hơn. Nhưng những câu chuyện đã vượt ra khỏi lũy tre thì sẽ không còn là nón lá hoặc áo nâu nữa, mà có lẽ một chút gì sẽ là “quần bò, mũ cối” rồi… Nhưng ở đây tôi luôn nhấn mạnh một điều rằng tác giả hình như vẫn luôn có ý thức trong cái mạch ngầm này để quay trở lại lũy tre với chút hoang mang về vẻ “tinh khôi” còn sót lại trong đời sống tâm lý của tác giả hoặc trong chính thời đại họa sĩ đang sống. 

Với những bức tranh cuối cùng ở Tôi Ước tôi thấy tác giả đặt tên cho chúng là Đất quê. Tôi thích cách đặt tên này, Đất quê bởi vậy cũng như là Đất Mẹ. Chúng đã được vén lên khỏi lớp sương lờ mờ như phần đầu của bài viết tôi đã đề cập. Nhưng về hình thức thì có lẽ nó đích thực lại “lờ mờ” hơn như khi bạn soi vào tấm gương cũ. Hành trình những sáng tác của Tôi Ước có lẽ là tác giả không chủ ý kết thúc như vậy nhưng nó lại đa diện và mất hẳn đi yếu tố cá nhân tham gia vào từng nội dung “minh họa cho ý niệm”. Nhưng rõ ràng lại là tâm thế cá nhân xuất hiện đầy đủ nhất, phải gắng quan sát ta sẽ thấy như hiện lên sau làn khói lam chiều ở bất cứ một vùng nông thôn Bắc Bộ nào mà bạn đã từng đi qua.    

2. 11. 2010 

(Đất mẹ là tên bài viết cho triển lãm cá nhân Tôi Ước của họa sĩ Đỗ Tuấn Anh tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, tháng 11/2010.
Tên bài do Soi đặt thêm)
 

 

Ý kiến - Thảo luận

21:29 Wednesday,10.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Xem muộn, ý kiến muộn nhưng còn hơn không. Vấn đề anh Hoàng nói chỉ nằm ở cách nói của Thắng thôi, suy cho cùng Tổ tiên ta là Nông dân, đến chúng ta là nông dân tiến hóa hơn nhưng vẫn là nông dân, vậy thắng nói mang tinh thần nông dân là có cơ sở và bao hàm lớn.
Chúc cho Đỗ Tuấn Anh sáng tác tốt, chúc cho Hà Mạnh Thắng vẽ được nhiều Pop art mang đậm âm hưởng dân
...xem tiếp
21:29 Wednesday,10.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Xem muộn, ý kiến muộn nhưng còn hơn không. Vấn đề anh Hoàng nói chỉ nằm ở cách nói của Thắng thôi, suy cho cùng Tổ tiên ta là Nông dân, đến chúng ta là nông dân tiến hóa hơn nhưng vẫn là nông dân, vậy thắng nói mang tinh thần nông dân là có cơ sở và bao hàm lớn.
Chúc cho Đỗ Tuấn Anh sáng tác tốt, chúc cho Hà Mạnh Thắng vẽ được nhiều Pop art mang đậm âm hưởng dân gian. 
0:39 Saturday,27.11.2010 Đăng bởi:  hoang hoa
mình xin hỏi bạn Thắng là: bạn nói "Một vài họa sĩ Việt Nam vẽ lối Pop Art với tinh thần 'nông dân' như Nguyễn Văn Cường hoặc Nguyễn Minh Thành là những ví dụ." Mình chưa hiểu tinh thần nông dân trong tranh... theo mình đó không phải tinh thần mà là motif. Còn tinh thần là tinh thần của tác phẩm dù bạn có vẽ đề tài nào đi chăng nữa... Nó thuộc về nội tâm của tác gi
...xem tiếp
0:39 Saturday,27.11.2010 Đăng bởi:  hoang hoa
mình xin hỏi bạn Thắng là: bạn nói "Một vài họa sĩ Việt Nam vẽ lối Pop Art với tinh thần 'nông dân' như Nguyễn Văn Cường hoặc Nguyễn Minh Thành là những ví dụ." Mình chưa hiểu tinh thần nông dân trong tranh... theo mình đó không phải tinh thần mà là motif. Còn tinh thần là tinh thần của tác phẩm dù bạn có vẽ đề tài nào đi chăng nữa... Nó thuộc về nội tâm của tác giả. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả