Bàn luận

Cựu chiến binh trận Ia Drang:
Những con người ấy như không hề già 05. 01. 16 - 9:49 am

Thành Lê

Cuối tháng 11 vừa qua, tôi lại có vinh dự được các cựu chiến binh của chiến dịch Pleime (tháng 10-tháng 11 năm 1965) “rủ” đi họp mặt cùng “các cụ”. Đây là một hoạt động dân sự tự nguyện, vì mỗi cựu chiến binh thành viên đóng vài trăm chi phí cho cuộc gặp mặt, nhiều khi để mời cơm cả những “ký giả” như tôi.

Hoàng Đình Tài, “Bắn trên Đường 9”. Ký họa màu nước, 39x54cm

Tôi đến muộn. Lọ mọ vào sau, tôi cảm thấy hối hận vì hẳn các ông đã chờ tôi phút khai mạc. Ngồi xuống bàn cuối, tôi bắt đầu thầm điểm danh một “đạo binh” mà quân số ngày một giảm. Có một điều không mới, dù rất đau buồn, là các cuộc họp cựu chiến binh của thời kháng chiến có “quân số” luôn ngót đi, dù ban liên lạc luôn cố tìm thêm những “lính mới”. Đó là các cựu chiến binh nào, vì các lý do khác nhau, chưa tới hội ngộ với đồng đội cũ những cuộc họp trước.

Lực lượng của ba trung đoàn thuộc Mặt trận Tây Nguyên ngày ấy, nay ngồi không kín một lớp học. Đã quy tiên rồi, nhiều vị “đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, từng đến những lần họp mặt trước.

Tôi tìm “ông” lính người ngoại thành Hà Nội, dáng lách chách như con chim chích, thường nói nhanh, hơi lắp bắp. Ngày ấy, ông đã đeo một quả đạn DKZ suốt từ ngoài Bắc vào, bắn vào đồn Me (Pleime), rồi trở thành… lính bộ binh, với cây súng trường CKC. Lần họp mặt trước, ông tiết lộ với tôi về trọng bệnh của mình. Nay ông đã “biến đi”, như trong một câu tiếng Anh, “Người lính già không chết, họ chỉ biến đi” (Old soldier never die, they just fade away) ngụ ý những người lính không chết trận sẽ có linh hồn của những người đồng đội chết trẻ nơi trận mạc tới đón đi…

Hoàng Đình Tài, “Hành quân”. Ký họa bút sắt, 39×54

Ông tướng, chính ủy sư đoàn đầu tiên của mặt trận Tây Nguyên thời đầu chiến tranh cục bộ phát biểu. Ông nhắc lại những ngày đói, phải ăn cả sắn trồng từ thời… chống Pháp (1954), củ đã bị hóa gỗ. Bức xúc vì quốc nạn “cán bộ hư”, con người sắp bách niên giai lão này chia sẻ: “Anh em mình từng đổ máu, vậy mà nay họ lại tham nhũng, bất lương”.

Sĩ quan tham mưu mặt trận, về sau là một lãnh đạo cục tác chiến so sánh thời điểm xảy ra trận đánh Ia Drang (trận then chốt của chiến dịch Pleime) với “cuộc chơi” trong khuôn khổ Hiệp định TPP hôm nay. Theo ông thời ký đó Việt Nam kém Mỹ hai thời đại: Việt Nam độc canh nông nghiệp lạc hậu, còn Mỹ lúc đó công nhân cổ xanh ít hơn cổ trắng. Hôm nay Mỹ đã vượt qua giai đoạn hậu công nghiệp, đang là một đầu tàu kinh tế tri thức, vậy màViệt Nam vẫn quẩn quanh sản xuất nhỏ. (Tôi tự hỏi, cần bao nhiêu “trúc Nam Sơn” để ghi những thiệt hại mà “tham nhũng, bất lương”đã gây ra cho đồng bào tôi, cả về vật chất lẫn tinh thần?)

Ông tướng tham mưu nhấn mạnh, nhờ được huấn luyện tốt, quyết tâm cao, bộ đội Việt Nam vừa từ ngoài Bắc vào đã làm chủ chiến trường trong trận đụng đầu lịch sử ấy. Trận Ia Drang chỉ như một nháy mắt trong “Trận đánh ba mươi năm” nhưng có tầm vóc “những phút làm nên lịch sử”.

Hoàng Đình Tài, “Vượt sông Ta Lê“. Ký họa màu nước, 39×54

Là “cha đẻ” của tư duy chiến dịch “chủ động đánh trước” (spoiling attack) và lực lượng Kỵ binh bay, đã làm nên “trường trận” của Mỹ như trong trận đánh Ia Drang, McNamara cũng tính ra đáp án sớm cho chiến lược của Mỹ từ cuộc đụng độ đầu tiên này, với hai tiểu đoàn khinh binh (trang bị vũ kí bộ binh nhẹ) của “Bắc Việt”.

Vừa qua, diễn đàn quân sử ở Mỹ thảo luận chủ đề ý nghĩa chiến lược của trận Ia Drang, đã viết: “Chiến dịch đẫm máu tại Ia Drang 1965 công diễn các chiến thuật cơ động đường không gây chóng mặt, thổi một luồng gió khác vào chiến lược tiêu hao của Mỹ, đồng thời thuyết phục Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara rằng Hoa Kỳ không thể thắng (cuộc chiến tranh ở Việt Nam)…”

Phóng viên ngồi cạnh cho tôi hay vừa tìm được thêm một nhóm “cựu chiến binh Pleime” từ Thanh Hóa – một vùng đất nổi tiếng về lịch sử võ công. Tôi ngắm những người nông dân ấy, cao ráo, mặt khá đẹp. Các ông ngồi đó, nhưng có vẻ nhấp nhổm, họp xong lại về đội một nắng hai sương. Tôi có cảm tưởng họ như không già đi, dù 50 năm đã qua.

Tôi nhớ lại lời bình của chỉ huy quân Mỹ trong báo cáo sau trận Ia Drang: “Người lính đối phương tỏ ra được huấn luyện tốt. Anh ta quyết chiến (aggressive). Thường được trang bị bằng súng tự động và nhiều đạn. Mang 3 – 5 quả lựu đạn “chày giã cua” (Stielhand granate) do Trung quốc sản xuất. Mang một nắm cơm bằng quả bóng nhỏ, đa số trong họ mang một mảnh vải mưa và một chiếc võng. Thường bảo dưỡng tốt vũ khí của mình…”

Bãi trú quân giữa rừng. Ký họa của Hoàng Đình Tài

Về con người, người Việt hôm nay có những gì khác “những chàng trai con nông phu” (chữ dùng của ký giả Galloway – nhân chứng trận Ia Drang) năm 1965 ấy, tôi tự hỏi. Các cựu chiến binh tiếp tục chia sẻ trăn trở về “nội xâm”, như của ông tướng chính ủy. Vậy, một sức mạnh của bộ đội Pleime là hậu phương lớn, trong sạch, vững mạnh.

Còn một nhân tố quyết định thắng lợi mà các cựu chiến binh đề cập, đó là niềm tin vào công lý, vào đạo lý. Các chiến sĩ Ia Drang dùng vũ khí bộ binh thường đối đầu với cỗ máy chiến tranh công nghệ cao, được không quân chiến lược Mỹ yểm hộ. Họ thành công nhờ niềm tin vào chính nghĩa, một “niềm tin tất thắng”: kẻ xâm phạm bờ cõi ắt thất bại tan tành. (Các “cán bộ hư” hôm nay xói mòn niềm tin ấy đến đâu?).

Niềm tin ấy, cùng kỳ, khiến các tàu phóng lôi nhỏ như chiếc lá tre giữa biển chống lại khu trục hạm Maddox – như một thành phố nổi; khiến các máy bay MiG–17 cổ lỗ sĩ “thế trận xuất kỳ” chống trả những máy bay hiện đại hơn vài thế hệ, có đội hình đông đảo, trình độ kỹ – chiến thuật hoàn hảo.

Ký họa các nữ dân quân của Trần Văn Cẩn

Ý bộ đội hồi đó“được huấn luyện tốt” của ông tướng tham mưu còn làm tôi liên hệ đến nhận định lính đối phương “giỏi về chiến lược” của một số cựu chiến binh Mỹ trong các sách về bộ đội Bắc Việt-Việt Cộng. Trong một cuốn sách như thế, sĩ quan tình báo lão luyện Sedgwick Tourison cho hay đã đụng đầu tại Pleime với các chiến binh ‘Bắc Việt” thuộc lớp thanh niên đầu tiên được giáo dục dưới chế độ mới, được trang bị kiến thức, vũ khí và tinh thần tận tâm, tận lực chấp hành mệnh lệnh”.

Tôi cũng đồng ý cựu chiến binh Mỹ Tourison là ý chí chiến đấu và kỷ luật của quân ‘Bắc Việt’ không thuần túy là phản ảnh của tư tưởng cộng sản. Sinh ra sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi được hưởng sự giáo dục của những giá trị“dân chủ cộng hòa” – của thời đại mà cha mẹ ta gọi là “thời Cụ (Hồ)”.

Đến dự họp mặt của cựu chiến binh Pleime tới nay đã được 3 lần, ký giả Mỹ Lady Borton lần này đưa ra đề xuất theo tinh thần “Hãy giữ lấy những gì mà ta yêu quý”. Lady lưu ý các cựu chiến binh và gia đình: tất cả thư từ, ảnh, nhật ký, thơ báo tường thời đó… xin bảo quản, quét scan, thu vào đĩa, nếu phóng viên yêu cầu, cũng chỉ nên cho bản copy thôi. Hãy đưa các kỷ vật đó vào gia tài thừa kế…

2015. Các cựu chiến binh ba trung đoàn chiến dịch Pleime, trong đó trận then chốt diễn ra ở thung lũng Ia Drang. Người phụ nữ Mỹ trong ảnh là nhà văn Mỹ Lady Borton. Ảnh: Lưu Phương Bình (SN 1955, nguyên thuyền trưởng tàu ngầm).

Khi chiến cuộc Pleime-Ia Drang xảy ra, tôi còn đang “lớp 1 ơi lớp 1”. Hôm nay nhìn lên phía trước đã thấy một điểm cố định. Trước trận đánh TPP, mong muốn lắm, các thế hệ năm 2000 sẽ lại được hưởng những giá trị “dân chủ cộng hòa”, từng làm cho thế hệ tôi có được những trái tim nóng với những bàn tay sạch.

Ý kiến - Thảo luận

23:19 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  THƯƠNG TRƯỜNG

Chúc mừng họa sĩ Hoàng Đình Tài
Anh vẽ tranh thời chống Mỹ khói lửa đạn bom mà cứ thấy thư giãn như mới vẽ ngày hôm nay.
Màu mới, bố cục có tính toán, dáng được cân nhắc. Cẩn thận một bức ký họa trong hoàn cảnh chiến trường. Thế còn gì bằng. Nhưng...


...xem tiếp
23:19 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  THƯƠNG TRƯỜNG

Chúc mừng họa sĩ Hoàng Đình Tài
Anh vẽ tranh thời chống Mỹ khói lửa đạn bom mà cứ thấy thư giãn như mới vẽ ngày hôm nay.
Màu mới, bố cục có tính toán, dáng được cân nhắc. Cẩn thận một bức ký họa trong hoàn cảnh chiến trường. Thế còn gì bằng. Nhưng...

 
10:02 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  Phạm Cúc Tùng
Ký họa của anh Hoàng Đình Tài đẹp quá. Đẹp hơn những tranh anh vẽ sau này. Không biết bộ tranh thời chiến này đã có đại gia nào mắt xanh ẵm chưa.
...xem tiếp
10:02 Tuesday,5.1.2016 Đăng bởi:  Phạm Cúc Tùng
Ký họa của anh Hoàng Đình Tài đẹp quá. Đẹp hơn những tranh anh vẽ sau này. Không biết bộ tranh thời chiến này đã có đại gia nào mắt xanh ẵm chưa. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả