Gẫm & Bình

Lên Đại “Nải” xem điêu khắc Râu Hạc nên chăng? Lên! 07. 01. 16 - 8:07 am

Vũ Lâm

Khoảng tháng 10, tháng 11 năm 2015, trên Đại Lải có một trại sáng tác điêu khắc ngoài trời quy mô lớn, nhưng không phải là trại điêu khắc quốc doanh (do các cơ quan công quyền ở trung ương hay các địa phương) tổ chức, mà là sáng tác điêu khắc ngoài trời cho một khu resort tư nhân tên là Flamingo Đại Lải. Đây là một trại điêu khắc khá quy mô, về kích thước tác phẩm, đặt để trong một không gian rộng, kinh phí đầu tư lớn. Điều đáng để ý là trại này tập hợp một thế hệ điêu khắc trẻ, trải từ năm sinh 1974 đến 1989, với tạo hình hoàn toàn hiện đại…

Nguyễn Hoài Huyền Vũ – “Đất mở” (Đá. 1,1m x 3,4m x 2,7m. Nặng 18 tấn). Toàn bộ hình tác phẩm là chụp lại từ catalogue của Trại sáng tác.

Một lần trên đường lên trại sáng tác Đại Lải (của các Hội Văn học-Nghệ thuật) chơi, tôi gọi nhịu là Đại Nải. Tưởng nói ngọng cho giống cả đồng bằng Bắc Bộ để vui vậy, ai dè một bà chị nhà văn nói rằng phải đọc là Đại Nải mới đúng. Vì trong tiếng dân tộc (nào đó) Nải là con gấu lớn, như truyện cổ tích Pù Nải Hò chẳng hạn. Đọc giới thiệu về khu hồ nhân tạo cực lớn đắp từ năm 1959 đến 1963 này, thì lại giải thích Đại Lải là cái hồ lớn theo tiếng Sán Dìu, vì các bản làng người Sán Dìu dưới chân núi Tam Đảo sinh sống tại khu vực thung lũng này khá đông, khi đào đắp hồ nhân tạo, họ phải di dời đi các khu vực khác. Khi hỏi một số người Sán Dìu cao tuổi ở chân núi Tam Đảo, họ lại nói rằng “lải” tiếng Sán Dìu không phải là gấu, cũng chẳng phải hồ, mà chỉ là cái dải, cái bờ. Người miền Nam thì “lải” là cái gì đó dài dài, ngoằn ngoèo, con giun cũng gọi là “lải” (uống thuốc tẩy giun thì gọi là “xổ lải”). Hỏi thêm một nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Phú Thọ, thì ông cũng nói rằng “lải” từ cổ là chỉ cái bờ, cái dải đất thoai thoải. Nhưng tạm dừng câu chuyện tra cứu ngôn ngữ Nải hay Lải ở đây, bởi vì ta đang bàn về điêu khắc, kẻo nói dài nữa lại thành… lải nhải!

Vài nét về khu Flamingo Đại Lải

Theo quy hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2010, toàn khu đất bao quanh hồ Đại Lải (525ha mặt nước) được quy hoạch thành bốn cụm. Phía Tây dành cho các Trại sáng tác và khu nghỉ dưỡng trung ương. Phía Nam là các hạng mục công cộng. Phía Đông được giao cho hai chủ dự án lớn: một xây sân gôn và hai là để xây rì-giọt. Như vậy khu rì-giọt này nằm đối diện với các Trại sáng tác của các Hội bên kia bờ hồ, được đặt tên là Flamingo cho sang (theo một giai thoại là ngày xưa có chim hồng hạc về đây, chắc là cái đảo chim ở giữa hồ Đại Lải. Flamingo trong nhiều thứ tiếng châu Âu đều là chim hồng hạc. Như vậy khu resort này đặt tên Hán Việt hay tên Tây thì đều oai cả).

Nghe đâu khu này này lấy được hơn 100ha, chủ yếu là đất rừng phòng hộ và một ít đất ruộng trên địa phận hai thôn Đồng Dè và Ngọc Quang của xã Ngọc Thanh. Diện tích xây dựng của khu này mới được hơn 20%, hàng ngày nghe nói có tới 600 nhân công hoạt động. Trung tâm là một hồ nước nhỏ, một nhánh của khu hồ Đại Lải, có một nhà hàng làm bằng cây tầm vông, mái lợp bằng thân cây ráng của KTS Võ Trọng Nghĩa, cạnh đó là phòng họp và khu hành chính trung tâm trồng cây cỏ lên trên. Các kiến trúc tập trung vòng quanh cái hồ dài dài này là các ngôi nhà nghỉ, biệt thự cao không quá hai tầng. Những ngôi nhà nghỉ nhỏ hai tầng hình chữ nhật đứng, có vườn trước mặt, tầng trên thò ra, cả mặt tiền là kính (để ngó nghía ra), tầng dưới thụt vào. Không biết kiểu kiến trúc này gọi là gì, tạm gọi là “trên thò dưới thụt” (chiểu theo cách gọi kiểu nhà xây mái bằng của giai cấp công nhân những năm 90s, một cái hộp vuông một tầng, mặt tiền có một gian thò ra, hai gian thụt vào, gọi là “một thò hai thụt”). Những ngôi nhà này được rao bán trên các tờ phướn mắc đầy đường với giá 2-2,5 tỷ một căn. Khu nhà cao nhất là nhà công vụ và đào tạo nhân công, chỉ 3 tầng, cũng trồng cây kín ở từng tầng và trên mái.

Một mô hình nhà ở Flamingo Đại Lải. Hình từ Internet

Vòng quanh resort là rừng cây phòng hộ cũ, chủ yếu là thông và keo lá tràm, được trồng lại từ năm 1984. Dưới chân, ngoài những loại hoa cỏ mới trồng ra, thì những khu đất hoang vẫn còn đầy cây “trinh nữ” (cây xấu hổ), hoa hồng hồng như những nhúm bông nhỏ khá đẹp. Rìa resort là sân gôn, xa xa là các dẫy đồi thấp. Phong cách kiến trúc toàn khu chắc là có kiểu cách tên gọi, nhưng tôi không rõ lắm, chắc là theo kiểu “ẩn ở trong rừng”. Muốn đi dạo vòng quanh, vì khá rộng nên phải đi xe đạp hoặc xe điện. Đi chơi trong khu này cũng thú, nhiều cây xanh và không khí tốt. Chỉ có cái là không gian trải rộng bình bình không có gì cao vút lên chiếm lĩnh. Lúc hơi ngà ngà, tự nhiên tôi muốn vươn tay ra, có giọng opera thật khỏe như ca sĩ Quang Thọ, hát bài “Đất nước bốn nghìn năm ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái” (đúng mùa hoa keo lá tràm rất nhiều, nhưng không biết có quả không?) cho nó có cái gì đó cao tướng lên khỏi cái mặt bằng này.

Nhà hội nghị ở Flamingo Đại Lải

 Một khu đồi đất cằn trồng rừng nhân tạo, hè thì nắng gắt gằn gặt, đông thì buốt giá vì hơi nước ven hồ giống đất trung du quê tôi bên Sơn Tây, không mấy giá trị kinh tế. Qua bao nhiêu công của, sức người cải tạo, bao nhiêu âm mưu và dương mưu đổ vào đây nữa, mới thành một khu đất đẹp, mang lại giá trị du lịch cao. Các bậc cách mạng ngày xưa đấu tranh để nước nhà độc lập, thống nhất, mong xây dựng đất nước sau này đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Nhưng chắc các vị ấy chưa hình dung cụ thể được cái đàng hoàng hơn, to hơn ấy ngày nay lại là các khu hành chính công quyền “liên cơ hợp khối”, các cao ốc văn phòng cho thuê, biệt thự liền kề và chung cư đắt, các tượng đài hoành tráng tốn tiền và các khu resort tư nhân…

Về dự án trại điêu khắc Đại Lải

Dự án nghệ thuật tạo hình cho khu này được “sáng lập và tổ chức” bởi họa sĩ Vũ Hồng Nguyên lấy tên là “Art in the forest” (có thể dịch nhuế nhóa là “Nghệ thuật ở trong rừng”). Nhưng họa sĩ này không phải curator độc lập, vì nghe đâu anh cũng có cổ phần và là thành viên của công ty, nên khi gọi anh là curator thì anh không chịu. Nhưng gọi là “nhà sáng lập và tổ chức” thì hơi dài nên ta cứ tạm gọi họa sĩ Vũ Hồng Nguyên là curator chính của dự án này.

Trần Tuấn Nghĩa – “Bướm” (Đá – Cao 2m- Nặng 11 tấn)

Khởi đầu, dự án tài trợ một phần cho triển lãm “Chuyển động ngầm” của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền, sau đó có mua một số tượng của Tuyền để đặt trên đó. Sau đó, Vũ Hồng Nguyên và Khổng Đỗ Tuyền mời thêm một số nhà điêu khắc trẻ, tổng cộng 12 người Bắc, gồm Lê Lạng Lương, Nguyễn Huy Tính, Khổng Đỗ Tuyền, Bùi Viết Đoàn, Lương Văn Việt, Nguyễn Ngọc Lâm, Trần Trọng Tri, Thái Nhật Minh, Lương Văn Trịnh, Phạm Bảo Sơn, Trần Văn An, Lập Phương (nữ duy nhất và trẻ nhất, sinh năm 1989). Ba miền Nam gồm: Nguyễn Hoài Huyền Vũ, Nguyễn Hồng Dương và Trần Tuấn Nghĩa.

Nguyễn Hồng Dương – “Cổng mặt trời” (Đá. 3,7m x 5m x 1,5m. Nặng 25 tấn)

 

Trần Trọng Tri – “Những mảnh vỡ từ bầu trời (Thép không gỉ-sơn – Cao 2m – diện tích 200m2. Nặng 980kg)

Cách làm việc giữa curator và nghệ sĩ khá thông thoáng. Nghệ sĩ đưa phác thảo và ý tưởng về chất liệu, kích cỡ. Curator và cũng là chủ dự án trực tiếp duyệt (không qua hội đồng đông người). Nghệ sĩ được đầu tư kinh phí cho phác thảo rồi mang lên phóng tại xưởng ngay trong resort, có đội ngũ kỹ thuật viên của trại và huy động các nhóm thợ riêng của nghệ sĩ để hỗ trợ thao tác trên đá, đồng, thép, inox. Còn hai tác phẩm nhôm thì đặt đúc ở nơi khác. Sau khi hoàn thành, tổng khối lượng 15 tác phẩm (sáng tác trong thời gian trại, chưa tính những tác phẩm được đặt riêng của Khổng Đỗ Tuyền) nặng 94,1 tấn đá, 8850kg thép, 4750kg thép không gỉ (inox), 4070kg nhôm, 500kg đồng. Tảng đá nguyên liệu lớn nhất khi được chở về nặng 60 tấn. Tác phẩm cao nhất của nhà điêu khắc Lập Phương cao 7 mét. Hai tác phẩm được đặt để rộng nhất dưới hồ của Nguyễn Huy Tính và bờ hồ của Trần Trọng Tri đều có diện tích 200 mét vuông.

Phạm Bảo Sơn – “Bình/Cân bằng” (Thép không gỉ – 2,1m x 3,2m x 1,6m. Nặng 570kg)

 

Nguyễn Ngọc Lâm – “Cây” (Thép không gỉ. 2,6m x 9m x 2,8m. Nặng 950kg)

 

Khổng Đỗ Tuyền – ‘Nhịp sóng” (Đá. 1,3m x 9,5m x 1,2m. Nặng 30 tấn)

Sau ngày khai mạc (và cũng là tổng kết trại) ngày 31. 10. 2015. Các nghệ sĩ “thi công xong tất cả lại về”, mỗi người được trả một nhuận khoản gọi là “thù lao bán ý tưởng”. Nhân công, vật liệu tác phẩm, thời gian nghệ sĩ ăn ở tại trại đều do chủ đầu tư đầu tư hết. Các tác phẩm làm xong được giữ lại đặt từ cổng vào và ven con đường dạo bờ hồ. Tựu lại, ngoài một số tranh luận nho nhỏ (là đương nhiên) giữa curator và nghệ sĩ, một chút cọ xát “văn hóa vùng miền” nho nhỏ giữa cá nhân nghệ sĩ trong quá trình làm việc, thì kết quả của trại được coi là “thành công tốt đẹp”. Bên chủ đầu tư chắc cũng hỉ hả vì bỏ ra một số kinh phí lớn nhưng thu lại được một số điêu khắc tốt của những tác giả đang “xuân thì” nhất để làm mới lạ không gian. Phía các tác giả, ngoại trừ một số tác giả trên dưới 40 là đã từng đi cọ xát sáng tác trong nước và quốc tế nhiều, thì các tác giả trẻ hơn chưa có điều kiện giao lưu rộng như vậy cũng coi như là thêm một cuộc “tổng diễn tập” nữa để họ thêm kinh nghiệm và tự tin, ci-vi nghệ thuật cũng dài thêm một dòng. Phác thảo nhỏ trong xưởng để chất đầy, có cơ hội “biến ước mơ thành hiện thực” to ra, tác phẩm được đặt để nơi không gian tốt và lâu dài, thêm khẳng định vượt lên chính mình. Cả nước đã từng có cả trăm trại điêu khắc lớn nhỏ đã từng diễn ra, cũng như có cả ngàn khu resort. Nhưng hình như đây mới chỉ là trại điêu khắc thứ hai do resort tư nhân mạnh bạo đầu tư sử dụng điêu khắc để cho cảnh quan của họ giầu có thêm tính mỹ thuật, sau trại điêu khắc Hòn Dáu năm 2007 tại Đồ Sơn.

Nguyễn Huy Tính – “Sen” (Thép không gỉ. Diện tích đặt để 200m2. Nặng 1,2 tấn)

Một điều nữa đáng phải bàn là cách làm việc giữa curator và nghệ sĩ (bàn để cùng rút kinh nghiệm). Chính vì cách thức làm việc trên phác thảo nhỏ và ý tưởng, có góp ý bàn thảo gì đó hay không rồi đem ra dùng. Tác phẩm làm xong rồi mới tùy định dạng mà đặt để. Hình như đã bỏ qua một khâu quan trọng là lên phác thảo, sa đồ bằng 3D nhiều chiều nơi sẽ đặt để tác phẩm để có thể lường trước độ tương tác hoặc chiếm hữu với cảnh quan và không gian. Nên một số tác phẩm khi làm trong xưởng thì thấy khá đồ sộ, nhưng khi đem ra ngoài một cái là bị “nuốt” lọt thỏm (từ ngôn ngữ miệng của người làm tạo hình, chỉ việc tác phẩm không được tôn lên mà bị át đi bởi không gian, cảnh quan, đồ vật xung quanh). Chụp ảnh từ trên flycam hoặc nhìn ngang đều thấy thành ra hơi giống tượng tròn đem ra để ngoài trời, ngoài công viên chứ chưa thành điêu khắc ngoài trời. Một số tác phẩm khi bày ra thì “thắng” và “ăn” với không gian nhất lại là những tác phẩm có mầu sắc, hoặc cao hẳn lên (Lập Phương, Thái Nhật Minh) hoặc dẹt hẳn đi, trải trên một tấm phông nước rộng (Nguyễn Huy Tính) hay “lải” ra trên một bờ cỏ rộng (Trần Trọng Tri)… Điều này xét ra thì cũng chẳng sao, bởi đây là “nhà các ông”, “các ông” không thích có thể lại đem cẩu những tượng để ngoài thì “bị nuốt” vào trong nhà, thì lại trở thành to đùng ngã ngửa ra ngay ấy mà.

Lập Phương – “Vũ” (Thép sơn màu. cao 7 mét – dài 15 mét – rộng 10,5 mét. Nặng 6 tấn)

 

Lê Lạng Lương – “Khởi nguồn” (Nhôm đúc. 2,1m x 3,1m x 3m. Nặng 1,970 tấn)

 

Lương Văn Trịnh – “Sự tiếp nối” (Đá-đồng. 3,3m x 2,2m x 2m. Nặng 20 tấn)

Một điều cuối cùng, là cái dự án nghệ thuật mang tên hoa mỹ này tuy lấy trại điêu khắc làm “đinh” nhưng không có tên riêng, mà thêm thập cẩm một số thứ cả nhạc nhẽo, văn nghệ, bày tranh, nghệ thuật đường phố diễn ra trong tuần khai mạc. Người tổ chức gọi là “Trại sáng tác điêu khắc toàn quốc Flamingo Đại Lải” e rằng hơi phóng đại (vì chỉ có 15 nghệ sĩ trẻ, ở hai đầu đất nước thì chưa thể đại diện cho “toàn quốc” được). Vậy nên tôi thử có ý định đặt tên cho trại điêu khắc này.

Vừa rồi, tôi có hẹn gặp một người con gái, người con gái mà lần đầu tiên nhìn thấy trái tim tôi đã đau quặn hết cả lên. Thế nên tôi bận bịu “trang điểm” mất đúng cả tiếng đồng hồ, mà lâu nhất là phần xử lý râu ria. Xong, tôi mới phát hiện ra râu ria là một thứ “son phấn của đàn ông” (cắt đi, xén tỉa nó cũng không đau, giống phấn son của phụ nữ, bôi lên lau đi nó cũng không đau). Hồng hạc là là con chim lửa (trong tiếng Anh hay một số ngôn ngữ châu Âu tên loài chim này bắt nguồn từ “ngọn lửa”, “lưỡi lửa”. Ai nhìn thấy đàn hồng hạc bên bờ nước buổi chiều tà, mới thấy chúng giống một đám lửa như thế nào). Trại điêu khắc này tô son điểm phấn cho khu nghỉ dưỡng Hồng Hạc (mà lại hầu hết nam nghệ sĩ) nên có thể gọi đó là “râu chim lửa”. Từ tiếng Việt 3 chữ thì dài quá nên có thể gọi tắt là “râu chim”. Nhưng như thế e lại nôm na quá, sinh ra những liên tưởng dung tục. Vậy thôi nửa Hán nửa Nôm tí thì có thể đặt là “Râu Hồng Hạc”, hoặc gọi “Trại điêu khắc Râu Hạc” là ngắn gọn nhất!!!

Thái Nhật Minh – “Một mình” (Thép không gỉ-đồng. 4,8m x 2,6m x 1,5m. Nặng 1,05 tấn)

 

Trần Văn An – “Mùa hoa” (Nhôm đúc – cao 4m. Nặng 2,1 tấn)

 

Lương Văn Việt – “Cửa” (Thép. 3m x 1,5m x 3,03m. Nặng 2,850 tấn)

 

Bùi Viết Đoàn – “Sự tiến hóa của rừng” (Đồng. 2,1m x 3m x 1m. Nặng 400kg)

Ý kiến - Thảo luận

9:33 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Trang Xanh
Hô hô, em thấy giọng bác Lâm vẫn thế!. Ở đâu có gì, ai làm gì, giọng bác ý chẳng thế, các bác cứ thắc mắc giọng này nọ kia làm gì.
Mà em thấy dự án đưa ra thông tin hoạt động trong vài năm, chả biết đi được đến đâu thì dừng. Nhưng như thế, năm nào họ cũng làm Trại chắc? Nghe số liệu bác Lâm thống kê Tấn với Kg của 15 tác phẩm thấy cũng khiếp nhỉ. Em n
...xem tiếp
9:33 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Trang Xanh
Hô hô, em thấy giọng bác Lâm vẫn thế!. Ở đâu có gì, ai làm gì, giọng bác ý chẳng thế, các bác cứ thắc mắc giọng này nọ kia làm gì.
Mà em thấy dự án đưa ra thông tin hoạt động trong vài năm, chả biết đi được đến đâu thì dừng. Nhưng như thế, năm nào họ cũng làm Trại chắc? Nghe số liệu bác Lâm thống kê Tấn với Kg của 15 tác phẩm thấy cũng khiếp nhỉ. Em nghe bác, hôm nào cũng phải lên một chuyến. 
7:58 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Hồi Xuân
Lạ hỉ, tôi nhớ hôm trước đọc bài này chỉ cảm tưởng bác Lâm không thích khu rì zọt này còn lại thì thích trại sáng tác này. Thế mà hôm nay thấy các bình luận phản đối bác, bảo là bác ấy moi móc và đâm chọc.
Chính bác Lâm viết những dòng này: "Cả nước đã từng có cả trăm trại điêu khắc lớn nhỏ đã từng diễn ra, cũng như có cả ngàn khu resort. Nhưng hình nh
...xem tiếp
7:58 Tuesday,12.1.2016 Đăng bởi:  Hồi Xuân
Lạ hỉ, tôi nhớ hôm trước đọc bài này chỉ cảm tưởng bác Lâm không thích khu rì zọt này còn lại thì thích trại sáng tác này. Thế mà hôm nay thấy các bình luận phản đối bác, bảo là bác ấy moi móc và đâm chọc.
Chính bác Lâm viết những dòng này: "Cả nước đã từng có cả trăm trại điêu khắc lớn nhỏ đã từng diễn ra, cũng như có cả ngàn khu resort. Nhưng hình như đây mới chỉ là trại điêu khắc thứ hai do resort tư nhân mạnh bạo đầu tư sử dụng điêu khắc để cho cảnh quan của họ giầu có thêm tính mỹ thuật, sau trại điêu khắc Hòn Dáu năm 2007 tại Đồ Sơn." Thế sao lai không ghi nhận những lời khen của bác ấy.
Từ đó suy ra: lại đám quạt cuồng của Võ Trọng Nghĩa hoặc là chính đám chủ đầu tư nhảy cẫng lên đây. Đó là do bác Lâm không thích kiến trúc ở đây. Mà họ lại đang muốn rao bán địa ốc trong khu này.
Bác Lâm vì lên chơi với tư cách nghệ sĩ, bạn của nghệ sĩ, thiếu con mắt và tâm thức của người làm hàng nên mới nói thật như thế trong bài. Thương thay, ô hô! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả