Kiến trúc

Alejandro Aravena: Kiến trúc sư vì người nghèo nhận giải Pritzker 2016 14. 01. 16 - 2:04 pm

KTS Sơn Đặng giới thiệu

 

Pritzker 2016 được trao cho Alejandro Aravena, một kiến trúc sư không quá tiếng tăm, nhưng là nhân vật rất thú vị: mang hiểu biết và cách nhìn của thế giới kiến trúc sư cộng đồng đến với quang cảnh lộng lẫy của các celebs kiến trúc.. Ảnh của Cristóbal Palma

 

Các đồ án nhà ở cho cộng đồng nghèo của ông khiến cho phần đông kiến trúc sư chuyên đánh dự án bóng mượt cho đại gia phải nhướng mày khó hiểu vì thoạt trông chỉ như một đống giẻ rách. Trong ảnh: Một dự án nhà ở do chính phủ Chile đặt hàng, 100 gia đình trên 5.000m2. Kiến trúc sư chính là Alejandro Aravena

 

Nhưng chịu khó hiểu hơn chút sẽ thấy Alejandro đã tìm cách khai phá một lối mới cho thế giới đang ngập tràn bất công và dĩ nhiên là thay đổi các nguyên lý thiết kế cốt lõi, đặc biệt thành công là ở các dự án half-half có giá thành xây dựng hết sức hợp lý và để người dân tự điền vào chỗ trống theo ý thích khi cần mở rộng không gian sống : một cuộc cách mạng thật sự cho việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các nước đang phát triển. Trong ảnh: bên trong một căn nhà theo kiểu half-half cho người thu nhập thấp mà Alejandro Aravena thiết kế

 

Đến 2030, khi thêm 2 tỷ người từ bỏ nông thôn để chuyển vào sống trong đô thị, thế kỷ 21 rõ ràng cần những ý tưởng mới để giải quyết nhu cầu nhà ở khổng lồ này! Trong ảnh: loại nhà half-half mà Elemental – công ty kiến trúc của Aravena – triển khai, với một nửa là xây hoàn chỉnh, một nửa cho phép chủ nhân tự triển khai thêm về sau.

Do từ lâu đã theo dõi những suy nghĩ của ông về đô thị học, xin post lại bản tóm tắt, đã post từ cuối năm ngoái, những ý chính của chủ đề Venice Biennale 2016 do Alejandro Aravena làm giám tuyển.

*
Nâng cao chất lượng môi trường đô thị, và thông qua đó là chất lượng sống của cư dân đô thị, là một cuộc đấu tranh dài hơi. Ngày càng có nhiều người trên thế giới đang vất vả tìm kiếm một nơi ở tươm tất, nhưng các điều kiện để đạt được điều này đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bất kỳ nỗ lực để giải quyết các vấn đề có liên quan phải vượt qua bản chất ngày càng phức tạp của thế giới loài người: sự khai phóng cá nhân chưa từng có trong lịch sử cũng đi kèm với hố sâu của bất bình đẳng…

Ký túc xá sinh viên tại đại học St. Edward, Austin, Texas, do Aravena thiết kế. Ảnh: Cristobal Palma.

Kiến trúc ở những nơi hãy còn khan hiếm về phương tiện và công nghệ nên biết cách khôn khéo sử dụng những gì có sẵn thay vì phàn nàn về những thứ thiếu hụt.

Kiến trúc nên là công cụ thiết kế để cân bằng giữa đặc quyền cá nhân và lợi ích tập thể. Kiến trúc nên mang sứ mệnh xã hội, hơn là đeo bám những thứ đẹp đẽ vô hồn.

Khu nhà ở Monterrey (2010) ở Monterrey, Mexico. do Aravena thiết kế. Ảnh: Ramiro Ramirez.

Đã xuất hiện những nhân tố mới: không chỉ có những chủ đầu tư sử dụng bất động sản để theo đuổi sản phẩm đầu cuối là lợi nhuận khổng lồ, mà còn rất nhiều các tổ chức cộng đồng và người dân, khi được hiểu về cách giải phóng nội lực, đã có thể cải thiện môi trường sống của mình dù không nhận bất kỳ đào tạo thiết kế chính quy nào.

Một thiết kế kiểu half-half của Aravena (trái), và bên phải là khi các “kiến trúc sư người dân” đã vào ở và thêm vào điều họ muốn. Ảnh từ trang này

Những thay đổi lớn trong thành phố diễn ra chậm và lâu hơn nhiều so với thời gian trung bình tại vị của chính quyền, và người dân là chủ thể của những thay đổi này. Kiến trúc sư, vì thế có thể mạnh mẽ nêu cao một khái niệm rộng hơn về lợi ích cho dân và vì dân: thiết kế như là giá trị gia tăng cho cộng đồng và kiến trúc tạo một lối tắt đến bình đẳng. (Nguyên bản chính ở đây)

Ý kiến - Thảo luận

10:19 Friday,15.1.2016 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Rất xứng đáng. Thiên hạ đang rất cần những nhân tài tử tế và thực tế như thế này.
...xem tiếp
10:19 Friday,15.1.2016 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Rất xứng đáng. Thiên hạ đang rất cần những nhân tài tử tế và thực tế như thế này. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả