Nghệ sĩ Việt Nam

Trịnh Vũ Hiếu và cảm hứng hoa nâu 21. 01. 16 - 6:16 pm

Thông tin từ BTC

TRIỂN LÃM GỐM HOA NÂU – TRỊNH VŨ HIẾU

Thời gian: 22.01 đến 31.01.2016
Khai mạc: 18h ngày 22.01.2016
Địa điểm: Module 7 – 83 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội

(Các bạn nhấn vào ảnh để xem bản to hơn)

Những nét khắc rắn rỏi, mạnh mẽ, chắc khỏe kết hợp lối phủ men đầy bay bổng, khoáng đạt trên nền cốt thai gốm đậm âm hưởng hoa nâu thời Lý-Trần, định hình một dòng gốm trang trí mới lạ, hấp dẫn, đậm chất đương đại trên bản đồ gốm Việt.

Là một nhà thiết kế trang trí nội thất, là một họa sĩ với những tác phẩm hội họa trừu tượng, rồi chuyển sang chế tác gốm mỹ thuật… chặng đường sáng tác của Trịnh Vũ Hiếu cứ như một biến thiên rất tự nhiên, giản đơn, không câu nệ, gượng ép hay bó buộc, cảm giác như một cuộc dạo chơi thảnh thơi để từ đó đúc kết nên những nghệ phẩm đậm dấu ấn đương đại. Triển lãm đầu tay của Trịnh Vũ Hiếu về gốm hoa nâu với cảm hứng sáng tác từ nền tảng là các hiện vật gốm cổ thuộc hai niên triều Lý-Trần chính là một minh chứng cụ thể cho điều đó.

Sự ra đời của gốm hoa nâu từ hơn 10 thế kỷ trước ở thời Lý đã để lại một di sản, một nét thuần Việt trên dòng gốm tráng men độc đáo với đề tài trang trí hoa dây, sen kép… được miêu tả bằng những đường nét mượt mà, chi tiết, mỏng manh, lãng mạn, phản ánh cuộc sống của một xã hội thanh bình, no ấm. Từng tác phẩm gốm hoa nâu thời Lý thể hiện một tài nghệ tuyệt mỹ của người thợ thủ công cùng tinh thần và tâm thế thoải mái trong chế tác. Sang đến thời Trần, gốm hoa nâu lại có những thay đổi dựa trên các biến cố thời cuộc, đất nước trải qua các giai đoạn dẹp giặc thù, tinh thần thượng võ dân tộc đã ảnh hưởng lên sáng tác, mỹ thuật, với những đường nét hùng mạnh, chắc khoẻ, rắn rỏi với các đồ án trang trí cảnh đấu vật, săn bắn, muông thú…

.

 

Đến với gốm, Trịnh Vũ Hiếu đã chọn nền tảng và nguồn cảm hứng từ gốm hoa nâu Lý-Trần để tạo nên các tác phẩm mang đậm dấu ấn riêng, mang sự kết hợp phong thái, tinh thần trong chế tác gốm Lý, với đường nét thể hiện trên cốt thai gốm Trần. Yếu tố thủ công từ việc tạo dáng, khắc cốt, phủ men, đã tạo cho từng tác phẩm của Hiếu một nét duyên rất khác biệt, quen mà lạ.

Nhìn các tác phẩm trong triển lãm của Hiếu, mọi người dễ cảm ngay màu men gốm hoa nâu được phục chế lại, tuy không thể hoàn hảo về gam màu đúng theo các hiện vật gốm cổ, bởi sử dụng lò nung hiện đại thay thế kỹ thuật đốt lò củi truyền thống, nhưng sắc độ của men vẫn gợi lên nét mộc mạc, chân phương, gần gũi, đúng với tinh thần gốm cổ Lý-Trần.

Mất quãng thời gian gần 2 năm để chuẩn bị và hoàn thiện các tác phẩm cho triển lãm, hoạ sĩ–nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu chia sẻ: “Chất liệu để làm nên cốt gốm tôi lấy từ làng gốm Bát Tràng, màu men phục chế hoàn toàn sử dụng nguyên liệu tự nhiên như cao lanh, đất đá, vỏ sò… kiểu dáng vận dụng các đường nét hình khối của gốm cổ và phóng tác thành các hiện vật được thể hiện mang yếu tố đương đại. Khi nhắc đến gốm cổ hoa nâu, mọi người đều biết đó là dòng gốm dân gian nổi tiếng được nghệ nhân xưa chế tác, không có tác giả cụ thể, và điều tôi muốn là phục dựng lại nét duyên của hoa nâu ở góc nhìn hiện đại, từng tác phẩm thể hiện rõ niềm đam mê, nguồn cảm hứng, phong cách sáng tác, và mang dấu ấn của riêng mình”.

.

Những đề tài và đồ án trang trí trên gốm hoa nâu của Trịnh Vũ Hiếu thể hiện rõ nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, với bộ sưu tập hoa văn là các loài hoa lá, từ tử đằng, anh túc, diên vỹ, đến bạch diệp, lan, dã quỳ… mà trong đó, phong thái của hội hoạ giá vẽ (vốn là sở trường của Hiếu trên các tác phẩm trừu tượng anh thường thể hiện) được diễn tả một cách hoàn hảo lên cốt gốm, các tác phẩm khác nhau về kiểu dáng, kích cỡ, giống nhau về đề tài trang trí, khi sắp thành bộ lại tạo nên một hiệu ứng hình ảnh thú vị. Hiếu cho biết thêm: “Vận dụng cái đẹp đời thường vào cuộc sống, các tác phẩm làm ra phải có công năng sử dụng, đó là những tiêu chí hàng đầu tôi áp đặt vào quá trình sáng tác. Gốm sinh ra, là để chứa đựng, và bản thân gốm còn là những hiện vật trang trí độc đáo cho mọi không gian sống”.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả