Gẫm & Bình

“Bay lên nào, em bay lên nào…” 16. 03. 16 - 10:06 am

Hieniemic

Bảo tàng Khoa học Luân Đôn nằm trên đường Đấu Xảo (Exhibition Road) ở phía Nam quận Kensington, Luân Đôn. Sở dĩ gọi là đường Đấu Xảo vì Đại Triển lãm Công nghiệp Quốc tế (tức Đấu Xảo Luân Đôn 1851) tổ chức trên cái đường này. Khu này có rất nhiều bảo tàng, nổi tiếng và hoành tráng hơn cả là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nhưng hôm nay chúng ta sẽ không bàn về cái này, mà chúng ta sẽ nói về Bảo tàng Khoa học, vì tuần vừa rồi, ở đây mới kết thúc một triển lãm rất thú vị tên là Phi hành gia Xô Viết và sự ra đời của kỷ nguyên không gian.

.

Trước hết, chúng ta cùng chú ý tới từ tiếng Anh chỉ phi hành gia dùng ở đây. Đó là từ cosmonaut. Trong tiếng Anh, chúng ta có hai từ dùng để chỉ phi hành gia, đó là astronautcosmonaut. Đây đều là các thuật ngữ có các gốc từ tiếng Hy Lạp, cosmo– là vũ trụ, astro– là sao trên trời, –naut là thủy thủ tức là người lái thuyền (phi hành gia lái phi thuyền mà), ghép lại đều chỉ người đi chu du trên không gian. Tuy nhiên, theo thông lệ, người ta dùng astronaut để chỉ phi hành gia của Mỹ, hay của phe tư bản, còn cosmonaut để chỉ phi hành gia của Liên Xô, hay khối XHCN (bạn nào chơi Red Alert nếu để ý sẽ thấy). Vì từ phi hành gia tiếng Liên Xô là kosmonavt, Anh hóa sẽ thành cosmonaut. Chính xác hơn thì phải nói là ai bay lên bằng tàu của Mỹ thì gọi là astronaut, còn bay bằng tàu của Liên Xô thì gọi là cosmonaut, bất kể phe nào. Ví dụ như phi hành gia người Anh Helen Sharman bay lên Mir bằng tàu của Liên Xô, nên ở Anh người ta gọi bà này là cosmonaut (vụ này xem mục 5), còn sau này các phi hành gia người Anh khác bay lên bằng tàu của NASA đều được gọi là astronaut. Phạm Tuân với Yuri Gagarin sẽ là cosmonaut, còn Neil Amstrong với Matt Damon đều là astronaut.

Triển lãm này rất thú vị, có rất nhiều hiện vật (có cả các khoang chứa phi hành đoàn) được mang từ Nga về để triển lãm. Cách bài trí và dẫn chuyện rất hay, cộng với phim tư liệu và âm nhạc rất Liên Xô lồng vào rất thích. Triển lãm chia làm nhiều gian, nhưng nhìn theo chủ đề có thể phân thành 6 phần, ở dưới sẽ nói theo từng phần. Thông tin trong bài phần nhiều là từ triển lãm, còn lại là ý kiến của người viết. Dĩ nhiên là còn nhiều cái ở triển lãm mà chưa nói hết ra đây. Triển lãm vừa kết thúc vào tuần đầu của tháng 3. 2016, giá vé là £10.80 cho sinh viên (nếu có đem thẻ). 

1. Tiến vào không gian

“Beep…beep…beep”
(Tiếng phát ra từ Sputnik I)

Giấc mơ vũ trụ của người Nga bắt đầu trỗi dậy từ khoảng sau Cách mạng Tháng Mười 1917, và kéo dài cho tới sau Thế chiến II. Sau khi lật đổ chế độ cũ và bắt đầu xây dựng xã hội mới, trên cái nền triết lý kiến tạo thế giới mới đó của người Nga có cả việc tiến lên không gian để xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên đó. Tuy nhiên, giấc mơ này chủ yếu chỉ dừng lại ở các bản phác thảo, các tính toán bắn tên lửa, phi thuyền; Trong đó, nổi bật là các nghiên cứu và kế hoạch, cả về mặt khoa học lẫn triết học, đưa ra bởi Tsiolkovsky, người được coi là cha đẻ của khoa học tên lửa Xô Viết lẫn thế giới. Triển lãm có cả một bản phác thảo về mô hình công xã lao động trên vũ trụ được vẽ trên giấy.

Bìa tờ Time về bước tiến của Liên Xô trong lãnh vực không gian

Phải tới sau Thế chiến II thì những giấc mơ này mới được đưa vào hiện thực. Kết thúc chiến tranh, Liên Xô có một thuận lợi lớn là kỹ thuật và sức mạnh về tên lửa của pháo binh rất cao. Kỹ thuật tên lửa của Mỹ lúc đó còn thua, do chủ yếu là phát triển tàu đánh nhau với Nhật, nhưng về sau nhờ đem hết bộ sậu nghiên cứu tên lửa của Đức về mà từ từ Mỹ thắng thế.

Tổng kỹ sư trưởng của Liên Xô là nhà khoa học Sergei Korolev, vốn là một trong số những người ít ỏi sống sót trở về từ gulag trong cuộc Đại thanh trừng sau Cách mạng, do bị kết tội chống phá chính quyền cách mạng. Thông tin Korolev là tổng kỹ sư trưởng chương trình không gian của Liên Xô là thông tin tối mật, chỉ được tiết lộ ra sau khi ông chết năm 1966, do Liên Xô sợ điệp viên phương Tây ám sát ông. Cũng trong giai đoạn hậu chiến này, Khrushchev lên làm Tổng bí thư thay Stalin sau khi Stalin chết năm 1953. Thời kỳ Khrushchev lãnh đạo, văn hóa và khoa học dễ thở hơn, đã dẫn tới các bước tiến lớn của Liên Xô trong lĩnh vực không gian. Rồi điều gì tới cũng tới, năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik I lên không gian, làm toàn bộ thế giới phương Tây bàng hoàng. TIME của Mỹ cho Khrushchev làm “nhân vật của năm” năm 1957 luôn. Sputnik I bay lên làm công việc đo các thông số vật lý về nhiệt độ và áp suất của khí quyển ở tầng cao và gửi tín hiệu bằng ăng-ten về cho mặt đất. Có thể click link này để nghe tiếng beep beep huyền thoại của Sputnik I

2. Những “người” tiên phong

“Con đường tới những vì sao đã mở.”
(Sergei Korolev – Tổng kỹ sư trưởng chương trình không gian Liên Xô)

Sau thắng lợi Sputnik I, Liên Xô tiếp tục phóng hàng loạt tàu/vệ tinh không người lái lên không gian, và lên cả Mặt trăng. Liên Xô thắng Mỹ trong việc đáp mềm lên Mặt trăng (tức không va chạm làm bể tàu) với Luna 9 năm 1966.

Cùng lúc đó, nhằm thử nghiệm xem du hành vũ trụ có ảnh hưởng thế nào tới sinh vật, Liên Xô ào ạt phóng đủ thứ lên trời, bao gồm từ cây cỏ, nấm, vi trùng, côn trùng, chuột, thỏ và cuối cùng là chó. Trong khi bên Mỹ khoái chọn khỉ, thì Liên Xô chọn chó thay mặt cho toàn bộ lớp Thú, vì nó dễ huấn luyện và nghe lời. Bạn Laika tử nạn trong Sputnik II nhưng hai bạn sau là Belka và Strelka sống sót trở về. Tin này được báo chí khắp thế giới đưa ầm ĩ, ai ai cũng vui mừng (ít nhất là công chúng và giới khoa học). Belka và Strelka trở thành biểu tượng. Một bạn cún con do Strelka đẻ ra được gửi tặng cho con gái tổng thống Kennedy. Cuộc chạy đua vào không gian bắt đầu mở ra ở hai bờ Thái Bình Dương.

.

 3. Con người tiến vào không gian

Năm 1961, Liên Xô lại một lần nữa làm thế giới phát sốt khi đưa người lên không gian. Yuri Gagarin sau gần 2 tiếng đồng hồ bay trên quỹ đạo bỗng chốc nổi tiếng thế giới. Quy trình tuyển chọn và huấn luyện phi hành gia của Liên Xô đã chọn ra 20 người cuối cùng từ hơn một ngàn người ban đầu. Yuri được chọn làm người đầu tiên bay lên không gian không chỉ vì kỹ năng mà còn do lý lịch gia đình tầng lớp vô sản, lại có nụ cười đẹp ăn ảnh. Trái với quan niệm sai lầm rằng phi hành gia là phải cao to, Yuri thật ra chỉ cao có 1m57. Vì phi hành gia thời kỳ đầu phải nhỏ con thì mới nằm gọn được trong khoang phóng (lùn nhưng dĩ nhiên phải khỏe). Triển lãm có treo cái áo hàm đại tá của Yuri từng mặc, đúng là vóc người nhỏ so với kích cỡ người da trắng.

“Chinh phục không gian!” (Tranh tuyên truyền của L. Golovanov)

Trong 4 năm từ 1961 tới 1965, Liên Xô làm luôn cú ăn bốn: đưa người (đàn ông) đầu tiên lên vũ trụ, đưa người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ, đưa phi hành đoàn (3 người) đầu tiên lên vũ trụ, và lần đầu tiên thực hiện bước đi trong không gian.

Triển lãm có trưng bày hiện vật (thật) là cái khoang phóng Vostok 6 từng chứa Valentina Tereshkova (phi hành gia nữ đầu tiên) và Voskhod 1 từng chứa phi hành đoàn 3 người đầu tiên lên vũ trụ. Tận mắt nhìn vào bên trong sẽ hình dung được nó chật như thế nào.

Trong giai đoạn này, Liên Xô liên tiếp thắng Mỹ trong cuộc đua không gian, một phần cũng nhờ thể chế chính trị. Chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô cho phép họ có thể đổ một đống tiền vào tên lửa với phi thuyền, trong khi chính quyền kiểu Mỹ thì không thể làm như vậy được, một phần có lẽ vì chính phủ Mỹ phải đổ tiền vào điều khiển thị trường tự do cùng với các hoạt động khác. Kết quả là, tuy Liên Xô liên tục ghi bàn, nhưng đời sống nhân dân Xô Viết cũng chẳng khấm khá gì, thế nhưng tinh thần xây dựng chủ nghĩa xã hội lại rất cao.

4. Chương trình bí mật

“Chúng ta chọn đi lên Mặt trăng, không phải vì đây là một việc dễ làm,
mà bởi vì nó khó, […] và vì chúng ta nhất định sẽ thắng (cuộc đua này).”
(Tổng thống J. F. Kennedy)

 

.

Sau khi Kennedy đưa ra Kế hoạch 10 năm nói trong vòng 1 thập kỷ sẽ đưa được người lên Trăng, cuộc đua không gian tới hồi gay cấn. Liên Xô gấp rút chỉnh sửa dòng phi thuyền mới Soyuz điều khiển dễ hơn, nhưng vì gấp quá đã khiến hai phi hành gia thiệt mạng.

Rồi ai cũng biết là tới 1969 thì cuối cùng Mỹ cũng thắng được Liên Xô một ván, nhưng là ván quan trọng: đưa được Neil Armstrong đáp lên Trăng. Liên Xô ngoài mặt thì một mực tuyên bố không chạy đua đưa người lên Mặt trăng với Mỹ, thậm chí là từ chối hoàn toàn lời đề nghị hợp tác Mỹ-Liên Xô của Kennedy để đưa người lên Trăng, chỉ thỉnh thoảng bắn vài cái Luna không người lên quỹ đạo mặt trăng, đáp xuống bề mặt, quay phim chụp ảnh và lấy mẫu đất về; tuy nhiên, bên trong lại bí mật phát triển Chương trình Zond, để đối chọi với Chương trình Apollo của Mỹ. Chương trình đưa người lên Mặt trăng của Liên Xô được giữ bí mật tuyệt đối, chỉ lộ ra sau năm 1989, khi chính quyền Liên Xô công bố.

Để đưa người lên Trăng, Liên Xô cần phát triển dòng tên lửa đẩy mới. Tuy nhiên, nhiều thất bại xảy ra, cộng với việc tổng kỹ sư trưởng Korolev qua đời năm 1966, khiến Liên Xô chơi không lại bộ sâu von Braun (trùm rocket của Nazi, sau Thế chiến thành trùm của Mỹ).

Sau rồi Liên Xô dẹp luôn chương trình đưa người lên Mặt trăng, coi như chịu thất bại trước Mỹ.

5. Tiền đồn trên không gian

 

“Dấu chân của chúng ta sẽ mãi còn trên các dặm đường
bụi bặm nơi những hành tinh xa xôi”. (Tranh tuyên truyền của U. Ivanov)

Đây là căn phòng áp chót của triển lãm. Cuộc đua không gian hạ nhiệt sau khi Apollo hoàn thành sứ mệnh, cũng là lúc cả Mỹ và Liên Xô phát hiện mình đã hết tiền. Tuy nhiên, thời kỳ sau đó lại mở lại sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực du hành không gian, một phần cũng nhờ Hiệp ước Ngoại tầng Không gian của Liên Hiệp Quốc năm 1967.

Liên Xô xây trạm không gian Salyut năm 1971, sau thêm trạm Mir 1986. Sau tới thời Gorbachev thì quan hệ giữa Anh và Liên Xô giảm căng thẳng. Gorbachev và Thatcher bắt tay xây dựng chương trình không gian, thậm chí bỏ thêm tiền túi, để cuối cùng đưa phi hành gia đầu tiên người Anh (là nữ luôn) là bà Sharman năm đó 27 tuổi, trước đó là nhà hóa học ở công ty sô cô la Mars (hay thế!), bay lên Mir. Đã nói ở trước, do bà Sharman bay lên Mir bằng tàu của Liên Xô, nên ở Anh, bà hay được gọi là cosmonaut.

Cứ mỗi một phi hành gia ở trên trời thì sẽ có hơn trăm người làm việc ở mặt đất. Căn phòng áp chót này có ảnh, tư liệu và hiện vật về công việc dưới đất và trên trời của các trạm không gian Liên Xô. Có nguyên bộ sưu tập quần áo của phi hành gia, tùy điều kiện sinh hoạt, lại còn có cả toilet (dùng chân không để hút chất thái, chứ không nó bay lung tung), phòng tắm cá nhân (kéo phéc mơ tuya lên rồi đổ nước vào), tủ lạnh (hàng tháng có tàu không người lái phóng lên mang theo thực phẩm tươi)…

Năm 1991, Liên Xô tan rã khiến cho phi hành gia Sergei Krikalev bị kẹt trên trạm Mir thêm gần 5 tháng mới được về nhà dưới danh nghĩa công dân Liên bang Nga.

6. Vũ trụ này là của chúng mình

“Địa cầu là cái nôi của nhân loại,
nhưng nhân loại không thể suốt đời ở mãi trong nôi.”
(Tsiolkovsky)

.

Căn phòng cuối cùng của triển lãm chỉ có một mô hình người, mặt được làm theo mặt Gagarin, được dùng để phóng lên quỹ đạo mặt trăng, nhằm đo đạc lượng bức xạ mà từng phần trong cơ thể phải chịu. Ngoài ra không còn gì. Chỉ có tường được chiếu ánh sáng màu xanh dương phớt trắng và trần chiếu một hình chữ nhật màu đỏ. Tên tường có trích dẫn câu ở trên của Tsiolkovsky, người đặt nền móng cho giấc mơ không gian của Liên Xô. Rất mang tính biểu tượng.

Kết

Gác chuyện tranh cãi về chính trị, quân sự và kinh tế sang một bên, thì những gì Liên Xô đạt được về mặt khoa học vũ trụ hoàn toàn là những điều đáng trân trọng. Giấc mơ không gian của loài người đã trở thành hiện thực. Chúng ta đã từng khao khát được bay lên trời cao, nhưng mặt trời đã thiêu đốt giấc mơ của Ikarus, Rồi máy bay đã được tạo ra, nhưng vậy vẫn chưa đủ, chúng ta vẫn muốn đi xa hơn. Giai đoạn cuối 50, và thập niên 60 là những năm tháng mà tâm trí toàn nhân loại dường như ở trên mây, khi lần đầu tiên chúng ta thoát ra được đất mẹ, rồi lần đầu tiên chúng ta chạm được vào những thiên thể trên trời cao.

Tặng mọi người tấm hình cuối cùng rất sôi sục cách mạng:

(Chủ nghĩa xã hội là bệ phóng)

*

Tên bài lấy từ một câu trong bài hát “Em bay trong đêm pháo hoa” của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ý kiến - Thảo luận

7:32 Thursday,24.3.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Nhiều thành tựu của Liên Xô, nhất là trong nghệ thuật và thể thao, cả trong kinh tế giai đoạn đầu, là nhờ enthusiasm của dân gian. Về sau thì bọn láu cá và CCCC mua đài mua xe and/or hô hào nhân dân làm việc bằng hai, dẫn đến dân tình bị hết hơi, hết gạo chạy rông, cả nước ngập vào chuyện tiếu lâm để còn sống mái (bởi vì chỉ chửi tục không thì khó mà làm nhẹ
...xem tiếp
7:32 Thursday,24.3.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Nhiều thành tựu của Liên Xô, nhất là trong nghệ thuật và thể thao, cả trong kinh tế giai đoạn đầu, là nhờ enthusiasm của dân gian. Về sau thì bọn láu cá và CCCC mua đài mua xe and/or hô hào nhân dân làm việc bằng hai, dẫn đến dân tình bị hết hơi, hết gạo chạy rông, cả nước ngập vào chuyện tiếu lâm để còn sống mái (bởi vì chỉ chửi tục không thì khó mà làm nhẹ được tinh thần). Từ đầu 1980s giá dầu rơi, bắt đầu cuộc chiến giữa TV và tủ lạnh như bây giờ (media thì tèn ten tưng bừng, Sa hoàng PR vs dạ dày trong giun đòi tòm tem). 
7:14 Thursday,17.3.2016 Đăng bởi:  dilletant
VN mình có một cụ từng sang Pháp học tới 5 trường một lúc, rồi làm ở quân giới Paris thời gian Đức chiếm đóng Thấy bảo làm cả bom Vê oong vê đơ (theo lời các lão thành) của bọn Nazi. Sau về với Cụ Hồ làm súng không giật. Chiến dịch Thập vạn đại sơn hỗ trợ CM Trung quốc khoảng 1950 mang bắn tung các lô cốt của Tưởng (Bát lộ cũng giật mình luôn).
...xem tiếp
7:14 Thursday,17.3.2016 Đăng bởi:  dilletant
VN mình có một cụ từng sang Pháp học tới 5 trường một lúc, rồi làm ở quân giới Paris thời gian Đức chiếm đóng Thấy bảo làm cả bom Vê oong vê đơ (theo lời các lão thành) của bọn Nazi. Sau về với Cụ Hồ làm súng không giật. Chiến dịch Thập vạn đại sơn hỗ trợ CM Trung quốc khoảng 1950 mang bắn tung các lô cốt của Tưởng (Bát lộ cũng giật mình luôn). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả