Nhiếp ảnh

Shōji Ueda và cuốn sách ảnh đáng kinh ngạc 20. 02. 16 - 12:05 pm

Hoàng Lan st và dịch

Cụm từ “siêu thực” xuất hiện khá nhiều khi người ta nhắc đến nhiếp ảnh gia vĩ đại người Nhật Shōji Ueda, và cũng không khó để hiểu tại sao. Nổi tiếng nhờ loạt ảnh Sand Dunes (Đồi cát), Ueda đã sắp xếp để trẻ em và người lớn đến chơi trên đồi cát gần nhà mình, sau đó ông chụp ảnh họ, khiến họ nom như các vật thể di động trong một phim trường rộng lớn, còn ông là một đạo diễn. Những pô ảnh đồi cát đen trắng giống cảnh chụp từ một bộ phim, mà bộ phim này chỉ chiếu trong đầu Ueda.

“Vợ tôi trên đồi cát”, 1950

 

Một tác phẩm khác trong series “Đồi cát”

Tuy nhiên Ueda còn chụp nhiều bộ ảnh đẹp khác nữa, dù ít người biết hoặc có cơ hội xem chúng. May mắn thay, một quyển sách tổng kết sự nghiệp có tên Ueda vừa xuất bản, trong đấy có đủ những tác phẩm hiếm, ít người biết đến của ông. (Khi Ueda mất vào năm 2000, ông đã để lại một kho ảnh lớn gồm nhiều ảnh chưa công bố. Nhà xuất bản quyển sách tổng kết sự nghiệp này được phép sử dụng 5000 ảnh trong số đó).

Đó là một quyển sách ảnh đáng kinh ngạc. Nó mô tả Ueda như “một nhà phiêu lưu thích luẩn quẩn”, ám chỉ việc ông cứ tới lui khu đồi cát ở gần nhà ông tại Totorri – một vùng bờ biển nước Nhật. Ông chụp ảnh đồi khi trời âm u, lúc trời nắng cũng như trời tuyết. Ông bị vẻ đẹp chân phương của nó quyến rũ, và yêu cảm giác về không gian mà nó đem lại – thứ ông có thể dùng để nhấn mạnh hình thể con người. Phần nền tất nhiên rất là nổi bật: một dáng người mặc áo choàng in bóng lên những bậc thềm bị tuyết phủ, khiến người ấy trông tựa như một thầy tu thời trung cổ; hai bé gái trên chiếc thuyền của dân chài dưới bầu trời âm u; hai cành cây to lơ lửng trên khu lửa trại trong cảnh trời tuyết, vây quanh lửa trại là người dân làng.

“Các bé gái” cũng tại đồi cát gần nhà Ueda.

 

“Chân dung ông Sohji Yamakawa”, 1984

 

Hai bé trên thuyền dân chài.

Ueda bị hình bóng con người tương phản trên nhiều cảnh nền phong phú lôi cuốn, ông còn thích những chân dung vừa thư thái vừa có bố cục chặt chẽ – một cậu bé đang cầm súng đồ chơi, một bé gái đang thổi kẹo cao su. Ông ghi lại cuộc sống thường ngày của Nhật qua hình ảnh các em học sinh bắt chước theo động tác thể dục của giáo viên vào buổi sáng, hay bức ảnh nổi tiếng chụp cô gái đang đẩy đứa bé ngồi trên chiếc xe đạp băng qua một con đường – trông cả hai như hình cắt từ giấy đang tự chuyển động theo ý muốn.

Bức cô gái đang đẩy xe đạp em bé.

Ueda vẫn in các tác phẩm quen thuộc, nhưng trong sách này, số lượng ảnh hiếm ai có cơ hội xem và mang nhiều bất ngờ cũng chiếm số đông, trong đó có bộ ảnh tĩnh vật với màu sắc phong phú và tính bông đùa thuần chất Ueda. Vỏ đậu phộng sơn xanh đỏ ở hai đầu, xếp thành hàng như những chiếc tất tí hon. Một quả lựu bổ đôi, lớp vỏ bóng loáng của nó đối lập với phần thịt quả mọng nước và phần hạt bên trong. Những quả cherry chưa chín nằm trong một chiếc bát xanh đặt giữa một phông nền còn xanh hơn, ở mép ảnh là một bàn tay nhỏ tí đang vươn ra. Đây là các tác phẩm của series Genshi Yukan (Ảo ảnh), chụp từ năm 1987 đến 1992, series trông khác lạ và bất ngờ đến nỗi nó gần như là tác phẩm của một nhiếp ảnh gia khác.

Đậu phộng tô màu hai đầu, xếp thành hàng trong series “Ảo Ảnh”

 

“Lựu”, trong series “Ảo ảnh”

 

“Cherry”, trong series “Ảo Ảnh”

Tương tự, series ảnh màu mang phong cách của trường phái ấn tượng tên Shiroi Kaze (Cảnh sắc rực rỡ) – chụp từ năm 1980 đến 1981 – trong đó con người và khung cảnh nom hơi nhạt nhòa, màu sắc ảnh trông phai mờ như thể chúng thuộc về một thời đại khác. Vừa giống tranh màu nước vừa giống ảnh chụp, cứ như thể là lúc tuổi cao, Ueda nhìn thế giới theo cách mới – bí ẩn và chói lọi, nhưng cũng phai mờ dần khỏi tầm mắt.

Chân dung bé gái, trong series “Cảnh sắc rực rỡ”

 

Ảnh chụp cỏ, trong series “Cảnh sắc rực rỡ”

 

Một tác phẩm khác của series “Cảnh sắc rực rỡ”

Ueda là một quyển sách của những điều bất ngờ và đẹp đẽ. Nó lần theo cung đàn sáng tạo của một cuộc đời chuyên sống bên ngoài rìa và thích nhìn vào bên trong, một cuộc đời sinh ra đã hiểu thấu sự thơ mộng của nhịp điệu chậm rãi trong cuộc sống thường nhật.

Ý kiến - Thảo luận

22:54 Saturday,20.2.2016 Đăng bởi:  dilletant
Giữa bài có chữ thường ngày - thích (cũng như hàng ngày). Nhưng cuối bài lại có chữ - thường nhật... hổng thích.
...xem tiếp
22:54 Saturday,20.2.2016 Đăng bởi:  dilletant
Giữa bài có chữ thường ngày - thích (cũng như hàng ngày). Nhưng cuối bài lại có chữ - thường nhật... hổng thích. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả