Thị trường

Art Loss Register: bạn của nhà sưu tập, kẻ thù của bọn trộm tranh 18. 02. 16 - 7:02 am

Hữu Khoa tổng hợp và dịch

Art Loss Register là gì?

Art Loss Register (ALR) là kho dữ liệu tư nhân lớn nhất thế giới về những tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tập, đồ cổ…, từ đó giúp tìm lại những thứ bị thất lạc, bị trộm cắp.

Dịch vụ của ALR trải rộng từ: đăng ký món đồ nghệ thuật, tìm kiếm và hoàn trả đồ mất cắp cho nhà sưu tập, nhà buôn, cho các nhà bảo hiểm, các tổ chức thực thi luật trên phạm vi toàn thế giới.

Một bức ảnh chụp ngày 6. 11. 2013 cho thấy một bức tranh của Henry Matisse có tên ‘Sitzende Frau’ (Người phụ nữ ngồi) đã được tìm thấy ở Munich, Đức, và Julian Radcliffe, chủ tịch của Art Loss Register tại văn phòng của ông đặt ở trung tâm London.(Ảnh: AP Photo/Lefteris Pitarakis)

Những dịch vụ của ALR được thực hiện một cách hiệu quả là nhờ công nghệ thông tin của họ rất mạnh và một đội ngũ được đào tạo đặc biệt chuyên nghiệp về lịch sử nghệ thuật. Đội ngũ này còn thông thạo nhiều ngôn ngữ cũng như nhiều lãnh vực, như: nghệ thuật hiện đại, nghệ thuật cổ đại, nghệ thuật của các bậc thầy…

Trong việc làm ăn của mình, ALR nhắm tới hai mục đích:

Đầu tiên, bằng cách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mọi món đồ nghệ thuật có giá trị vào cơ sở dữ liệu của ALR, đồng thời mở rộng tìm kiếm, ALR làm bọn trộm cướp nghệ thuật nản chí. Trước một món đồ nghệ thuật đã đăng ký ở ALR, chúng biết mình sẽ phải đối mặt với những gì nếu lấy cắp và đem đi bán.

Tiếp theo, bằng dịch vụ cần mẫn và chu đáo, luôn tập trung vào bất cứ món đồ nghệ thuật nào khả nghi trên thế giới, ALR đã đem hoàn lại được nhiều tạo tác cho người chủ hợp pháp. Trong những năm qua, ALR còn mở rộng ra dịch vụ thương lượng đền bù giữa nạn nhân của nạn trộm nghệ thuật với việc hợp thức hóa quyền sở hữu món đồ cho người đang (vô tình) nắm giữ.

Ảnh từ trang này

Chiến công gần nhất của ALR

Vừa qua, nhờ Art Loss Register mà người ta xác định được “tọa độ” của hai tác phẩm từng bị mất trộm ở Amsterdam hồi tháng Ba năm 2010: “Three Children and a Dog” (Ba đứa trẻ và một con chó) của Johannes Zoetelief Tromp, và “Still Life with Roses” (Tĩnh vật với hoa hồng) của Akkeringa Johannes Evert Hendrik. Sau đó hai tác phẩm này đã được hoàn trả lại, nhà bảo hiểm thế là khỏi mất tiền.

“Still Life with Roses” (Tĩnh vật với hoa hồng) của Akkeringa Johannes Evert Hendrik, từng được nhà đấu giá ước lượng từ £2,700 – £4,000.

Tìm ra được là nhờ hồi tháng Hai năm 2014, ALR thấy chúng xuất hiện trong một catalogue của một nhà đấu giá Thụy Sĩ. Đây là một trong 95 nhà đấu giá có đăng ký gửi đều đặn cho Art Loss Register các catalogue của họ. “Chúng tôi đăng ký như vậy để có thể ngay tức thời phát hiện ra những món có vấn đề và tránh được nguy cơ đem đấu giá hàng ăn cắp.”

Sau khi đọ và thấy các thông số của hai bức tranh khớp với thông số trong kho dữ liệu của Interpol, ALR lập tức báo cho nhà đấu giá, và nhà đấu giá liền rút luôn hai bức tranh khỏi phiên giao dịch. ALR cũng thông tin cho cảnh sát Hà Lan. Tiếp đó cảnh sát Hà Lan và cơ quan thực thi luật của Thụy Sĩ bắt tay vào điều tra luôn. Cuối cùng, vào tháng Hai năm 2016, hai bức tranh đã trở về với nhà bảo hiểm đã phải chi trả trước đó khi có vụ trộm.

“Three Children and a Dog” (Ba đứa trẻ và một con chó) của Johannes Zoetelief Tromp, từng được nhà đấu giá ước lượng từ £14,000 – £20,000

*

Với nạn trộm nghệ thuật ngày càng tinh vi và thường vượt biên giới để tránh bị phát hiện, ALR là một tổ chức không thể thiếu, và tổ chức này ngày càng chứng minh được tầm quan trọng của mình cho các nhà sưu tập, các bảo tàng, các nhà đấu giá, cũng như với… bọn trộm nghệ thuật.

Tuy nhiên, đời không bao giờ một chiều. ALR cũng bị vướng vào một số lời buộc tội. Chúng tôi sẽ dịch tiếp vào bài sau, khi có thời gian ☺

Ý kiến - Thảo luận

12:16 Thursday,18.2.2016 Đăng bởi:  dilettant
Dù sao thì mạng xã hội ảo (Social network) và Internet vẫn đang làm cho con người (phải) trung thực hơn. Và vì thế, thực hơn (thật thà là cha quỷ quái mà)?
...xem tiếp
12:16 Thursday,18.2.2016 Đăng bởi:  dilettant
Dù sao thì mạng xã hội ảo (Social network) và Internet vẫn đang làm cho con người (phải) trung thực hơn. Và vì thế, thực hơn (thật thà là cha quỷ quái mà)? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả