Tin tức

Prado dỗi, rút lại hai bức tranh của Bosch 18. 02. 16 - 1:04 pm

Phạm Phong lược dịch

 

Bảo tàng Noordbrabants. Hình từ trang này

Gần năm thế kỷ sau cuộc chiến tranh Tám mươi năm giữa Hà Lan và Tây Ban Nha, sự cừu thù lại một phen bùng lên, lần này là từ một danh họa mà cả hai nước đều ái mộ và đua nhau sưu tầm: Hieronymus Bosch

Sự thể như sau:

Bảo tàng Noordbrabants của Hà Lan mở một triển lãm đình đám về Bosch có tên ‘s-Hertogenbosch’, khai mạc ngày 13. 2. 2016 và dự định kéo đến tận tháng Năm. Mặc dù bảo tàng này không có tranh của Bosch trong bộ sưu tập, nhưng đã xoay sở để mang về được 17 trong số 24 bức tranh của họa sĩ này, trong đó có bức tam bình Haywain (1510-1516) nổi tiếng, mượn từ bảo tàng Prado của Tây Ban Nha, được coi là “ngôi sao” của triển lãm.

Bức tam bình Haywain

Triển lãm về Bosch này cho thấy một thành công phi thường của bảo tàng Noordbrabants: chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ càng, thu gom được nhiều tác phẩm quý, trình bày lịch lãm. Nhà phê bình nghệ thuật của tờ Guardian là Jonathan Jones gọi đây là “một trong những triển lãm quan trọng nhất của thế kỷ” (Thế kỷ nào? Vì thế kỷ 21 thì mới được có 16 năm?)

Một trang catalogue của triển lãm

Nhưng chính sự quá thành công này của bảo tàng Noordbrabants càng khiến cho cuộc tranh cãi với bảo tàng Prado về vài bức tranh của Bosch trở nên đặc biệt… dở hơi.

Bức “The Cure of Folly” trước đó đã được bảo tàng Prado hứa cho thuê và đã có mặt trong catalogue, nhưng cuối cùng bị rút khỏi triển lãm trước khi khai mạc có vài ngày, vì Prado bực mình khi xem một phim truyền hình của các nhà nghiên cứu người Hà Lan. Giám tuyển tại Prado thì khẳng định tranh này do Bosch vẽ khoảng từ 1500 đến 1510, trong khi các nhà nghiên cứu Bosch người Hà Lan lại kết luận rằng tranh này của một học trò, vẽ trong khoảng từ 1510 đến 1520. Người phát ngôn của Prado bảo bức “The Cure of Folly” là một phần rất quan trọng trong bộ sưu tập của bảo tàng này, và đem nó cho Noordbrabants thuê làm triển lãm là không xứng.

“The Cure of Folly”

Bảo tàng Prado cũng hủy việc cho thuê bức “The Temptation of St Anthony” (vẽ khoảng 1490). Lý do: nghe được các nhà nghiên cứu Hà Lan cho rằng bức này cũng do một học trò sau này vẽ, khoảng 1530 – 1540. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Hà Lan cũng bảo rằng bức “The Seven Deadly Sins” không phải của Bosch mà của học trò vẽ (1510 – 1520). Tuy nhiên bức này trước đó bảo tàng Noordbrabants không đặt vấn để thuê cho triển lãm. Nếu không, chắc Prado cũng nổi giận mà rút về.

“The Temptation of St Anthony”

Charles de Mooij, giám đốc của bảo tàng Noordbrabants, nói với tờ The Art Newspaper rằng ông lấy làm tiếc về việc hai tác phẩm bị Prado rút về, vì “chúng tôi muốn có chúng trong triển lãm Den Bosch”.

Trong khi đó, bảo tàng Prado chỉ trích nhóm nghiên cứu người Hà Lan, vì đã phán xét nguồn gốc bức tranh dựa trên những khía cạnh về phong cách cực kỳ chủ quan.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả