Ở Đâu - Làm Gì

Nguyễn Sơn: Những ẩn ngữ phôi phai và quá khứ 04. 12. 10 - 9:35 am

TVT

OPEN 3- ẨN NGỮ TỪ PHÔI PHA

Triển lãm tranh của Nguyễn Sơn
27. 11. 2010 đến 7. 12. 2010
Himiko cafe – 324 Bis Điện Biên Phủ, Q. 10

Khách đến xem triển lãm từ rất sớm

Triển lãm của họa sĩ Nguyễn Sơn tại Himiko café lúc18h ngày 27.11.2010 theo tôi là một triển lãm đáng xem, không phải chỉ vì Nguyễn Sơn là một trong những họa sĩ trẻ thành công từ rất sớm, từ dạo Philip Moris, Nokia 2000; dạo ấy sao mà anh nổi tiếng thế không biết.

Đáng xem lắm chứ, bởi đây không những là một triển lãm mới, mà bản thân tôi còn rất quan tâm đến quá trình của một Nguyễn Sơn mà tôi biết. Tôi đến triển lãm từ rất sớm, nhiều nghệ sĩ ở Sài Gòn cũng đến sớm lắm, có lẽ họ cũng quý Nguyễn Sơn và quan tâm những điều giống tôi.

Một tác phẩm của Nguyễn Sơn tại Open 2 năm 2009

Đối với tôi quá trình của một nghệ sĩ quan trọng nhất là sự thay đổi, là những diễn tiến trong quá trình sáng tạo, và tôi nhìn thấy được điều đó trong cuộc triển lãm mới này – open3 – những ẩn ngữ phôi phai. Cảm nhận đầu tiên khi bước vào phòng triển lãm là không gian khá nhẹ nhàng, xuyên suốt các tác phẩm, điều mà tôi chưa từng thấy ở những tác phẩm trước đây của anh. Không còn những cơn ác mộng trực diện lấn át người xem, không còn một ông chủ nhỏ đầy vẻ thách thức người xem. Những ẩn ngữ phôi pha có vẻ nhường chỗ nhiều hơn cho người xem, nhường chỗ nhiều hơn cho chính tác giả chiêm nghiệm về bản thân, cuộc sống…

Ông chủ nhỏ của thời Open 2

Ngày từng ngày cuộc sống cứ vụt trôi trước mắt tôi với biết bao hình hài và biến động. Tôi trôi dạt theo dòng chảy ấy với vô số lần trực diện soi vào khoảng không trước mắt, vô số lần tìm kiếm, đào bới trong ký ức để hy vọng thấy điều gì đã tạo nên ‘Tôi’ trong từng bức họa? Không chỉ là thân phận, không chỉ là nước mắt hay nụ cười giữa Người với vạn vật, không chỉ là mộng du hay tỉnh thức, không chỉ là kìm nén hay bùng phát… Trên hết thảy tôi thấy sự Phôi Phai. Từ đó tôi không còn muốn vẽ về những con người ngoài tôi, hay kể những câu chuyện bằng hình được dàn dựng mạch lạc có mở đầu và kết thúc. Tôi hướng trí tưởng tượng của mình tới từng vùng rất nhỏ bé, mờ nhạt trong ký ức. Tái tạo lại hình dong của sự Phôi Phai trong tôi, để biết rằng: mình đã khác.” (Nguyễn Sơn) 

Tác phẩm trong Ẩn ngữ Phôi Phai và Quá Khứ

Vẫn với thủ pháp sơn dầu điêu luyện và trau chuốt, óng mượt đến từng li từng tí, nhưng những gì mà Nguyễn Sơn đang thề hiện đều rất khó gọi tên. Những chi tiết vụn vặt, nhỏ nhoi nhưng đôi khi lại là chìa khóa cho cuộc sống được anh zoom lên tranh với những vết úa, khô, mòn mỏi và gỉ rét. Thời gian bào mòn tất cả mọi thứ, đằng sau những vệt sáng trong vắt thế kia có lẽ là một ẩn ý sâu hoắm, bất tận nữa, quá khứ đã đóng chặt những cách cửa và để lại những tàn tích, những vết xước in hằn.
 
“Làm thế nào để vẽ được tiếng chuông ngân nga? Làm thế nào để tô được mầu cho im lặng? Làm thế nào để buông tiếng thở dài hay vui cười như con trẻ theo từng vệt bút? – Chỉ với một mặt phẳng luôn giới hạn bởi hai chiều, luôn có khởi đầu thinh lặng và rất dễ tan vỡ lúc sau cùng! Quá khó với tôi!
“Lúc này sự Phôi Phai lại là cứu cánh như những trang nhật ký đã mờ nét chữ nhưng khi nhìn vào tôi thấy lại cả nắng mưa. Để cảm nhận trọn vẹn tôi chỉ còn biết lắng nghe tim mình.”
(Nguyễn Sơn)

Khác với trào lưu biếm họa, minh họa cho những đề tài xã hội hóc búa mà đôi khi vượt quá tầm và vô tình làm các tác phẩm hội họa thành bám đuôi một tác phẩm văn học hay báo chí của một số nghệ sĩ trẻ hiện tại, Nguyễn Sơn tìm lại mình, khám phá chính bản thân mình đang tồn tại trong bối cảnh xã hội hiện hiện tại, và vẽ nên bối cảnh đó. Trong tất cả các tác phẩm của anh lần này, chúng ta thấy tất cả những chi tiết đã được chắt lọc và tiết chế hơn, không gian dàn trải, thoáng đãng nhưng không phẳng, gồ ghề bám víu vào thực hình như muốn người xem tận kiến.
 
“Con đường tôi đi như thể mặt tranh, chỗ xơ xác héo úa, chỗ bằng phẳng tươi tốt. Con đường ấy có khi níu chân tôi bởi những vũng lầy của thói quen ham muốn muôn thủa. Con đường ấy có lúc lại mở ra nhiều ngã rẽ mà trước mắt tôi là ảo ảnh của chính mình. Lạc lối hay không lạc lối? Tôi không thể tự mình trả lời được. ‘Ẩn ngữ từ Phôi Phai’ như những tín hiệu giúp tôi tìm lại được ‘Tôi’. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: ‘Tại sao anh vẽ những điện thoại, những sắt rỉ, những khuy áo…?’, chẳng bao giờ tôi giải thích cặn kẽ được, tôi chỉ biết gọi chúng là ‘Ẩn Ngữ từ Phôi Phai’. Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy chúng. Và tôi tin chúng ta đều đã từng Phôi Phai.” (Nguyễn Sơn)

Tác phẩm trong Open 3

Thật khó để có thể vẽ lên những tàn tích, vết tích trong tâm hồn. Những sợi mắt xích trong quá khứ mà mình trải qua kết nối một phần rất rõ, một phần nào đó nhạt nhòa và tưởng tưởng lại được. Nguyễn Sơn lại làm được điều mà theo tôi là cụ thể hóa quá khứ. Chúng ta có thể để quên, hay vứt sọt rác những gì hỏng hóc, lỗi mùa… nhưng chúng ta không thể quăng ném thời gian đã qua của mình được. Quá khứ tồn tại và bám víu chúng ta là thế, và đây cũng là điều mà tôi mường tượng sau cuộc triển lãm này.

*

Bài liên quan:

– NGUYỄN SƠN: Hai năm cho một Độc Tấu
– Nguyễn Sơn: Những ẩn ngữ phôi phai và quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

0:12 Tuesday,7.12.2010 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Những bức tranh ở đây vì xem qua ảnh nên chả dám nhận xét gì. Nhưng quả thực ấn tượng với bức ảnh chụp khai mạc triển lãm. Nó xứng đáng là một bức ảnh rất đẹp. Nó tạo ra một không khí khá kì lạ và siêu thực. Trong từng ấy nhân vật, họ ngồi đấy nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Bức ảnh tạo cho tôi một cảm giác yên tĩnh đến kì lạ. Một bức
...xem tiếp
0:12 Tuesday,7.12.2010 Đăng bởi:  Mạnh Hà
Những bức tranh ở đây vì xem qua ảnh nên chả dám nhận xét gì. Nhưng quả thực ấn tượng với bức ảnh chụp khai mạc triển lãm. Nó xứng đáng là một bức ảnh rất đẹp. Nó tạo ra một không khí khá kì lạ và siêu thực. Trong từng ấy nhân vật, họ ngồi đấy nhưng mỗi người là một thế giới riêng. Bức ảnh tạo cho tôi một cảm giác yên tĩnh đến kì lạ. Một bức ảnh hiếm gặp. 
10:18 Saturday,4.12.2010 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn mọi người. Soi sửa rồi ạ.
...xem tiếp
10:18 Saturday,4.12.2010 Đăng bởi:  admin
Cảm ơn mọi người. Soi sửa rồi ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả