Tôi vẽ trên nền báo cũ (bài 2): Đặng Xuân Hòa, Đỗ Hoàng Tường, Vi Kiến Thành
08. 03. 16 - 8:49 am
Thông tin từ BTC
NHÂN DÂN – TRANH TRÊN BÁO CŨ Triển lãm tranh vẽ trên nền báo Nhân Dân của nhiều họa sĩ Khai mạc: 9h sáng 8. 3. 2016, sân báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội Kéo dài trong 1 ngày, từ 9-17h 14h ngày 9. 3. 2016 tại Cung Văn hóa Việt-Xô, kéo dài hết buổi chiều cùng này. Cả ngày 13. 3. 2016 tại Hội nhà báo Việt Nam (trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc)
Ý tưởng mà Ban biên tập đưa ra khá thú vị ở chỗ mình vừa làm tờ báo giấy, rồi sử dụng chính tờ báo của mình mời các cộng tác viên vẽ trên đó.
Đỗ Hoàng Tường. Acrylic, mực nho trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 208, tháng 8- 2014
Tôi thấy chất liệu báo cũ cũng hay, nó tạo cảm hứng khá nhiều cho tôi trong sáng tác. Một trang báo có rất nhiều nội dung, sử dụng hiệu quả phần chữ in, vẽ tay cùng những hình nền có sẵn tạo cảm giác thú vị khi kết hợp giữa cũ và mới, kĩ thuật in ấn cùng kĩ thuật vẽ tay. Tôi cố gắng sử dụng tối đa phần nội dung, có chỗ dập xóa, có chỗ chừa lại, chỗ để lộ ra sau hình vẽ và tin bức tranh sẽ sinh động.
Đầu tiên tôi lựa chọn rất kĩ các trang báo, ngắm bố cục cùng cách trình bày, từ đó dẫn dắt sự tưởng tượng để đặt bút vẽ.
Các tác phẩm tham gia triển lãm của tôi được vẽ theo phong cách nằm ở ranh giới giữa tranh minh họa và tranh hội họa. Tôi phải thực hiện rất nhiều bức rồi mới lựa được 3 tác phẩm ưng ý nhất. Không phải dễ dàng gì mà một phát ăn ngay được.
Đỗ Hoàng Tường. Acrylic mực nho trên giấy báo Nhân Dân Cuối tuần, số 26 (1376) ngày 28-6-2015
Với chất liệu báo cũ, tôi nghĩ các tác phẩm sẽ thuộc 3 loại: – tác phẩm hội họa độc lập – một minh họa cỡ lớn trên báo – hoặc nằm ở ranh giới giữa hai thế loại, như các tranh của tôi ở triển lãm này.
Đỗ Hoàng Tường. Acrylic mực nho trên giấy báo Thời Nay, số 632, ngày 4-2-2016
Vì thế theo tôi, sự kiện này không phải là một hoạt động triển lãm lớn mà dừng lại ở một cuộc trò chuyện, đối thoại ngắn giữa các họa sĩ với nhau – một dự án gọn gàng và nhẹ nhàng. Có thể, các họa sĩ sẽ bộc lộ cả những điểm mạnh lẫn khó khăn khi tiếp xúc với chất liệu báo cũ. Vì thế, cuộc trò chuyện này mang tính thử nghiệm khá thú vị.
*
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa
Ý tưởng đặt hàng họa sĩ vẽ trên giấy báo là sáng kiến hay, bởi nhiều khi, mới-cũ hòa trộn với nhau thì phong phú hơn. Nghệ sĩ thì hay hoài cổ, thường quay đi quay lại từ chất liệu tới đề tài. Nhờ thế mà sống lại được kí ức.
Những bậc thầy hội họa cùng cả thế hệ chúng tôi từng sống trong nghèo khổ, vẽ trong thiếu thốn, sáng tác trên mọi chất liệu có thể. Chất liệu cũ cộng với ý tưởng mới sẽ tạo nên hơi thở mới. Về báo, rất hợp với chất liệu bột màu: thấm, hút, xốp và tạo hiệu ứng đẹp. Nhờ chất liệu báo in, nếu họa sĩ biết tận dụng như một yếu tố hiệu quả trong tác phẩm thì rất dễ trở thành hiện đại. Từ nội dung, tiêu đề, măng-sét báo sẽ giúp cộng hưởng thêm nhiều nội dung cho bức tranh.
Tôi không dùng bột màu mà sử dụng sơn dầu, hiệu quả lên rất lạ. Thay vì đọc một tở báo xong và bỏ đi, nhờ tác phẩm hội họa, chúng tôi tận dụng được, giữ lại gần như trọn vẹn trang báo cho rất nhiều năm sau. Nó sẽ như một trang nhật ký hàng ngày, mình giữ nó lại bằng một tác phẩm nghệ thuật. Cái chính là vẽ gì, vẽ thế nào trên trang báo mới là quan trọng. Theo tôi, tuy các cộng tác viên đều là những người có năng lực thực sự nhưng với đơn đặt hàng cụ thể của một triển lãm như thế này, có thể có họa sĩ sẽ phải “lên gân” vì thế cảm xúc có thể gượng ép, chưa đủ chín.
Tôi tham gia triển lãm với một bức sơn dầu duy nhất. Tôi dùng tờ báo của các bạn làm giấy gói cho một bó hoa hướng dương rất to. Bó hoa như mặt trời, cũng tượng trưng cho Đảng. Bức tranh chuyển tải thông điệp “Nhân Dân luôn hướng về, bảo vệ Đảng”.
Đặng Xuân Hòa, “Ngày mới”. Sơn dầu trên nền báo Nhân Dân
Đây là một sự kiện nghiêm túc và rất đáng trân trọng. triển lãm là một bước tiếp theo trên nền tảng cộng tác giữa những người làm báo và các cộng tác viên thân thiết là họa sĩ. Nguyên liệu báo cũ nhưng hoạt động thì rất mới, triển lãm là một đóng góp cho đời sống mỹ thuật và nghệ thuật nói chung.
*
Họa sĩ Vi Kiến Thành
Giấy báo rất hợp với bột màu, có độ loang, thấm nước. Vẽ trên giấy báo không phải là coi nó như một chất liệu thông thường. Ý tưởng xuất phát từ tờ báo sẽ như một gợi ý ban đầu cho họa sĩ, giúp anh ta khai thác ý đồ sâu xa đó, cộng hưởng, tham góp với bố cục trang báo, cộng với tư duy họa sĩ để cho ra đời tác phẩm. Đó là sự kết hợp giữa một nhà báo cụ thể với người cầm cọ, tạo sự hứng khởi cho người sáng tác.
Trong ba tác phẩm của tôi, bức “Nhớ” vẽ một thiếu nữ ôm hoa trước ngực, gợi sự hồi tưởng vì phía trên trang báo có một bài viết về nhà thơ Xuân Diệu – người chuyên viết thơ tình yêu – nên đã gợi cho tôi cảm xúc nhớ nhung, tưởng nhớ tới một tình yêu cụ thể.
Vi Kiến Thành, “Nhớ”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân, ngày 19-2-2016
Bức “Chân dung Lê Cát Trọng Lý” có điểm xuất phát từ một minh họa rất đẹp trên trang báo của Lương Xuân Đoàn. Tôi nghĩ không nên bỏ phí một hình ảnh đẹp như thế. Dìm những yếu tố không cần thiết bằng một gam màu xanh trong trẻo, đúng độ tuổi của Lý, tôi giữ nguyên title, chân dung và vẽ thêm một cây đàn ghi-ta (nhạc cụ luôn gắn với Lý), kèm theo một cái cốc thủy tinh đựng nước với hàm ý cô ca sĩ mong manh, dễ vỡ.
Vi Kiến Thành, “Chân dung Lê Cát Trọng Lý”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 198, tháng 10-2013
Bức cuối “Cửa biển Hội An” thực ra tôi không thích lắm, xuất phát từ tấm ảnh Cửa Đại với con thuyền đang kéo lưới. Tôi dùng không gian của ảnh được lan tỏa tới toàn bộ bố cục của tranh, mở rộng phạm vi hình ảnh.
Vi Kiến Thành, “Cửa biển Hội An”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân Cuối tuần, số 8 (1410), ngày 21-2-2016
Với người vẽ, triển lãm là một hoạt động thú vị và sáng tạo trong tổ chức một sự kiện mỹ thuật có sự gắn kết giữa báo Nhân Dân và họa sĩ. Sự tương tác là cụ thể nhưng ý nghĩa thì rất hay. Người sáng tác có nhiều hứng khởi, người xem sẽ thấy mới lạ, vì thế tôi tin triển lãm sẽ thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng.