Tôi vẽ trên nền báo cũ (bài 4): Lê Thiết Cương, Hồng Phương, Đặng Tiến, Phạm Luận, Phạm Trần Quân
12. 03. 16 - 11:47 am
Thông tin từ BTC
(Tiếp theo các bài trước)
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Lê Thiết Cương, “Ngắm sen”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng, số 178, tháng 2- 2012
Bột mầu-báo cũ thời trước Đổi mới 1986, khi thiếu thốn sơn dầu, chính là lựa chọn của nhiều họa sỹ. Tôi mê chất liệu này và hiện vẫn giữ được rất nhiều tác phẩm vẽ từ ngày còn là sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh, toàn bột màu-báo cũ. Giấy báo cũng lại rất hiện đại và tạo cảm hứng. Tôi cũng là người có bộ sưu tập đầy đủ tranh bột màu-báo cũ của nhiều họa sỹ đương thời
Lê Thiết Cương, “Hai là một”. Bột màu trên giấy báo Thời Nay, số 627, ngày 18-1-2016
Họa sĩ Hồng Phương
Thời bao cấp, bố tôi (họa sĩ Nguyễn Bích) cũng thường tận dụng báo cũ nhuộm nước trà cho ngả màu để vẽ. Khi được đặt hàng ý tưởng này, tôi rất thích vì nó giúp tôi được sống lại những kỉ niệm ngày xưa. Tôi thấy rất thích thú vì giấy báo có những sắc độ màu matière mà mình không thể tự tạo lên được. Vẽ trên một tờ giấy trắng sẽ có cảm xúc khác. Bởi trên giấy báo title, ảnh, đều tạo không gian cho họa sĩ tận dụng các mảng màu rất sâu mà trên giấy thường không có.
Trong các tác phẩm tham gia triển lãm của tôi, “Cô gái quan họ” vẽ cảnh một liền chị chèo thuyền trên sông. Tôi chọn cách không bôi nền toàn bộ mà để lại chất liệu báo tạo hiệu quả gợi hình trong trẻo, sử dụng những mảng màu nhẹ để làm nổi lên bề mặt trang báo phía sau.
Hồng Phương, “Cô gái quan họ”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng Xuân Bính Thân 2016
Bức “Ngựa hoa” thể hiện trên nền trắng (không bôi kín mà tạo sắc độ đậm nhạt như nan rổ). Trên đó, tạo hình con ngựa cha ông để lại.
Hồng Phương, “Ngựa hoa”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân số đặc biệt kỷ niệm 68 năm Quốc khánh, ngày 2-9- 2013.
Để giảm thiểu độ nhăn của tranh, tôi chọn vẽ theo cách không bồi. Vẽ bột màu dùng keo thì khi ướt sẽ hơi nhăn, ép phẳng ra cũng đơn giản. Mà tôi nghĩ có khi hơi nhăn lại tạo hiệu ứng rất hay.
Thực sự tôi không nghĩ Ban biên tập có thể đầu tư chọ một sự kiện có ý nghĩa đến thế đâu. Các bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời, vừa tri ân được thế hệ họa sĩ đi trước, vừa giúp thế hệ sau được sống lại những hồi ức quá khứ, cảm động vô cùng.
Họa sĩ Đặng Tiến
Tôi nghĩ đây là một cuộc triển lãm rất hay, có lẽ Nhân Dân hằng tháng là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam làm được một cuộc triển lãm đặc biệt này. Đây là một tờ báo có nhiều bài hay, chọn lọc và có chiều sâu về văn hóa, và làm cho báo Nhân Dân gần với nhân dân hơn.
Đặng Tiến, “Phố”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 216, tháng 4- 2015
Trước đây vì hoàn cảnh khó khan nên các họa sĩ vẽ trên giấy báo nhiều. Nay triển lãm vẽ trên giấy báo cũ không phải vì thiếu chất liệu mà là mang một ý nghĩa mới, kéo dài hơn đời sống của những tờ báo. Điều hay là trên tờ báo để vẽ tranh đều có đề ngày tháng năm.
Trước tôi vẽ thế nào thì trong cuộc triển lãm này tôi cũng vẽ như vậy. Tôi vẽ ngay sau chuyến đi từ Hà Giang về khi cảm xúc vẫn còn tươi rói. Vì vậy, những bức tranh tôi vẽ ngôi nhà ở cao nguyên đá hay cây xoan đang rụng lá vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc đó.
Đặng Tiến, “Nắng đông”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân ngày 26-9-2015
Đặng Tiến, “Tháng giêng”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân ngày 22-9-2015
Họa sĩ Phạm Luận
Giấy báo vốn ráp, phù hợp với bột màu. Vẽ trên giấy báo để triển lãm trong dịp kỉ niệm là hoạt động có ý nghĩa.
Chất liệu mỏng nên khi vẽ với bột màu và nước sẽ dễ bị nhăn, yêu cầu họa sĩ phải có kinh nghiệm. Muốn xốp và làm bật được màu lên phải nắm được kĩ thuật.
Tôi vốn là họa sĩ chuyên sơn dầu. Thời gian khởi đầu cũng vẽ bột màu nhưng trên chất liệu giấy crô-ki nên vẽ trên giấy báo cũng cảm thấy thú vị.
Phạm Luận, “Chợ hoa Tết”. Bột màu trên giấy báo Thời Nay số 584 ngày 20-8-2015
Tôi coi báo cũ cũng chỉ là một tờ giấy. Tôi có biết ý tưởng của tòa soạn là muốn họa sĩ kết hợp yếu tố báo in với hội họa, nhưng quan điểm của tôi là họa sĩ phải để lại dấu ấn của mình trên tờ giấy báo đó. Tôi không khai thác chất liệu từ bản thân trang báo. Tôi dùng trang báo làm nền để thể hiện rõ nhất bút pháp của mình, để người ta có thể nhận ngay ra Phạm Luận qua tác phẩm.
Phạm Luận, “Phố Hàng Đào”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân cuối tuần số 30 (1380) ngày 26-7-2015
Với cả ba bức tranh của tôi, trang báo chỉ như một tờ giấy, thú vị là chữ in vẫn còn sót lại trên nền. Tranh “Buổi sáng trên biển Mỹ Khê”, măng-sét Nhân Dân màu đỏ gợi ý cho tôi vẽ lá cờ bên dưới, cũng là thêm thắt một chút cho sinh động.
Phạm Luận, “Buổi sáng trên biển Mỹ Khê.” Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 218, tháng 6- 2015
Họat động này rất tốt, tạo điều kiện cho các họa sĩ có dịp đóng góp cho họat động tuyên truyền, kỉ niệm của báo. Cá nhân tôi cũng muốn dành một cái gì đó cho báo Đảng. Cũng nhờ cơ hội này, tôi mới có cảm hứng thể hiện một số đề tài không quen thuộc như tình yêu biển đảo, đất nước. Trong hoàn cảnh này, đó cũng là một cách đóng góp nhẹ nhàng, thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ.
Đây là một sáng kiến hay, thú vị, nên trong thời gian ngắn và công việc bản thân rất bận rộn nhưng tôi vẫn hào hứng sáng tác.
Họa sĩ Phạm Trần Quân
Phạm Trần Quân, “Sen”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng Xuân Bính Thân 2016
Những đầm sen ven nội. Sen trên phố, sen trong mỗi lọ hoa trong mỗi nhà. Không phải vô tình sen trở thành quốc hoa. Sen trên những cánh bay từ Việt Nam đi khắp thế giới. Sen ngũ đức trong quan niệm phật giáo. Sen hương khiết trong quan niệm dân gian. Sen sáng tạo trong tạo hình. Sen với biểu hiện trừu tượng. Tôi vẽ thế. Sen hiện ra thế. Bình dị như thế. Trên bức tranh tôi nghĩ như thế.
Phạm Trần Quân, “Tĩnh vật sen”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân, ngày 11-12-2013