Trường phái

Tôi vẽ trên nền báo cũ (bài 6):
Hồng Việt Dũng, Trương Tiến Trà, Thành Chương 16. 03. 16 - 7:08 am

Thông tin từ BTC

(Tiếp theo các bài trước)

Họa sĩ Hồng Việt Dũng

Trước đây tôi cũng từng vẽ trên giấy báo cũ, nhưng đây là lần đầu tiên có một cơ quan báo chí tổ chức một triển lãm riêng biệt thế này, mặc dù vẽ trên báo cũ không phải là ý tưởng mới.

Hồng Việt Dũng, “Bình yên”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân hằng tháng số 180, tháng 4-2012

Trên nền chất liệu cũ ấy triển lãm đã kể một câu chuyện mới, truyền tải những thông điệp mới. Mỗi họa sỹ có một phong cách riêng, cách làm việc riêng và sử dụng nội dung sẵn có trên trang báo theo sở thích. Tranh của tôi bao giờ cũng phủ kín nền theo ý mình và từ đó thể hiện các ý tưởng cá nhân…

Hồng Việt Dũng, “Hạ Long”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân cuối tuần số 36 ngày 6-9-2015

 

Hồng Việt Dũng, “Con đường”. Acrylic trên giấy báo Nhân Dân ngày 15-2-2016

 

Họa sĩ Trương Tiến Trà

Vẽ trên giấy báo cũ vốn dĩ là chất liệu quen thuộc đối với giới họa sĩ từ những năm 70-80. thời điểm khó khăn của giới họa sĩ, là dấu ấn khó khăn của thời kỳ bao cấp.

Nhân Dân hằng tháng thực hiện dự án này như một cách kể lại, nhớ lại một câu chuyện cũ, một ấn tượng lưu lại về một thời kỳ.

Mỗi ấn phẩm, với nội dung và hình thức trình bày, chữ, hình ảnh, màu sắc, thậm chí thông tin ngày tháng, logo của ấn phẩm, khi độc giả đọc xong sẽ rơi vào lãng quên. Ý tưởng của Nhân Dân hằng tháng hay và độc đáo ở chỗ, thêm một lần nữa tạo sự tương tác trong nghệ thuật tạo hình, giữa họa sĩ với độc giả.

Tôi vinh dự khi được tham gia sự kiện này vì trước hết tôi là một trong những họa sĩ trẻ tuổi nhất có tác phẩm tham dự, tôi có cơ hội được giao lưu với các họa sĩ đàn anh.

Nhân Dân hằng tháng đã có ý tưởng lạ, làm được điều mà các báo khác chưa làm được, truyền thông điệp gắn kết mang lại tinh thần mới, sức sáng tạo mới cho đời sống báo chí cũng như các nghệ sĩ sáng tác.

Tác phẩm của tôi tham gia cùng dự án này mang tinh thần cá nhân với tâm trạng cảm xúc rất mang tính cá nhân. Đón năm mới Bính Thân, tác phẩm Khỉ và các con vật nuôi với màu sắc tươi tắn, như một cách tiếp thêm nguồn năng lượng cho cuộc sống.

Trương Tiến Trà, “Bính Thân”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân cuối tuần, số 37 (1387) ngày 13-9-2015

 

Trương Tiến Trà, “Mèo và hoa”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân số đặc biệt kỷ niệm 63 năm báo Nhân Dân ra số đầu, ngày 11-3- 2014

 

Họa sĩ Thành Chương

Sử dụng báo cũ làm vật liệu vẽ ở phương Tây đã làm lâu. Ở Việt Nam, một thời đời sống khó khăn, chất liệu để vẽ hiếm hoi, thiếu thốn, cho nên nhiều họa sĩ thời gian đó lấy giấy báo cũ để vẽ, thậm chí bản thân tôi có kỷ niệm đáng nhớ: họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà toi chơi nổi hứng muốn vẽ. Màu có sẵn, giây không có đành lấy tranh của mình ra, Bùi Xuân Phái lật mặt sau ra vẽ tranh của ông lên. Bức tranh đó giờ thành có hai mặt, một mặt là tranh Thành Chương và mặt kia là tranh Bùi Xuân Phái. Ông vừa vẽ vừa tủm tỉm chuyện trò, cái này Thành Chương vẽ trừu tượng thì mình vẽ có hình, chỗ này Thành Chương vẽ mầu nóng thì mình vẽ màu lạnh, vừa vẽ vừa tỉ tê chuyện trò, và vẽ một bức tranh ngược lại hoàn toàn với bức tranh của mình. Tôi vẽ một bức trừu tượng màu nâu, màu đỏ màu vàng, nóng, ông vẽ bằng phong cách thật, là vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh.

Kể lại để thấy thời khó khăn như thế nào, đến một họa sĩ như Bùi Xuân Phái, nổi hứng muốn vẽ mà tôi chẳng có lấy nổi một tờ giấy để vẽ, phải vẽ mặt sau của bức tranh cũ mình đã vẽ; và chính thế mà trở thành một kỷ niệm thú vị, quý giá cho đời sống của tôi về thời gian đó.

Trong khó khăn, các họa sĩ lấy báo cũ ra vẽ. Trong quá trình vẽ, nhiều điều thú vị xuất hiện, như những mảng chữ, mảng tranh ảnh của báo cũ được tận dụng, sử dụng vào tác phẩm một cách ngẫu hứng, tạo hiệu quả bất ngờ với chính họa sĩ. Ra đời trong hoàn cảnh như thế lại hay và ý nghĩa; tận dụng trong điều kiện như thế giúp tạo hình của họa sĩ có những cái mới cái lạ….

Thời gian khó qua rồi, bây giờ báo Nhân Dân kỷ niệm 65 năm muốn có một triển lãm tranh sử dụng giấy báo cũ của Nhân Dân làm vật liệu, gợi lại một cách làm việc của họa sĩ, mang lại hiệu quả tốt, ý tưởng hay. Riêng tôi thấy bên cạnh đó, có những cái khó mà họa sĩ phải đối mặt: trước kia do khó khăn chúng tôi phải dùng báo cũ để sáng tác, cái khó là cái khôn. Nhưng thời buổi bây giờ, gi gỉ gì gi cái gì cũng có, vật liệu thì sang hạng bậc nhất, bất cứ thứ vật liệu gì khó khăn nhất họa sĩ muốn đều có cả. Bây giờ lại lôi tờ báo cũ ra để làm vật liệu vẽ mà nếu không hiểu ý nghĩa cách vận dụng thì có thể nghĩ đó là cách bày trò hình thức, thiếu thốn gì mà làm thế. Nhưng đó là cách nghĩ phiến diện, thực tế tranh anh vẽ, lấy tờ báo cũ làm giấy vẽ, thì ngoài vấn đề nó là vật liệu vẽ ra, còn có một ý nghĩa sáng tạo hơn.Đó là tôi sử dụng giấy báo cũ để vẽ như một nội dung, tương tác cùng sáng tạo của tôi. Vật liệu vẽ không còn đơn thuần là vật liệu nữa – nó đã là chất liệu sáng tác.

Thực ra, khi nhận làm tôi đã có suy nghĩ đó, rằng khó đấy, nếu anh vẽ phủ kín hết không còn gì nữa, thì chỉ là vật liệu đơn thuần. Sử dụng, tận dụng cái gì, khó đấy… Gắn với nội dung nào, nhiều cái có thể bị hiểu sai mà chính họa sĩ không lường trước được để né tránh, dễ gây hiểu sai lạc, xuyên tạc nọ kia…

Những người làm nghề lâu năm thì thời gian vẽ không thành vấn đề. Vấn đề là ý tưởng, cùng với chất liệu như thế tạo ra sản phẩm như thế nào thì rất mất thì giờ. Tôi nhận việc thì nghĩ nhiều về cái đó là chính, chứ tạo hình thì mình đã có phong cách, đặt bút là có thể ra thôi, vấn đề vẽ như thế nào.

Nghệ thuật nói gì thì nói vẫn phải đặt vấn đề nội dung lên, không chỉ là hình thức đơn thuần chủ đề đề tài, mà là mình gửi gắm cái gì vào đó.

Ở đây, báo Nhân Dân, tôi ấn tượng với cây đa, vừa lớn, vừa là biểu tượng của tòa soạn báo Nhân Dân. Vĩnh viễn mỗi ai đến đây cũng nhớ. Để kỷ niệm 65 năm, không hình ảnh nào có tính cội nguồn, có tính biểu tượng cao như vậy, vì đây là nơi nuôi dưỡng ước mơ, nơi quần tụ nhất. Tranh vì thế có biểu tượng ấm áp hạnh phúc quây quần, lấy ý từ câu các cụ ngày xưa “đất lành chim đậu”; báo Nhân Dân như mảnh đất lành tất cả mọi người quây tụ, tổ ấm, đất lành, quần tụ.

Thành Chương, “Đất lành chim đậu”. Bột màu trên giấy báo Nhân Dân

Còn bức “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đặc trưng nhất cho thể loại tranh báo cũ, với các ảnh, các mảng chữ, nội dung trang báo (trang Văn hóa Văn nghệ) cùng làm nội dung.

Khi nhìn trang báo tôi thấy có chủ đề rất hay về văn hóa văn nghệ, nói về cội nguồn ngôi nhà lang bị cháy năm nào mà anh em họa sĩ nghệ sĩ đang chung tay đóng góp lấy tiền phục dựng. Bản thân tờ báo này, với những mảng miếng như thế, nội dung như thế đã gợi cho tôi tạo hình bố cục của một ngôi nhà, hình ảnh con trâu, vì vốn với người Việt con trâu là đầu cơ nghiệp, cũng như ngôi nhà văn hóa này là nền tảng của sự phát triển của xã hội.

Thành Chương, “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Bột màu trên giấy báo Thời nay số 584 ngày 20-8-2015

Ở đây nội dung mình có thể chuyển tải gửi gắm được thông qua tạo hình hài hòa, tận dụng mảng miếng màu sắc, thậm chí cả hình ảnh cô họa sĩ có sẵn rất hay. nhuần nhuyễn ý tưởng, nội dung, phù hợp với tạo hình của mình kết hợp trang báo, ra được phong cách tạo hình của riêng mình, ra tinh thần của thể loại này; Rõ ràng giấy báo không đơn thuần là vật liệu nữa mà là chất liệu sáng tác tạo hình, với bột màu là chất liệu rất tốt.

Với bức “Phố cổ Hà Nội”: trang báo là trang thời sự Việt Nam và thế giới. Thế là phải nghĩ làm sao giữ được cái cổ kính, truyền thống trong cái hiện đại; hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Động chạm đến phố là đề tài khó, vì ông Phái đã định sẵn Phố Phái rồi, tôi chỉ vẽ bên cạnh cái cổ có cái hiện đại, hiện đại mà cổ kính. Mỗi trang báo như vậy gợi cho mình một ý tưởng sách tạo, một cách suy nghĩ, một cách tạo hình phù hợp. 

Ý kiến - Thảo luận

13:50 Wednesday,16.3.2016 Đăng bởi:  Hoa Gruber
Mình thật tâm đắc với cách tư duy tìm phương thức thể hiện của hoạ sĩ Thành Chương
...xem tiếp
13:50 Wednesday,16.3.2016 Đăng bởi:  Hoa Gruber
Mình thật tâm đắc với cách tư duy tìm phương thức thể hiện của hoạ sĩ Thành Chương 
8:34 Wednesday,16.3.2016 Đăng bởi:  Trang
:-) con trai mình học lớp 7, đi một vòng triển lãm này dưới gốc đa xong cũng kết luận, thích nhất 3 bức của bác Dũng :-)
...xem tiếp
8:34 Wednesday,16.3.2016 Đăng bởi:  Trang
:-) con trai mình học lớp 7, đi một vòng triển lãm này dưới gốc đa xong cũng kết luận, thích nhất 3 bức của bác Dũng :-) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả