Trong bộ sưu tập của Thu Hòa: Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán
18. 03. 16 - 9:44 pm
Họa sĩ Đức Hòa
NÉT KHẮC TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI Triển lãm chuyên đề tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán Khai mạc: 18h00 ngày 21. 3. 2016 Trưng bày từ 21 – 27. 3. 2016 Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
“Chân dung tự họa” của Trần Nguyên Đán, bút sắt trên giấy A4, 2006
Triển lãm trưng bày hơn 100 tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán (trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Thu Hòa- Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ). Thời gian sáng tác: 1970 – 2015 (theo giấy mời), 1967 – 2015 (theo đính chính của tác giả).
*
Họa sĩ Trần Nguyên Đán đã 75 tuổi đời (sinh năm 1941), 49 tuổi nghề khắc gỗ nếu kể từ bức khắc đầu tay “Đi cấy” làm năm 1967 (theo thông tin từ chính tác giả).
“Đi cấy”, tranh khắc gỗ đầu tay của Trần Nguyên Đán, cỡ 15 x 25cm, 1967
Ông vốn theo học khoa Hoành tráng, Cao đẳng Mỹ thuật Công Nghiệp, khóa 1966- 1971, đáng lẽ sẽ trở thành một họa sĩ vẽ (hoặc ghép đá, ghép gốm) những bức tranh khổ cực lớn trên tường, nhưng bước ngoặt bất ngờ trong đời nghệ thuật của ông là bài tập khắc gỗ đầu tay khi đang học năm thứ II đã khiến ông chuyển hướng. Kể từ đó ông chuyên chú suốt đời vào tranh khắc gỗ và thành công cũng với thể loại này.
Suýt soát nửa thế kỷ trôi qua, ông đã khắc hàng trăm ván gỗ và in hàng nghìn bản in trên giấy dó, lụa, vải mộc hay toan… Tranh ông là tổng hòa của tạo hình dân gian tươi vui, hồn nhiên và kỹ thuật khắc in từ đầu thế kỷ XX.
“Chăm học chăm làm”, khắc gỗ đen trắng của Trần Nguyên Đán, cỡ 60 x 40cm. 1970. (tranh có các em bé và đàn trâu, chỉ in mầu đen).
Ông có hai loại đề tài chính, hoặc là các bức phong cảnh với tầm bao quát rộng hoặc bố cục nhóm người đang lao động sản xuất. Tất cả đều giàu nhịp điệu khiến cho ta có cảm giác mọi nhân vật cũng như nhà cửa, đồng ruộng, sông hồ, thuyền bè, núi non… đều đang nhảy múa nhịp nhàng.
“Cảm hứng làng Sình, Huế”, tranh khắc gỗ màu in trên giấy dó của Trần Nguyên Đán, cỡ tranh: A0, 2008. (tranh có các hình tranh thờ cúng kiểu dòng tranh dân gian làng Sình, Huế và các thợ nghệ nhân đang khắc hoặc in tranh, tô nhiều màu vàng…).
“Vũ khèn Sa Pa”, tranh khắc gỗ đen trắng in trên giấy dó của Trần Nguyên Đán, cỡ tranh: A0, 2010. (tranh có nhiều chàng trai dân tộc H’Mong đang múa khèn).
Họa sĩ Trần Nguyên Đán chịu ảnh hưởng sâu sắc của các dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống từ đường nét, mảng miếng đến màu sắc. Ông trưởng thành về nghề vào lúc nước ta còn chiến tranh và bao cấp nên vẫn giữ thói quen khắc trên gỗ kể cả khi phải ghép để được tấm lớn và quen in giấy dó hơn bất cứ loại giấy nào khác.
“Người tốt việc tốt”, khắc gỗ màu của Trần Nguyên Đán, cỡ 20 x 30cm, 1968
Chính vì tất cả những ưu thế kể trên, nhất là các ván khắc gỗ “thứ thiệt” mà nhà sưu tập Thu Hòa đã bị hấp dẫn đến mức đã quyết định sưu tập toàn thể các tranh in và ván khắc của ông, đồng thời làm một triển lãm chuyên đề tranh khắc cho ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
1:00Thursday,16.12.2021Đăng bởi: daniel bui
Thưa anh, tôi ở Mỹ, muốn có vài bức tranh khắc gỗ về dân tộc như kiểu của anh Đán, mà không biết đặt mua ở đâu. Xin anh vui lòng chỉ dẫn được không ạ? Daniel Bui ...xem tiếp
1:00Thursday,16.12.2021Đăng bởi: daniel bui
Thưa anh, tôi ở Mỹ, muốn có vài bức tranh khắc gỗ về dân tộc như kiểu của anh Đán, mà không biết đặt mua ở đâu. Xin anh vui lòng chỉ dẫn được không ạ? Daniel Bui
...xem tiếp