|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngCuối tuần đi quán: phở Mười “rất dở” ở Hội An 19. 03. 16 - 11:25 pmTám Thơm
Người bạn kể chuyện là có những Việt Kiều gốc Hội An, mỗi khi về nước thì món đầu tiên phải “lao đi” ăn ngay khi mặt trời mọc là phở Mười. Phở Mười nằm bên An Hội, tức bên này sông Hoài là chùa Cầu, là đường Bạch Đằng, thì bên kia là An Hội, là khu chợ đêm. Tìm phở Mười rất dễ: cứ sang bên An Hội, rẽ phải đi cặp bờ sông Hoài tức đường Nguyễn Phúc Chu, qua khỏi khách sạn An Hội (số 9) chừng 4 căn thì thấy có con hẻm, quẹo vào, đi tiếp chừng 50m nếu mắt lão nhìn xa xa sẽ thấy bảng phở Mười bên tay phải. Nhưng phở chỉ bán buổi sáng, từ tinh mơ. Buổi chiều tối, quán đóng cửa. Quán nhỏ thôi, khách ra vào đúng tác phong ăn quen rồi, có người tự vào lấy đĩa rau thơm và giá, đu đủ muối… Ủa, sao lại có đu đủ muối? Thì phở này ăn với đu đủ muối mà, giống như ở Lạng Sơn, người ta ăn trứng vịt lộn với măng chua ấy. Có người Hội An bảo, tao khiếp nhất là phở Bắc, sợi phở nhão nhão, nước phở toàn bột ngọt. Sau khi chê phở Bắc xong thì tiếp phần ca ngợi phở Hội An, mà cụ thể là phở Mười: bánh phở đã phơi qua một nắng, thịt bê non mềm, giá nhỏ, rau quế thơm, đu đủ muối giòn, lại thêm chả bỏ thả vào nếu thích. Nhưng nếu bạn là người Bắc, hoặc thậm chí người Nam, thì nhiều khả năng sẽ thấy phở Mười “dở kinh khủng”, “chẳng ra cái gì cả”… Nhất là khi bạn chỉ ghé qua Hội An có một đêm, ăn phở Mười có một lần… Vì công việc nên tôi phải đi Hội An hầu như liên tục. Tôi là người thích phở Nam Định, nhưng lần nào đến Hội An, sáng sớm ra cũng phải mò sang An Hội ăn một tô phở Mười. Tôi gọi phở này là “nghệ thuật tự pha chế”. Có nghĩa là nếu cứ tương thẳng cái bát phở người ta bưng ra ấy vào miệng, thì dở ghê lắm, theo quan niệm phở Bắc truyền thống. Nhưng nếu ta nhìn quanh, để thấy những thực khách địa phương thư thái và thỏa mãn làm sao bên tô phở sớm của họ, rồi ta cũng theo họ, bỏ giá, nhặt rau, cho đu đủ muối vào tô, thêm ớt dấm cho nhiều, thêm sa tế loáng dầu, lại xịt thêm ít nước mắm, nặn chút chanh, và nghĩ rằng: “Mình hãy là người Hội An vào những phút này,” thì tô phở ấy sẽ thành ngon, nhất là cái ngon ấy có rất nhiều công nêm nếm gia vị của riêng mình. Trong ăn uống, “khác” là một từ hấp dẫn mà cũng đầy cản trở trong cởi mở với kinh nghiệm. Ta chỉ khen ngon những thứ quen thuộc hay gần gần với quen thuộc. Tôi biết thế cho nên không lấy quan niệm phở Nam Định, phở Cồ Cử, phở Hàng Đồng ra làm chuẩn chấm điểm. Tốt nhất không gọi nó là phở luôn, chỉ gọi là một món nước Hội An, xong ăn riết rồi quen, rồi thấy ngon, nhất là khi có chả bò thả vào, thỏa mãn đến nỗi không bao giờ để ý tới giá (hình như cũng rẻ), thậm chí bây giờ ngồi viết bài mà không tài nào nhớ được đã phải trả bao nhiêu cho một tô phở như thế. “Mọi món ăn đều có lý của nó”. Bay từ Hội An về, thấy lũ trẻ con trong nhà đang chén chú chén anh một đĩa lòng vịt phá lấu pha màu hạt điều đỏ lòm, sà vào xin nếm thử một miếng thấy vừa ngọt vừa tanh không thể tả. Bọn trẻ háo hức hỏi có thấy ngon không. Không thể bảo thẳng là không ngon, chỉ thầm ước rằng mỗi khi ăn một món lạ của một dân tộc khác mình, một lứa tuổi khác mình, thì lại được hóa thân vào những con người đang say mê món ăn “khác” ấy. Ý kiến - Thảo luận
10:23
Saturday,26.3.2016
Đăng bởi:
nguyễn tùng lâm
10:23
Saturday,26.3.2016
Đăng bởi:
nguyễn tùng lâm
Không liên quan đến bài viết cho lắm. Nếu như bác về Nam Định mời bác đến phở Tuất (Minh Khai) nhé, đúng chất phở ngày xửa ngày xưa! Chắc bác thích.
8:35
Friday,25.3.2016
Đăng bởi:
Lê Nam
@Bác Claymore: Đúng là em nhớ nhầm rồi, vì em không ấn tượng lắm với chùa Nam Quang Tự nên nhầm sang tịnh xá Ngọc Châu.
8:35
Friday,25.3.2016
Đăng bởi:
Lê Nam
@Bác Claymore: Đúng là em nhớ nhầm rồi, vì em không ấn tượng lắm với chùa Nam Quang Tự nên nhầm sang tịnh xá Ngọc Châu. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp