Nghệ sĩ Việt Nam

Đi xem triển lãm “hạng VIP” 06. 12. 10 - 6:43 am

Người xem Sài Gòn

DIPOLAR (HAI CỰC)

Triển lãm tranh sơn mài của Khải Đoàn
Khai mạc: 18h ngày 3.12.2010, kết thúc ngày 15.12.2010
Trình diễn thao tác làm sơn mài hàng ngày, giữa Khải Đoàn và hai họa sĩ cộng tác.
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM.

Chọn những chủ đề rất thân quen từ thịt chó chợ Ông Tạ, các món đặc sản của Việt Nam, cầu cá tra miền Tây… cho đến các đối cực lớn như Sài Gòn – Frankfurt, Việt Nam-thế giới, quê hương-viễn xứ, các biểu tượng về thời gian, danh nhân… để làm tác phẩm, triển lãm Hai cực (Dipolar) của Khải Đoàn là một cuộc trình bày về ý niệm lưỡng nghi, tỏ bày kinh nghiệm của cá nhân trong suốt quá trình tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài, theo kỹ thuật truyền thống của Việt Nam.

Tuy nói là chỉ nặng về ý tưởng, không quan trọng chất liệu, nhưng Khải Đoàn (sinh 1972) đã bỏ gần 10 năm để tìm hiểu sơn mài từ ngọn nguồn. Xét riêng về việc “nắm vững” chất liệu và kỹ thuật sơn mài truyền thống, ít thấy họa sĩ 6X, 7X nào của Việt Nam am hiểu giống như anh, dù hỏi thì anh luôn né tránh trả lời, vì điều anh lấy làm quan trọng nhất là ý tưởng và cách tư duy của nghệ sĩ – một nghệ sĩ chịu sự chi phối của cái nhìn đương đại và tinh thần cách tân. Anh vốn được đào tạo ở Đức (vốn xa lạ với sơn mài Việt Nam), đã di chuyển qua nhiều môi trường nghệ thuật, chịu sự tác động của nhiều nền văn hóa.

Họa sĩ Khải Đoàn

Hơn nữa, dù khá am hiểu về sơn mài, nhưng Khải Đoàn không chọn một hướng duy nhất để làm tác phẩm, mà chọn cả kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật phối hợp – ở đây cũng biểu hiện tính hai cực về thao tác. Dù sơn mài làm rất mất thời gian, nhưng không vì thế mà nghệ sĩ không chụp bắt những ý tưởng thoáng qua, giống như nhiếp ảnh. 

Chất liệu sơn mài với Khải Đoàn vốn đã hai cực: gồm sơn và mài, nhanh và chậm, tuy là mới vẽ nhưng giống như cũ, ẩm và khổ, sâu và phẳng… Với 30 bức tranh sơn mài, chủ yếu khổ lớn, và xếp theo bộ, Khải Đoàn cố ý phô diễn tính chất hai cực trong xã hội đương đại, phô diễn nội tâm của người đi giữa hai nền văn hóa. Mới-cũ, trong-ngoài, ra-vào, trẻ-già, xa-gần, đẹp-xấu, quý-không quý, danh nhân-quần chúng… vừa là ý niệm, vừa là cách đặt tên các tác phẩm tại triển lãm này.

Đông Hồ kỹ thuật số, bộ 3 tấm, sơn mài, 3 x (90 x 90cm), 2007

Gần gũi và xa lạ, bộ 3 tấm, sơn mài, 3 x (75 x 110cm), 2008 - 2009

Ngoài một họa sĩ “VIP” như Khải Đoàn (vì sự am hiểu) với chất liệu truyền thống. Triển lãm này cũng được xếp vào “hạng VIP” vì thu hút được khá nhiều quan chức tới dự lễ khai mạc. Về phía chính quyền Việt Nam có một vài vị lãnh đạo, nhưng người viết không kịp nhớ tên và chức danh đầy đủ, xin miễn nêu ra, vì ngại sai sót. Phía Đức có ông Conrad Cappell – Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM, bà Almuth Meyer-Zollitsch – Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, ông Paul Weinig – Viện trưởng Viện Goethe tại TP.HCM và nhiều quan chức khác.

Viện trưởng viện Goethe Hà Nội, bà Almuth Meyer-Zollitsch

Tổng lãnh sự Đức và phu nhân, Khải Đoàn, họa sĩ Trần Thùy Linh (trợ lý văn hóa của lãnh sự) và tùy viên văn hóa tổng lãnh sự Đức

Phu quân viện Goethe Hà Nội, viện trưởng viện Goethe Sài Gòn, một nhà sưu tập

Phía giới mỹ thuật, có các vị lãnh đạo đại diện Viện Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và nhiều họa sĩ, người đưa tin. Và đương nhiên, cũng có nhiều khách nước ngoài, quan chức, du khách, nghệ sĩ và nhà sưu tập.

Chủ tịch hội mỹ thuật thành phố HCM, họa sĩ Uyên Huy và bà tùy viên văn hóa Đức

Giám tuyển Zoe Butt của Sàn Art, cô Quỳnh Hoa (Sàn Art) và nhà báo Đào Mai Trang

Khách đến dự khai mạc khoảng 100 người, đến thành từng đợt, đứng trong nhà và ngoài sân

Triển lãm còn kéo dài đến 15. 12. 2010, các bạn nên đến xem, kỹ thuật sơn mài của Khải Đoàn rất đáng phục

Triển lãm được Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM tài trợ, dự kiến còn mang sang Đức trưng bày, vài tác phẩm đã được phía Đức “xí hàng”, chưa biết giá bán của họa sĩ là bao nhiêu.

Bức Quê Hương, bộ 3 tấm, 3 x (75 x 150cm), 2008 - 2009. Thành thực thú nhận với các bạn là bên ngoài thì sơn mài rất bóng, rất đẹp, nên khi chụp vào hình thành ra... không đẹp. Các bạn nên đến tận nơi mà xem

Vào ra, bộ 3 tấm, 3x(150x75cm), 2006 - 2007

 

Ý kiến - Thảo luận

1:44 Tuesday,7.12.2010 Đăng bởi:  ngodang
Họa sĩ này có vẻ vẽ được nhiều phong cách nhỉ?!!!
...xem tiếp
1:44 Tuesday,7.12.2010 Đăng bởi:  ngodang
Họa sĩ này có vẻ vẽ được nhiều phong cách nhỉ?!!! 
12:04 Monday,6.12.2010 Đăng bởi:  Người Xem Đại Lải
Đọc bài này nhớ mang máng có nghe tên anh Khải Đoàn ở đâu. Đến khi xem ảnh trên Tiêu Điểm mới nhận ra bức tranh sơn mài mà Tường Phương từng chê trong bài "8 + 8: đến nhanh trước khi tàn. Tường Phương viết:"Trong khi đó lại có những tác phẩm quả thực không hiểu sao lọt vào triển lãm “giao hữu” này. Thí dụ như bộ tranh khảm của Khải Đoàn, hình bản đồ “hợp
...xem tiếp
12:04 Monday,6.12.2010 Đăng bởi:  Người Xem Đại Lải
Đọc bài này nhớ mang máng có nghe tên anh Khải Đoàn ở đâu. Đến khi xem ảnh trên Tiêu Điểm mới nhận ra bức tranh sơn mài mà Tường Phương từng chê trong bài "8 + 8: đến nhanh trước khi tàn. Tường Phương viết:"Trong khi đó lại có những tác phẩm quả thực không hiểu sao lọt vào triển lãm “giao hữu” này. Thí dụ như bộ tranh khảm của Khải Đoàn, hình bản đồ “hợp–tan” vừa nghèo ý, vừa không khác gì những bức lưu niệm treo từ năm này qua năm khác ở cửa hàng quốc doanh;"
Thế nhưng Người Xem Sài Gòn khen là VIP, không hiểu là làm sao. Đề nghị Người Xem Sài Gòn lần sau chỉ chụp hình khai mạc thôi, đừng bình luận về tranh nha bồ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả