Đi & Ở

Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc 06. 04. 16 - 8:41 pm

Đặng Thái

 

Còn chưa qua rằm tháng Giêng, cô em họ đi xem bói về thủ thỉ: “Thầy phán năm nay em kiểu gì cũng phải xuất ngoại một tí mà em thì chẳng có kế hoạch bay đi nước nào chơi cả”. Mình ngứa mồm: “Thì cuối tuần đi Quảng Ninh lễ bái xong ra thẳng Móng Cái rồi sang Trung Quốc cho biết.” Thế là cả đám chưa đi Móng Cái bao giờ nhao nhao đồng ý. Cũng phải tầm mười năm rồi mình chưa đi Móng Cái. Ừ thì đi!

Đoàn nhân dân cần lao ra tham quan học tập tại địa đầu Tổ quốc (được ghi rõ ràng), phía xa những công trường vẫn hối hả tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mùa xuân mới.

Đi Quảng Ninh

Cả nhà quyết định đi thử cao tốc Hà Nội–Hải Phòng cho biết đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế nom nó thế nào. Xe rít một hơi từ chỗ bắt đầu vào đường cao tốc ở Long Biên đến đoạn rẽ đi Quảng Ninh ở An Lão mất đúng bốn mươi phút và 110.000 đồng. Đường to đẹp, hiện đại, phải mỗi cái vẫn có dây điện chăng ngang qua đường cho nó đậm đà bản sắc dân tộc. Lại nhớ hồi mới khởi công cái đường này, bố nói với ông nội:

– Ông ơi, sắp tới Hà Nội đi Hải Phòng hết chưa đầy một tiếng ông ạ.

Ông cười:

– Anh cứ nói phét, đến khi Hà Nội đi Hải Phòng mà chưa đầy một tiếng thì chắc tôi phải vào tiểu sành rồi.

Ì ạch mãi tám năm sau thì cũng xong một trăm cây số đường (đội vốn hơn 20.000 tỉ), hôm nay bố lại nói:

– Đấy ông xem, ông vẫn sống sờ sờ mà đường thì xong rồi đây thây. Người ta đang làm tiếp cao tốc Hải Phòng – Hạ Long rồi Hạ Long–Vân Đồn. Nay mai Hà Nội đi Hạ Long có tiếng rưỡi thôi ông ạ.

– Ừ, cứ để xem, Văn Điển hết chỗ rồi, làm xong đường nhanh để cho tôi ra thẳng An Lạc Viên cho tiện. – Ông cũng không chịu thua. (An Lạc Viên ở Quảng Ninh là đài hóa thân lớn nhất cả nước lúc mới khánh thành)

– Ô thế hóa ra ông mà cũng thay đổi quan điểm cơ đấy, trước thì lúc nào cũng tiểu sành, giờ ông chịu hỏa táng rồi à?

– Anh đúng là lạc hậu, chẳng chịu cập nhật gì cả, An Lạc Viên người ta đang xây thêm cái công viên nghĩa trang to nhất Việt Nam ở Cẩm Phả kia kìa, vẫn cứ phải là tiểu sành.

Con cháu ngồi sau bịt mồm cười sằng sặc, đi đường xa, phải có đông người nói chuyện thế mới thích, chứ ít người, nghe nhạc đến ù tai, quanh đi quẩn lại mấy chuyện chính trị thì cũng chán. Cao tốc phóng nhanh bao nhiêu thì rẽ sang Đường 10 đi Quảng Ninh chậm bấy nhiêu. Đến Uông Bí mất thêm cả tiếng đồng hồ nữa. Xe biển 16 của Hải Phòng lũ lượt kéo nhau đi trên đường.

Cái nghĩa trang – cụm công trình văn hóa tâm linh ở Cẩm Phả mà ông vừa nói chỉ là một trong số rất nhiều điểm “du lịch tâm linh” đã và đang xây dựng ở Quảng Ninh. Dân Hải Phòng làm ăn buôn bán nhiều nên rất tín mà Quảng Ninh lại lắm chùa to đền lớn nên những ngày Tết này, tắc đường cũng phải.

Nổi tiếng nhất ở Quảng Ninh từ xưa là Cửa Ông, Yên Tử rồi đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, đền Cặp Tiên, miếu Vua Bà nay lại có thêm những tên tuổi mới hơn nhưng danh tiếng thì không hề thua kém chưa nói là vượt hẳn: chùa Cái Bầu, chùa Ba Vàng, chùa Ngọa Vân, đền vua Lê Thánh Tông cực kỳ hoành tráng. Không chỉ Hải Phòng mà Hà Nội, Hải Dương người ta cũng nườm nượp đi Quảng Ninh ngày Tết.

Tỉnh Quảng Ninh trải dài theo chiều ngang nên về mặt địa lý-hành chính được chia làm ba phần: Từ Đông Triều đến Quảng Yên gọi là miền Tây, thành phố Hạ Long–Cẩm Phả ở giữa và từ Cẩm Phả đến Móng Cái gọi là miền Đông. Trong bài này mình chỉ viết về phần hành trình ở miền Đông mà thôi.

Qua Đền Cửa Ông là có đường rẽ đi Tiên Yên, tránh nội thị Cẩm Phả. Đường ra Móng Cái giờ đã được mở rộng, việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đây ra đến Tiên Yên đã là rất xa mặc dù từ Cẩm Phả đi chỉ có hơn 50km, còn Móng Cái thì tít tắp đâu đó xa lắm mãi ngoài biên ải kia (360km từ Hà Nội) vì đường cực kỳ xấu, bé tẹo ngoằn ngoèo, một bên là núi một bên là vực, tai nạn chết không biết bao nhiêu mà kể. Ngày trước ai có việc thì đi tàu cánh ngầm cho nhanh dù tàu đi như ăn cướp và đã đâm vào sà lan một lần, giờ đường to nên tàu đã dẹp tiệm.

Miền Đông Quảng Ninh có phong cảnh tương đối đẹp, cũng núi non trùng điệp, cũng có đồng bào dân tộc với chợ tình nhưng du lịch vẫn chưa phát triển, hay tại dân phượt rủ nhau đi Tây Bắc hết cả. Đến Tiên Yên thì đã quá trưa, xe dừng lại để mọi người xuống giãn gân cốt và ăn cơm.

Tiên Yên

Tiên Yên từ ngày xửa ngày xưa đã là nơi tập trung sinh sống rất đông của Hoa Kiều. Trước năm 1979, người Hoa ở Quảng Ninh nói chung và miền Đông nói riêng phải đến mấy trăm nghìn, vì thế dân ở đây họ ít khi dùng chữ “người Tàu” (hay bọn Tàu khựa) mà gọi là người Hoa. Thời Pháp, người Pháp xây dựng Tiên Yên thành thủ phủ của cả vùng miền Đông rộng lớn. Giờ vẫn còn sót lại mấy cái nhà của Pháp nguyên bản rất đẹp, có một cái ngay bên đường Quốc lộ mà đi qua không kịp chụp.

Xe dừng ở một quán ven đường, quán mở rất lâu rồi từ lúc ông già mình còn trẻ đi qua đây đã có, ông chủ hình như có tí gốc gác người Hoa. Nguyên tắc của mình là đi đến đâu phải chén đặc sản ở đấy. Nói về đặc sản miền Đông thì có câu: “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Gái Đầm Hà thì chưa được thử còn lợn Móng Cái và gà Tiên Yên đều đã ăn rồi. Nhưng mấy ngày Tết, mỗi nhà, mỗi ngày đều có một con gà hạ trên mâm cúng xuống, nên gà Tiên Yên có ngon bằng giời thì mọi người cũng lắc đầu quầy quậy. Mình “đi chợ” gọi mực xào đỗ Hà Lan, thịt chưng mắm tép, cải sen luộc chấm mắm trứng, bắp cải xào, canh hà và khau nhục. Mọi người ngồi xe đã bốn tiếng nên bắt đầu đói, bí quyết của những nhà hàng ven đường quốc lộ đông khách là phải nhanh rồi mới đến ngon. Năm phút là phải dọn ra rồi.

Đĩa khau nhục đặc sản. Bàn ăn của quán đều là bàn gỗ hình tròn kiểu người Hoa, không dùng bàn nhựa composite như các quán dọc đường thường gặp.

Nhà mình thì không kiêng mực nhưng mấy bác có gốc Hà Nội thì nhìn đĩa mực e dè, không dám động đũa. Anh lái xe vui vẻ: “Ở dưới Quảng Ninh này người ta lạ lắm các bác ạ, chẳng kiêng ăn mực đầu tháng như trên mình, mùng một Tết cũng vẫn ăn như thường, thế mà cứ làm ra cả đống tiền mới hay chứ”, nói rồi làm luôn một đũa mực. Thế rồi một lúc sau, ba kích đen sì uống vào, các bác dọn đĩa mực sạch bóng hơn cả OMO.

Gọi canh hà là giải quyết đúng nhu cầu của đội no xôi chán chè. Con hà béo ngậy, canh chua chua nên khổ thân bà chị ngồi đầu nồi trở tay không kịp, tay đưa những bát cơm mới xới vòng quanh mâm như kiểu chia bài.

Khau nhục rất mềm nhưng chưa thơm lắm. Tết ăn thịt tì tì nhưng ăn khau nhục vẫn không hề ngán. Chẳng rõ món này của người Hoa hay người Nùng, bên Lạng Sơn cũng có nhưng gia vị hơi khác ở đây. Khau nhục mà ăn với bánh gật gù thì tuyêt hảo. Bánh gật gù giống như bánh phở cuốn không nhân nhưng dài hơn, cầm lên thì nó dài quá nên một đầu cứ đung đưa lên xuống mà gọi là “gật gù”. Vị bánh hơi chua, khác phở cuốn, đặc biệt là nước chấm mỡ hành rất lạ. Còn nhớ năm đi ăn cưới con trai bác Bí thư huyện ủy Tiên Yên, tổ chức ở Hạ Long, mỗi mâm có một đĩa bánh gật gù, thấy bảo phải chở một xe từ ngoài Tiên Yên vào. Hôm quay về, dừng chân ở đây, mình có nhảy xe ôm vào trong thị trấn tìm nhưng lúc đến là buổi chiều, lại mới Tết ra, các hàng chỉ làm ít, nên chẳng nhà nào còn, tiếc ơi là tiếc.

Móng Cái

Cất đồ trên phòng khách sạn xong xuống dưới lễ tân là một chị bên dịch vụ làm Giấy thông hành cũng vừa đến. Trọn gói cả ảnh chụp là 300.000đ cho một Giấy thông hành sang Trung Quốc. Về nhà tra Thông tư mới biết là bên Xuất nhập cảnh họ thu 50.000đ/giấy nghĩa là bên dịch vụ kiếm được khoảng 200.000đ. Ảnh chụp bằng iphone, mọi người lần lượt đứng dựa tường (khách sạn) cho chị ấy chụp. Sáng hôm sau ngủ dậy là đã có Giấy tờ xuất ngoại sẵn sàng dưới quầy lễ tân.

Xe thẳng tiến ra mũi Sa Vĩ. Trên đường đi có ghé lại Trà Cổ. Em cũng định theo truyền thống Bắc Âu, đầu năm xuống tắm biển nhưng vừa thò ngón chân xuống nước đã rụt hết các thứ lại nên quyết định để cả đoàn vào tham quan đình Trà Cổ. Chắc hẳn nhiều bác đã biết đây là nơi cụ Nguyễn Cường cho ra đời bài hát Mái đình làng biển. Đình rất to và đẹp.

Cô bé sinh viên đại học tò mò: “Sao người ta lại dựng cái cây này ở đây nhỉ?”- “Cây nêu đấy”- “Ô, từ bé đến giờ cháu mới được thấy cây nêu”.

Nhạc sĩ có viết trong lời bài hát là “chạm trổ nét phượng long” nhưng thực ra trong đình chỉ thấy có long chứ không có phượng. Lối chạm toàn rồng là của dân miền biển lại thấy những đám mây với cái đuôi nhọn hoắt rất giống mấy cái đình ở Hải Phòng, mình đoán ngay là đình này chắc do người Hải Phòng dựng. Ra đọc bảng giới thiệu thì đúng là do dân Đồ Sơn di cư lên đây mở đất, “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Dân Đồ Sơn còn đi xa hơn cả vùng này, sau Pháp chia cho Nhà Thanh vùng ấy nên bây giờ con cháu họ thành dân tộc Kinh ở bên Trung Quốc. Ra khỏi đình thì thấy một đôi cô dâu chú rể và anh thợ ảnh lách từ bên trái đình đi ra. Cô dâu mặc váy cưới trắng vai trần, rét run cầm cập, chú rể thì bưng vạt váy vã mồ hôi, cũng là một cảnh thú vị vậy.

Hai gian ngoài cùng có treo hai bức hoành phi. Bức trong hình là “Dân đức quân hậu” (nghĩa là Dân thảo vua hiền). Đối diện ở đầu bên kia là bốn chữ “Địa cửu thiên trường” (nghĩa là Dất vững trời dài). Các nhà nghiên cứu cho rằng hai câu này rất “láo” hay là phá cách vì đã đảo dân lên trước vua, đảo đất lên trước trời

 

Một mẫu họa tiết trang trí điển hình trên rường của đình Trà Cổ. Ngói và gạch lát sân đã được thay mới, chắc là dùng của Viglacera Hạ Long.

Lên xe đi một đoạn nữa thì mình lại quyết định ghé vào nhà thờ Trà Cổ. Nhà Thờ khá là hoành tráng, sừng sững như một cột mốc quan trọng đánh dấu chủ quyền điểm cực Đông của xứ Đông Pháp. Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã từng ra mãi đây dạy học. Mặc dù rêu phong hơi lem nhem nhưng nhà thờ vẫn rất đẹp. Đặc biệt là mấy cây thông trong sân, cao muôn trượng, chắc phải cỡ bảy tám chục tuổi là ít. Giáo dân ở đây rất hiền lành và trẻ con nhìn thấy khách du lịch vào thăm nhà thờ vẫn còn hơi tò mò giống như cách đây 20 năm trẻ con ở thành phố thấy Tây đi du lịch. Nếu ai có điều kiện qua Trà Cổ dịp Giáng Sinh thì rất nên ghé vào Nhà thờ đón lễ cùng bà con, cảm giác cực kỳ ấm áp.

Mình đố mọi người trong đoàn đâu là điểm đặc trưng mà chỉ các nhà thờ ở Việt Nam hiện nay mới có, nước ngoài không có. Không có ai trả lời đúng…

 

Hành lang nhà thờ. Đáp án cho câu hỏi ảnh trên: Mấy câu khẩu hiện nền đỏ chữ vàng!

Mũi Sa Vĩ ngày nay không chỉ là ba cây dương xây xi măng sơn xanh với hàng chữ vàng: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước” nữa mà đã xuất một tượng đài cực kì đồ sộ. Tám lá dương khổng lồ bằng bê tông vĩnh cửu vươn lên thẳng và nhọn, mọc trên một cái bệ tròn, nom như một cái vương miện vĩ đại. Không rõ là tác phẩm của nhà điêu khắc nào nhưng mỗi lá dương trông có vẻ giống một cây thông hơn.

Công trình được hoàn thành trong bốn năm, hết 100 tỷ. Tính ra thì thế là quá rẻ, cái biệt thự đắt tiền bây giờ người ta cũng phải đắp vào một hai chục tỷ. Những cầu thang xoắn ốc ở trong rất thích hợp đóng những phim hành động có đoạn rượt đuổi của Vollywood.

 

Những lá dương… đâm thẳng trời chiều (biên giới).

Trước khi trời tối, mình còn cố chạy ra đến Mũi Ngọc để xem cho biết. Đường ra mới làm khá đẹp, nhưng đi một đoạn lại gặp chỗ chưa giải phóng mặt bằng nên đường tự nhiện bé lại còn một nửa. Mũi Ngọc giờ có một đồn biên phòng to đẹp, nhà cửa nhân dân cũng rất khang trang. Thấy bảo ngày xưa chỗ này vượt biên nhiều lắm, nên chắc giờ có nhiều kiều hối để xây nhà. Từ Mũi Ngọc này có thể đi xuồng ra đảo Vĩnh Thực, thấy bảo ngoài đảo hẵng còn hoang sơ. Khi nào có dịp chắc chắn phải ra xem ngọn hải đăng đầu tiên trên bản đồ đất nước nó ra làm sao.

Không biết đã có ai đi thẳng một mạch từ đây vào đến đất Mũi?

Buổi tối Móng Cái yên tĩnh lạ thường, cả đoàn ăn lẩu ở một quán căng bạt, uống rượu dừa hâm nóng (sản xuất tại quận Hai Bà Trưng). Tết năm nay không rét lắm, có lúc còn nắng to nên ai cũng ăn mặc phong phanh, ra đến ngoài này thì lạnh, ăn uống càng vào. Đến khi no say hết cả đành bỏ dở kế hoạch chợ đêm và mát xa chân rồi chìm vào giấc ngủ cùng thời điểm hàng hóa bắt đầu xuất kho đi lại nhộn nhịp trên đường.

*

(Còn tiếp)

 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

23:49 Wednesday,4.1.2017 Đăng bởi:  Đặng Thái
@Phạm Văn Hiếu: Đi ôtô xe máy bình thường bạn ạ. Nếu bạn nhìn trên bản đồ Google thì sẽ tưởng đường Lạc Long Quân là cầu nhưng thực ra mở chế độ vệ tinh thì sẽ thấy là đường thẳng, đi bên cạnh bờ ruộng. Người ta quây nuôi tôm với đắp đường rộng đẹp trên đoạn đầm lầy này cũng được khá lâu rồi.
...xem tiếp
23:49 Wednesday,4.1.2017 Đăng bởi:  Đặng Thái
@Phạm Văn Hiếu: Đi ôtô xe máy bình thường bạn ạ. Nếu bạn nhìn trên bản đồ Google thì sẽ tưởng đường Lạc Long Quân là cầu nhưng thực ra mở chế độ vệ tinh thì sẽ thấy là đường thẳng, đi bên cạnh bờ ruộng. Người ta quây nuôi tôm với đắp đường rộng đẹp trên đoạn đầm lầy này cũng được khá lâu rồi. 
11:37 Wednesday,4.1.2017 Đăng bởi:  phạm văn hiếu

Đi từ cửa khẩu Móng Cái sang Sa Vĩ mất 15 cây. Đi từ đấy sang là đi qua cầu Lạc Long Quân thì ô tô xe máy đi được không hay phải đi xuồng phà à?


...xem tiếp
11:37 Wednesday,4.1.2017 Đăng bởi:  phạm văn hiếu

Đi từ cửa khẩu Móng Cái sang Sa Vĩ mất 15 cây. Đi từ đấy sang là đi qua cầu Lạc Long Quân thì ô tô xe máy đi được không hay phải đi xuồng phà à?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả