Điện ảnh

“Mekong Stories” của Phan Đăng Di: một thời để sống, một thuở để yêu 17. 04. 16 - 10:42 pm

Kephren Montoute – Trương Quế Chi chuyển ngữ từ tiếng Pháp

Trong khi vẫn đang chật vật tìm đường ra rạp tại Việt Nam sau hơn một năm ra mắt tại LHP Berlin thì Cha và con và… của Phan Đăng Di sẽ đổ bộ các rạp chiếu bóng trên toàn nước Pháp từ ngày 20.4 tới đây qua một nhà phát hành phim uy tín là Memento Films. Trong bản phát hành tại Pháp, phim được đổi tên là Mékong Stories. Nhân sự kiện này, Soi giới thiệu bài phê bình về bộ phim chiếu suốt ở Tây mà chưa mấy ai được xem ở ta này của Kephren Montoute đăng trên trang EastAsia của Pháp. Chuyển ngữ sang tiếng Việt của Trương Quế Chi.

.

 

MEKONG STORIES CỦA PHAN ĐĂNG DI: MỘT THỜI ĐỂ SỐNG, MỘT THUỞ ĐỂ YÊU

Sau khi mang tới hình ảnh đầy chất thơ về một gia đình Việt Nam qua nhãn quan thơ trẻ trong Bi, đừng sợ, Phan Đăng Di quay lại với Mekong Stories, bộ phim dài thứ hai mang hơi thở của tác phẩm đầu tay, nhưng với góc nhìn của sự trưởng thành. Câu chuyện khá đơn giản vì chúng ta đi theo những biến cố của bốn chàng trai trẻ sống theo nhịp điệu của dòng chảy Mê Kông. Ba người anh em tận hưởng tàm tạm thú đời, giữa chuyện ăn uống, tình yêu và công việc. Còn người cuối cùng, Vũ (Lê Công Hoàng), tưởng là người em trai tâm giao rốt cuộc lại chính là người em nhục thể. Bởi câu chuyện buồn bã của đời sống thường nhật về tuổi trẻ Việt Nam này đề cập tới khát khao nhục cảm và tính dục.

.

Phan Đăng Di bỏ lại sự trầm trồ và chất thơ dịu dàng của mùa hạ qua đôi mắt trẻ thơ mà anh đã miêu tả trong bộ phim trước, nhưng đạo diễn đã giữ lại cái nhìn đầy ẩm ướt về cơ thể cũng như ham muốn dục cảm dồn dập. Bốn chàng thanh niên ở tuổi sung mãn nhất làm hiện ra một thế giới nhỏ bé sống ngày nào biết ngày ấy. Họ gần như chỉ lưu tâm tới việc mình sẽ ăn gì vào bữa sau và chia phần ra sao. Chẳng có bí mật nào nặng nề, cũng không có những góc nhìn kiểu cách của một đời sống khiêm nhường như ta có thể thấy từ Trần Anh Hùng trong Mùa hè chiều thẳng đứng hay Xích lô. Những điểm sáng trữ tình xảy tới không màu mè, nhờ vào thời lượng các cảnh nối tiếp nhau gần như tự nhiên: các nhân vật ăn uống, trò chuyện, làm tình, làm việc… Giữa chuyện này qua chuyện khác, các chàng trai tụ tập trong bữa ăn để cười đùa về chúng. Ngay cả khi một mối lo ngại nghiêm trọng hơn xảy tới như cuộc đụng độ với đám đầu gấu, họ cũng chỉ thế là xông vào đánh lộn và chạy trốn khỏi thành phố dường như với sự sảng khoái. Vì vậy, chẳng có điều gì khẩn cấp trong Mekong Stories, sự gay cấn nằm trong những khát khao nhục dục ấn giấu ngày một trỗi dậy trong cuộc sống những thanh niên trẻ tuổi.

.

Ham muốn nhục cảm trở thành động cơ của câu chuyện, nó đẩy nhân vật tới những lựa chọn và hành động. Nó ngự trị toàn bộ. Phan Đăng Di nhấn mạnh sự hiện diện này một cách thành công bằng việc sử dụng máy quay gần với nhân vật những lần gần gũi xác thịt. Anh cho chúng ta thấy biểu lộ cơ thể khát khao. Mồ hôi, nhịp thở, ánh nhìn, đụng chạm thịt da. Chính trong một cuộc ẩu đả tại quán bar mà xu hướng đồng tính của người em trai (Vũ) được hé lộ, chính trong một trò chơi đầy gợi cảm mà sự bất khả với việc thỏa mãn ham muốn ấy cũng được khám phá. Cuộc sống theo nhịp chảy của dòng sông nhường chỗ cho nhịp điệu cơ thể.

Từ phần hai, đồng tính trở thành chuyện được mất của phim trong khi cả bầy đoàn phải rời khỏi thành phố và lên ngược con sông (hay thời gian?) để tìm lại cha của Vũ cũng như đối diện với những giá trị sơ khởi. Chuyến du ngoạn giữa thiên nhiên cho phép Phan Đăng Di chơi đùa với ý niệm về “tự nhiên”, thông qua một cảnh phim đạt tới cao trào khi mà ranh giới giữa những cơ thể xóa nhòa trong nước và bùn. Chỉ còn sự thật về đắm say giữa cái chết và sự sống. Khát khao cuối cùng được thỏa mãn, hay ít ra cũng được biểu lộ. Ngay từ đó, tầm vóc của cơ thể trở nên nổi trội, cơ thể phụ nữ, cơ thể đàn ông, những giới hạn thể xác… Trong khi những người đàn ông thành thị đi bán cái đực tính (một chiến dịch triệt sản có thưởng đã diễn ra), Vũ cũng đồng thời chạy trốn khỏi điều đó trước sự khám phá một cơ thể khác, cơ thể của người bạn vũ nữ, Vân (Đỗ Thị Hải Yến). Những cảnh cận trên làn da nhễ nhại mồ hôi và trên những phần cơ thể của người vũ công thể hiện điều này. Vũ quan sát cơ thể mà cậu khao khát, không phải vì thu hút mà vì ghen tị. Tuy vậy, sự chuyển đổi từ nam sang nữ và trò chơi giữa những cơ thể và ham muốn có thể đã làm nổi bật những gì bộ phim muốn khắc họa theo nghĩa bóng, một kiểu u sầu hiện đại.

.

Thật ra, cuộc sống bên sông như một gạch nối, giữa đời sống của những đứa con và người cha, giữa lao động nhọc nhằn và mặc tưởng lả lơi. Rồi đến cuộc sống đương đại với hộp đêm, nơi chuyển động và cơ thể hòa vào nhau trong thứ ánh sáng nhân tạo vì một chớp nhoáng ham muốn ngắn ngủi trong vũ điệu. Đó là cuộc sống của Vân. Ngay cả khi nhân vật của cô không có nhiều diễn tiến như những người anh em, các phân đoạn khác nhau miêu tả đời sống của cô gái trẻ này cũng đầy hàm ý. Cơ thể cô trong phim quyến rũ, thu hút, thôi miên. Cô chẳng thể chống chọi với sự cô đơn của thời hiện đại, nơi mà người ta chỉ có thể dựa vào chính mình, hay thực chất cũng chính là cơ thể của mình (cảnh tắm bùn) mà thôi.

.

Ở bên rìa những năm 2000, hai thế giới có chung những nhân vật sinh sống , tuy vậy, một trong đó dường như không thể cho phép những đam mê ham muốn vững bền, chỉ còn lại thế giới của dòng sông (tự nhiên) mới có thể. Nhưng dần dần, đời sống ấy cũng không còn. Từ ngay những khoảnh khắc đầu tiên của bộ phim, chúng ta hiểu rằng Vũ thực hành nhiếp ảnh và học điện ảnh. Như là hiện thân của đạo diễn, Vũ tìm cách lưu giữ lại đời sống ấy bằng nghệ thuật. Nên rốt cuộc, chỉ còn lại những tấm hình lấy ngay, những khoảnh khắc, những chốc lát, những hình ảnh…như là phương cách duy nhất để vĩnh cữu hóa những khao khát phù du, để chống chọi lại dòng đời mãi chảy trôi.

.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả