Thiết kế

Viên kim cương Koh-i-Noor (bài 1):
Ấn Độ đòi là sai hay đúng? 26. 04. 16 - 1:41 pm

Hieniemic

1. Vụ viên Koh-i-Noor

Tuần này đang (tiếp tục) lùm xùm vụ Ấn Độ lên tiếng đòi lại viên kim cương nổi tiếng Koh-i-Noor (có khi được viết liền thành Kohinoor), đang được Anh cất ở Tháp Luân Đôn cho công chúng hàng ngày vào xem. Vụ Ấn đòi kim cương không phải bây giờ mới có mà đã bắt đầu từ thời Anh trao trả độc lập cho Ấn năm 1947. Cứ vài năm, hoặc tới dịp (ví dụ ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi) là Ấn lại đòi. Đôi khi có cả Pakistan hàng xóm vốn ghét nhau như chó với mèo, rồi Taliban bên Afghan cũng vào đòi chung.

Viên Kohinoor ở vị trí hiện tại, là viên nằm ở ngày giữa miện, không phải viên gắn trên thập giá vuông (gọi là thập giá Malta). Đây là miện nào, của ai thì mời các bạn đọc tiếp nhé. Ảnh in thạch bản, nguồn từ trang này

Sở dĩ viên Kohinoor (xin phép từ giờ viết như thế này cho nhanh) nổi tiếng như vậy là bởi vì nó từng là viên kim cương to nhất thế giới. Cũng như bao bảo vật châu báu khác, nguồn gốc của viên Kohinoor dĩ nhiên là nằm trong truyền thuyết.

Theo “truyền thuyết” thì viên kim cương này trở thành tài sản của hoàng gia (nào đó) từ hơn 5000 năm trước. Theo thư tịch thì Kohinoor đã ở Ấn Độ từ thế kỉ 13, truyền hết từ tay vua này tới chúa nọ. Tới thế kỉ 18, Ba Tư đánh vào Delhi, Shah Ba Tư lúc đó (tên là Nader) chiếm hết châu báu của Ấn, khi nhìn thấy viên kim cương, ông thốt lên: Koh-i-Noor! (nghĩa là Núi Ánh sáng = ánh sáng tỏa ra nhiều như núi, tiếng Ba Tư). Thế là nó có tên như vậy.

Shah Ba Tư tên Nader đánh Delhi năm 1739. Tranh có thể của Muhammad Ali ibn Abd al-Bayg ign Ali Quli Jabbadar.

Sau đó độ chục năm, Shah Ba Tư qua đời, viên Kohinoor rơi vào tay một viên tướng của ông, người về sau trở thành tiểu vương (Emir) của Afghanistan. Hậu duệ của ông Emir này đến lúc bị lật, chạy thoát được tới Đế quốc Sikh (ở Bắc Ấn và Pakistan), dâng lại Kohinoor cho Maharaja (maha = lớn, raja = vua) Ranjit Singh người Sikh. Thế là Kohinoor đi hết một vòng Ấn Độ-Ba Tư-Afghan-Ấn Độ.

Viên Kohinoor trên miện vấn của Emir

Năm 1848, chiến tranh Anh-Sikh nổ ra. Phe Anh do Công ty Đông Ấn Anh cầm đầu (công ty có quân đội riêng luôn) buộc được phe Sikh đầu hàng năm 1849. Trong hiệp ước Lahore mà Sikh ký với Công ty Đông Ấn Anh có điều III ghi rõ: “Viên đá quý Kohinoor, vốn do Maharaja Runjeet Singh đoạt được từ Shah Sooja-ool-moolk, nay được giao nộp lại cho Nữ vương nước Anh”.Thế là Kohinoor được Công ty Đông Ấn mang về tiến cho Nữ hoàng Victoria.

Khi Kohinoor được đem tiến cho Victoria, nó là viên kim cương to nhất thế giới. Đây là bản sao giả tái hiện lại kích thước của Kohinoor trước khi nó bị cắt gọt. Chuyện cắt gọt các bạn xem ở bài sau nhé.

Vụ Ấn Độ đòi kim cương năm 2016 lần này được gia vị thêm một diễn biến mới, đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Solicitor General) của Ấn lên tiếng nói rằng Ấn không nên đòi lại viên Kohinoor, vì không phải Anh chiếm đoạt, mà là do Maharaja Sikh tự dâng kim cương cho Công ty Đông Ấn Anh. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ấn thì nói ngược lại, rằng phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Tư pháp không đại diện cho tiếng nói của Chính phủ Ấn. Hiện Tòa án Tối cao Ấn Độ đang xem xét có nên đòi kim cương tiếp hay không.

Quan sát truyền thông phương Tây cũng đăng tin đợt này cũng rất thú vị. Trong vòng một ngày mà có hai tít trái ngược nhau hoàn toàn đăng trên hai hãng tin lớn là BBC và CNN. BBC (dĩ nhiên của Anh) giật tít: “Ấn Độ nói không nên đòi lại kim cương”, dẫn lời Thứ trưởng Bộ hình. CNN (dĩ nhiên của Mỹ) thì lại giật: “Ấn Độ vẫn muốn đòi Anh trả kim cương”, dẫn rằng Ấn đang “cố gắng hết sức” để đòi lại Kohinoor. Kệ ai thích hoàng gia Anh thì thích, chứ Mỹ thì không, và dù không liên quan, cứ có dịp là Mỹ sẽ chĩa mũi vào chọc ngoáy.

Vụ Kohinoor này, phe đòi kim cương có đúng một bài ca đi ca lại mấy chục năm nay rằng Anh phải chịu trách nhiệm về thời kỳ thuộc địa, Anh phải trả lại hết đồ Anh cướp bóc Anh ơi. Đến mức mà ngay cả nhiều người Ấn cũng chán. Lên Reddit sẽ thấy nhiều người (tự nhận là Ấn) bảo là chính quyền Ấn nên lo những việc khác quan trọng hơn là đi đòi cục đá, chứ cái nước gì mà chỗ thì phóng tàu vũ trụ, chỗ thì vẫn ngửa tay xin viện trợ từ Anh để cứu đói trẻ con. Trong khi về mặt pháp lý, Hoàng gia Anh đúng ra đang là người được giữ viên Kohinoor hợp pháp, có giấy tờ sổ đỏ đàng hoàng, do phe kia tặng, mà còn ký giấy. Mà nếu trả lại Kohinoor thì phải trả cho ai đây? Kim cương do vua chúa cướp của nhau về chứ có phải của dân Ấn đâu?

Hí họa vẽ tổng thống (?) Ấn nói với Nữ hoàng Anh: “Nói nghe này, bà giữ đền Taj còn trả lại tụi này viên Kohinoor đi”.

2. Kohinoor bây giờ ở đâu?

Vị trí hiện tại của Kohinoor là trên một chiếc miện được bày ở Tháp Luân Đôn. Dạo một vòng google các báo Việt Nam (kể cả Thanh Niên, Người Lao Động…) từ trước tới nay, hầu hết đều ghi rất to rất rõ là Kohinoor “được gắn trên miện Nữ hoàng Elizabeth” (ghi thiếu cả số hai La Mã, “Elizabeth II” mới đúng), kèm theo ảnh Nữ hoàng đội miện có gắn một viên ruby rất to màu đỏ, hoàn toàn không liên quan, như thế này:

Nữ hoàng Elizabeth II đội Đế miện (Imperial State Crown), gắn viên hồng ngọc Black Prince, hoàn toàn không có Kohinoor gì ở đây cả.

Miện Nữ hoàng Elizabeth II đội là Đế miện (Imperial State Crown), không có gắn viên Kohinoor. Kohinoor hiện tại đang nằm trên miện của Hoàng hậu Elizabeth, là mẹ của Nữ hoàng Elizabeth II, vợ vua George VI.

Đây mới là miện có Kohinoor, chính là miện trong ảnh đầu tiên ở đầu bài. Trong ảnh này là Hoàng hậu Elizabeth đội Hậu miện, bên cạnh là Nữ hoàng Elizabeth II còn nhỏ (lúc này là Công chúa Elizabeth), trong lễ Đăng quang của vua George VI.

Thôi, biết thế đã, rằng Kohinoor không nằm trên miện của Nữ hoàng Anh hiện tại đã, bài sau chúng ta đi vào các thể loại mũ miện của Hoàng gia Anh nhé.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả