Tin tức

Tin-ảnh: Masriadi bày tranh to, Anselm Reyle khoe gốm nứt 06. 05. 16 - 7:48 am

Phạm Phong lược dịch

 

Một triển lãm của Nyoman Masriadi (Indonesia) đang diễn ra tại Paul Kasmin Gallery (New York) từ 28. 4 – 18. 6. 2016. Sinh năm 1973 tại Bali và học Mỹ thuật tại Institut Seni Indonesia (ISI) Yogyakarta, năm 2013, cùng với Lee Ufan và Zeng Fanzhi, Masriadi từng nhận Giải thưởng Nghệ thuật châu Á (Asia Arts Award). Trong ảnh: “Death Clock”, 2015, acrylic trên toan.

 

Masriadi là một trong những tiếng nói độc đáo và mạnh mẽ của châu Á vươn được vào thị trường mỹ thuật đương đại thế giới. Anh thường vẽ tranh khổ lớn, với những quan sát sắc sảo về thân phận con người. Nhiều tác phẩm của anh là kết hợp cả văn hóa địa phương lẫn toàn cầu, tạo nên một ngôn ngữ thị giác “hỗn hợp” mà vẫn của riêng anh. Trong ảnh: “Serta Merta”, 2013, acrylic trên toan, 508 x 762 cm.

 

BERLIN – Contemporary Fine Arts đang bày triển lãm “KERAMIK” của Anselm Reyle. Đây là một triển lãm đơn giới thiệu loạt gốm nhiều kích cỡ của Reyle theo phong cách Fat Lava – dòng gốm không được chuộng mấy, màu đậm, sần sùi, ai thích thì nhìn ra là một kiểu cầu nối giữa hội họa và điêu khắc. Trong ảnh là một chiếc bình gốm của Anselm Reyle, có tên “Gadda da vida”, 2016. Cao 138 cm, đường kính 60 cm

 

Tất cả những chiếc bình trong triển lãm đều làm thủ công từng cái. Fat Lava là tên một dạng men đặc biệt, được sáng chế vào những năm 1960 và có những lỗ tròn to trên men như dòng dung nham đang nổ lụp bụp. Fat Lava phổ biến nhất là ở Tây Đức vào những năm 1960s tới 1970s, có màu đặm, men rất “ăn chơi”, và thử nghiệm với đủ loại hình thù. Trong ảnh: Một mảng men Fat Lava của Tây Đức ngày ấy. Nguồn: Internet

 

Loại gốm này về sau được sản xuất công nghiệp, ấy là xuất phát từ một ước muốn rất dân chủ là ai ai cũng được tiếp cận với dòng gốm này. Tuy nhiên, ngành sản xuất gốm từ đó cũng rơi vào tình thế lưỡng nan, nếu tập trung vào sản xuất hàng loạt thì không hơi đâu (và tiền đâu) mà chăm chút hay sáng tạo từng mẫu mã riêng lẻ. (Trong hình là các lọ gốm kiểu Fat Lava, không rõ có phải là làm công nghiệp không)

 

Tuy thế, vẫn có những người như Anselm Reyle, cặm cụi làm bằng tay các bình gốm, mỗi cái một kiểu. Một đặc điểm ở bình của Reyle là bình nào cũng có vết nứt hay méo mó trên cổ hoặc trên thân. Đó là do “nghiện” gốm Nhật và triết lý phía sau gốm Nhật mà Reyle học họ cách trân trọng cái bất toàn. Một vết nứt, một vết sứt không phải là lý do để vứt đi một cái bình. Không những thế, nó cần được nhìn nhận và bảo quản trong trạng thái không hoàn hảo ấy. Trong hình là bình gốm “Tequila Sunrise” của Anselm Reyle

 

Tuy nhiên, Reyle có hơi quá tay khi cố tình làm cho bình méo, lọ nứt, hoặc cắt, hoặc đâm chúng trước khi nung. Đó cũng là cách Reyle cho người xem biết mình quan niệm thế nào về sự “bất hoàn mỹ”. Trong ảnh là bình “Instant Gratification Fudge”, 2016 của Anselm Reyle, cao 34.5cm, đường kính 20cm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả