Bàn luận

Ba sự thật mất lòng…
Phần 3: Sự chuộc lỗi của các ông trùm 06. 02. 13 - 3:09 pm

Ben Davis - Hoàng Lan dịch

(Tiếp theo phần 1 phần 2)

“Ba ký ức trong một cơn bão đỏ” của Luccio Pozzi – một trong những tác phẩm được cặp sưu tập gia “nghèo và lương thiện” Vogel mua.

Những kẻ tệ hại

Và bây giờ đến ý thứ 3, cũng là ý cuối cùng của tôi. Ý này đứng hoàn toàn tách biệt khỏi vấn đề “xem nghệ thuật như một dạng đầu tư”, và giải thích tại sao những cơn giận dữ gần đây thực tế lại là lành mạnh. Tôi cho rằng vấn đề “tiền và nghệ thuật” đang trở nên rối loạn – có lẽ những ai muốn tránh né cuộc đàm luận này đã chủ tâm làm lạc hướng nó.

Điều khiến cho văn hóa “nghệ-thuật-và-tiền” – thứ văn hóa đang thống trị – trở nên có vấn đề không phải ở chỗ văn hóa đó tầm thường. Đây có vẻ là lý do khiến cho ông trùm của ngành quảng cáo Charles Saatchi đã tuyên bố chống lại thị trường nghệ thuật đương đại, nhưng kiểu phê phán này nhanh chóng biến thành một thứ trưởng giả màu mè lộ liễu. Nhà phê bình nghệ thuật David Hickey từng ước sao mình có thể quay lại làm một người thượng lưu kiểu cổ. Nhưng liệu cái đám đông ngớ ngẩn đang làm nghẹt lối đi ở hội chợ Art Basel Miami Beach thì có tệ gì hơn hàng đàn du khách đang làm nghẹt bảo tàng MoMA? Có thể lắm – nhưng họ thực ra cũng cùng một giuộc.

Vấn đề của thứ văn hóa “nghệ-thuật-và-tiền” cũng không phải ở “chủ nghĩa thương mại.” Tôi ủng hộ việc trả công cho nghệ sĩ. Nếu tôi nhớ không lầm, chưa từng có ai phản đối Herb và Dorothy Vogel – hai nhà sưu tập nghệ thuật ‘vô sản” của New York, chồng là người đưa thư còn vợ là nhân viên thư viện (hai người chuyên đi mua tranh rẻ của họa sĩ). Và nếu đã xem phim tài liệu về họ, bạn sẽ thấy có rất nhiều nghệ sĩ phát biểu rằng vài trăm đô của vợ chồng Vogels ấy đã đến thật đúng lúc.

Một tác phẩm của Stephen Antonakos được nhà Vogel sưu tập

Tuy nhiên, một trong những hậu quả của sự bất bình đẳng (về thu nhập) ngày càng chồng chất là nó làm giảm số lượng những Herbs/Dorothy “tiềm năng”, khi thu nhập của tầng lớp trung lưu khựng lại, còn người giàu thì đấu giá hết những tài nguyên quý báu. “Nửa trên của tầng lớp trung lưu không còn khả năng bắt nhịp với những người mua giàu có nữa, vì thế tầng lớp giữa của thị trường nghệ thuật là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất sau cuộc suy thoái kinh tế,” Clare McAndrews, chuyên gia về thị trường nghệ thuật, từng viết cách đây không lâu. Và lý do xác thực cho câu hỏi tại sao văn hóa “nghệ-thuật-và-tiền” ngày nay thật đáng phản đối, chính là: những người đã và đang củng cố quyền lực của mình – trong thế giới nghệ thuật và thế giới thật nói chung – thường là những kẻ tệ hại.

“Trùm chính trị và kẻ độc tài chẳng có gì hay hớm cả” là lý do thứ 5 trong bài “10 lý do để KHÔNG viết về thị trường nghệ thuật” (từng làm ầm ĩ dư luận hồi năm ngoái) của nhà báo Sarah Thornton. Bài báo cũng đúng đấy, nhưng tôi nghĩ rằng Thornton có hơi giận cá chém thớt, “xả” sự bực bội của mình lên người Nga lẫn người Trung Đông – những Roman Abramovich hay những Saif Gaddafi. Nhưng bạn biết không, mấy “con cá mập” của ngành tài chính cũng có hay ho gì đâu. Khi nhà sưu tầm Steven Cohen không xuất hiện tại Art Basel Miami Beach năm nay, sự vắng mặt này quan trọng đối với thị trường nghệ thuật đến nỗi tờ New York Times đã phải đăng nguyên một bài về việc này. Trong bài, nhà buôn nghệ thuật “khủng” David Zwirner viết:

“Người này là bạn tôi. Tôi gọi ông vào tuần trước – ‘Anh khỏe không? Có chuyện gì vậy?‘ Tôi nghĩ cả thế giới nghệ thuật ủng hộ ông. Tôi cũng đang ủng hộ ông. Tôi ước gì ông có mặt ở đây, ngay bây giờ.”

Tôi chắc chắn là Cohen rất dễ thương (tạp chí Vanity Fair từng nói rằng ông “không giả vờ”, dù tính khí của ông thường xuyên được tả là “nóng như núi lửa”). Gu nghệ thuật của Steven chắc chắn là rất nghiêm túc, và ông cũng không nằm trong cái đám đông thô bỉ, chen lấn nhau để nhảy lên “hàng VIP”. Nhưng câu văn của Zwirner, dù có vẻ thật thà, cũng thật tởm.

Bức Coca-Cola Lớn của Andy Warhol, vẽ năm 1962, được Cohen mua với giá 35.4 triệu USDtại buổi đấu giá nhà Sotheby, 9. 11. 2010.

Người ta đồn: Cohen bỏ hội chợ Miami bởi vì cái quỹ đầu tư khổng lồ của ông, SAC Capital, bị tố là đã rút hàng trăm triệu đô tiền lời qua các hoạt động mua bán tay trong. Hơn nửa tá viên chức của công ty đã bị truy tố hoặc kến án. Các nhóm điều hành của sở đầu tư đã đánh dấu có hơn 80 vụ mua bán đáng ngờ ở SAC vào đầu năm 2002. (Những cáo buộc này gây thiệt hại danh tiếng đến nỗi SAC vừa mới cảnh báo khách hàng rằng công ty đang phải cố chống chọi sau những đợt rút tiền quỹ lớn của khách.)

Tôi không rõ là cá nhân Cohen có phạm tội không. Nhưng nếu các chàng lính gác làm tốt công việc của họ và lùng ra những tên phá luật tài chính trước khi chúng làm sụp nền kinh tế thế giới, thì tôi ủng hộ hết mình. Tôi không “ủng hộ” Steven Cohen.

Trong một câu chuyện trên Reuters hồi năm ngoái (cùng một câu chuyện kể lại có người phát hiện ra Cohen “không rành bản hướng dẫn nội quy của chính SAC Capital”, và chính Cohen còn bảo rằng ông thấy cái định nghĩa “mua bán tay trong” là “mơ hồ”) – nhà đại tỉ phú nói một công ty PR đã tư vấn cho ông cách làm dịu hình ảnh mình trước công chúng. Chà, tôi đoán, một trong những công dụng cổ điển của sưu tầm nghệ thuật chính là “làm dịu hình ảnh” của những tên giàu khó ưa.

Steven Cohen

Có lẽ vấn đề này đã chỉ ra một lý thuyết mới cho cơn sốt nghệ thuật. Có lẽ nó không chỉ liên quan tới chuyện người giàu và siêu-giàu đã thành loại người như thế nào, mà còn dính tới việc lợi nhuận của họ đã trở nên dơ bẩn, và vì vậy, họ cảm thấy rằng mình phải bù đắp một khoản tương xứng. Nhưng theo ý riêng của tôi, tôi nghĩ nghệ thuật rất quan trọng, không thể để chúng trở thành công cụ quảng cáo cho mấy ông trùm kinh doanh, cho dù họ có muốn bỏ bao nhiêu tiền để biến nó ra như vậy.

 

*

Bài liên quan:

– Ba sự thật mất lòng về thị trường nghệ thuật: bẩn thỉu, tàn bạo, và thiển cận (phần 1) 
– Ba sự thật mất lòng… Phần 2 – Ai đã đẩy giá tác phẩm?

– Ba sự thật mất lòng… Phần 3: Sự chuộc lỗi của các ông trùm

Ý kiến - Thảo luận

21:55 Wednesday,6.2.2013 Đăng bởi:  Linh Cao

Chúng tôi lại cho rằng xu hướng dùng art xóa nhòa và làm dịu khoảng cách giàu nghèo đang được áp dụng rất thành công ở Việt Nam. Nhà triển lãm của các Hội đều trưng bày tác phẩm của mọi thể loại cao thấp cạnh nhau, cùng nhau không tách rời, với mọi code giá t&ug
...xem tiếp

21:55 Wednesday,6.2.2013 Đăng bởi:  Linh Cao

Chúng tôi lại cho rằng xu hướng dùng art xóa nhòa và làm dịu khoảng cách giàu nghèo đang được áp dụng rất thành công ở Việt Nam. Nhà triển lãm của các Hội đều trưng bày tác phẩm của mọi thể loại cao thấp cạnh nhau, cùng nhau không tách rời, với mọi code giá tùy hứng luôn tụt dốc, theo nhu cầu hoặc đầu tư của mỗi tác giả. Cái mấu chốt để dư luận cho rầng chúng ta chưa có thị trường nghệ thuật là đây.


Về thực chất, không có cơ chế nào để bồi dưỡng cũng như tôn vinh Danh Họa - vốn là standard để làm giá cho mọi giao dịch art, chúng ta thấy rõ giai đoạn cận và hiện đại rất mơ hồ, nhiều hoài nghi, nhiều tài năng phải trốn vào dòng ngầm để âm thầm chết hoặc làm nguội bớt lửa để lo kế sinh nhai. Đến nay va vào đương đại thì tự phát và nghiệp dư. Dăm tên tuổi nổi lên thì chủ yếu nhờ nỗ lực cá nhân (đôi khi làm hỏng sáng tạo), sự éo le của những số phận đặc biệt và cỗ máy nhà buôn lăng-xê mà nực cười thay đục nước chết cò! Các danh họa thế hệ trước 1975 nếu được coi là kinh điển thì phần nhiều do mục tiêu tuyên truyền giáo dục thời hậu chiến, chứ không nằm trong chiến lược văn hóa như một nguyên khí quốc gia cần được liên tục nghiên cứu và phát triển, gìn giữ và khẳng định.

Vậy nên, thực trạng mà Ben Davis than phiền trong bài viết này, vốn vẫn phổ biến nơi art market quốc tế, lại là viễn cảnh trong mơ của chúng mình! Nhà giàu Việt Nam dám chi triệu đô cho một tác phẩm tranh đấy, nhưng tìm khắp Bắc Trung Nam không có tác giả nào đáp ứng, ở hải ngoại cũng vậy, không hơn.


Năm hết Tết đến, các đại gia cứ hùng hục sải chân khắp ngàn thước vuông gallery chúng tôi, lướt qua hết những hoành tráng, sâu xa, ngọt ngào, bi thiết, sexy, hoài vọng… để rồi lại uể oải hỏi một câu quen thuộc: “Có ai bán ra tranh mét không Linh?”. Mét là master, là tranh Đông Dương hoặc kháng chiến đây mà. Doanh nhân trí thức sưu tập tranh hiện đại vẫn có, cậu ấm cô chiêu Tây học buôn hàng Tàu mua đương đại vẫn có, ngày càng đông đảo và khôn ngoan hơn…nhưng họ cô đơn như cái ốc đảo trồng và nuôi hỗn độn trăm thứ bà rằn, để thi thoảng lại lầm bầm tụng câu bất hủ Tào Tháo “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”!!!


Bao giờ cho đến ngày vui?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả