Điện ảnh

Tin điện ảnh: bạn vua đóng phim, con nhà nghèo quét lá đa 27. 05. 16 - 5:58 am

Pha Lê

Tại xứ sương mù, giới kịch và phim đang lo lắng về việc cứ nhìn thấy mãi các diễn viên có xuất thân nhà giàu hoài trên màn ảnh hoặc sân khấu.

Theo thống kê, có đến hơn 73% diễn viên Anh thuộc tầng lớp giàu hoặc trung lưu, còn diễn viên đi lên từ tầng lớp lao động ngày càng ít. Sự tình thê thảm tới nỗi trong một phim hay một series, có thể có đến 3, 4 diễn viên từng học chung một ngôi trường tư đắt tiền. Ví dụ như trong series The Night Manager của đài BBC mới đây, cả 3 nam diễn viên chính – Hugh Laurie, Tom Hiddleston, Tom Hollander – đều là cựu học sinh của trường Dragon.

Series “The Night Manager” với Hugh Laurie (ngoài cùng trái), Tom Hiddleston (giữa, áo xám), và Tom Hollander (ngoài cùng phải). Series kể về hoạt động tình báo diễn ra ngay trong nước Anh.

 

Hugh Laurie thì nổi quá rồi, không những tại anh mà ở Mỹ ông còn lên như diều gặp gió sau phim truyền hình “Bác sĩ House”

 

Còn Tom Hiddleston chính là chàng Loki trong các siêu phẩm của Marvel.

Trường Dragon do một nhóm giáo viên, cựu học sinh của đại học Oxford danh giá lập ra cho… con cái của mình. Học phí cho một học kỳ (dân Anh tính một học kỳ là khoảng 3 tháng, một năm học 3 học kỳ) là 9,340 Bảng nếu học nội trú, ngoại trú là 6,480 Bảng. Nhân 3 con số này lên sẽ ra tiền học phí cho cả năm, hỏi người lao động nào đóng nổi. Cựu học sinh của Dragon bao gồm lắm chính trị gia, như Hugh Gaitskell, Baroness Young… còn diễn viên thì ngoài Hugh Laurie, Tom Hiddleston, Tom Hollander còn có nào là Emma Watson, Jack Davenport, Hugh Dancy, Jack Whitehall… nói chung một Hugh, Jack, Tom, hay một Emma nào đó.

Trường Dragon

 

Emma Watson, cũng thuộc danh sách học sinh của Dragon, hồi còn đóng vai Hermione trong “Harry Potter”

Mà đấy chỉ là trường Dragon thôi. Tính ra rất nhiều diễn viên nổi danh (hoặc ít nhất dù chưa nổi trên thị trường thế giới hay ở Hollywood thì cũng nổi tiếng ở quê nhà, có công ăn việc làm và sống sung túc) đều là con cái của thành phần trung lưu đến giàu sụ. Từ Eddie Redmayne, Benedict Cumberbatch, Damian Lewis, đến Emily Blunt, Rosamund Pike, Carey Mulligan. Eddie và Damien từng mài quần ở Eton – trường nam sinh nổi tiếng mà con cái Hoàng gia hay theo học – Eddie còn là bạn cùng lớp của Hoàng tử William. 

Đây, bạn cũ gặp nhau

 

Còn anh Bennedict mà các bà các cô Việt Nam đang mê mệt từng theo học ở Harrow – ngôi trường nhìn chung cũng đắt kinh, người bình thường không nên mơ tới. Chi phí một năm của Harrow đến hơn 36,000 Bảng.

Người Anh không chê trách gì diễn viên con nhà giàu, các nghệ sĩ ấy thực sự có tài, nên họ thành công là xứng đáng. Nhưng cái cơ hội để diễn viên xuất thân từ tầng lớp lao động phát triển nghề nghiệp ngày càng thu hẹp là điều khó chấp nhận. Đâu rồi những Julie Walters, “thầy Snape” Alan Rickman, Sean Connery, Michael Cain? Những nghệ sĩ này từng là con của người lao động nghèo, nếu không có cơ hội hoặc ít nhất cơ hội thể hiện mình gần ngang với con cái nhà giàu thì không chừng thế giới đã không biết đến họ. Bà Julie Walters còn bảo nếu bà sinh ra trong thế hệ mới này, chưa chắc bà sẽ thành diễn viên.

Julie Walters trong vai bà Weasley của loạt phim “Harry Potter”. Julie còn là một diễn viên kịch rất giỏi, một người hài hước. Bà từng thử viết tiểu thuyết, đọc thấy truyện hơi bị châm biếm, tủm tỉm cười mãi. Gia đình của Julie nghèo lắm, mẹ là nhân viên bưu điện còn bố làm thợ hồ, bà chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ nổi tiếng.

 

Sean Connery và Michael Cain đều sinh ra trong gia đình thu nhập thấp, mẹ của cả hai đều là lao công quét dọn. Họ hiểu hoàn cảnh của nhau và là đôi bạn rất thân thiết.

Nguyên do vì đâu mà ngày càng ít những Sean Connery và Cain? Chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thay đổi. Nước Anh từng có hệ thống kịch cộng đồng rất khỏe mạnh, tức chính phủ sẽ giúp đoàn kịch của một tỉnh – thậm chí một tỉnh rất nhỏ – có chi phí hoạt động, trả lương vừa đủ cho các diễn viên trẻ mới ra trường, các diễn viên không chuyên. Các đoàn kịch này sẽ diễn nhiều vở kinh điển cho người của tỉnh họ xem với giá rẻ hơn các đoàn kịch lớn, thậm chí họ có thể diễn những vở mới, hiện đại, sau khi các vở ấy ngưng công diễn ở các nhà hát chính quy tại trung tâm London. Diễn viên nào giỏi sẽ có cơ hội chuyển lên làm việc cho nhà hát nổi tiếng, có khả năng đóng phim, chỗ trống của họ nhường lại cho đàn em. Đây là cơ hội để diễn viên xuất thân từ tầng lớp nghèo thể hiện mình, kiếm việc làm và có thu nhập từ những ngày đầu chập chững. Nhưng với nền kinh tế bây giờ, các đoàn kịch nhỏ mất dần trợ cấp, ngày càng biến mất khỏi tỉnh và địa phương.

Đội kịch cộng đồng Birmingham (gồm các diễn viên trẻ của đủ loại thành phần) diễn vở “The History Boys”. Tất nhiên phải diễn chậm hơn so với các nhà hát lớn, nhưng đây là nơi giúp họ có kinh nghiệm, thu nhập, và còn giúp người dân địa phương khỏi đi xa mà vẫn có kịch mới xem. Và chi phí ăn ở sinh hoạt của địa phương lúc nào cũng rẻ.

Đổ thêm dầu vào lửa, cách đây vài năm chính phủ Anh đã nâng tiền học phí, thế nên trường đào tạo kịch (cũng như trường đại học) trở thành nơi con nhà lao động khó vào nổi, chính phủ cũng không cho học sinh sinh viên thuộc vài cấp nhất định của các trường nghệ thuật vay tiền nữa. Các khóa học kịch cộng đồng miễn phí ngày càng teo tóp, trợ cấp xã hội hao hụt. Nhưng tệ nhất là thành phần lao động ngày càng không có tiền để đi xem kịch, dù luật Anh luôn giảm giá vé cho sinh viên học sinh, nhưng với cơm áo gạo tiền thời này, cộng với chuyện nhà hát thường giảm cho sinh viên vào buổi trưa, mà lắm khi trưa phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải nên họ khó có cơ hội xem, tiếp xúc với nghệ thuật. Diễn viên kỳ cựu Judi Dench còn bảo bỗng dưng mỗi ngày bà nhận được hàng tá thư của sinh viên xin bà giúp đỡ tài chính để họ có thể theo học trường kịch.

Và với sự biến mất dần của các đội kịch địa phương, diễn viên trẻ phải tràn về thành phố lớn như London nhằm tìm cơ hội tại các nhà hát tiếng tăm và đi dự sự kiện, hội thảo để trau dồi thêm. Khổ nỗi chi phí sống ở London luôn đắt đỏ. Một diễn viên (giấu tên) nổi tiếng còn công nhận rằng mình có được ngày hôm nay là nhờ hỗ trợ tài chính từ mẹ. “Tôi có một căn hộ ở London, có một căn khác cho thuê để lấy tiền chi tiêu hàng tháng, tôi có tiền, có tài sản (để sống qua những ngày đi thử vai, không có thu nhập). Điều ấy thật bất công. Bạn tôi sống trong một căn hộ rẻ, vất vả tìm đủ mọi việc… anh ấy bán bản đồ cho du khách, bán kẹo cao su.”

Tình hình chán tới nỗi các nhân vật có thâm niên như Ian McKellen cũng lên tiếng, ông chẳng phải con nhà lao động nghèo, nhưng chính ông nhận ra rằng hệ thống kịch với các đội nhóm địa phương rất có ích, và ông đã có cơ hội thực hành, mài dũa tài năng ở đấy từ lúc còn trẻ. Chứ hệ thống bây giờ sẽ không đào tạo ra “Một McKellen, một Derek Jacobi, Mike Gambon hay Judi Dench. Tôi từ từ trở nên giỏi hơn với tư cách của một diễn viên, và hiện giờ tôi vẫn đang rèn luyện để diễn tốt hơn. Điều này khả thi bởi vì tôi luôn có công việc, có vai diễn.”

“Phù thủy Gandalf” Ian McKellen đã lên tiếng.

Nên phải hết sức yêu qúy và thưởng thức những nghệ sĩ như Ian, Judi Dench trước khi những người như họ biến mất vậy.

 

Ý kiến - Thảo luận

12:06 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Pha Lê
@Dương Trần: Đúng là mình ghi nhầm, cảm ơn bạn, mình đã nhờ Soi sửa lại rồi.
...xem tiếp
12:06 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Pha Lê
@Dương Trần: Đúng là mình ghi nhầm, cảm ơn bạn, mình đã nhờ Soi sửa lại rồi. 
8:43 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Dương Trần
Ảnh đầu tiên chú thích nhầm giữa Tom Hiddleston với Hugh Laurie rồi Soi nhé.
Vấn đề này trước đây cũng thấy anh James McAvoy phát biểu: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tai-tu-james-mcavoy-dien-vien-con-nha-giau-lam-hai-xa-hoi-n20150211071357118.htm
...xem tiếp
8:43 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Dương Trần
Ảnh đầu tiên chú thích nhầm giữa Tom Hiddleston với Hugh Laurie rồi Soi nhé.
Vấn đề này trước đây cũng thấy anh James McAvoy phát biểu: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tai-tu-james-mcavoy-dien-vien-con-nha-giau-lam-hai-xa-hoi-n20150211071357118.htm 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tương tác thế nào? Ở xa làm sao nghe art talk?

Phương Vẹt & Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả