Điện ảnh

The History Boys: khi Alan Bennett thú tội “lừa đảo” 01. 01. 16 - 8:05 am

Pha Lê

 

Poster của “The History Boys”

Vào năm 2004, kịch tác gia Alan Bennett làm chấn động đậy nước Anh với vở The History Boys. Năm 2006, hãng BBC chuyển thể tác phẩm này thành phim. Đạo diễn cùng dàn diễn viên trong phim đều là người góp công xây dựng vở kịch trong những buổi công diễn đầu, vì thế ai không hơi đâu mua vé sang Anh xem kịch, có thể lấy phim xem bù.

Mọi thứ bắt đầu tại ngôi trường Cutlers ở Sheffield, Anh Quốc vào năm 1983. Tám cậu học trò Crowther, Posner, Dakin, Timms, Akthar, Lockwood, Scripps, và Rudge là những người đạt điểm cao nhất trường nên thầy hiệu trưởng kỳ vọng rằng mấy nam sinh này sẽ đậu tiếp vào khoa lịch sử của trường đại học Oxford danh giá. Các cậu khá thích cô Lintott – giáo viên sử của trường – vì cô dạy theo kiểu thẳng thắn, truyền đạt kiến thức theo cách thật khách quan, rồi để cho các cậu tự suy nghĩ xem mình sẽ làm gì với mớ kiến thức ấy.

Tám nam sinh giỏi giang của trường.

Nhưng người thầy các cậu thích nhất là Hector, ông dạy một môn có thể gọi là môn tổng hợp. Thầy Hector quan niệm rằng học không phải để thi, mà học là để giúp các em trở thành con người hoàn thiện hơn. Lớp của thầy bao gồm nào là xem phim đến hát, đánh đàn, đọc thơ, diễn kịch.

Thầy Hector trong lớp – người thủ vai thầy chính là “Dượng Vernon” Richard Griffiths.

Khổ nỗi, thầy hiệu trưởng lại muốn Cutlers nở mày nở mặt, và muốn các nam sinh giỏi của trường phải đậu vào Oxford, nên ông bèn mời thầy Irwin về để “luyện thi” Sử cho mấy đứa. Cô Lintott dù chẳng đồng ý nhưng cô không gây chuyện gì lớn. Trái lại, thầy Hector – người theo chủ nghĩa học để học – kịch liệt ghét lối học để thi của thầy Irwin.

Thầy Irwin (trái) và cậu học sinh Dakin. Trò Dakin vốn là người ham danh vọng, nên rất khoái kiểu học thi của Irwin, dù rằng điều này khiến Hector rất buồn.

Với những ai đang có ý xem phim này, xin nói trước luôn rằng vở kịch rất là hay, nhưng phim chỉ thuộc mức tầm tầm vì kỹ thuật của nó hơi chán. Vấn đề nằm ở chỗ History Boys lấy Nicholas Hytner – đạo diễn vở kịch – làm đạo diễn cho phim, trong khi ngôn ngữ của hai thể loại này nó khác nhau. Kịch là ngôn ngữ nói, còn phim là ngôn ngữ hình ảnh. Quan trọng nhất của kịch là kịch bản, ví dụ như kịch Shakespeare tuy cần đạo diễn và diễn viên giỏi, nhưng cái tên sống mãi theo thời gian cũng như hút khách nhất vẫn là Shakespeare. Chứ cũng đạo diễn ấy, dàn diễn viên ấy mà đi đóng kịch của một tác giả dở hơn là làm kiểu gì vở kịch vẫn chẳng hay nổi.

Trong khi đó, phim lại quan trọng ông đạo diễn, phim của Spielberg chắc chắn có giá hơn phim của ông X, Y, Z. Đạo diễn lo quản lý các phần âm thanh hình ảnh, ánh sáng, cắt dựng phim. Thế nên dưới tay Hytner, từ cách dựng đến góc máy, âm thanh của History Boys chỉ nằm ở mức thường thường bậc trung, không thoát ra khỏi cái kiểu “nói nhiều” của kịch là bao.

Vở History Boys khi diễn trên sân khấu. Hiện giờ vở này đã thay dàn diễn viên rồi, nhưng theo giới phê bình, dàn diễn viên mới đóng rất tuyệt, không thua kém gì người cũ.

Mà thôi, ở đời mấy ai bay sang Anh để xem một vở kịch, cứ xem phim đi, ít ra phim có dấu tích của tác giả Alan Bennett, và Alan có nhiều cái hay để truyền đạt lắm.

Muốn hiểu rõ History Boys, chúng ta nên hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác của nó – nghe như bình sách, nhưng “chất kịch” của phim này nó nhiều hơn “chất phim”, thành ra cái nội dung nó lại quan trọng nên đành chịu vậy.

Alan là con trai của một gia đình lao động, ông là người lưỡng tính và yêu đàn ông nhiều hơn yêu phụ nữ. Từ bé Alan đã nổi tiếng học giỏi, nên ông cố ôn thi với mong muốn rằng mình sẽ đậu vào khoa sử của đại học Oxford danh tiếng – tức giống hệt tám cậu học trò trong History Boys.

Trường đại học Oxford có cơ sở nằm khắp thành phố cổ cùng tên. Đây là nơi lắm người ao ước muốn vào. Người Anh hay gọi trêu các bài thi vào hai trường Oxford và Cambridge là thi “Oxbridge”

Mà học để thi là học theo kiểu gì? Lịch sử có thể có góc nhìn khác, lâu lâu các nhà khảo cổ phát hiện ra bằng chứng này kia để đưa đến kết luận mới cho lịch sử, nhưng mấy trường hợp này hiếm. Một số sự kiện lịch sử như quân Đức thua trong thế chiến hai là đúng như vậy rồi, mười bài thi viết mười ý như nhau, đọc nghe chán chết. Muốn bài thi của mình khác lạ để lọt mắt xanh hội đồng Oxford, học sinh phải biết moi một vài sự thật lịch sử ra, xạo trên nó một tí, bẻ lái sự thật theo ý mình một tý cho bài thêm phần hấp dẫn, đặc biệt. Ừ quân Đức thua, nhưng ta vẫn có thể viết rằng theo tài liệu này này, Hít-le thật sự là người dễ thương, nhưng bị kẻ khác lợi dụng, giật dây. Theo tài liệu nọ nọ, quân Đức không tàn sát – hoặc không tàn sát nhiều – người Do Thái như sách vở hay nêu. Viết thế, bài mình mới khác bài “thằng kia”, mới mua vui cho hội đồng thi, và mới đậu vào Oxford được.

Tác giả Alan Bennett

Alan thi theo kiểu đó, ông không những đậu mà còn giành được học bổng. Nhờ giỏi giang mà sau khi học xong, Oxford giữ ông lại để dạy sử. Lúc tuyển học sinh, ông cũng rơi vô cái bẫy thi cử năm xưa. Tức Alan thú nhận rằng mình hay chấm đậu những đứa biết tạo ấn tượng hơn là nhận người có kiến thức, thậm chí ông cũng biết luôn rằng mấy em mình nhận vào chủ yếu khác biệt nhờ “xạo”, nhờ hiểu mánh khóe thủ thuật thi. Nhưng nếu mười đứa như mười, bảo quân Đức thua, giết Do Thái dã man… thì giống nhau quá, sao mà chấm.

Dần dần, Alan cảm thấy rất tội lỗi, như thể mình là tên lừa đảo. Ông cũng nhận ra rằng học để thi chẳng đem lại kết quả gì mấy, bản thân ông sau này bỏ trường, bỏ Sử đi viết kịch vì ông yêu văn thơ, sân khấu. Học trò ông dạy, gần như chẳng mấy ai theo nghề sử gia.

Từ đó, History Boys ra đời, một “vở thú tội” của Alan Bennett.

Một cảnh trong phim History Boys

Ngay những buổi đầu, thầy Irwin nói thẳng với học sinh rằng trái với các em học trường tư có tiền có bạc, được nhà trường với cha me ưu đãi từ nhỏ, tám em Cutlers học trường công nên phải cố gắng nhiều. Mấy đứa cần vận dụng kiến thức theo hướng có lợi cho mình, phải gây sự chú ý, phải tạo ấn tượng với hội đồng thi trong bài viết lẫn bài phỏng vấn.

Thầy Hector bác bỏ quan điểm này, cho rằng thi với trường không quan trọng. Xung đột giữa hai thầy tạo ra nhiều câu hỏi hay để khán giả suy nghĩ, do chỉ khi đặt hai cái đối lập ở cạnh nhau, chúng ta mới thấy được vấn đề. Đã vậy, thầy Hector và Irwin trái tính thì chớ, ngoại hình cả hai cũng trái luôn: Hector tròn trịa, già, nom vừa cổ cổ vừa tội nghiệp. Irwin trẻ trung, thon thả, nhanh nhẹn, nhìn “ra vẻ” trí thức. Đạo diễn Hytner tuy không giỏi mặt xử lý hình ảnh, nhưng nhờ thâm niên trong làng kịch mà ông không những chọn được người giỏi, mà còn chọn ra người rất hợp vai.

Bảo đảm khán giả sẽ khá giằng xé giữa hai quan điểm, một bên là trường Oxford, là danh tiếng, là tương lai, bằng cấp xịn của con em chúng ta. Bên còn lại có thơ, có nhạc, có phim, có nghệ thuật. Điều này không có nghĩa thầy Hector luôn tốt, luôn đúng. Hector có điểm yếu và cũng mắc sai lầm – bạn nào xem phim nên chuẩn bị tinh thần lúc mọi tội lỗi và bí mật của thầy Hector bị phơi bày – nhưng quả thật lớp của thầy luôn đem đến nhiều cảm xúc. Lúc thì vui, ví dụ như khi tám nam sinh học về Michelangelo, cậu Timms phán “Cha này bóng” rồi chỉ vào bức ảnh chụp các bức tượng tạc phụ nữ của nghệ sĩ “mấy cái này đâu phải đàn bà, mà là đàn ông có vú”. Lúc thì buồn, như cảnh thầy Hector giảng cho cậu học trò Posner bài thơ về xác các chiến sĩ Anh Quốc trong cuộc chiến Boer.

Một buổi trong lớp thầy Hector, lúc lắm trò nhộn, lúc hơi vô duyên, lúc nhiều cảm xúc. Cậu đóng vai nhân vật Timms “mập” trong hình chính là James Corden – cây hài nước Anh kiêm diễn viên của hội Mike Leigh.

Trái lại, lớp của thầy Irwin có mỗi một màu: làm sao để thi đậu.

Tất nhiên người thông minh như Alan Bennett sẽ không mô tả Irwin theo kiểu phiến diện. Nếu xung đột giữa hai thầy trong phim cho khán giả thấy quan điểm và cách dạy phong phú của thầy Hec, nó cũng giãi bày cái lý của thầy Irwin – bởi nói cho cùng, từ bố mẹ đến nhà trường đều muốn các em đậu vào Oxford, đổ tội lên đầu thầy thì dễ chứ nhìn ra vấn đề mới khó.
Người duy nhất nhìn ra vấn đề, tất nhiên, là cô Lintott – tiếng nói của lẽ phải trong toàn phim. Frances de la Tour là một nữ diễn viên tài năng đầy mình, bà khoác lên mình một thần thái cứng cỏi và một vẻ mặt không chấp nhận chuyện tào lao khi đóng vai Lintott – người chỉ cho Hector và Irwin thấy cái thối của nhau. Khán giả hẳn sẽ tiếc nuối rằng sao cô không xuất hiện nhiều hơn, nhưng đây là chủ ý của Alan Bennett, do ông hiểu rằng bi kịch của những người thẳng thắn bộc trực như Lintott là không ai thèm nghe lời bà cho đến khi quá muộn.

Thầy Irwin và cô Lintott. Tuy xuất hiện ít nhưng “History Boys” sử dụng Frances de la Tour rất hiệu quả, chẳng bù với cục thối “Into the Woods”. Frances đóng vai bà khổng lồ trong phim đó, nhưng toàn bộ phim chỉ giỏi phí phạm tài năng, không như “History Boys” – nơi mỗi nhân vật đều có chỗ đứng.

Bản thân Alan đã trải qua thời gian thi thố, học hành, ôn luyện như vậy nên mọi cử chỉ, mục đích, mọi cãi vã giữa các nhân vật dù nhỏ tới đâu cũng hợp tình. History Boys hoàn toàn nghiêm túc chứ không hề hô khẩu hiệu, làm ra vẻ hay ho, ủng hộ những thứ chung chung để giật dây khán giả như cái phim Dead Poets Society dở hơi kia. Nếu phim chịu khó củng cố ngôn ngữ thị giác chút đỉnh thì sẽ hay hơn, nhưng cuối cùng nhờ cái nhìn đầy kinh nghiệm, các câu thoại dí dỏm thâm thúy của Alan mà History Boys vẫn trờ thành một tác phẩm nên xem. Ít nhất đối với ai đang đau đầu chuyện học hành thi cử, phim sẽ giúp họ hiểu rằng họ không cô đơn.

*

(Link torrent để tải phim về tại đây và tải phụ đề Tiếng Anh tại đây)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả