Trần Trọng Vũ, Christine Jean, (và cả Trần Dần) làm một “Điểm gặp” đa nghĩa
16. 05. 16 - 8:55 am
Bài và ảnh: Tịch Ru
.
Sau mỗi triển lãm, cái hay là chúng ta tìm lại được phần nào của bản thân mình trong đó. Thứ Sáu, 18h ngày 12. 5. 2016, đúng vào những ngày oi bức của Hà Nội, tại l’Espace đã diễn ra triển lãm “Điểm gặp” (The Meeting Point) của hai họa sĩ Trần Trọng Vũ và Christine Jean. Lời giới thiệu thật giản dị:
“Trần Trọng Vũ và Christine Jean cùng lựa chọn hội họa là phương tiện để thể hiện thế giới nội tâm của mình. Một bức ảnh mới đây chụp một biển hoa ở Việt Nam đã trở thành điểm gặp khởi đầu cho kế hoạch triển lãm của họ. Hai nghệ sĩ với hai hành trình ngược chiều – một người từ xa đến nơi này, và một người từ nơi này ra đi – đã quyết định tiếp tục hai con đường khác nhau của mình, một người sáng tác cho mặt phẳng bức tường, một người đi vào không gian; một người với tác phẩm hai chiều và người kia với những hình khối ba chiều. Dù lựa chọn hai con đường khác nhau nhưng giữa họ vẫn có những điểm giao thoa.”
Khung cảnh phòng triển lãm trước giờ khai mạc (nhìn từ phía cửa vào). Rất nhiều phóng viên đến sớm ghi hình.
Khán giả giả rất đa dạng các lứa tuổi. Có người già, có trẻ con, và rất đông thanh niên sinh viên cùng các nghệ sĩ.
Họa sĩ Trần Trọng Vũ (áo đen) đang nói chuyện với nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (áo trắng).
Một bạn phóng viên phỏng vấn nghệ sĩ Christine Jean với Trần Trọng Vũ trong vai trò phiên dịch.
Những người bạn thân lâu năm với gia đình nhà thơ Trần Dần (thân phụ của họa sĩ Trần Trọng Vũ) cũng đến dự. Từ trái qua phải: nhà quay phim Trần Trọng Văn (con trai nhà thơ Trần Dần), nhà giáo Phạm Toàn (tức nhà văn Châu Diên), dịch giả Dương Tường.
Họa sĩ Thành Phong đang xem tác phẩm. Đằng sau là nghệ sĩ Trần Lương (áo xám) đang nói chuyện với chị Trâm chủ Manzi.
Họa sĩ Trần Thành và họa sĩ Thọ Tường là những họa sĩ cùng lứa với anh Trần Trọng Vũ ở Đại học Mỹ thuật.
Họa sĩ Trần Trọng Vũ chụp cùng người thân. Họa sĩ Lê Trọng Lân (ngoài cùng bên trái), bà Bùi Thị Ngọc Khuê (vợ cố nhà thơ Trần Dần) và họa sĩ Kim Mỹ (ngoài cùng bên phải).
Đây là nhóm các bạn trẻ tình nguyện viên tham gia vào triển lãm.
18h20 bắt đầu khai mạc triển lãm. Giám đốc L’espace giới thiệu về hai nghệ sĩ Trần Trọng Vũ và Christine Jean. Ông nói, “điểm gặp” lần này của chúng ta là tại l’Espace và Hà Nội.
Christine Jean và Trần Trọng Vũ cảm ơn L’espace, và đặc biệt, họ cảm ơn các bạn trẻ tình nguyện viên đã giúp hoàn thành được tác phẩm.
Tác phẩm của Trần Trọng Vũ được sắp đặt ở chính giữa L’espace, bên cạnh là các tác phẩm sơn dầu của Christine Jean. Tất cả các tác phẩm đều không ghi tiêu đề, chỉ có một tên chung là “điểm gặp”. Đó là sự gặp gỡ giữa bên trong và bên ngoài.
“Một phần không gian của phòng trưng bày bị xâm chiếm bởi một phong cảnh hoàn toàn được làm bằng vải nhựa sặc sỡ.” (trích lời giới thiệu). Theo Trần Trọng Vũ, anh cố tình chọn một hình thức và ngôn ngữ khá sến (những bông hoa nhựa) mang tính “mị dân”. Mục đích là: khi mỗi bông hoa mở ra và đọc bài thơ, người xem sẽ bỏ qua hình thức phù phiếm bên ngoài.
Tác phẩm kéo dài từ mặt đất lên tới trần nhà một cách rất tự nhiên bất quy tắc. Theo Trần Trọng Vũ thì tác phẩm có sự tham gia của rất nhiều người, những ngày cuối cùng anh cũng không đến và tác phẩm đã hoàn thiện rất tốt, đúng như anh mong đợi. Vậy tức là chúng ta chỉ cần nắm bắt một tư tưởng tốt thì sẽ hình thành một tác phẩm thú vị.
Tác phẩm rất thu hút trẻ con vì nó biến không khí trang trọng ở L’espace thành một khu vui chơi công cộng.
“Người xem phải đi vào bên trong phong cảnh này để tương tác. Họ chiêm ngưỡng những bông hoa nhân tạo” (trích lời giới thiệu)
“Nhưng họ cũng có thể mở chúng ta để tìm trên những cánh hoa giả dối này nhiều ngôn từ chân thật và thơ mộng” (trích lời giới thiệu)
Và đằng sau những “cánh hoa giả dối” là những bài thơ của nhà thơ Trần Dần. “Người ta thường nói: thi sĩ đầu bù / Nhưng nếu anh cạo trọc đầu / Người ta lại nói: nhà thơ đầu trọc”
Theo Trần Trọng Vũ, đây là cách anh khai thác sự mâu thuẫn trong tác phẩm từ hình thức nội dung cho đến chất liệu thể hiện. Ta mở một bông hoa khác:“Hết một chân trời rợp rạp chân mây /Lại đến một chân mây rợp rạp chân trời.”
Những câu thơ đầy tính triết học được gói trong những bông hoa nhựa đầy “phù phiếm”:“Thơ với tôi / như tôn giáo / không nhà thờ / không giáo chủ / chẳng tăng sư.”
Những bài thơ mang đầy ẩn ý cũng như sự phản kháng cao, tạo nên mâu thuẫn: “Con người mới / không buồn / nếu quả vậy / thôi! / không làm / người mới”
Theo Trần Trọng Vũ, có mâu thuẫn mới tạo nên phát triển. Có lẽ đó là lý do vì sao cây leo “nhựa” này lại sinh sôi như thế: “tự do là vi phạm / chứ không tuân theo tất yếu”
“Đưa khán giả vào bên trong tác phẩm của mình, cho họ được di chuyển, được sống bên trong hình ảnh, được chạm đến những góc khuất sâu kín của ngôn từ, và trên hết, được phiêu lưu bên trong thế giới nghịch lý của chúng (trích lời giới thiệu): “thơ là mạng sống / là lí lịch thật đời tôi”
Lật một cánh hoa nhựa lên chúng ta: “vào đời tất cả chỉ có vé: đồng hạng/ mọi thứ đặc quyền đều sặc sụa bất công”
Câu hỏi này của cố nhà thơ mà đến nay vẫn chưa bao giờ cũ.“Ai? ai có thể thu xếp cho tôi / một thế giới hòa thuận?”
“Đôi khi hình ảnh được gợi ý bởi ngôn từ, đôi khi chính nó lại mở ra những điều phi thị giác như lời nói. Nhưng nếu như hình ảnh là cuộc tiếp cận đầu tiên của con mắt thì ngôn từ lại cần đến một sự kết nối sâu sắc hơn, vượt ra khỏi những cảm nhận thị giác ban đầu này. (trích lời giới thiệu). “thôi em ơi / đừng mất công đi vớt ánh chiều tà.”
“ai xuất bản nhiều đêm thế nhỉ?”
“tôi có vệ tinh / rồi có / nhà ga xanh / nhà ga tím / trong một vũ trụ / chẳng hiền lành”
“tôi khóc những chân trời / đã héo hết mọi giây thiêng / lại khóc những giây thiêng / đã héo hết mọi người chờ.”
Tác phẩm như một hành trình dài đã bắt đầu thì không ngừng cho đến khi kết thúc. Thật tiếc trong khuôn khổ một bài tường thuật tôi không thể miêu tả hết được, vả lại cũng để các bạn còn đi xem chứ! Chỉ xin được kết hành trình bằng một lời thơ tâm đắc của nhà thơ Trần Dần:
“tôi vỡ nợ địa cầu / vỡ nợ trăng sao / vỡ nợ chán vạn / chiêm bao / ngút mắt cò bay / xào xạc những / xớn xác đêm hè / những ngao ngán xốn xang”
Tiếp theo là các tác phẩm sơn dầu của Christine, chúng đều có một tên chung là “Điểm gặp”.
Theo lời giới thiệu thì “không gian triển lãm trên tường sẽ mở ra thế giới nội tâm của Christine Jean.”
“Trong suốt quá trình thai nghén và cho ra đời tác phẩm của mình, cô luôn lấy cảnh vật thiên nhiên làm nguồn cảm hứng và chất liệu nghệ thuật dồi dào”. (trích lời giới thiệu)
“Không chỉ đơn thuần sáng tạo nên những bức họa mà trên hết, cô muốn thiết lập một mối liên hệ với thiên nhiên bằng mọi chiều suy nghĩ,liên tưởng.”
“Với cô, hội họa thể hiện tiến trình phát triển của sự vật: sự sinh trưởng, sự lụi tàn và biến đổi – đó là tiếng vọng từ tự nhiên. Và tác phẩm nghệ thuật cũng là tiếng lòng của nghệ sỹ” (trích lời giới thiệu)
Có thể thấy được nét rõ nhất trong các tranh của Christine là những gam màu u tối.
Những chân dung nhân vật được lẩn khuất sau một lớp “thiên nhiên”
Một tác phẩm của Christine.
Không gian “mặt phẳng” u tối của Christine như bao trùm lấy không gian tươi vui giả như “giả tạo” của Trần Trọng Vũ. Đó lại thêm một “điểm gặp” nữa của triển lãm.
Một triển lãm khiến người ta phải suy nghĩ nhiều. Đó là một hành trình của cảm xúc, của thơ, của màu sắc, và như có cả tiếng nhạc – tiếng của những biến động nội tâm của ba (chứ không phải chỉ hai) nghệ sĩ cũng làm nên..
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
11:12Monday,6.6.2016Đăng bởi: Hong Do
Tranh của Jean hơi khó đối với mình. Có thể gợi ý một chút về nội dung mà Jean muốn gửi tới mọi người là gì không? :((( ...xem tiếp
11:12Monday,6.6.2016Đăng bởi: Hong Do
Tranh của Jean hơi khó đối với mình. Có thể gợi ý một chút về nội dung mà Jean muốn gửi tới mọi người là gì không? :(((
19:45Tuesday,17.5.2016Đăng bởi: Trịnh Xuân Đỉn
Tôi rất thích comment của bạn Thy Thương. ...xem tiếp
...xem tiếp