Soi học

Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn 17. 09. 22 - 1:04 pm

Sáng Ánh

Ông da đen của thành Coburg xinh xinh

Hoàng gia Anh quốc hiện mang tên họ là nhà Windsor. Trước đó nhà này mang họ Saxe Coburg Gotha, nhưng vua Edward 7 đổi họ năm 1917 trong Thế chiến thứ nhất vì đang đánh nhau với Đức mà mang họ Đức nó không tiện. Coburg là một tiểu quốc ở Bavaria miền Nam nước Đức xinh xinh và từng gá vợ gá chồng với rất nhiều vua chúa Âu châu. Nữ hoàng Victoria là con gái của một bà Saxe-Coburg, lấy chồng lại là một anh Saxe-Coburg. Họ này còn có người làm vua Portugal, Bulgary và Bỉ.

Huy hiệu của thành phố Coburg xinh xinh bên bờ sông Itz là gì? Là một anh Phi châu! Đó thấy chưa, bọn này thế đấy! Cho nó vào tỵ nạn thì nó ăn tiền xã hội rồi leo lên cờ của thành phố mà ngồi! Hay là tại vì tổng thống Obama có đến đây ăn xúc xích cùng với Anthony Bourdain? Không, đây là thánh tổ của thành phố Coburg từ 1493. Chiều dài chính thức của xúc xích Bratwurst (xin đừng nghĩ bậy), là thứ xúc xích được phát minh tại đây, là đo từ gậy chỉ huy của bức tượng Thánh tổ Sankt Mauritius da đen đặt bên trong tòa Thị chính. Xin nói rõ là đo theo gậy chỉ huy trên tay tượng này nhé.

Thánh Maurice trên huy hiệu của một số thị trấn Đức: Coburg, Sandau, Buederich và Zwickau. Ảnh ở đây 

Sao lại có người Phi châu ở đây?

Vậy 1493 đã có người Phi châu ở Đức? Không, từ trước nữa chứ và không phải là ở Đức. Vị thánh này, Maurice-Moritz-Mauritius-Maurizio, rất được chuộng tại Đức-Pháp và là thánh tổ của các vị vua của Đế quốc La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire) từ thời Trung cổ. Tên ông được đặt cho vô số thị trấn, làng mạc, nhà thờ và chủng viện Ki tô ở Âu châu. Thanh kiếm của ông được dùng trong lễ lên ngôi của các đế Áo-Hung. Đây là một thanh kiếm về sau được xác định là có vào thế kỷ thứ 12.

Cuộc họp của Hội Croissant (một tổ chức hiệp sĩ thời Trung Cổ) dưới tranh thánh Maurice, tranh của Giovanni Bellini, thế kỷ thứ XV

Vậy thế kỷ thứ 12 đã có người Phi châu vung kiếm ở Âu châu chém ai đó à? Không, đây là kiếm dỏm nhe, vì Mauritius sang Âu là vào cuối thế kỷ thứ 3 chứ không phải thế kỷ thứ 12. Ông được Giáo hội Ki tô phong thánh chẳng phải vì ông chém ai hết mà là vì ông không chịu chém và gươm ông trở thành gươm thánh vì không chịu dùng.

Trích đoạn tranh Thánh Maurice của Lucas Cranach the Elder

Người lính Phi châu trở thành vị thánh châu Âu

Vậy thế kỷ 3 đã có người Phi châu theo Ki-tô giáo? Sao lại thế được? À đó là bởi vì đường nào cũng đến thành La Mã.

Cuối thế kỷ thứ 3, đế quốc La Mã đang có vấn đề. Ở các vùng sâu vùng xa như Gaul (Pháp) hay Hispania (Spain) có loạn “bagaudae” là một dạng giặc khăn vàng. Đó là nông dân (hay thậm chí cả địa chủ địa phương) uất ức chống sưu cao thuế nặng của cường hào La và ác bá Mã mặc đồ hàng hiệu Made in Italy. Nạn này không dẹp được, diệt ở đây thì lại nổi lên ở kia cho đến tận thế kỷ thứ 5, tức là cho đến ngày tàn của đế quốc La Mã.

Như ta biết, La Mã là một đế quốc trải từ Âu sang Á và Phi, trị vì hai bên bờ Địa Trung Hải. Tại thành Thèbes (Luxor ngày nay ở Ai Cập) họ có một đạo quân lê dương (Legion). Một đội lê dương La Mã đầy đủ sẽ có 6000 quân, nhưng vào thế kỷ thứ 3, một đội quân lê dương La Mã có thể chỉ có 1000-1500 quân. Thèbes lại tít tận miền nam Ai Cập, thuộc vùng biên giới và giáp ranh với các vương quốc da đen Sudan.

Maurice (khi chưa thành thánh) là một quân nhân La Mã, da đen hay là nâu, theo đạo Ki tô và leo được lên đến hàng chỉ huy một đội lê dương. Ông được chỉ huy một đội lê dương vì ông theo đạo Ki tô à? Không, đó là dưới thời Ngô Đình Diệm, còn đây là dưới thời Đại đế Maximian! Theo đạo Ki tô tại đế quốc La Mã vào thế kỷ thứ 3 chỉ có hại cho sự nghiệp cầm quân như ta sẽ thấy.

Thánh Erasme và thánh Maurice trong tranh Matthias Gruenewald 1520-1524. Ảnh ở đây 

Giê-su Ki-tô sanh ra và giảng đạo ở cận Á chứ không phải ở cận Vatican. Người địa phương, Do Thái, Ả rạp, Ai Cập, Bắc phi là những người theo đạo Ki-tô đầu tiên trong khi La Mã, Hy Lạp, Tây Âu cũng như Đông Âu và các bộ lạc phương Bắc khi ấy vẫn còn tà giáo. Vào thế kỷ thứ 3, phần Đế quốc La mã chẳng những còn ngoại đạo mà người theo Ki-tô giáo còn bị chính quyền mang ra rạp hát cho sư tử cắn chơi làm trò vui.

Maurice vì ở miền xa của Đế quốc La Mã nên chẳng ai ngăn cấm ông và binh sĩ theo đạo Ki-tô. Đội quân lê dương của ông được triệu về dẹp loạn bagaudae tại Âu châu. 1000 quân da đen gươm giáo nai nịt chỉnh tề từ Ai Cập sang La Mã cùng các đơn vị bạn dẹp bọn nông dân khố rách da trắng đang nổi dậy. Trong đám cùng đinh nổi dậy này có người theo đạo Ki-tô hay là có cả một làng Ki-tô phải tận diệt thì ta không rõ. Nhưng đội lê dương thành Thèbes đã từ chối lệnh tàn sát người đồng giáo, và La Mã bèn áp dụng quân luật cứ 10 người xử tử 1 người. Đội quân lê dương vẫn ngoan cố khiến La Mã tưởng mày chưa hiểu hả, tao xử thêm lần nữa và cứ 10 đứa giết thêm 1 đứa. Chỉ huy của Lê dương thành Thèbes là Maurice bèn phát biểu, luật trời là trên hết chứ không phải là quân luật La Mã. Đại đế Maximian bèn ra lệnh xử tử Maurice và toàn bộ đạo lê dương da đen thành Thèbes. Maurice và quân sĩ của ông như vậy là tử vì đạo và ông được phong Thánh.

Tượng thánh Maurice (1250) tại thánh đường Magdeburg, Đức. Cùng với Thánh Catherine của thành phố Alexandria (Ai Cập). Ông là thánh tổ của thị trấn Magdebourg. Ảnh ở đây 

Tên của thánh Maurice là phiên bản của tên gọi dân tộc Moor phía Tây bắc Phi châu, như là Morocco, Mauritania. Tại Đức- Áo Moor chỉ người Bắc Phi hay người Phi châu và da đen, da màu như trong vở kịch Othello (“ Người Moor thành Venice”) của Shakespeare. Giáo hội Ki-tô có rất nhiều vị thánh nhưng Thánh Maurice được chuộng đặc biệt. Ngay tại Sài Gòn ngày nay, chung cư St Moritz Phạm Văn Đồng (“ Biểu tượng thượng lưu”) mang tên ông mà không biết, có lẽ chỉ biết St Moritz là thị trấn du lịch trượt tuyết nổi tiếng ở Thụy Sĩ.

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả