Khác

TRẦN TRỌNG VŨ sẽ nhận giải Pollock-Krasner 04. 10. 11 - 2:57 pm

Frédéric Jourdain

 

Quỹ Pollock-Krasner tại New York được thành lập năm 1985, với mục đích sử dụng tài sản để lại của họa sĩ Jackson Pollock (1912 – 1956) và bà góa phụ người đồng nghiệp của ông, họa sĩ Lee Krasner (1908 – 1984), nhằm hỗ trợ cho các nghệ sĩ tạo hình trên toàn thế giới có thành tích nghệ thuật và có nhu cầu được ủng hộ tài chính để làm việc. Tiêu chuẩn đầu tiên trong việc lựa chọn nghệ sĩ là tác phẩm, kế đến là lý lịch nghệ thuật và quá trình làm việc của nghệ sĩ. Cũng phải kể đến những địa điểm nghệ thuật chuyên nghiệp mà ở đó nghệ sĩ đã thực hiện hoặc trưng bày tác phẩm của họ, ví dụ những không gian nghệ thuật và các bảo tàng nghệ thuật. Một tiêu chuẩn quan trọng khác là mỗi nghệ sĩ phải được bảo vệ bởi ba nhân vật của giới chuyên môn, ví dụ bởi các nhà lý luận phê bình, các nhà giám tuyển nghệ thuật chuyên nghiệp… Giải Pollock-Krasner được trao hàng năm cho các nghệ sĩ. Những nghệ sĩ được chọn sẽ sử dụng số tiền kèm theo để làm việc trong một năm.

Một trong những nghệ sĩ sẽ nhận giải Pollock-Krasner 2011 – 2012 là Trần Trọng Vũ (người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Pháp), với số tiền thưởng là 20.000 US.$.

Nhân dịp này SOI giới thiệu với độc giả bài viết của Frédéric Jourdain về một triển lãm gần đây của Trần Trọng Vũ, tại Espace Ecureuil – la Fondation pour l’Art Contemporain, Toulouse, Pháp.

*

Trần Trọng Vũ “18 đề nghị của cái không thể”

.

SỐNG NƠI CÔNG CỘNG VÀ RIÊNG TƯ

Tôi muốn đề tặng những thư từ này cho một mẩu tin vặt khó xác thật. Một người đàn ông biến mất trong buồng tắm của anh vào một buổi tối tháng giêng năm 2011 không để lại thư cùng địa chỉ. Thân thể anh sẽ không bao giờ được tìm thấy. Mẩu chuyện khó tin này là một trong những tai nạn của cái không thể.”

– Trần Trọng Vũ, Thư từ của một người đàn ông đơn độc, “Ngày thứ nhất của cái không thể”

 

Trần Trọng Vũ là một nghệ sĩ gốc Việt tự nguyện lưu vong sang Pháp đã từ 20 năm. Sự nghiệp của anh được đánh dấu một cách sâu sa bởi ám ảnh của lưu vong và của kỷ niệm về những năm tuổi trẻ dưới chế độ cộng sản. Tự kể đời mình là cột xương sống làm cấu trúc cho công việc của nghệ sĩ, và bố cục những tác phẩm trong không gian triển lãm tương tự như một cuộc hành trình bên trong cuộc đời anh. Những tác phẩm này tuy nhiên không kể gì cả về những gì anh đã sống hoặc đang sống, nhưng chúng đưa chúng ta vào trong quan hệ của anh với thế giới, với lịch sử, và với những chuyện khác nữa.

Cũng vậy, để phù hợp với đặc điểm kiến trúc của không gian triển lãm, Trần Trọng Vũ đã tập hợp ở tầng trệt tất cả những tác phẩm liên quan tới đời sống bên ngoài của anh, và ở tầng hầm, tất cả những gì được gửi vào nơi thầm kín của đời sống bên trong. Tác phẩm rõ nét trong triển lãm là một câu chuyện viết mới đây bởi chính nghệ sĩ: Thư từ của một người đàn ông đơn độc, dưới hình thức một cuốn sách hoặc một tác phẩm xếp đặt. Đây là cuốn nhật ký tự sự viết cho một nhân vật phóng tác, tuy vậy quan hệ của họ đã để lại những hậu quả nặng nề cho hiện thực con người và người nghệ sĩ trong anh. Mỗi một đề nghị của 18 đề nghị mở cửa vào một lối thoát có thể và không thể. Chúng chứa đựng bên trong toàn bộ cái nghịch lý mà nguồn gốc sâu sa được tìm thấy từ kinh nghiệm đau đớn của lưu vong.

.


.

TIN NHANH: BẢN TIN THỜI SỰ TRÊN GIẤY DÓ

Tôi vừa đưa một người về nhà anh ta bằng xe hơi sau bữa ăn tối, không xa lắm, rồi tôi tiếp tục lái xe đi mà không biết sẽ đi đâu. Những ngoại ô thật sự xấu xí. Rồi tôi đỗ xe lại, tôi đi bộ theo chiều dài một phố không quen. Trời lạnh lắm và phố vắng người. Tôi bước đi mà không ý định dừng chân để uống một ngụm không khí ẩm ướt của đêm, với không một mong muốn quay lại để trở về nhà.”

– Trần Trọng Vũ, Thư từ của một người đàn ông đơn độc, “Ngày thứ năm của cái không thể”

 

Tác phẩm của Trần Trọng Vũ được nuôi dưỡng bởi một bản huyền thoại cá nhân làm bằng những dấu hiệu, những đồ vật, những khuôn mặt, và những họa tiết. Kết hợp với những yếu tố này thường xuyên là những chữ viết mà ý nghĩa đè nặng lên tác phẩm với toàn bộ trọng lượng của nó, và con số, kích cỡ, và vị trí của chữ viết trong bố cục tham gia vào ý nghĩa của tác phẩm. Lần lượt đứng riêng lẻ, hoặc lặp lại cho tới khi đầy chặt, chúng tạo dựng cùng với những yếu tố tạo hình khác một kiểu “văn học thị giác” như chính nghệ sĩ đã tự định nghĩa.

Loạt tranh Bản tin nhanh là một bản nhật báo bằng hội họa ngày ngày diễn đạt lại những suy nghĩ và những hoảng sợ của nghệ sĩ. Những khuôn mặt tươi cười, những bộ mông, những bông hoa, những bồn vệ sinh, vòi nước, cơn mưa, chiếc vali, được biến hóa nơi đây mà không lặp lại. Toàn bộ có thể đổi chỗ cho nhau đến vô cùng như một trò chơi để cho khán giả luôn luôn khám phá những bộ xếp hình mới: mưa và khuôn mặt hoặc là khuôn mặt và bồn vệ sinh hoặc là vòi nước, cơn mưa, khuôn mặt v.v… Lối vẽ giản dị và dễ hiểu này được kết hợp với một ngôn ngữ tạo hình mà người ta có thể liên tưởng đến thẩm mĩ của Pop Art hoặc thẩm mỹ nhà quê. Hình vẽ hào nhoáng thu hút con mắt người xem như những lá cờ và những bộ quân phục của những cuộc diễu hành quân sự. Những màu sắc sống động, được bôi nhanh hoặc chuyển sang những mảng bẹt hoàn hảo, đồng nhất và nhẵn nhụi, và đôi khi được viền bởi một nét vẽ đen như trong tranh truyện. Sự nghèo nàn của chất liệu sử dụng làm mặt tranh, như tấm nhựa hoặc giấy dó thô sơ (thường được sử dụng ở Việt Nam để gói hàng) lý giải mối quan hệ giữa người xem và tác phẩm. Chúng thể hiện quan niệm hội họa nơi Trần Trọng Vũ: một phương tiện đơn giản và đương nhiên, để gửi tới người xem suy tư của một người đàn ông đơn độc khi đối diện với quá khứ của anh.

.

NHỮNG XẾP ĐẶT: TRÒ CHƠI VÀ NỖI SỢ

Tôi tin rằng phần lớn nhân sinh đều ưa thích hơn những mối quan hệ không nóng bỏng đặc trưng cho nhân loại, dường như thân thể dễ đổ vỡ của họ không thể chịu đựng nổi những nhiệt độ ở bên kia con số 37, và dường như họ lo sợ bị lên cơn sốt. Con trai tôi trước đây cũng bị sốt rất cao khi mọc những chiếc răng đầu tiên. Để tôi vô cùng hoảng sợ.”

– Trần Trọng Vũ, Thư từ của một người đàn ông đơn độc, “Ngày thứ sáu của cái không thể”

 

Bản thân những phương thức trình bày tự bảo dưỡng một mối quan hệ mập mờ với người xem: Những tác phẩm xếp đặt là những tấm nhựa treo từ trần nhà mời người xem đi lạc vào bên trong những hình thể được vẽ, trong khi những tranh làm trên gương lại giam giữ hình bóng của chúng ta trong cái thế giới lo lắng của nghệ sĩ. Giống như những trò tiêu khiển của
hội chợ giải trí: người ta đến đấy để tham gia trò chơi và người ta tìm thấy ở đấy nỗi sợ hãi.

 

*

NHỮNG ẢO ẢNH CỦA CHIẾN TRANH

Người xem được chào đón vào triển lãm bằng một cơn mưa hoa màu sắc mạnh mẽ và sống động. Tuy nhiên sự có mặt của những người lính trang bị vũ khí và mặc quân phục lại nhanh chóng làm người xem lo lắng khi họ bỗng hiểu mình đang đứng trong một cuộc chiến, trong những làn đạn giao nhau của những người lính. Hình thể Á châu và những bộ quân phục, người ta cứ ngỡ rằng những người đàn ông này bình đẳng, giống hệt nhau, hình như là bạn bè với nhau, lại sẵn sàng dấn thân vào cuộc tàn sát. Nhưng hãy chú ý, những chi tiết ẩn ý của bộ quân phục đã có thể cho chúng ta biết rằng họ giống nhau đấy nhưng họ chiến đấu cho đến chết: Bắc Triều Tiên chống Nam Triều Tiên.

Như vậy Trần Trọng Vũ dàn dựng lại sự mập mờ và sự vô lý của chiến tranh. Chiến tranh là mập mờ bởi vì nó luôn giấu mặt phía sau những ảo ảnh. Người ta tin vào những bông hoa này và vấn đề là tại những cú nhả đạn. Nghệ sĩ tố cáo ở đây sự quyến rũ của chiến tranh và chiến tranh bao giờ cũng giấu kín những hậu quả giết người của nó vào sau những lời hứa của tự do. Giống như khán giả, nhanh chóng bị cuốn đi bởi tác phẩm, người ta thấy mình đang tham dự vào cuộc xung đột mặc dù không thực sự ham muốn. Chiến tranh này là vô lý bởi vì mọi nhân vật chỉ khác biệt nhau ở mỗi bộ quân phục.

.


.

KÝ ỨC XANH

Trong xếp đặt này Trần Trọng Vũ phân giải cho chúng ta và phân giải cùng với chúng ta người khán giả những vận hành của cơn điên loạn dịu dàng và giả dối ở mỗi con người, gây nên bởi những luật lệ xã hội. Nụ cười chế tạo sẵn của những nhân vật và sự tôn trọng nghiêm ngặt của âu phục thắt cà vạt đảm bảo cho nhóm người này một sự đồng nhất không thể chối từ trên nền trời xanh, quá xanh để được tự nhiên. Tuy nhiên thái độ ước lệ này mang lại những hậu quả nặng nề cho mỗi cá nhân: thân thể anh ta đang bị hóa lỏng mà không hề biết. Giảm đi chỉ còn một mặt phẳng, anh ta mất đi độ dầy. Ở mặt sau những nhân vật tươi cười này, chỉ vài cá nhân được vẽ lưng. Tất cả những nhân vật khác đều mang hai bộ mặt và dâng hiến cho mọi người những nụ cười giả tạo của họ trong mọi trạng thái. Bằng cách phô diễn như thế, những diễn viên đầy hứa hẹn này đưa khán giả đến với tính giả tạo và mập mờ của những dáng vẻ bên ngoài.

.


.

CĂN PHÒNG MƯA

Ngày thứ mười bốn tôi cũng nghĩ tới một tác phẩm xếp đặt khác, trong một căn phòng ngay cạnh tác phẩm mới làm, đó sẽ là “Căn phòng mưa” với một dị bản mới, tôi muốn xé rách ở đấy một cái gì đấy và vứt nó khắp nơi dưới mưa. Hai tác phẩm xếp đặt sẽ đi cùng nhau và sẽ thuộc vào nơi thầm kín sâu thẳm nhất của tôi

– Trần Trọng Vũ, Thư từ của một người đàn ông cô độc, “Ngày thứ mười bốn của cái không thể”

 

Căn phòng mưa là một tác phẩm xếp đặt gồm những tấm nhựa mà toàn bộ bề mặt của chúng được phủ bằng những nét vẽ nhỏ và đen tượng trưng cho mưa.

Người xem nhanh chóng bị cuốn vào phía sau một “tấm màn mưa”, tắm trong ánh sáng xanh lá cây và đắm đuối bởi âm thanh của những đài phát thanh đang đồng thanh nhả ra những chương trình khác nhau. Dưới chân người đi, phủ đầy sàn nhà là nhiều bản photocopy ảnh chân dung của Trần Trọng Vũ bị xé rách. Tất cả có vẻ muốn nói với chúng ta: dưới mưa
bạn có thể hoàn toàn khóc trong sự kín đáo, bạn có thể mặc sức diễn đạt sự mất mát sâu thẳm của bạn, sẽ không ai nhìn thấy nước mắt chảy trên má bạn, bạn sẽ tiếp tục lắng nghe những giọng nói rời rạc của thế giới bên ngoài nhưng nỗi cô đơn của bạn sẽ là tất cả.

Căn phòng mưa nhắc nhở lại sự hiện diện của mưa rải rác trong sáng tác của nghệ sĩ. Mưa lần lượt diễn đạt ở đấy sự hóa lỏng đang đe dọa một người bị những nguyên tắc xã hội lấy đi sự cân bằng và diễn đạt lại cuộc giải thoát của tình cảm thông qua nước mắt. Trong tiếng Việt, nghệ sĩ mang tên Vũ: cái tên có nghĩa là mưa.

.

THƯ TỪ CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐƠN ĐỘC

Khi xem một cảnh đẹp tôi nhanh chóng quên đi trong khi đó câu chuyện của người đời, tôi lại nhớ mãi” – Trần Trọng Vũ.

 

Khi chọn hình thức viết Thư từ của một người đàn ông đơn độc, nghệ sĩ nghiễm nhiên đã thực hiện cái dự án không thể nhất trong những dự án của anh. Nếu, giống như nghệ sĩ, ta khởi đầu từ nguyên tắc đương nhiên rằng cái không thể chứa đựng một cách tiềm tàng cái có thể, dự án này trở thành tác phẩm lộ rõ dưới ánh sáng mà nhờ nó tất cả những tác phẩm khác của Trần Trọng Vũ tìm thấy ý nghĩa và sự hợp lý của chúng.

Kinh ngạc bởi một cái tin vặt được tìm thấy trên báo và kể lại sự biến mất bất ngờ và không thể giải thích nổi của một người đàn ông trong buồng tắm của anh ta. Trần Trọng Vũ quyết định thực hiện một cuộc viết thư để kết nối tình bạn với người mất tích. Dự án viết này đưa vào một trở ngại duy nhất: ngày nào cũng viết trong suốt một năm. Thế là, ngay từ “ngày thứ nhất của cái không thể”, nghệ sĩ ở ngôi thứ nhất gửi thư tới người đàn ông. Anh kể với người này những suy nghĩ thầm kín của người nghệ sĩ, của người cha, của con người trong anh. Anh gọi anh ta là “bạn” và chia sẻ với người đọc những khó khăn của mối quan hệ một chiều này. Nhưng cuộc trao đổi thư từ không thể lấp đầy nỗi cô đơn của người viết và mãi mãi không ai trả lời anh. Khi tìm cách đối thoại với người mất tích anh chỉ tìm thấy bản thân anh và, giống như nhân vật Hoàng Tử Nhỏ của Saint Exupéry mà anh trích dẫn nhiều lần, anh đi tới nhận thức rằng tình yêu dẫn đến đau khổ giống như cái có thể dẫn đến cái không thể.

Ở ngày thứ hai mươi mốt chính cuộc tiếp cận đến con người này lại trở thành một thử thách quá khó khăn để sống: anh ngừng viết. Thế là bản viết được in ra rồi bị vò nát và tất cả những thê lương của từng trang giấy biểu đạt nên nỗi đau khổ của cuộc viết thư. Bản viết thế là được trình bày trong trạng thái này: treo lơ lửng trong không gian giống như đang tắm trong một vùng nước đen đầy nước mắt.

.

 

*

Bài liên quan:

– Trần Trọng Vũ: 18 đề nghị cho cái không thể
– Hãy lạc vào thế giới đầy màu sắc và trong suốt của Trần Trọng Vũ
– TRẦN TRỌNG VŨ sẽ nhận giải Pollock-Krasner

Ý kiến - Thảo luận

13:33 Wednesday,5.10.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN CÔNG TÂM – http://gallery3b.com/artist/HSNguyen/
Đối với nghệ thuật hiện đại thì không nên phân biệt GIANH GIỚI của từng thể loại nghệ thuật, cốt là hiệu quả, bản thân cái đẹp không có biên giới.

Tôi không hề bênh vực anh Trần Trọng Vũ, nhưng anh cùng thời với Trương Tân và Nguyễn Minh Thành mà còn chịu làm mới mình, thì cũng đáng khuyến khích đấy chứ.
...xem tiếp
13:33 Wednesday,5.10.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN CÔNG TÂM – http://gallery3b.com/artist/HSNguyen/
Đối với nghệ thuật hiện đại thì không nên phân biệt GIANH GIỚI của từng thể loại nghệ thuật, cốt là hiệu quả, bản thân cái đẹp không có biên giới.

Tôi không hề bênh vực anh Trần Trọng Vũ, nhưng anh cùng thời với Trương Tân và Nguyễn Minh Thành mà còn chịu làm mới mình, thì cũng đáng khuyến khích đấy chứ. 
12:01 Wednesday,5.10.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Đây là một con người dám từ bỏ nhiều thứ để dấn thân cho "củ nghệ" , bôn ba xứ người mà vẫn nặng lòng về cố hương, ăn bánh mì bơ sữa mà vẫn nhớ rau muống canh cà. hi. "một tài năng, một bản lĩnh. cao mà lại xa, mới ma vẫn lạ".
...xem tiếp
12:01 Wednesday,5.10.2011 Đăng bởi:  mua xuan
Đây là một con người dám từ bỏ nhiều thứ để dấn thân cho "củ nghệ" , bôn ba xứ người mà vẫn nặng lòng về cố hương, ăn bánh mì bơ sữa mà vẫn nhớ rau muống canh cà. hi. "một tài năng, một bản lĩnh. cao mà lại xa, mới ma vẫn lạ". 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả