|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnSáng mát trong như sáng tháng Năm… 25. 05. 16 - 9:12 pmLê BàngMột sáng Chủ nhật của tháng Năm, tỉnh dậy sớm, nằm đờ ra trên giường như vẫn thường vậy mỗi khi quá chén đêm trước, nhìn qua cửa sổ đợi trời dần sáng, rồi tiếng phố xá leng keng vọng vào, tiếng loa phường rộn ràng nhắc nhở việc đi bầu cử, tiếng trẻ con trong nhà đứa này đứa kia lần lượt dậy, cãi cọ khóc lóc xong mở tivi.. Ngày mới bắt đầu. Nhớ có người dặn đi bầu cử cho sớm để tổ bầu cử còn được nghỉ. Ăn mặc chỉnh tề sắp ra đến cửa thì gặp ông già hối hả đi vào, bảo bố quên chứng minh thư rồi, mà đi đâu cứ đi đi, để đấy bố bầu luôn cho cả nhà. May, ông già mà không quên giấy tờ thì mình đã bị tước mất quyền công dân ngay và luôn một cách vô tư thế chứ… Bỏ phiếu xong, sau khi đã cẩn thận không để nhầm các thùng xanh đỏ trắng vàng, lại về nhà thay vào bộ thể thao rồi chạy vòng quanh Bờ Hồ, vừa là tận hưởng không khí lâng lâng của buổi sáng đầu hè, lại tiện đổ mồ hôi mà tống hết đống cồn còn đậm đặc trong người từ tối qua ra. Bờ Hồ tháng Năm thật đẹp. Từ ngày có thói quen chạy bộ buổi sáng, bỗng nhận ra tuy giao thông quanh hồ có hối hả chen chúc thế nào, không khí sát quanh hồ vẫn cứ mát rười rượu và gió hồ vẫn cứ lồng lộng. Ngang cà phê Lục Thủy khách ngồi đông đúc. Qua khu Cá mập cờ đỏ giăng đầy. Đối diện Tháp Bút, âm thanh vang vang hỗn độn của chùm loa phường nơi tượng đài Cảm tử hối thúc nhân dân đi bầu. Trên đường chạy gặp khối người quen hàng ngày, tay bắt mặt mừng rất vui cứ như là lâu lắm rồi chưa gặp. Vòng qua khách sạn Metropole, liếc sang thấy quán cafe trên vỉa hè trước mặt khách sạn đầy kín khách, mà sao toàn các anh Mỹ to cao vạm vỡ, tuy mặc thường phục nhưng nhìn biết ngay dân thủy quân lục chiến. Chợt nhớ ra ngày mai tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam. Ba đời tổng thống Mỹ, ông nào cũng sang nước mình vào cuối nhiệm kỳ. Ờ thì cũng hơi buồn vì sao lại chỉ cuối nhiệm kỳ, nhưng phải cất công qua thế này thì đủ biết vị thế địa chính trị của nước mình quan trọng thật không thể bỏ qua. Nhưng với một người bố sắp phải về nhà đưa con đi học thêm như tôi, mối quan tâm về chuyến thăm này của tổng thống Obama không dám ở mức vĩ mô, mà chỉ đơn giản ở một điểm trong nghị trình làm việc của ông, là xây dựng Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam. FUV ở Việt Nam sẽ hoạt động không vì lợi nhuận, có vốn đầu tư để thực hiện dự án là 70 triệu USD. Các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của trường sẽ nhận được hỗ trợ học thuật của các trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ. Việc tuyển sinh của FUV sẽ không chỉ dựa vào điểm thi, mà dựa trên việc đánh giá một cách toàn diện như với các trường đại học ở Mỹ. Ám ảnh bởi “Em phải đến Harvard học kinh tế“, bởi “Khúc chiến ca của mẹ Hổ“, từ lâu nhiều ông bố, bà mẹ đã quyết sẽ rèn cho con theo hướng phát triển toàn diện, ngoài học văn hoá ở trường còn các kiểu luyện IQ EQ, cầm kỳ thi hoạ thôi thì đủ cả. Ngay ở trong nhà, lắm khi thấy thằng bé con mới gần 10 tuổi mà lịch trình học tập kín mít như cán bộ cũng thấy mà thương, nhưng rồi lại nghĩ, không phấn đấu để vào được một trường đại học quốc tế hàng đầu thì cũng mất đi rất nhiều cơ hội để thành một công dân toàn cầu, để sống và trải nghiệm cuộc đời một cách lí thú. Đã chọn mục tiêu vào được đại học quốc tế có nghĩa là phải chọn đánh đổi, chọn một cách “luyện thi” khác, một hệ thống khác, tức là có “rủi ro”, nghĩa là nếu chẳng may thằng bé không lấy được học bổng nước ngoài thì cơ hội vào các trường trong nước cũng khép lại. Du học tự túc cũng là một khả năng đấy, nhưng là chủ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đâu thể chắc chắn rằng mình sẽ xoay đủ tiền cho con đi học khi cần, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất trắc lúc này. Vậy nên vừa chạy, vừa nghĩ đến món quà quý mà Obama đã mang đến Việt Nam. Một quốc gia như Mỹ, vì luôn nhận thấy trên cơ thể con người cái đầu là quan trọng nhất nên sẽ không cần chiếm đất chiếm biển, mà chỉ tạo ảnh hưởng bằng thay đổi tư duy. Đại học Fulbright ở Việt Nam sẽ cho con cái chúng ta có cơ hội được du học tại chỗ, với mức chi phí chắc chắn sẽ thấp hơn và chất lượng chắc chắn sẽ cao hơn so với nhiều du học nước ngoài khác. Bố mẹ không phải xa con, con sẽ vẫn học được những thứ đúng tiêu chuẩn “toàn cầu” (đúng hơn là chuẩn Mỹ) và vẫn có thể cuối tuần chạy bộ cùng bố một vòng hồ Gươm. * Tên bài lấy ý từ câu đầu trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|