Chính trị

“Rody” Duterte: tân tổng “đại sát thủ” đào hoa và sợ ma 29. 05. 16 - 6:48 am

Sáng Ánh

 

Hình từ trang này

Trump châu Á

Tổng thống tân cử của Philippines, ông Rodrigo “Digong” hay “Rody” Duterte (71 tuổi) là một nhân vật đa diện, khó nắm bắt và phức tạp. Trong những trường hợp như vầy, truyền thông đại chúng hoàn tất nhiệm vụ thông tin của mình bằng cách đơn giản hóa tối đa và trưng ra góc cạnh nổi bật nhất và dễ dãi nhất. Đây ngược với trường hợp của một nhân vật đơn giản, thí dụ một hoa hậu nào đó. Trong trường hợp này, truyền thông sẽ bảo là cô đẹp thôi không đủ, cô phải thêm tài cắm hoa hay múa kiếm, đọc nhiều sách nước ngoài bằng nguyên tác và có tâm sự buồn, là những khía cạnh không được nổi (bần) bật của cô mấy. Trở lại ông Duterte, ví von là một cách diễn tả nhanh gọn và với truyền thông nước ngoài, không có ai hết để ví với, thì họ gọi ông là Donald Trump của Philippines.

Hình từ trang này

Cách này nhanh và gọn, kiểu Shakespeare là Nguyễn Du của Anh quốc. Cũng như Trump, Duterte là một người tương đối tăm tối trên chính trường tầm quốc gia, một người thành công trong lãnh vực tương đối hạn chế của ông và hoàn toàn mạnh miệng, bất ngờ được sự hưởng ứng của quần chúng cử tri nhờ tác phong bình dân chủ nghĩa. Hai phát biểu nổi nhất của ông này là:

– Một nữ con tin người Úc và có nhan sắc bị tù nhân nổi loạn hãm hiếp rồi giết. Nhìn xác nạn nhân và khen là diễm lệ như minh tinh màn ảnh, ông bảo tiếc quá, hãm hiếp người ta thì đúng ra phải để cho Thị trưởng đi đầu (Duterte lúc đó là thị trưởng thành phố Davao).

– Lên làm tổng thống, tôi sẽ giết hết bọn con đồ, tội ác, giết sạch và đổ 100.000 thây của chúng xuống vịnh Manila.

Hình từ trang này

Đây cũng cận với những phát biểu của ông Trump như về ái nữ, “Cô đẹp quá, nếu không là con ruột tôi thì tôi đã tán tỉnh rồi”; hay là, “Tôi sẽ cấm bất kỳ người nào đạo Hồi đặt chân lên đất Mỹ”. Ai muốn nói nhăng cuội gì thì nói, nhưng điểm tương đồng là hiện ông Trump đã đạt chức ứng viên của đảng Cộng hòa, gạt 16 người khác rơi khỏi đài lõm bõm và ông Duterte đắc cử tổng thống Philippines, đánh bại tinh hoa chính trị của nước này mặc dù ông ghi danh tranh cử vào giờ chót (theo nghĩa đen) và ngại ngần đến nỗi ái nữ của ông phải xuống tóc cạo đầu để thuyết phục cha.

Làm gì theo sở thích?

Sau khi nhậm chức cuối tháng 6, Duterte sẽ làm gì thì chưa biết được, thích gì thì làm nấy thôi, cũng như thích sao nói vậy.

Tại một đất nước 80% tín đồ công giáo sùng đạo, Duterte từng gọi giáo hoàng là “Mẹ đĩ hắn, sao không ở nhà mà sang đây làm gì để tắc đường giao thông”. Sau khi đắc cử, hiện ông đang đối khẩu với giáo hội và gọi các giám mục là mấy “cha” mẹ đĩ, đạo đức giả, tham nhũng, xâm phạm tình dục trẻ em và chỉ được cái xin tiền! “Nhưng nào có cản tôi được bầu lên đâu”, làm gì nhau nào.

Nhưng dưới hình thức dung tục của các phát biểu dễ nghe này (chí ít là với 40% cử tri Philippines đã dồn phiếu cho ông), là chính sách ngừa thai và kế hoạch hóa gia đình của Duterte, là ủng hộ của ông với thành phần đồng tính, chuyển giới tính trong xã hội (“Ai thì cũng có quyền luyến ái hạnh phúc”) ngược lại với đường lối của giáo hội. Rộng hơn, hiện tượng Duterte phản ánh sự suy thoái của ảnh hưởng của giáo hội La Mã tại đất nước Nhất Cha, nhì Tướng hay Nhất Tướng, nhì Cha nhưng thật ra Đại chủ làm trùm.

Rodrigo Duterte khi còn là thị trưởng Davao đi vận động tranh cử, với đội ngũ ủng hộ viên rất nhiều phụ nữ. Ảnh: Mohd Rasfan/Getty

70% tài sản của cả nước Philippines nằm trong tay của 40 gia đình đại chủ. Từ một quốc gia phát triển hàng đầu Đông Á 100 năm về trước và chỉ có đứng sau Nhật Bản, Philippines hiện nay là gương xấu cho khu vực. Quyền lực chính trị và kinh tế liên tục nằm trong tay nhóm này , dù quân phiệt hay dân chủ thì vẫn là định hướng của giai cấp đại tư sản, đại khái (đến lượt người viết này ví von dễ dãi), hết Bush đến Clinton rồi giờ hoặc Clinton hoặc Bush.

Tự nhận không sạch tức là sạch?

Về thân thế, luật sư Duterte thuộc giai cấp trung lưu, 20 năm làm thị trưởng thành phố Davao. Ông là con của một tỉnh trưởng Davao trước kia (Philippines có 81 tỉnh) và một giáo viên. Theo ông thì ông thích phụ nữ hơn là thích học. “Người ta đồn tôi là một người háo sắc. Quả đúng là như vậy. Chính xác hoàn toàn”.

Trong sự kiện “Mad for Change” tại Mckinley West Open Field, 29. 11. 2015, Rodrigo Duterte khi ấy là thị trưởng Davao đã ôm hôn nhiều người ủng hộ. Cô này là một trong số đó. Ảnh: Grig Montegrande

Ông ly hôn và sống chung với một bà y tá tại Mỹ ông quen khi làm đại biểu quốc hội và sang đó công du khiến bà mang bầu. Trước 10.000 cử tri ông tâm sự, “Tôi có hai bạn gái (nữa). Một cô làm thu ngân và một cô bán hàng mỹ phẩm trong thương xá. Tôi không hỗ trợ cuộc sống của họ bằng tiền nhà nước mà bằng tiền lương của tôi. Họ không ở chung cư cao cấp mà ở nhà trọ công nhân viên 80 USD. Cô bán mỹ phẩm trẻ hơn nhưng cô kia đẹp hơn. Trước kia thì tôi có thể qua đêm với bạn gái, nhưng giờ lớn tuổi tôi chỉ thăm có chốc lát! Có bận cái cô trẻ đòi tôi mua cho cô một cái xe con cũ bị nhà nước xiết. Tôi bảo mình chỉ đi với nhau từ nhà trọ ra khách sạn, em cần gì xe!” Đây là gương cho các nhà playboy cần kiệm học tập. Bao Tự mà gặp Duterte thì chỉ có nhăn mặt mà vá yếm trong chòi chứ làm gì có chuyện xé lụa!

Không biết chuyện này tổng giám mục Manila có nghe được không, theo Duterte, ngài từng xin tổng thống Arroyo một cái xe xịn và bà thuận, thay vì trả lời, ngài chỉ đi từ nhà thờ chính đến dinh, cần gì xe xịn (phần nhận xét này là của người viết, không phải của ông Duterte).

Rodrigo Duterte với bà vợ cũ Elizabeth Zimmerman-Duterte vào sinh nhật lần 68 của bà hồi tháng Tư 2016. Bà cũng tham gia chiến dịch vận động tranh cử cho ông. Ảnh từ trang này

 

Cô y tá Cieleto “Honeylet” Avanceña. Hình từ trang này

Duterte sống tại một căn hộ bình thường và tài sản của ông là 500.000 USD tính cả cái nồi cơm điện (vật gia dụng nói chung). Khi báo chí đến thăm nhà và thấy giày dép la liệt, Duterte nói, “Đây là thú duy nhất mà tôi chia sẻ với lại bà Marcos”. Bà này khi bị lật đổ, phát hiện ra là có 3000 đôi giày và 2.000 nịt vú, 1000 cái trắng và 1.000 cái đen, tức là thay giày nhanh hơn thay nịt vú.

Người hùng đa mặt trận, bạn của đa phương

Ngoài những chuyện kiểu thế này, (“Nhờ Viagra tôi thay đổi cuộc sống”), Duterte có một chính sách giúp đỡ phụ nữ tại thành phố nhà. Nghe đâu ông định thành lâp một nội các kiểu thủ tướng Trudeau tại Canada, gồm 50% đàn bà. Nhưng thành tích của ông là về mặt an ninh xã hội. Davao trở thành thủ phủ của bình yên trong khu vực Đông Á, chí ít là của Philippines, không có băng đảng, trộm cướp, công an được người dân tin tưởng, cảnh sát không đòi quà (“Anh không đòi quà”). Duterte đi tuần tra ngày đêm để bắt tội công an lười biếng hay vòi tiền nhưng cũng nâng đỡ cuộc sống của họ bằng cách phân phát cho gia đình họ gạo muối để họ bớt tham nhũng. Theo Human Rights Watch, ông dựa vào các lực lượng “hiệp sĩ võ trang”, một phần là du kích cộng sản quy hàng, để loại 1500 băng đảng bằng cách bất chính tức là không có tòa án, xét xử gì hết. Theo kiểu của ông, yêu là đi bộ đến khách sạn, xe pháo để làm gì. Còn cướp là bắn, chẳng cần chánh án với lại kiểm sát! Trẻ em vị thành niên không được ra đường ban đêm, thuốc lá cấm hút nơi công cộng (Duterte từng được ủy ban quốc tế chống thuốc lá nào đó trao giải, nhưng tôi nhận làm mẹ gì). Bia rượu bị giới hạn mặc dù đây là loại hàng son của tài phiệt bản địa. Làm tổng thống, ông hứa sẽ loại trừ tội ác và áp dụng các biện pháp tại Davao (1,5 triệu dân số) cho cả nước.

Hình từ trang này

Davao ở cực Nam Philippines và thuộc khu vực có lẫn cả kháng chiến du kích cộng sản lẫn hồi giáo. Trong thời gian tại chức, Duterte đã yên ấm với cả hai lực lượng này. Với Cộng sản, “ Tôi khác với họ về hành động nhưng cùng chung mục đích và l‎í tưởng. Tôi là một người Xã hội Chủ nghĩa”. Ông tự nhận là “bạn” của các lãnh đạo kháng chiến Quân đội Nhân dân Mới (New People’s Army, NPA) và “tôn trọng” họ. Với Hồi giáo, Duterte ủng hộ giải pháp liên bang dành cho các địa phương nhiều tự trị hơn, và cá nhân ông thì tôi tin trời nhưng tôi không có đạo, nói cách khác ông tin vào một thượng đế chung với đạo Hồi và đạo Ki tô nhưng không theo đạo nào. Hiện Duterte đang đàm phán với đảng Cộng sản, hứa cho họ 4 ghế trong nội các về các mặt xã hội (“Bộ Lao động. Họ rất giỏi về mặt này”) và cho phép lãnh tụ Sison (Joma) trở về nước.

Nhân chiến tranh chống khủng bố, Philippines đã hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Hoa Kỳ sau khi có những vụ đánh bom tại Davao. Vào lúc đó một người Mỹ đã sơ ‎í làm nổ bom (người này mang theo) trong phòng khách sạn. Ông này bị cưa chân. Ba ngày sau nhân viên Hoa Kỳ tự xưng là FBI đến mang ông xuất viện và về nước. Chuyện này vẫn còn làm Duterte tức giận (“tôi căm hờn”) vì an ninh Philippines chưa kịp điều tra. Chà đạp chủ quyền Philippines là 1, nhưng biết đâu chính người Mỹ đặt bom để có cớ can thiệp đánh khủng bố. Vì vậy, khi Hoa Kỳ định dặt 1 căn cứ máy bay không người lái tại Davao thì bị Duterte bác, “Chỉ thêm giết chóc, chẳng ích lợi gì”. Đại sứ Mỹ phê bình việc từ chối này, Duterte đáp “Thì cắt quan hệ ngoại giao đi”. Giờ thì ông lại được bầu lên tổng thống!

Duterte với nắm đấm biểu tượng. Ảnh của Philstar.com / Efigenio Toledo IV

Với Trung quốc, ông đề nghị hợp tác và phát triển thương mại (tại các đảo tranh chấp). Cứ việc làm ăn và… làm ngơ. Ông đừng bảo là của ông và tôi cũng không bảo của tôi nhưng chúng ta đều khai thác. Nếu Trung quốc làm khó, ông sẽ lái mô tô nước 1 mình đến đảo họ đang xây phi cảng để cấm cờ Philippines và “Họ muốn làm gì tôi cũng được. Họ bắn tôi chết thì tôi trở thành anh hùng dân tộc!” Chẳng biết thế nào, nhưng trong vụ bắt con tin tại Davao, ông Duterte đã dám mang thân giao cho tù nổi loạn đổi lấy các con tin bị họ giữ thì ông cũng dám mặc quần đùi mà lướt sóng biển Đông như Triệu Vân Đơn Dương Trường Bản?

Trong một cuộc gặp báo giới

Ăn nói thì như thế nhưng đến giờ, nội các của ông Duterte gồm những thành phần kỹ phiệt quen thuộc tại Manila, thuộc chính quyền Benigno Aquino cũ. Trong 6 năm qua, ông Aquino đã đưa phát triển kinh tế Philippines lên mức 6% và giới đầu tư ở Philippines hiện thấy hài lòng với những lựa chọn của tổng thống tân cử. Về đối ngoại, với Hoa Kỳ hay là với Trung Quốc chắc cũng chẳng có nhiều thay đổi. Đến giờ, trong nước ông cũng chưa giết ai, chỉ đòi tái lập luật tử hình. Ông cho biết, sẽ cho phép mang hài cốt của cựu tổng thống Marcos theo ý‎ nguyện của gia đình về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, “không phải vì ông từng độc tài quân phiệt mà vì ông từng là một người lính” và sẽ ân xá cho cựu tổng thống Arroyo đang bị giam trong bệnh viện về tội tham nhũng. Trên thực chất, phát biểu thì linh tinh nhưng có lẽ chính sách của Duterte sẽ là dung hòa với các phía và duy trì đường lối kinh tế đang thành công của ông Aquino. Có khác chăng với những nhà chính trị cũ là trong các phía lần này có cả khối bình dân và lao động được ông đại diện.

Không sợ giặc, không sợ vợ, nhưng…

Digong cho biết ông sẽ không ngụ tại dinh Malacanang. Đây không phải vì ông ra vẻ dân túy xuềnh xoàng nhưng là vì ông sợ ma! Dinh 150 tuổi này có tiếng là lắm oan hồn vất vưởng nhưng Duterte kể lại là chính mắt ông từng thấy.

Hình từ trang này

Một đêm vào lúc 2 giờ sáng, ông ngồi đợi tổng thống Arroyo thì có một luồng gió điều hòa lạnh tạt qua. Ngước lên, ông thấy chân dung các tổng thống cũ trên tường quay mắt vào nhìn ông chầm chặp! Duterte không thấy đây là điềm các vị tiền nhân báo trước là ông sẽ có ngày leo lên tường đứng chung góp mặt mà chỉ thấy ớn xương sống! Tất nhiên, ma thì đáng sợ hơn là côn đồ băng đảng, là Trung Quốc hay là Mỹ.

Joma Sison, lãnh tụ đảng Cộng sản đang lưu vong tại Hà Lan là người vô thần không tin vào tâm linh, nên mới rồi chỉ nhắn tổng thống tân cử, anh coi chừng thằng quân đội.

*

SOI: Để đọc thêm các bài của Sáng Ánh, các bạn vào phần tìm kiếm, gõ tên tác giả vào ô tác giả, sẽ ra một danh sách bài.

Ý kiến - Thảo luận

16:24 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
Có phải người dân đã ngán những thần tượng sống, tìm về với những "nhân cách xám" (kiểu như kinh tế xám), dù "hắn" có chút vô luân đi nữa, thì vẫn tin được vì hắn có vẻ chân thành, hơn nữa, hắn lại thành đạt. [Lại thóng sang Trung Quốc, có 1 đại quan xuất phát từ cảnh sát quèn ở Huyện Ba, khi bị tù tội vì tham nhũng và gái gú, đã viết không tỏ ra tham tiền
...xem tiếp
16:24 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  dilletant
Có phải người dân đã ngán những thần tượng sống, tìm về với những "nhân cách xám" (kiểu như kinh tế xám), dù "hắn" có chút vô luân đi nữa, thì vẫn tin được vì hắn có vẻ chân thành, hơn nữa, hắn lại thành đạt. [Lại thóng sang Trung Quốc, có 1 đại quan xuất phát từ cảnh sát quèn ở Huyện Ba, khi bị tù tội vì tham nhũng và gái gú, đã viết không tỏ ra tham tiền và mê gái thì ai tin anh]. Nay có những cộng tồng sống kiểu chỉ biết hôm nay, mai tính sau. Còn nhớ một câu tiếng Nga, tạm dịch: "Sự lương thiện và đúng đắn tuyệt đối của nhân vật chính diện trở nên không đáng tin trong của một xã hội tù đọng, hủ bại." Và xin các chư huynh tham khảo thôi. Cách đây mấy năm bị một số công chúa truyền thông nói ngon nói ngọt, bảo anh viết đi, viết về văn học ây xin đi. Mình mò mẫm mãi chẳng tìm thấy cái khỉ gì để viết. Từ đó mới ngã ngửa ra là (ngoài những vị ếch thèm phát triển) còn một số vị phát triển trong tù đọng, hủ... Tây, ếch cần đến văn học. 
1:28 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  SA
Không ai đọc diễn văn của ông Obama cho tổng thống tân cử Philipines nghe nên ông Duterte nhích xa ra Hoa Kỳ ("Thế vẫn còn gần lắm"), nội các mới có 2 bộ trưởng của tả phái (phong trào Cộng sản) và theo ông Duterte, sẽ có cả Mặt trận Moro (Hồi giáo).

Với TQ chưa biết đường lối thế nào, GĐ mới Hải quan là 1 cựu đại úy nổi loạn từng chiếm KS Peninsula Manila (dưới
...xem tiếp
1:28 Wednesday,1.6.2016 Đăng bởi:  SA
Không ai đọc diễn văn của ông Obama cho tổng thống tân cử Philipines nghe nên ông Duterte nhích xa ra Hoa Kỳ ("Thế vẫn còn gần lắm"), nội các mới có 2 bộ trưởng của tả phái (phong trào Cộng sản) và theo ông Duterte, sẽ có cả Mặt trận Moro (Hồi giáo).

Với TQ chưa biết đường lối thế nào, GĐ mới Hải quan là 1 cựu đại úy nổi loạn từng chiếm KS Peninsula Manila (dưới thời bà Arroyo) để phản đối tham nhũng (quân đội phải đẩy xe bọc sát vào tận lobby KS này để bắt giữ) và từng dẫn dân đổ bộ giành lại đảo.

BT Quốc phòng được lôi ra từ 1 xó tối tăm: thiếu tướng này trước đó là tùy viên về cựu quân nhân của sứ quán Philippines ở Mỹ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả