Nghệ sĩ Việt Nam

Vĩnh biệt họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm về đoàn tụ cùng bộ tứ 15. 06. 16 - 8:44 pm

M. Nha tổng hợp

 

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một trong bốn nhân vật của bộ tứ Liên-Nghiêm-Sáng-Phái, vừa qua đời ngày 15. 6. 2016 tại Hà Nội. Ảnh: họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm do họa sĩ Lê Thiết Cương chụp.

 

Sinh năm 1918 nhưng giấy khai sinh lại đề 1922, tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một gia đình nhà nho, Nguyễn Tư Nghiêm vào học khóa XV trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 – 1946). Và theo bài báo này, “cho đến những năm cuối đời. khi đã ngoài 90, ông vẫn vẽ hàng ngày”.

 

Là một người ít nói, kín đáo, nhưng làm việc miệt mài và kiên trì, nhắc đến Nguyễn Tư Nghiêm là nhắc đến tấm gương lao động nghệ thuật. Như trong bài phỏng vấn này cho thấy, vẽ những tranh con giáp nho nhỏ thôi mà ông cũng vẫn trăn trở rất nhiều, tìm tòi để học hỏi tiếp. Ảnh: nhà báo Hoàng Anh và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, 2015

 

Chất liệu mạnh nhất của Nguyễn Tư Nghiêm là sơn mài truyền thống (nhưng không mài, “nó đã đạt hiệu quả mình muốn rồi thì việc gì phải mài?”), và về sau là bột màu, giấy dó. Chủ đề hay gặp trong tranh ông là những điệu múa cổ, Thánh Gióng, Kiều, và những con giáp. Màu ông yêu thích là màu của dân gian Việt Nam. Ông bảo: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”.

 

Một bức múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm.

 

Kiều và Kim Trọng, tranh khắc gỗ của Nguyễn Tư Nghiêm

 

Một bức Thánh Gióng bằng sơn mài, 1982. Ông vẽ rất nhiều tranh về Thánh Gióng với tạo hình mạnh mẽ, cùng một ông Gióng, một con ngựa, mà chất liệu khác nhau, tư thế khác nhau…

 

Một bức Gióng bằng bột màu, 1982

 

Một bức Gióng bằng sơn mài, 1982, dựa trên họa tiết trống đồng Đông Sơn.

 

Xem tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm, có cảm giác ông say mê đề tài này vì… con ngựa. Thánh Gióng là phụ, là một “đạo cụ” để con ngựa được biến hóa các tư thế mạnh mẽ trong tranh ông. Ảnh: một bức vẽ ngựa của Nguyễn Tư Nghiêm

 

Tranh con giáp trên giấy dó. Thể loại này Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ từ những năm 1980s, có lúc để bán cho cửa hàng lưu niệm lấy tiền mua vật liệu sáng tác, nhưng thường là vẽ trong dịp Tết để tặng bạn bè.

 

Là người lặng lẽ, kín đáo, tuy làm việc miệt mài với một khối lượng tác phẩm lớn, nhưng Nguyễn Tư Nghiêm ít làm triển lãm. Triển lãm cá nhân gần nhất của ông diễn ra vào tháng Ba năm 2015, tại gallery Ngàn Phố, cách triển lãm trước đó 31 năm. Ảnh: một bức vẽ mèo tại triển lãm.

 

Cả cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là bốn chữ “biết đủ là đủ” (trừ ham muốn làm việc của ông). Như rất nhiều họa sĩ vào thời của mình, năm 1945, ông đi theo Việt Minh, trở thành cán bộ kháng chiến của Nghệ An. Rồi ông lên chiến khu Việt Bắc, lại học tiếp khóa mỹ thuật kháng chiến được mở tại đây, xong trở thành giảng viên của trường mỹ thuật Việt Bắc do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Ảnh: giảng viên và sinh viên trường mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc. Họa sĩ Tô Ngọc Vân ngồi hàng đầu, thứ năm từ bên phải sang.

 

Thời kháng chiến, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ ký họa nhiều. Bằng bút pháp sinh động, chất liệu nào cũng thuần thục, ông vẽ những bức đại cảnh về đời sống nhân dân. Như bức “Trẻ em chơi” (1966), hiện thuộc bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn.

 

Hay bức “Đêm giao thừa”này mà họa sĩ Đỗ Phấn đã bình: “Một hân hoan tràn ngập lung linh sắc màu trong đêm giao thừa hồ Gươm sau ngày hòa bình lập lại với những tà áo dài Hà Nội phấp phới bay bên cạnh những bộ áo quần chiến sĩ và công nhân tươm tất như thời trang ngày hội.”

 

Nguyễn Tư Nghiêm tránh các đám đông, các bàn trà lá, lại ít nói về mình. Các bài viết về ông vì thế thường nói nhiều về quãng đời sau này, khi ông gặp bà Thu Giang (con gái cố nhà văn Nguyễn Tuân) vào tuổi 70. Trong ảnh: vợ chồng họa sĩ chụp cùng cô Phan Thanh Phong của báo Nhân Dân Hàng tháng, trong một triển lãm các minh họa của báo vào đầu 2015.

 

Bà Thu Giang vốn là một họa sĩ mỹ thuật công nghiệp. Bà là con thứ bảy của nhà văn Nguyễn Tuân và hiện là người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam là giám đốc hai bảo tàng tư nhân: bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân (lập ngày 29. 12. 2011) và bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm (lập ngày 18. 1. 2012). Nguồn: TTVH. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Một cá tính chân chất và bền bỉ, một gia đình tuy muộn nhưng chắc chắn, kỷ luật…, là cái nền vững chãi để tài năng của họa sĩ vừa phát huy vừa ổn định. Xem những bức bột màu của Nguyễn Tư Nghiêm, những bức hoa xinh xinh, màu sắc ngọt ngào…

 

Hay những con giống màu của dân gian và vui như dân gian…

 

… hay hình thiếu nữ với màu sắc và dáng vẻ dễ chịu… Tất cả cho một cảm giác ông thật hài lòng với cuộc đời này: có tài năng, được trân trọng, được chăm sóc, được sống thọ. Vĩnh biệt ông, người cuối cùng của bộ tứ ngày nào.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả