Gẫm & Bình

Bước qua “toán năm”! 22. 04. 10 - 12:29 am

VŨ LÂM (Bản full)

Một lần, xem một trận bóng đá ở nhà một nhà sưu tập tranh có tên tuổi ở TP.HCM, thấy một cú sút phạt cách cầu môn 25m, cầu thủ sút phạt bắn một quả như trái phá xuyên thẳng qua hàng rào, bay trên tay thủ môn, chui vào lưới. Ông sưu tập tranh vỗ đùi đen đét tán thưởng rồi nói vui: “Nó sút thế chứ, chứ còn cứ nhìn thấy trước mặt toàn Sáng – Nghiêm – Liên – Phái thì sút thế quái nào được”…

Đoàn Xuân Tặng. “Fly”, acrylic & oil on cavas, 155 x 135cm.

Cứ tưởng tượng một tân binh mới tham dự một trận đấu lớn, phải sút phạt mà có hàng rào. Nếu đứng trước mặt anh ta toàn là Pele, Gruiff, Beckenbauer, Maradona, Zidan… mà anh ta không dám nhìn như chỉ là một cái hàng rào người, mà nhìn như nhìn các tên tuổi lừng lững anh ta thường thấy trong các giấc mơ, thì đúng là rủn chân không thể sút được thật.

Câu nói vui của nhà sưu tập nọ, là chuyện bóng đá, nhưng dịch chuyển ra chuyện sáng tác nghệ thuật. Một nghệ sĩ trẻ, trước bất cứ thành tựu sáng tác nào của người đi trước cũng là đáng trân trọng, nhưng trước sau muốn trưởng thành thì đều phải đi qua những kiệt tác ấy mà sáng tác ra tác phẩm mới cho chính con người mình, thời đại mình…

Xem triển lãm “Năm & 1”của năm họa sĩ trẻ đầu 7x vừa khai mạc những ngày giữa tháng Tư vừa qua tại Gallery Thanh Bình (25 -27 Tràng Tiền, Hà Nội), gồm: Doãn Hoàng Lâm (1970); Lý Hùng Anh (1975); Lưu Vũ Long (1976); Lê Anh Quân và Đoàn Xuân Tặng (1977). Tôi lại nhớ đến câu chuyện vừa kể. Bởi cái tên của triển lãm nhóm năm người gợi nhớ về thời kỳ đầu của Hội họa Đổi mới hai chục năm trước. Hồi đó cũng có một triển lãm nhóm họp với năm họa sĩ lúc ấy cũng chừng tuổi trên dưới ba mươi: Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Hồng Việt Dũng. Báo chí nước ngoài khi ấy gọi họ là “Gang of five” của Hội họa Đổi mới (cần lưu ý, cách gọi này cũng chẳng “tử tế” gì lắm, đó là cách gọi đường phố chỉ tính bè lũ, không sang trọng, tạm dịch là “toán năm người”).

Cả năm người này sau đó mỗi người một ngã rẽ, nhưng tất cả họ đều thành danh, không nổi tiếng về nghệ thuật thì cũng được về phần danh vọng hoặc tiền tài. Sự thành công của họ là một “tấm gương sáng” cho các lớp đàn em kế tiếp. Cái từ “gang of five” cũng nghiễm nhiên trở thành một từ “danh thương hiệu”.

Sự thành công nào thì sau đó cũng sẽ trở thành những bài học, được láy lại để “cho vui”. Cũng như ban nhạc nổi tiếng nào sau khi rã đám thì tiếp đó cũng có các ban nhạc “hát cover”. Gần đây thấy có nhóm thư pháp Tiền vệ của một số họa sĩ và các nhà nghiên cứu Hán – Nôm trẻ cũng tự gọi mình là Zenei Gang of Five (vì họ cũng có năm người). Các sáng tác của nhóm thư pháp năm người này chủ yếu là các bức thư pháp viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nhưng được cách điệu hóa đến trừu tượng không thể đọc được nghĩa, chỉ còn vẻ đẹp tự thân của hình nét bút và mầu đen trắng đậm nhạt trên nền giấy.

Trở lại với sáng tác của “toán năm” 2010 lứa 7x này, phải công nhận là các tác phẩm của họ khá đẹp và hiện đại, có thể mua treo ở bất cứ căn nhà có kiến trúc mới nào. Vẫn là phong cách Biểu hiện – Trừu tượng cũng như của các đàn anh hai mươi năm trước.

Mỗi họa sĩ đều xoay những bức tranh quanh đời sống cá nhân và những đề tài quen thuộc mà họ chuyên nghiệp theo đuổi.

Ở họa sĩ Lý Hùng Anh là những hình ảnh gợi xúc cảm mầu đen trên nền toan trắng, bố (anh) cõng con (em), một bà già đội khăn đen.

Lý Hùng Anh, “Quiet”, acrylic on canvas, 160 x 200cm.

 

Ở họa sĩ Doãn Hoàng Lâm là những thân thể nude vặn vẹo, tranh mới của anh là tự họa và chân dung con gái.

Doãn Hoàng Lâm, “Little girl”, oil on canvas, 108 x 108cm

Họa sĩ Lưu Vũ Long là những bức vẽ với nhiều mô – típ hay gặp về những khuôn mặt và một đám đông vận động như những dấu hỏi.

Lưu Vũ Long, “Antibiotic 1”, acrylic & oil on cavas, 100 x 130cm

Họa sĩ Lê Anh Quân bày ra một loạt 6 bức chân dung “chẳng phải của anh mà cũng chẳng của ai cả”.

Lê Anh Quân, “Portrait”, acrylic on canvas, 130 x 100cm

Họa sĩ Lê Thiết Cương (người giúp phần tổ chức cho triển lãm này) rất xúc cảm trước loạt chân dung trên nên ông gọi đó là những “chân dung nháp” và ông nhấn mạnh:

“Đời sống của mỗi người thực chất là một bản nháp. Nhưng nó có thực và nó nhắc nhở con người ta phải sống thực dù là sống nháp…”.

Sự dịch chuyển nhấp nháy cuối cùng là ở loạt ba tác phẩm của họa sĩ Đoàn Xuân Tặng. Đề tài quen thuộc từ trước tới nay của họa sĩ là vẽ những thiếu nữ Mông với trang phục dân tộc với bảng mầu rất rực rỡ mang tính lưu niệm.

Đoàn Xuân Tăng, “Disguise”, acrylic & oil on canvas, 155 x 85cm (x 3)

Nhưng ở triển lãm này, có vẻ như họa sĩ đã băn khoăn tới một quá trình đổ vỡ văn hóa ở những vùng sắc tộc thiểu số mà anh hay đi lại thăm quan. Bức tranh “xấu đi” theo một nghĩa nào đó, nhưng sự quan tâm tới những vấn đề lớn hơn khiến nội hàm tinh thần của tác phẩm cũng tăng theo…

Hy vọng về lâu dài, mỗi một “toán năm” sinh ra sau Hội họa Đổi mới đều sẽ có ý thức bước qua “Gang of Five” của thời trước. Để người xem có thể chân thành vui mừng rằng có thêm một “toán năm” mới chứ không phải là thêm một “toán năm” nữa…!

Ý kiến - Thảo luận

15:24 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Theo tôi họa sĩ trẻ bây giờ (nói chung nhé, không nói 5 họa sĩ ở trên đây đâu) không bị dọa bởi Nghiêm Liên Sáng Phái nữa đâu. Bây giờ họa sĩ trẻ cứ chuẩn bị sút phạt là lại thấy Chương Quân Tuân Luận đỗ xe lừng lững trước mặt, khó có thể tập trung mà sút thẳng được.
...xem tiếp
15:24 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Theo tôi họa sĩ trẻ bây giờ (nói chung nhé, không nói 5 họa sĩ ở trên đây đâu) không bị dọa bởi Nghiêm Liên Sáng Phái nữa đâu. Bây giờ họa sĩ trẻ cứ chuẩn bị sút phạt là lại thấy Chương Quân Tuân Luận đỗ xe lừng lững trước mặt, khó có thể tập trung mà sút thẳng được. 
5:09 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Trung
có lên Thái bình dương
đằng nào thì cũng bất tài rồi, ít nhất đẻ cho thiên hạ thấy sự nỗ lực
...xem tiếp
5:09 Tuesday,8.6.2010 Đăng bởi:  Trung
có lên Thái bình dương
đằng nào thì cũng bất tài rồi, ít nhất đẻ cho thiên hạ thấy sự nỗ lực 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả