Nghệ sĩ Việt Nam

Bùi Tiến Tuấn: Người Hội An phải vẽ Hội An theo kiểu khác 04. 07. 16 - 6:01 am

Lý Đợi

HỘI AN HOÀI NIỆM
Triển lãm 18 tranh giấy dó khổ lớn, vẽ năm 2015 của Bùi Tiến Tuấn

Thời gian: Từ ngày 1.7 cho đến khi đóng cửa; mở cửa từ lúc 11h đến 20h, thứ Hai đến thứ Bảy
Địa điểm: À Gallery, 46 Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, Q.1, TP.HCM.

Tác phẩm “Một ngày nắng lạ”, màu nước trên giấy dó, 57,5 cm x 106 cm, 2015

Trình tự mạch lạc cho những thay đổi, hay là một giai đoạn sáng tác mới? Đây là câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra khi xem loạt tranh Hội An hoài niệm của Bùi Tiến Tuấn.

Tại triển lãm cá nhân lần thứ 7 này, Bùi Tiến Tuấn trở lại với đề tài phong cảnh, điều mà anh đã từng mày mò, lăn lộn, rời xa từ gần 20 năm trước. Nhưng đây lại là phong cảnh phố cổ Hội An – quê hương anh – nên tự nó như là một món nợ phải trả, một nỗi lòng cần giãi bày, một câu chuyện cần sẻ chia. Vì trong sâu thẳm tâm hồn, hoặc bất chợt cảm xúc, ai mà không có một quê hương để nhớ, để quên, để buồn/vui và hoài niệm.

Nối giữa hai đầu cầu phong cảnh (như là cái nhìn ngoại giới), Bùi Tiến Tuấn khá thành công với chân dung phụ nữ (như là cái nhìn nội giới) trên nhiều chất liệu, đặc biệt là lụa, sau đó đến giấy dó, sơn mài và cả sơn dầu. Từ cái nhìn bên ngoài đi vào bên trong, nay trở ra, phong cảnh đã có những đổi khác, nhất là về tâm thế và tâm thức.

Tác phẩm “Ký ức xanh”, màu nước trên giấy dó, 62 cm x 106 cm, 2015

Nó là sự đan kết giữa tính biểu hiện, của tinh thần lãng mạn, và đôi khi chạm đến tính trừu tượng. Tất cả được biểu hình và biểu cảm khá uyển chuyển – như cá tính và hành trình mà Bùi Tiến Tuấn đã đi qua. Sự quyết liệt đôi khi cực đoan đã làm nền cho cách nhìn nhiều ẩn dụ của người đương thời về câu chuyện phố cũ. Phố của hoài niệm, hay của một phần ký ức, và cả của những ước muốn phi thời.

Với cách xây dựng bố cục không phức tạp, nhưng lại khá riêng tư, vì không dễ gì để nhìn Hội An xuyên thấu từ bên ngoài (vốn dễ đánh lừa thị giác) vào bên trong, với một cõi riêng ở xứ thương cảng – du lịch, dễ xã giao nhưng đâu dễ chia sẻ tận lòng. Những bức tranh, vì vậy, có nhân ảnh cũng như không có nhân ảnh, ma mị và xóa nhòa trước hiện thực nhiều màu sắc và sôi động của một di sản đang quay cuồng trong du lịch, trong ánh mắt của đa phần người lạ.

Tác phẩm “Chớm Xuân về”, màu nước trên giấy dó, 56 cm x 106 cm, 2015

Với Hội An, Bùi Tiến Tuấn không chỉ bày biện ra một cái nhìn quen, đôi khi thoảng thốt, mất phương hướng với hiện tại. Những tác phẩm Hội An hoài niệm đang tìm cách lột tả những dòng chảy đời sống, những tâm trạng đang ẩn nấp âm thầm phía sau những cánh cửa kia.

Một điểm đáng chú ý khác của loạt tranh này, đó là tất cả tuân thủ bố cục ngang, vừa dàn trải nhịp nhàng theo kiểu chương hồi của hoài niệm, vừa chuyển động theo dòng thời gian, theo sự phôi pha. “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngát/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh”, Đoàn Phú Tứ (1910-1989). Vì vậy, họa sĩ chủ ý cắt cảnh ở cự li gần, khuôn hình tĩnh, trung thành với cấu trúc xây dựng và phong thủy đặc trưng của phố cổ Hội An. Điều này tạo sự đối trọng giữa tâm cảnh muốn bình yên với ngoại cảnh bị chi phối bởi xao động, qua đó người xem tìm ra được những nhịp cầu song thoại.

Họa sĩ cũng khá thành công ở khả năng làm chủ vật liệu, chất liệu và cả chất thơ mộng được ẩn giấu bên trong hòa sắc tưởng chừng như “chết lặng” kia. Thế nhưng, do nương theo đặc tính của giấy dó, của màu nước – nơi độ loang, sự nhòe mờ và cả sự giao thoa màu có thể tạo nên hiệu ứng bất ngờ về sự chuyển động. Có đôi lúc ta cảm giác như họa sĩ mất kiểm soát, đúng hơn, bất lực trước sự chuyển động đầy ngẫu nhiên này. Nhưng cũng chính nó đã tạo nên được tiết tấu bất định, ngẫu hứng, với sức tuôn chảy đầy cảm xúc.

Tác phẩm “Chiều nắng lạ”, màu nước trên giấy dó, 50 cm x 106 cm, 2015

Đã có rất nhiều họa sĩ đến với Hội An thời chưa mở cửa và để lại dấu ấn, nơi hiện thực được tinh giảm đến mức tượng trưng, ẩn dụ, khơi gợi. Xem tranh của họ khó nhận ra được tâm cảnh của người Hội An. Bùi Tiến Tuấn đã chọn cách khác, hoặc đúng hơn, người Hội An phải vẽ Hội An theo kiểu khác. Trong cái cô quạnh, u tịch, ma mị (với sắc đen bàng bạc), người xem có cảm giác như đang cùng tác giả trở về một Hội An trước khi hồi sinh, trước khi là di sản thế giới, trước khi chìm đắm trong lồng đèn đa sắc.

Hội An một thời rất quạnh quẽ, nó vốn đã đi qua thời gian, đã là dĩ vãng – nơi “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Dường như Bùi Tiến Tuấn vẽ một tâm sự, một nỗi niềm Hội An mà người ngoài cuộc khó nắm bắt, còn người trong cuộc cũng không muốn nói ra. Đôi khi một gốc cây bất ngờ xuất hiện sừng sững, đôi khi một cửa sổ chễm chệ…, tất cả trở thành yếu tố để hình dung về một nỗi niềm nào đó.

Và cuối cùng, đây là một cột mốc có tính bản lề của Bùi Tiến Tuấn, nơi anh có thể lột xác để mở ra con đường mới mẻ, mạnh mẽ hơn nữa. Anh hoàn toàn sở đắc được kỹ thuật và tích lũy đủ năng lượng để vươn ra ngoại giới với phong cảnh, với đại cảnh, với những câu chuyện thế sự, đại tự. Hoặc là, anh vẫn tiếp tục con đường đã tựu thành mà bản thân đi khá bền vững, bình yên, trước khi có Hội An hoài niệm.

*
VỀ HỌA SĨ

Năm 2006, Bùi Tiến Tuấn trình làng một triển lãm cá nhân với nhiều tranh sơn dầu có chủ đề xã hội đương thời. Tác phẩm trong hình là “Những hình nhân trên đường phố 1”, sơn dầu trên bố, 150 x 150 cm, 2004.

 

Dù theo học chuyên ngành về lụa, nhưng từ thời sinh viên (đầu thập niên 1990), Bùi Tiến Tuấn đã theo học thêm kỹ thuật giấy dó từ họa sĩ Nguyễn Đức Hòa – thời đó anh vẽ và bán tranh giấy dó khá nhiều. Những năm 1999-2000, Bùi Tiến Tuấn vẽ loạt tranh trừu tượng trên giấy dó, để lại ấn tượng khá tốt với người xem. Tác phẩm trong hình là “Hai miêu nữ”, màu nước và mực trên giấy dó, 80 x 60 cm, 2013.

 

Trong các sáng tác lụa, Bùi Tiến Tuấn đã dành một tâm huyết sâu đậm để vinh danh lụa Mã Châu. Làng lụa Mã Châu (nay thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng từ thế kỷ 16. Sau nhiều thăng trầm, hơn 15 năm trở lại đây, làng lụa đã hồi sinh, nay vẫn còn hàng chục gia đình có 5-7 đời làm nghề ươm tơ dệt lụa. Công việc đặc biệt của những họa sĩ như Bùi Tiến Tuấn đã góp một tiếng nói hồi sinh và quảng bá tinh hoa từ lụa Mã Châu. Vì vậy mà tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn được nhiều bảo tàng mỹ thuật, nhà sưu tập trong nước và quốc tế chú ý. Trong hình là tác phẩm “Cô nàng quyến rũ”, màu nước và mực trên lụa, 82 x 135 cm, 2011.

 

Trong hai năm 2014 và 2015, bên cạnh lụa và giấy dó, anh đã thực hiện nhiều tranh sơn mài với chủ đề phụ nữ. Với chất liệu này, Bùi Tiến Tuấn còn cả một con đường đấy hấp lực phía trước. Tác phẩm trong hình: “Thiếu nữ”, sơn mài, 134 x 88 cm, 2013.

La Hán Phòng 22. 4. 2016

 

Ý kiến - Thảo luận

18:30 Saturday,15.12.2018 Đăng bởi:  Hoang Le Chuc
 
Chưa chuẩn bị, xin hẹn dịp khác !
...xem tiếp
18:30 Saturday,15.12.2018 Đăng bởi:  Hoang Le Chuc
 
Chưa chuẩn bị, xin hẹn dịp khác ! 
8:40 Thursday,7.7.2016 Đăng bởi:  Người Hội An
Tâm tư phủ lên lớp vàng son quá vãng.
...xem tiếp
8:40 Thursday,7.7.2016 Đăng bởi:  Người Hội An
Tâm tư phủ lên lớp vàng son quá vãng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả