Mấy tấm hình chụp vào thời điểm nào thì tôi thích đoán hơn là hỏi chị.
Chắc là vào trong thập niên 1980, khi chiến tranh biên giới vẫn còn dùng dằng với Iran kẻ thù truyền kiếp. Tấm chân dung của ông Saddam là một ảnh cũ, một thập niên về trước nữa. Tôi nghĩ vậy, như các nhân viên địa ốc hay cố vấn thẩm mỹ ở Mỹ vẫn áp dụng khi đăng quảng cáo tự giới thiệu mình.
.
Thập niên 80, đám quần chúng này chắc là cổ võ gì đó. Quân đội quốc gia đang giành lại Vịnh Ba Tư cho người Ả Rạp bằng đủ mọi cách, kể cả võ khí hoá học. Nhà máy chế tạo loại võ khí này lúc đó là do một công ty Hoa Kỳ xây dựng, dùng trang bị của Tây Đức và chuyên gia kỹ thuật người Anh.
Tôi có nghe bà chị kể, Baghdad là một thành phố đẹp nhất khu vực. Một người khác bảo không có nơi nào sống thoải mái hơn, mà tôi lại những tưởng đó là Damascus.
.
Lúc những tấm ảnh này được chụp, ông Saddam đang làm chủ, và ông độc tài đến cả dòng Euphrates, gọi nắng lên và kêu mưa xuống. Baghdad thì tôi không biết, năm 1969, tôi chỉ trên chuyến tàu bay đáp xuống vài giờ (lúc từ Sài Gòn sang đến Pháp còn phải nhiều chặng nghỉ kỹ thuật). Sân bay giữa đêm rất vắng bóng điện yếu, cạnh đường băng trấn vài chiếc xe bọc sắt ngái ngủ. Phi hành đoàn nhắc đi nhắc lại dặn dò: không được mang xuống tàu bất cứ báo chí, ấn phẩm nào dù bằng tiếng nước ngoài hay tiếng Ả Rạp. Tôi ra khỏi nước lần đầu, đã gặp ngay một nơi chế độ kiểm soát còn gắt gao hơn là Miền Nam.
Môt năm trước đó, Trung ương Tình báo Hoa Kỳ vừa giúp Đảng Bath lật đổ tướng Aref để chận đứng liên minh của ông này với Đảng Cộng sản Iraq. Bộ trưởng Thông tin của chính phủ mới là một ông Saddam Hussein, có lẽ không xa mấy với chân dung chụp ở trên.
Nhưng Saddam thì Saddam, chiến tranh thì chiến tranh, Baghdad của Ginane hiền hoà. Trên tấm ảnh mấy người đàn ông ngồi hút thuốc, đằng sau là xe bán rong rau quả, cam hay cà chua, người đàn ông gác một chân lên ghế phía cực tả, theo cái quần ông mặc, là một người Kurd. Không biết đồng tộc của ông ở miền Bắc đã ăn hơi ga độc hay chưa nhưng Baghdad vào giờ đó vẫn như là trong ký ức của Muntazer al-Zaidi, được thế giới biết đến như kẻ ném hụt giày vào mặt George W. Bush.
.
Lúc đó chúng tôi là một quốc gia nơi người Ả Rạp, người Turkman, và người Kurd và người Assyrian và người Sabean và người Yazid, cùng chia nhau miếng ăn thường nhật. Và người Shia với người Sunni cầu nguyện chung một hàng.
Em gái bé áo tím phía sau những người ngồi ở ảnh trên, ta thấy rõ hơn ở ảnh sau. Em đứng nhìn một phụ nữ Ả Rạp lạ chụp ảnh như các em ở một trường làng phố huyện Hải Dương gọi nhau ra nhìn tôi “Ông này ở miền Nam”. Chiến tranh ở biên giới và ở Baghdad em bé áo tím này chưa chạy pháo, em chưa trừng trắng dã con mắt bom người.
.
Kiểu nào, thì giữa những tấm ảnh chị tôi chụp và Baghdad ngày nay, tôi thấy vắng một triệu người thiệt mạng.